Nguyên trưởng khoa Khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần -
AloBacsi ơi, tôi thường xuyên đau đầu, mất ngủ, dễ xúc động…?
Câu hỏi
Chào AloBacsi, Tôi 20 tuổi, mắc chứng đau đầu nhiều năm nhưng chưa đi khám BS. Tôi là người sống nội tâm, mỗi khi có chuyện gì xảy ra, hay trắc trở gì trong cuộc sống tôi thường nghĩ không lối thoát, làm việc gì cũng bị ám ảnh (thường những gì tôi bị ám ảnh đều xảy ra trong chuyện tình cảm) ngay cả trong giấc ngủ khi giật mình dậy tôi cảm thấy mình bị ám ảnh bởi một điều gì đó không định hình được, có khi những điều đó liên quan đến cuộc sống hiện tại. Tôi thường xuyên mất ngủ, ngày nào cũng thấy mệt mỏi, bất an, đau đầu và căng thẳng, ăn không ngon, không thể tập trung vào công việc. Ngủ hay bị “ma đè”, có đêm xảy ra 3-4 lần… Nhiều lúc tôi tưởng tượng những gì đã xảy ra và sắp xảy ra, hay nghĩ mình đang nói chuyện với ai đó…và lắp bắp một mình. Trước kia dù cho buồn, xúc động cũng rất khó làm tôi khóc, nhưng giờ thì rất dễ khóc… Những lúc không giải quyết được vấn đề nan giải hay chán nản điều gì tôi thường có ý nghĩ sẽ chết, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa… Nhiều lúc tôi nghĩ mình có nhiều bệnh: rối loạn nhu động ruột, xung huyết thành tá tràng, răng hàm mặt, tai mũi họng, khớp… Hiện tôi đang gặp rắc rối trong chuyện tình cảm, gia đình, công việc… tôi cảm thấy căng thẳng, áp lực nhiều hơn, đau đầu triền miên… Đáng nói hơn là chuyện tình cảm, tôi đã rất cố gắng nhưng không thể thay đổi được, tôi muốn buông tay tất cả nhưng không thể… Mong AloBacsi giúp tôi thoát khỏi tình trạng này. (T. Trinh - TPHCM)
Trả lời
Chào Trinh,
Các dấu hiệu em liệt kê trong thư: ý nghĩ bi quan (thường xuyên nghĩ bản thân sẽ chết, mọi thứ trở nên vô nghĩa, suy nghĩ không lối thoát khi gặp khó khăn), cảm xúc không ổn định (dễ khóc, dễ xúc động), thường nghiền ngẫm ám ảnh về những gì đã xảy ra, lo âu bất an về những chuyện đã hoặc chưa xảy ra, đau đầu nhiều, trạng thái nghi bệnh (nghĩ mình có nhiều bệnh, cảm giác có thể chết bất cứ lúc nào vì bệnh), ngủ không thẳng giấc, thường xuyên gặp ác mộng, ăn không ngon miệng, tập trung chú ý kém, sút giảm trí nhớ; bế tắc trong đời sống tình cảm… cho thấy em đang trong tình trạng lo âu trầm cảm nặng, cần phải điều trị tích cực.
Tuy nhiên, đó chỉ là kết luận dựa trên các chi tiết được mô tả một cách chủ quan từ bản thân em. Chẩn đoán chính xác nhất phải dựa trên quan sát trực tiếp, thăm khám người bệnh, kết hợp với các thông tin khác từ phía em và người thân cận; từ đó mới có cơ sở vững chắc giúp ích cho quyết định lựa chọn thuốc men điều trị.
Thuốc trong điều trị trầm cảm khá đa dạng tùy theo bệnh trạng, mức độ, thể chất và điều kiện kinh tế của bệnh nhân mà có chọn lựa tương ứng (bảo hiểm y tế hiện tại có chi trả cho việc điều trị trầm cảm- và các bệnh lý tâm thần).
Lưu ý rằng, quá trình điều trị bệnh trầm cảm - cũng như các bệnh lý tâm thần khác, đòi hỏi phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, người bệnh không thể tự ý dùng thuốc, lại càng không thể tự ý mua thuốc ở ngoài mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Việc cần thiết cho em lúc này là khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngay lập tức để có thể điều trị sớm nhất có thể, nhằm phục hồi nhanh và tốt nhất sức khỏe cũng như giảm thiểu tối đa chi phí điều trị.
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình