Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi ơi, có phải anh cháu bị động kinh cơn vắng ý thức?

Câu hỏi

Thưa các BS, Anh cháu 28 tuổi. Khi còn nhỏ, lúc trời nắng bị sốt cao thường không nhận thức được đang ở đâu. Cách đây một năm, anh bị tai nạn, đã chụp CT scan nhưng không phát hiện tổn thương. Hai tháng nay, anh cháu 3 lần có hiện tượng sau: tay nắm chặt, chép chép miệng, mắt trân (lần gần đây nhất mắt đảo), chân đứng đơ, dừng hoạt động đang làm, thời gian khoảng 30 giây. Có lần không biết là đang đi đâu. Xin hỏi AloBacsi, có phải anh cháu bị động kinh cơn vắng ý thức không ạ? Gia đình có đưa anh đi khám, bác sĩ cho điện não và xét nghiệm máu, không thấy bất thường. Sau đó khám ở BV Tâm thần, bác sĩ yêu cầu nhập viện để theo dõi. Nhưng vì nhiều nguyên nhân nên anh không thể nhập viện. Anh cháu bị nhiễm virut viêm gan B, có thể dùng thuốc chống động kinh như Depakine được không? Xin cảm ơn. (My Vien - myv…@gmail.com)

Trả lời

BS-CK1 Lý Quốc Mai Anh

BS-CK1 Lý Quốc Mai Anh

Bác sĩ tâm lý - Khoa Y, đại học quốc gia TPHCM, Phòng khám Tâm Gia An

Ảnh minh họa - nguồn internet 
Ảnh minh họa - nguồn internet

Chào My Vien,

Các biểu hiện: tay nắm chặt, chép chép miệng, mắt nhìn trân trân- đảo mắt, dừng mọi hoạt động, lay gọi không đáp ứng diễn ra trong thời gian ngắn 30 giây, lặp đi lặp lại nhiều lần mà em nêu trong thư chính xác là biểu hiện cơn động kinh.

Để có thể xác định chắc chắn đây là loại cơn động kinh gì (vắng ý thức hay cục bộ phức tạp), cần khai thác thêm thông tin từ chính bản thân người bệnh: có cảm giác gì lạ trước cơn hay không, trong cơn có cảm giác như thế nào, có biết mọi việc đang diễn ra xung quanh hay không, sau cơn có gì khó chịu không, diễn tiến sau cơn là hồi phục hoàn toàn về trạng thái bình thường hay có khó khăn gì không…, ngoài dạng cơn như trên có biểu hiện cơn nào khác hay không.

Việc chẩn đoán chính xác loại cơn động kinh đòi hỏi kinh nghiệm và sự tinh tế của bác sĩ chuyên khoa; là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn thuốc- bởi 1 thuốc chống động kinh đôi khi hiệu quả kiểm soát cơn rất tốt đối với loại cơn này, nhưng lại làm nặng thêm loại cơn khác.

Cần phối hợp thêm bản đo điện não và đôi khi là chẩn đoán hình ảnh (CT scan hoặc MRI) nhất là đối với các trường hợp có tiền sử chấn thương đầu trước đây (cần lưu ý rằng: các tổn thương nhỏ có thể không phát hiện được trên các hình ảnh thực hiện giai đoạn sớm sau chấn thương) để có thể quyết định phương án điều trị phù hợp: thuốc hay có chỉ định ngoại khoa đi kèm.

Về việc nhiễm viêm gan siêu vi B, cần xác định tình trạng hiện tại có hiện tượng hủy tế bào gan hay không (dựa vào đánh giá nồng độ men gan trong máu) để có lựa chọn thuốc phù hợp mà không gây nặng thêm bệnh lý viêm gan, cũng như đảm bảo được nồng độ thuốc chống động kinh hiệu quả.

Do đó, anh trai em cần được khám bởi bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực động kinh để xác định chính xác tình trạng bệnh, các tổn thương não đi kèm và tình trạng chức năng gan mới có thể quyết định điều trị thích hợp.

Thân chào em,


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X