Hotline 24/7
08983-08983

Huyết áp tăng vọt, xử trí thế nào?

Huyết áp đang ổn định bông nhiên tăng vọt, tình trạng này do đâu và nên xử trí thế nào? Thắc mắc này đã được ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

Ba em bị tăng huyết áp, thi thoảng chỉ số huyết áp đo được là trên 190mmHg. Xin BS chia sẻ kinh nghiệm, trong trường hợp huyết áp tăng vọt, người nhà cần xử trí thế nào? Trường hợp tăng vọt lên bao nhiêu thì cần đưa đi bệnh viện?

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: Đây là trường hợp cũng rất thường gặp trong thực tế. Vấn đề này chia làm hai tình huống:

Thứ nhất, khi bác sĩ kê đơn, thuốc phải tốt thì 28 ngày trong một tháng mới đạt yêu cầu (120, 130mmHg), như vậy rất khó để từ một thuốc “mạnh” bỗng nhiên “yếu” làm huyết áp tăng vọt lên 190mmHg.

Như vậy, theo tôi con số này tăng vọt lên trong ngày thường do một vấn đề khác xen vào, thường liên quan thần kinh (mất ngủ, lo lắng) hoặc tiểu đêm nhiều, ăn quá mặn hoặc bị một bệnh khác kèm theo. Ngoài ra, còn một vấn đề sức khỏe khác đó là chóng mặt, rối loạn tiền đình, nếu đo huyết áp trong thời gian đó có thể không chính xác.

Do đó, khi điều trị phải chữa cả những bệnh làm huyết áp tăng cao, không phải tăng liều thuốc huyết áp. Điều này đòi hòi bác sĩ phải dày dặn kinh nghiệm chinh chiến. Nếu bệnh nhân mất ngủ, chúng tôi thường khuyên bình tĩnh, uống thuốc an thần. Nếu chóng mặt sẽ có một loạt thuốc để điều trị.

Thứ hai, đó có thể là cơn tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp ác tính, điều này sẽ thực sự nguy hiểm. Nghĩa là huyết áp đột ngột tăng cao và sẽ chỉ nguy hiểm khi sự tăng cao này gây biến chứng của các cơ quan trọng yếu trong cơ thể. Chẳng hạn tăng huyết áp làm nhức đầu, chóng mặt, ói mửa và khiến cho bệnh nhân mê sảng. Khi đó, bệnh nhân cần được đưa ngay đến bệnh nhân để hạ áp khẩn cấp, tránh cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim.

Đối với cơn tăng huyết áp đe dọa, ở tuyến cơ sở bác sĩ thường sẽ cho thuốc ngậm dưới lưỡi Captopril (có nhiều liều lượng, 25mg, 50mg) giúp hạ huyết áp nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo tôi, đa số trường hợp sẽ rơi vào trường hợp một, vì vấn đề nào đó làm huyết áp tăng “giả tạo”, không phải thực sự là do huyết áp không kiểm soát được.

>>> Nhiều người trẻ vừa qua ngưỡng 20, 30 tuổi đã bị tăng huyết áp

>>> Kiểm soát huyết áp, chỉ số bao nhiêu là lý tưởng?

Em cứ gặp bác sĩ là hồi hộp, lo lắng, đo huyết áp tăng vọt lên 160/100, mạch 110; nhưng về nhà dùng máy đo lại thì huyết áp chỉ 117/68, mạch 66. Em khỏe mạnh, không rượu bia, thuốc lá. Em muốn hỏi, tăng huyết áp khi nào là bệnh lý, khi nào là tình trạng phản ứng trong chốc lát? Em có nên uống thuốc hạ áp không? Cám ơn bác sĩ.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: Nếu bạn nằm trong độ tuổi trẻ, chỉ gặp bác sĩ huyết áp mới tăng thì thường là hội chứng áo choàng trắng. Đây là hội chứng diễn tả bệnh nhân ở nhà huyết áp bình thường, đạt tiêu chuẩn nhưng vào bệnh viện, gặp bác sĩ bỗng tăng vọt. Điều này là do kích thích hệ thần kinh giao cảm, lo lắng, tim đập nhanh, vì vậy việc kiểm soát nhịp tim cũng rất quan trọng trong đời thường, không riêng gì với người bệnh tăng huyết áp.

Hội chứng áo choàng trắng có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nguy cơ. Nếu uống rượu bia, hút thuốc, đái tháo đường mà mắc hội chứng áo choàng trắng thì có nguy hiểm. Còn nếu người bệnh không có gánh nặng tim mạch, không đái tháo đường, không thuốc lá, rượu bia thì không nguy hiểm.

Thực tế ghi nhận có những bệnh nhân đo huyết áp ở nhà chỉ có 120mmHg nhưng đến bệnh viện đo lại lên đến 180mmHg. Điều này cũng cho thấy vai trò của việc đo huyết áp tại nhà. Đây là con đường duy nhất để chẩn đoán, không còn cách nào khác.

>>> Tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân do đâu?

>>> Vì sao bệnh nhân tăng huyết áp cần kiểm soát tần số tim?

Chương trình do AloBacsi thực hiện với sự đồng hành của Hội Bác sĩ Gia đình TPHCM, chuỗi Nhà thuốc An Khang, được tài trợ bởi Merck healthcare Việt Nam.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X