Húng chanh - tần dày lá ngoài trị ho còn chữa được bệnh gì?
Ngoài công dụng trị ho đã nổi tiếng từ lâu, húng chanh (tần dày lá) còn có thể chữa lành vết thương, kháng nấm, kiểm soát chảy máu sau sinh, điều trị động kinh, chống co thắt cơ trơn, lợi tiểu, và có hoạt tính chống ung thư.
I. Tổng quan về cây húng chanh (tần dày lá)
Tên thường gọi: Húng chanh
Tên gọi khác: Tần dày lá, rau tần lá dày, rau thơm lông, dương tử tô, Country borage, Indian borage (Anh); coliole aromatique (Pháp).
Tên khoa học: Coleus arnboinicus Lour., hoặc Coleus aromaticus Benth. in Wall., hoặc Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng
Phân họ: họ Bạc hà (Lamiaceae).
1. Nhận biết cây húng chanh
Cây húng chanh có dạng thân thảo, sống lâu năm, cao 20-50 cm. Thân mọc đứng hay ngả, phần sát gốc hóa gỗ. Lá mọc đối, dày, mọng nước, hình trứng rộng, gốc hình nêm, đầu hơi nhọn hoặc tù, dài 3-6 cm, rộng 2-5 cm, mép khía răng tròn.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành bông dày, các vòng mang hoa rất sít nhau; hoa nhỏ màu tím hồng; đài hình chuông ngắn, có lông, chia 5 răng, răng trên hình trứng rộng, răng dưới và răng bên gần bằng nhau; tràng cong, có ống hình phễu, mặt ngoài có lông, mặt trong nhẵn, môi dưới dài bằng ống tràng, môi trên ngắn, 3 thùy, thùy trên rộng, hai thùy bên hình mũi mác; nhị 4, thò ra ngoài tràng.
Quả bế tư, nhỏ, hình cầu, màu nâu.
Toàn cây có lông rất nhỏ và mùi thơm như chanh.
Mùa hoa quả vào tháng 3-5.
2. Phân bố, thu hái và chế biến húng chanh
Húng chanh có khoảng 200 loài, phân bố rộng rãi ở vùng nhiêt đới và cận nhiệt đới châu Á, châu Phi và một số đảo ở Thái Bình Dương. Hiện có 3 loài ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, húng chanh là cây trồng từ lâu đời, rải rác trong nhân dân, chưa trở thành một cây trồng sản xuất. Húng chanh ưa sáng và ưa ẩm, đôi khi chịu hạn. Cây trồng trên đất cát vùng ven biển miền Trung, vào mùa khô, nhiều ngày không tưới nước, cây vẫn sinh trưởng và phát triển được. Cây trồng ở các tỉnh phía Bắc có hiện tượng rụng lá vào mùa đông; ít khi thấy có hoa. Húng chanh có khả năng tái sinh vô tính rất khỏe.
Húng chanh được nhân giống bằng cành. Vào tháng 2-3, chọn những cây tương đối già có rễ ở các đốt cắt thành những đoạn có 2-3 đốt. Cũng có thể áp cành xuống mặt dất, phủ đất cho cành.
Húng chanh có thể trồng trong vườn, ngoài ruộng hoặc trong chậu. Cần chọn chỗ đất cao, thoát nước, nhiều mùn. Sau khi làm đất, đánh luống cao 20-25cm, rộng 70-80 cm, rạch thành hàng ngang sâu 10-15 cm cách nhau 30 cm. Trộn một ít phân chuồng mục vào rãnh rồi đặt hom giống, hom nọ cách hom kia 20-25 cm. Hom được đặt nghiêng và vùi kín khoảng 2/3, sau đó tưới nước. Có thể dùng rơm rạ phủ lên mặt luống để giữ ẩm, sau 5-7 ngày cây mọc thì tháo dỡ.
Khi cây bắt đầu mọc và sau mỗi lần thu hái, dùng nước phân chuồng, hoặc phân đạm pha loãng (1-2%) để tưới thúc. Mỗi lần thúc phân, cần kết hợp làm cỏ, xới xáo.
Sau 2-3 tháng, có thể thu hái lá. Thường chỉ thu hái lá bánh tẻ, lá phía ngọn được giữ lại cho cây tiếp tục sinh trưởng.
Về mùa mưa, cây hay bị thối gốc và vàng lá. Cần chú ý thoát nước nhanh sau mưa, tỉa bớt thân lá cho cây thoáng đãng và bón thêm lân, kali hoặc tro bếp.
Lá húng chanh là bộ phận dùng chính, khi thu hái về cần phơi sấy trong nguồn nhiệt vừa phải hoặc dịu nhẹ, có thể dùng bóng râm hoặc vùng hanh nắng để phơi, không dùng ánh nắng nóng trực tiếp.
3. Thành phần dược chất của húng chanh
Lá húng chanh chứa nhiều tinh dầu, trong đó thành phần chính là carvacrol từ 40-60%. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu chứng minh thành phần chính trong tinh dầu là Thymol 41.30%. Trong tinh dầu húng chanh cũng có terpinen, salycilat, eugenol, chavicol, colein.
II. Công dụng của húng chanh (tần dày lá)
1. Công dụng của húng chanh theo đông y cổ truyền
Lá húng chanh có vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, không độc, vào hai kinh Can, Phế. Húng chanh có tác dụng lợi Phế, trừ đờm, giải cảm, phát hãn, thoái nhiệt, tiêu độc.
2. Công dụng của húng chanh theo đông y hiện đại
Các tác dụng của húng chanh đã nghiên cứu
Lá húng chanh có tác dụng:
- Chữa lành vết thương
- Kiểm soát các rối loạn đường tiết niệu ở phụ nữ.
- Chữa bệnh lý răng miệng: húng chanh kháng khuẩn chống lại S. mutans, một trong những vi khuẩn gây bệnh răng miệng quan trọng nhất dẫn đến khử khoáng men răng, và có thể hữu ích để duy trì vệ sinh răng miệng bằng cách giảm sự phát triển của vi khuẩn.
- Tinh dầu húng chanh (tần dày lá) tiêu diệt mạnh các vi khuẩn sau: trực khuẩn Lao, trực khuẩn lỵ Flexner, trực khuẩn mycoides, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ Shiga, liên cầu khuẩn tan máu, trực khuẩn thương hàn, và phế cầu khuẩn. Ngoài ra, tinh dầu húng chanh còn ức chế trực khuẩn E. coli, bạch hầu, ho gà và phẩy khuẩn tả (Inaba, Ogawa). Tác dụng kháng khuẩn này không chỉ nhờ vào tinh dầu mà còn nhờ vào các flavon, acid nhân thơm và tanin.
- Kháng nấm: tác dụng tiêu diệt nấm mạnh nhất là trên nấm Candida albicans, một loại nấm thường gặp ở người tại các vùng da và niêm mạc ẩm ướt như bàn tay, nếp gập ở da tay, vùng da tiếp xúc với móng tay, da quanh háng, nếp nhăn ở mông, đường tiết niệu, cơ quan sinh dục, đường tiêu hóa… Ngoài ra húng chanh còn thể hiện đặc tính tiêu diệt nấm phổ rộng đối với Aspergillus flavus, Aspergillus niger, Aspergillus ochraceus, Aspergillus oryzae, Candida versatilis, Fusarium sp., Penicillium sp., và Saccharomyces cerevisiae.
- Kiểm soát chảy máu sau sinh và làm sạch tử cung.
- Điều trị động kinh và co giật.
- Chống co thắt cơ trơn, tác dụng này dùng trong điều trị hội chứng ruột kích thích và tiêu chảy.
- Lợi tiểu.
10. Tạo ra sự ngon miệng, kích thích ăn uống
11. Tần dày lá có hoạt tính chống ung thư đáng kể thông qua việc gây ra quá trình chết tự động ở dòng tế bào A549 (ung thư phổi ở người).
Các tác dụng dùng theo kinh nghiệm
Lá húng chanh được dùng chữa cảm cúm, ho, hen, viêm họng, ho ra máu, sốt cao, sốt không ra mồ hôi được, nôn ra máu, chảy máu cam.
Nhân dân ta thường thái lá húng chanh để ướp thịt, cá; nó là loại gia vị đặc sắc.
Ở Malaysia, người ta dùng lá nấu cho sản phụ sau khi sinh đẻ uống; lá tươi giã ra lấy nước cho trẻ em bị sổ mũi uống.
Khi dùng ngoài, ta lấy lá húng chanh giã ra đắp trị nứt nẻ môi, đau họng, và xoa lên người khi bị sốt.
III. Cách dùng - liều dùng húng chanh (tần dày lá)
Liều dùng: Lá tươi dùng với liều 10-16g, hoặc lá phơi khô trong bóng râm với liều 4-8g.
1. Một số cách dùng húng chanh theo kinh nghiệm dân gian hoặc cổ phương
Có thể dùng dạng sắc uống, xông hoặc giã nát vắt lấy nước uống.
Trong thuốc xông, lá húng chanh thường được dùng phối hợp với nhiều loại lá khác có tinh dầu như sả, hương nhu, hoắc hương v.v…
Khi dùng ngoài da, lá húng chanh tươi giã nát, đắp lên vết thương chữa rết và bọ cạp cắn.
Ở Ấn Độ, lá húng chanh được dùng chữa các bệnh về tiết niệu và rỉ nước từ âm đạo.
Nước ép lá trộn với đường là một thuốc gây trung tiện mạnh. Húng chanh được dùng trong chứng khó tiêu, tuy nhiên có ý kiến cho rằng thuốc có độc.
Nước sắc lá được dùng chữa ho, hen mạn tính.
Chữa ho, viêm họng, khàn tiếng:
- Lá húng chanh tươi nhai ngâm với muối, nuốt nước dần dần. Hoặc lấy 20g lá tươi giã nhỏ, thêm nước gạn uống làm 2 lần trong ngày.
Đối với trẻ nhỏ, lấy lá tươi rửa sạch, giã nhỏ, cho thêm ít đường, đem hấp cơm và cho uống 2-3 lần trong ngày.
- Bài thuốc húng chanh 20g, xạ can 20g cũng trị ho, viêm họng: nấu thành cao ló có đường, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một muỗng cà phê. Hoặc làm thành phiến, mỗi ngày ngậm một phiến, tương đương với 3g dược liệu.
- Chữa ho gà: Húng chanh 10g, mạch môn 12g, vỏ rễ dâu 12g, bách bộ 10g, rau sam 10g sắc uống ngày một thang, uống liên tục 15-30 thang. Hoặc chế thành súp, ngày uống 3 lần, mỗi lần một muỗng canh. Trẻ em giảm nửa liều.
- Chữa cảm mạo do lạnh: Húng chanh 10g, bách bộ 12g, tía tô 12g, xạ can 10g, gừng 8g, trần bì 8g, bạch chỉ 6g. Sắc uống ngày một thang trong 5 ngày liền.
Chữa cảm cúm, cảm sốt, nóng rét, nhức đầu ngạt mũi, ho đờm:
- Lá húng chanh tươi 15-20g, giã lấy nước cốt uống.
- Lá húng chanh tươi 15-20g, gừng 12g, hành 12g. Cùng lúc sắc uống và xông cho ra mồ hôi.
2. Cách dùng húng chanh đối với phụ nữ mang thai và cho con bú
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với thai kỳ. Sản phụ không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
3. Cách dùng húng chanh đối với trẻ nhũ nhi
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.
IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định với húng chanh (tần dày lá)
Khi dùng lá húng chanh để chữa ho, cần tẩy sạch lông trên lá để tránh kích thích gây ngứa cổ họ khi dùng, tránh ho càng thêm ho. Nếu lá tươi, có thể cạo lông hoặc hơ lửa cho mất lông đi, nếu lá khô cần sàng kỹ cho sạch lông, uống nước sắc cần bỏ cặn hoặc gạn lọc kỹ.
V. Bảo quản húng chanh
Húng chanh nên dùng tươi để có công hiệu cao. Tuy nhiên, khi có nhu cầu lưu trữ lâu dài lượng lớn thảo dược, lúc này cần làm khô thảo dược dưới bóng râm, vùng hanh nắng, hoặc bằng máy sấy, sau đó cho vào hủ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng.
Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá lâu. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn 1 tháng, cần kiểm tra hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.
BS Đoàn Quang Nguyên
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình