Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị khoa học năm 2020 của Hội Y học TPHCM có vấn đề gì mới?

Ngày thứ 2 của Hội nghị khoa học năm 2020 do Hội Y học TPHCM tổ chức mang đến các bài báo cáo thú vị xoay quanh vấn đề ứng dụng y học thực chứng vào y học lâm sàng trong thời điểm bùng nổ thông tin về COVID-19.

Hội nghị khoa học thường niên năm 2020 do Hội Y học TPHCM tổ chức diễn ra trong hai ngày 7 và 8/11 thu hút sự tham dự của hơn 1.500 hội viên (gồm 500 người tham dự trực tiếp và 1.000 người theo dõi trực tuyến). Trong đó, ngày đầu tiên với 6 bài báo cáo liên quan đến chủ đề chính "Cập nhật bệnh nhiễm SARS-CoV-2". Ngày thứ hai với "Ứng dụng y học thực chứng vào y học lâm sàng" gồm có 5 bài báo cáo đến từ các chuyên gia đầu ngành và giàu kinh nghiệm.

Theo chia sẻ của PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Liên Chi Hội Đái tháo đường - Nội tiết TPHCM, hội nghị năm nay của Hội Y học TPHCM mang ý nghĩa thông qua y học thực chứng giúp các bác sĩ đánh giá thông tin đáng tin cậy trong thời điểm bùng nổ thông tin về COVID-19.

Trong bài báo cáo "Cập nhật chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp theo ACR", TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho hay, thoái hóa khớp là một chẩn đoán lâm sàng, trong đó có 3 triệu chứng đau khớp dai dẳng, cứng khớp buổi sáng ngắn, giới hạn hoạt động chức năng và 3 dấu hiệu khi thăm khám (lạo xạo khớp, giới hạn vận động và phì đại xương) giúp chẩn đoán 99% các trường hợp thoái hóa khớp.

Ngoài ra, BS Ngọc cung cấp thêm thông tin, theo ACR 2020, trong vấn đề dùng thuốc, các thuốc giảm đau kháng viêm nhóm không steroid vẫn được khuyến cáo hàng đầu, ngoài ra còn có glucocorticoid, paracetamol, duloxetine và tramadol. Các thuốc không được khuyến cáo trong điều trị thoái hóa khớp bao gồm glucosamine, chondroitine sulfate, colchicine, dầu cá, vitamin D, bisphosphonate và methotrexate. Bên cạnh đó, các điều trị như tiêm botulinum, huyết tương giàu tiểu cầu và tế bào gốc còn ít nghiên cứu và bằng chứng hạn chế nên cũng chưa được khuyến cáo trong điều trị.

PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy - Trung tâm Y khoa MEDIC, TPHCM với bài báo cáo “Xét nghiệm viêm gan siêu vi: chỉ định và biện luận kết quả” cho thấy hiện nay có nhiều xét nghiệm mới ra đời giúp kịp thời phát hiện virus gây viêm gan, từ đó giúp thầy thuốc đưa ra quyết định chính xác trong thưc hành lâm sàng hàng ngày.

Ngoài virus viêm gan A, D, PGS Thu Thủy đặc biệt nhấn mạnh đến virus viêm gan B, C nguy hiểm và gây nhiều biến chứng xơ gan, ung thư gan. Trong đó, nổi trội hơn cả là virus viêm gan B hiện có nhiều dấu ấn xét nghiệm đánh giá bệnh từ các xét nghiệm miễn dịch đến sinh học phân tử. Gần đây còn có nhiều dấu ấn ra đời mới như HBsAg định lượng, HBcrAg, HBVRNA giúp tiên lượng bệnh, dự đoán tái phát sau ngưng thuốc, tiên đoán ung thư gan...

Hội nghị còn có sự tham dự trực tuyến đặc biệt của GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) với chủ đề “Y học thực chứng và đại dịch COVID-19”. Qua đó vị giáo sư nhận định, đại dịch COVID-19 là đề tài của hàng vạn nghiên cứu trên thế giới. Nhưng bên cạnh một số rất ít nghiên cứu có phẩm chất tốt và tầm ảnh hưởng cao, đa số nghiên cứu không có đóng góp gì quan trọng, thậm chí gây nhiễu y văn. Để nhận định một bài nghiên có mức độ tin cậy đến đâu, giáo sư đưa ra thang đo để đánh giá, gồm nhiều tiêu chí: mô hình thiết kế, cỡ mẫu, outcome, mù đôi, phân tích, mức độ ảnh hưởng…

Bài báo cáo "Phương pháp đọc một bài báo y khoa với thiết kế thử nghiệm lâm sàng RCT" của ThS.BS Trần Thế Trung - bộ môn Nội tiết, Đại học Y dược TPHCM trình bày thu hut sự chú ý của người tham dự. Ông cho rằng, trong thời đại công nghệ hiện nay, số lượng bài báo nghiên cứu y khoa rất lớn, đòi hỏi các nhà lâm sàng phải biết cách tìm, chọn lọc, đọc, phân tích và nhận định bài báo trước khi áp dụng vào thực tiễn lâm sàng.

Trong đó, theo ThS Thế Trung, công thức PICO là một cấu trúc giúp quá trình đọc một báo báo nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng định hướng vào những nội dung quan trọng nhất. Cụ thể 4 thành phần chính là P-đối tượng nghiên cứu, I-biện pháp can thiệp, C-biện pháp so sánh đối chứng và O-kết cục nghiên cứu.

Bài báo cáo cuối cùng khép lại 2 ngày hội nghị được ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ về vấn đề "Làm nghiên cứu khoa học trong thời kỳ dịch COVID-19". Đây là một công việc chứng tỏ bản lĩnh của các bác sĩ điều trị trong thời kỳ dịch bệnh.

Qua đó, ThS Tuấn Khoa cũng chia sẻ những thuận lợi cũng như trở ngại trong việc thực hiện nghiên cứu trong đại dịch COVID-19. Thuận lợi lớn nhất là "dư giả" thời gian để nghiên cứu y văn với sự tập trung cao độ, đồng thời dễ dàng "huy động" nguồn lực để nghiên cứu. Song song đó, còn có những trở ngại như phần lớn chú tâm phòng chống dịch nên ít quan tâm đến nghiên cứu, tâm lý e ngại, sợ lây nhiễm khi gặp người bệnh. Ngoài ra, chủ đề cũng như cách thức làm trong tính huống khẩn cấp cũng là những khó khăn của nhà nghiên cứu.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Liên Chi Hội Đái tháo đường - Nội tiết TPHCM - một trong hai chủ tọa của hội nghị khoa học ngày thứ 2 đang cùng thảo luận với người tham dự

Buổi hội nghị không chỉ có báo cáo của các báo cáo viên, chủ tọa đoàn đầu ngành, giàu kinh nghiệm mà còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia gạo cội của ngành Y nước nhà. Trong ảnh là PGS.TS.BS Nhan Trừng Sơn - Chủ tịch Hội Tai mũi họng Nhi TPHCM.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Liên chi hội Hen - Dị ứng miễn dịch lâm sàng TPHCM trao thư cảm ơn của Hội Y học TPHCM đến báo cáo viên tham gia hội nghị.

Ban điều hành Hội Y học TPHCM cùng chủ tọa đoàn chụp hình lưu niệm với các báo cáo viên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X