Hội nghị khoa học 2023 BVĐK Khu vực Thủ Đức: Bàn luận trọng tâm về Hồi sức tích cực - Chống độc và Dược
Nhiều vấn đề liên quan đến Hồi sức tích cực - Chống độc và Dược lâm sàng hấp dẫn đã được các chuyên gia báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật năm 2023 do Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức tổ chức vào sáng ngày 15/12/2023.
Lần đầu tiên hội nghị của BVĐK Khu vực Thủ Đức có phiên chuyên đề về Dược
Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên là một trong những điểm hẹn quen thuộc của các chuyên gia, các nhà khoa học, y bác sĩ tại TPHCM, đặc biệt là khu vực Đông Bắc của thành phố. Hội nghị là cơ hội để tổng kết các thành tựu khoa học kỹ thuật, các nghiên cứu ứng dụng vào công tác chẩn đoán, điều trị và cải tiến chất lượng bệnh viện trong thời gian qua. Đồng thời, qua đó cũng khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ và đội ngũ những người làm công tác y tế.
Chia sẻ về hội nghị, TS.BS Cao Tấn Phước - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học là liên tục trong bệnh viện, vì vậy mỗi năm bệnh viện tổ chức hội nghị một lần, mục đích chủ yếu là học tập, để y bác sĩ nâng cao trình độ, đáp ứng được nhu cầu của người dân trong khu vực.
"Trọng tâm nội dung hội nghị năm 2023 của bệnh viện là về Hồi sức tích cực - Chống độc và Dược lâm sàng, với 16 bài báo cáo đến từ các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cũng như nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm từ các bệnh viện đầu ngành TP như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định... và giảng viên Bộ môn của các trường Đại học..." - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức nói.
Trong đó, phiên Hồi sức tích cực - Chống độc gồm có 7 nội dung, đề cập đến: Các kỹ thuật chuyên khoa sâu tại Khoa HSTC-CĐ BV; Ứng dụng ECMO trong thực hành lâm sàng; Hạ thân nhiệt chỉ huy trên bệnh nhân ngưng hô hấp tuần hoàn; Kiểm soát thân nhiệt mục tiêu trên bệnh nhân hôn mê sau ngừng tim ngoài bệnh viện; Điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram âm đa kháng thuốc; Liệu pháp thay huyết tương và thải CO2 qua màng lọc máu ngoài cơ thể… Ngoài ra, phiên Toàn thể có 2 bài báo cáo cũng nằm trong lĩnh vực Hồi sức tích cực - Chống độc.
Phiên Dược lâm sàng với 7 nội dung, đề cập đến: Sử dụng hợp lý thuốc điều trị rối loạn lipid máu; Vai trò của Dược sĩ lâm sàng trong việc triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh; Tình hình sử dụng kháng sinh ng điều trị viêm phổi cộng đồng… Đây cũng là lần đầu tiên hội nghị khoa học thường niên của bệnh viện tổ chức một phiên riêng biệt về Dược.
Hội nghị mở ra cơ hội kết nối với chuyên gia đầu ngành về Hồi sức Tích cực - Chống độc
Thông tin bên lề hội nghị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cho biết, ban giám đốc bệnh viện luôn xác định phát triển khoa học công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Ngoài ra, bệnh viện còn tập trung tối đa vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh việc gửi nhân sự đi đào tào ngắn hạn, dài hạn tại các bệnh viện lớn trong nước, bệnh viện còn chú trọng công tác đào tạo tại chỗ bằng nhiều hình thức từ sinh hoạt khoa học kỹ thuật định kỳ hàng tháng, sinh hoạt câu lạc bộ bác sĩ trẻ hàng tuần… Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên cũng không nằm ngoài định hướng và mục đích này.
Thời gian qua, Bệnh viện thực hiện thành công nhiều kỹ thuật điều trị chuyên sâu như: đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, vĩnh viễn; điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não cấp; lọc máu liên tục điều trị ngộ độc; thay huyết tương trong điều trị viêm tụy cấp; thay khớp vai toàn phần; chụp động mạch vành và đặt stent…
Đặc biệt, bệnh viện thực hiện được tất cả các kỹ thuật chuyên sâu trong HSTC-CĐ như hạ thân nhiệt, lọc máu, thay huyết tương…, chỉ trừ ECMO. “Song, hiện bệnh viện đã được trang bị, đầu tư máy móc. Hội nghị lần này sẽ mở ra cơ hội kết nối với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực HSTC-CĐ để bệnh viện sớm triển khai kỹ thuật ECMO trong tương lai. Bất kỳ chuyên khoa nào trong ngành Y cũng đều quan trọng và nhất là HSTC-CĐ sẽ là nền tảng để phát triển các chuyên khoa khác” - TS.BS Cao Tấn Phước nhấn mạnh.
“Song song đó, những năm gần đây, Dược lâm sàng được Khoa Dược và Ban Giám đốc bệnh viện quan tâm và kiên định phát triển. Gần như hầu hết các dược sĩ về các khoa Lâm sàng và tiếp xúc với bệnh nhân, trao đổi kinh nghiệm với bác sĩ. Từ đó góp phần thay đổi đơn thuốc, giảm liều, thay đổi đường dùng… tạo ra được hiệu ứng rất tốt, giảm chi phí điều trị, giảm ngày nằm viện, thậm chí là cải thiện tỷ lệ tử vong của người bệnh” - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cho biết.
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TPHCM, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (số 64 Lê Văn Chí, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) tổ chức khám ngoại trú 2.000 - 2.800 lượt bệnh nhân (trong đó có 40% bệnh nhân từ khu vực tiếp giáp) và điều trị nội trú 600 - 700 bệnh nhân. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình