Hotline 24/7
08983-08983

Hỏi đáp về bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt với PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên

Tiếp theo livestream: Những vấn đề cần biết trong chẩn đoán và điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên đã giải đáp câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về bệnh lý này.

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên - Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam

1. Nguyễn Hồng Hà - 52 tuổi, TPHCM

Thưa phó giáo sư,

Chồng tôi 55 tuổi, được chẩn đoán tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính. Mặc dù có uống thuốc, tình trạng cải thiện nhưng về đêm vẫn tiểu nhiều lần làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và tinh thần cũng buồn bã hẳn. Xin hỏi, làm sao để sống chung, sống khỏe với tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt?

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Chào bạn Hà,

Tiểu đêm gây phiền toái cho người có tuổi, lý do của tiểu đêm có rất nhiều chứ không chỉ riêng tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Khi bệnh nhân đến với chúng tôi mà có tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi có tiểu đêm nhiều hay không, nếu có sẽ điều trị tình trạng tiểu đêm này mà đôi khi nó không liên quan tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Bởi vì tiểu đêm và tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có thể tình cờ xuất hiện cùng nhau mà không phải cái này là nguyên nhân của cái kia.

Đầu tiên, có thể tìm hiểu xem ông ấy có uống nước nhiều vào buổi chiều và tối hay không.

Thứ hai, bệnh nhân có suy thận không, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tiểu đêm. Bình thường, ban ngày thận thải hết chất độc cho chúng ta rồi, do đó lượng nước tiểu về đêm chỉ bằng 1/4-1/3 ban ngày, nó chứa trong bàng quang và sáng ra chúng ta đi tiểu. Nếu chức năng thận suy giảm, ban ngày chưa thải chất độc xong, đến đêm nó còn “làm thêm” nữa, gây ra tiểu đêm. Do đó chị nên đưa ông xã đi kiểm tra xem chức năng thận thế nào.

Thứ ba, những lo âu, trầm cảm, stress gây cho người ta khó ngủ, dẫn đến tiểu đêm, Ai từng thức khuya cũng biết: bình thường mình ngủ thì không sao, nhưng nếu còn thức thì sẽ đi tiểu nhiều hơn thường ngày.

Do đó bên cạnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, bạn nên đưa ông xã đi khám để xác định nguyên nhân gây tiểu đêm. Hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị tiểu đêm, đôi khi ta uống những thảo dược như vông nem, nhãn lồng, tim sen… giúp ngủ ngon cũng hạn chế được tiểu đêm.

 

2. Đỗ Thanh Hưng - hungdo65…@gmail.com

Tăng sinh tuyến tiền liệt khiến tôi khó duy trì được sự cương cứng khi giao hợp. Có cách nào để cải thiện vấn đề này không? Hay phải chịu vậy suốt đời?

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Đầu tiên cần phải xác định kích thước tuyến tiền liệt của bạn có to tới mức ảnh hưởng chức năng cương dương hay không, bởi nếu bạn không hề có triệu chứng ở đường tiểu dưới thì không kết luận tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây ra rối loạn cương của bạn.

Chỉ khi nào tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây ra tình trạng kích thích, bế tắc… ở đường tiểu dưới ở mức độ nặng thì mới dẫn tới rối loạn cương. Lúc này bạn điều trị hết triệu chứng đường tiểu dưới thì tình trạng rối loạn cương của bạn sẽ được cải thiện.

Một trong những loại thuốc có thể điều trị song hành là Tadalafil với liều lượng 50mg nó là “một ná bắn hai chim”, vừa làm cho bệnh nhân tiểu dễ hơn, vừa cải thiện rối loạn cương. Bác sĩ sẽ cân nhắc nếu bạn không có bệnh tim mạch, huyết áp thì có thể dùng thuốc này.

 

3. Trịnh Văn Tuấn - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ đã lời

Thưa phó giáo sư,

Tôi được biết tăng sản lành tính tuyến tiền liệt một phần là do không đủ nội tiết ở nam giới. Vậy xin hỏi, nếu bổ sung testosterone thì có phòng ngừa hoặc đẩy lùi độ tuổi mắc căn bệnh này không? Ở nam giới, nên bổ sung testosterone sao cho đúng và không dư thừa?

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Việc bổ sung testosterone không giúp điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.

Mặc dù tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt khởi sự do testosterone mà ra. Bình thường testosterone không ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến tiền liệt, thông qua men khử 5-alpha thì testosterone biến thành dihydrotestosterone, chất này mới làm cho tuyến tiền liệt to ra. Quá trình này diễn ra từ tuổi trung niên cho đến cao tuổi.

Khi bạn lớn tuổi, vừa có tăng sinh tuyến tiền liệt, vừa giảm testosterone, mà bạn kết luận vì testosterone giảm làm cho tăng sinh tuyến tiền liệt là sai. Thậm chí ở người tăng sản lành tính tuyến tiền liệt nếu không có chỉ định tuyệt đối thì người ta khuyên không dùng testosterone.

 

4. Lê Hoàng Thoại – lhoang…@yahoo.com

Phó giáo sư kính mến,

Tôi 60 tuổi, đi siêu âm kết quả phì đại tuyến tiền liệt, kích thước 4,2 x 3,5 x 3,9cm, xét nghiệm PSA= 0,79 (< 4ng/ml); đi tiểu bình thường. Bác sĩ chỉ định theo dõi. Tôi muốn uống thuốc Permixon 160 mg được không? Cám ơn bác sĩ!

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Tôi gần như chắc chắn là bạn không bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt), vì nếu bạn lấy 3 con số này nhân với nhau rồi chia cho 2 (cách tính thể tích khối cầu), con số này sẽ < 30, thì đây chưa phải là phì đại tuyến tiền liệt. Có thể kết luận của bác sĩ siêu âm cho bạn hơi nặng tay.

Điểm thứ nhì mà tôi chắc chắn bạn không bị phì đại tuyến tiền liệt, đó là PSA < 1. Hầu hết PSA được sản xuất ra bởi tuyến tiền liệt với con số 0,15ng/ml/g tuyến tiền liệt, do đó nếu bạn bị phì đại tuyến tiền liệt thì PSA phải vượt trên 2,5-3ng/ml.

Do đó bạn yên tâm là bạn không bị phì đại tuyến tiền liệt. Và bạn không có triệu chứng nữa thì bạn không nên dùng thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt.

 

5. Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ đã lời

Thưa bác sĩ,

Tôi đang dùng thuốc Permixon nhưng bị cảm lạnh thì có dùng được Paracetamol hay không? Và tôi cũng có dùng thuốc hen suyễn nữa. Liệu có bị tương tác thuốc hay không? Mong bác sĩ tư vấn.

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Tôi nghĩ không có tương tác thuốc giữa Permixon và Paracetamol đâu, bạn xem lại tương tác giữa Paracetamol và thuốc khác thì quan trọng hơn.

Thuốc hen suyễn thì tùy loại bạn đang dùng. Thuốc giãn phế quản thì tôi nghĩ sẽ không tương tác với Paracetamol.

6. Hoàng Nguyễn - Hải Phòng

Tôi đang dùng thuốc điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, qua tìm hiểu được biết các loại thuốc này ảnh hưởng đến quan hệ tình dục. Như vậy, sau khi ngừng dùng thuốc thì tác dụng phụ này có hết không, hay tác dụng phụ này là vĩnh viễn?

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Có 2 loại thuốc điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có thể làm ảnh hưởng đến quan hệ tình dục:

- Loại thứ nhất là làm nhỏ bướu, tỷ lệ ảnh hưởng đến quan hệ tình dục rất ít, chỉ 1-2% bệnh nhân bị rối loạn cương, 1-2% bệnh nhân giảm lượng xuất tinh, 0,5% bệnh nhân bị to vú.

- Loại thuốc thứ hai: có thể làm bệnh nhân xuất tinh ngược, điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng có thể khiến cả hai người cảm thấy hụt hẫng

Khi bạn ngừng 2 loại thuốc này thì tác dụng phụ cũng sẽ hết, cho nên không cần lo lắng.

 

7. Trần Việt Hùng, TPHCM

Thưa phó giáo sư,

Tôi mới 37 tuổi nhưng đã được chẩn đoán tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Tôi không nghĩ mình sẽ mắc căn bệnh này khi mới ở độ tuổi ngoài 30. Bác sĩ cho tôi hỏi, vì sao căn bệnh tưởng chừng như chỉ gặp ở người già thì nay người trẻ lại vướng phải? Có phải do yếu tố di truyền? Việc điều trị ở người trẻ có phải dễ hơn ở người lớn tuổi không?

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Trước tiên, kết luận tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt của bạn là do đâu? Nếu dựa vào kết quả siêu âm thì bạn tính như sau: lấy 3 kích thước nhân với nhau rồi chia cho 2, nếu kết quả < 30 thì bạn chưa bị.

Thứ hai, tuy rằng đa số những người bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là từ 45-50 tuổi nhưng cá biệt vẫn có những người trẻ hơn đã bị, cũng như có những người lớn tuổi hơn nhưng không bị

Về yếu tố di truyền thì tôi hoàn toàn nhất trí với bạn là nó có đóng vai trò nhất định trong quá trình này. Trong trực hệ của bạn, nếu như ông nội, cha, anh trai, em, chú, bác… bị bệnh này thì khả năng bạn bị cũng nhiều hơn.

Việc điều trị cũng khó hơn vì đây là một tuyến liên quan đến sinh sản và quan hệ tình dục. Với độ tuổi còn trẻ, bất kỳ loại thuốc nào, bất kỳ can thiệp phẫu thuật nào dù là kỹ thuật cao hay ít xâm lấn cũng ít nhiều ảnh hưởng đến bạn. Do đó, các bác sĩ sẽ cố gắng dùng các biện pháp càng nhẹ càng tốt để ít ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục.

Mong là bạn áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa như có nếp sống lành mạnh để càng chậm đến ngày dùng thuốc, càng chậm đến ngày mổ thì càng tốt.

 

8. Trần Thị Loan - TPHCM

Thưa bác sĩ,

Ba cháu mổ để thông đường tiểu, sau khi rút ống thông tiểu lại xuất hiện hiện tượng tiểu không kiếm soát. Ba cháu bị tăng sinh tuyến tiền liệt và đã mổ 03 lần trong 01 năm. Ba cháu 67 tuổi và bị tiểu đường týp 2.

Bác sĩ tư vấn giúp cháu, với người tiểu đường kèm theo tăng sinh tuyến tiền liệt như vậy thì nên làm gì, chăm sóc ra sao để giảm thiểu khó chịu? Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có điều trị khỏi hoàn toàn không ạ? Thấy ba mổ nhiều cháu sốt ruột quá, nếu bây giờ chuyển qua điều trị bằng thuốc thôi thì có được không ạ?

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Việc tiểu không kiểm soát sau khi mổ tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là “ác mộng” đối với cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc. Ở đây có 2 khía cạnh:

- Cuộc phẫu thuật quá nặng nề khiến cơ vòng của ông cụ bị ảnh hưởng, gây ra tiểu không kiểm soát

- Bệnh nhân bị tiểu không kiểm soát trước khi phẫu thuật. Triệu chứng của tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đôi khi trùng lắp với triệu chứng của bệnh khác. Ở đây nếu bệnh nhân đã có biến chứng của tiểu đường trên mô đệm, mô xơ, dây thần kinh… gây tiểu không kiểm soát, và nó xảy ra song song với việc có tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thì lúc này phải điều trị tiểu không kiểm soát theo hướng khác (bọng đái hỗn loạn thần kinh).

 

9. Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ đã lời

Tôi uống thuốc chiết xuất từ cây serenoa repens, xin hỏi cây này có ở Việt Nam hay không, nó có giống cây trinh nữ hoàng cung không ạ?

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Cây serenoa repens (cây cọ lùn Nam Mỹ) không dính líu gì với cây trinh nữ hoàng cung cả. Các bạn nhớ rằng trên thế giới có rất nhiều loại cây cỏ được chiết xuất để điều trị chứng tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt: cây mận châu Phi, hạt bí ngô, lúa kiều mạch, cây cọ lùn Nam Mỹ, trinh nữ hoàng cung… Gần như mỗi quốc gia đều có kho tàng dược liệu dân gian điều trị bệnh này và nó khác với cây trinh nữ hoàng cung.

 

10. Phạm Hoài Vũ - TPHCM

Nhờ chuyên gia tư vấn giúp tôi một vài bài tập giúp cải thiện chức năng tuyến liền liệt cho những người mắc bệnh tăng sinh lành tính tuyến liền liệt với ạ. Xin cảm ơn BS.

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Thật ra chúng ta không có những bài tập để hỗ trợ điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, mà chỉ có những bài tập để điều trị biến chứng tiểu không kiểm soát, gây ra bởi bệnh này.

Người bị tiểu không kiểm soát do gắng sức sẽ có tình trạng cơ đáy chậu không vững chắc, do đó bạn tập các bài tập giúp củng cố cơ đáy chậu sẽ giúp giảm bớt được việc tiểu không kiểm soát do gắng sức.

 

11. Lê Hoàng Nam - Hà Nội

Xin chào phó giáo sư,

Tôi bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (kích thước 4.3 x 3.8 x 3.7 cm); xét nghiệm PSA= 0,75 (< 4ng/ml); bác sĩ chỉ định theo dõi. Bác sĩ tư vấn giúp tôi tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt không? Làm sao phân biệt 2 bệnh này? Tôi nghe nói, nam giới nên kiểm tra định kỳ nồng độ PSA, điều này có đúng không, bao lâu nên làm một lần và những ai nên làm xét nghiệm này?

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên trả lời:

Chào bạn,

Về kích thước tuyến tiền liệt, bạn lấy ba chỉ số nhân với nhau rồi chia đôi, nếu dưới 30 là tuyến tiền liệt không bị tăng sinh. Chỉ số PSA của bạn < 1 thì khả năng ung thư là rất thấp.

Trong khoảng thập niên 80, người ta dùng việc xét nghiệm PSA để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, ai trên 50 tuổi là thử hết, và mỗi năm mỗi thử. Có người lo âu hơn, mỗi tháng mỗi thử. Tôi đã gặp nhiều ông không hiểu sao mỗi lần đi khám đều yêu cầu bác sĩ cho xét nghiệm PSA, một năm ông ấy có 12 chỉ số PSA mà không để làm gì.

Thật ra, theo quan niệm của Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, việc xét nghiệm PSA chỉ nên tập trung cho những người trên 50 tuổi, có triệu chứng và tiền sử gia đình có người bị ung thư.

Khi đã thử PSA, nếu kết quả < 2,5ng/ml thì 2 năm sau bạn mới nên thử lại. Nếu chỉ số này từ 2,5 đến 4 thì mỗi năm bạn thử lại một lần để xem diễn biến nó có tăng lên đột ngột hay không. Nếu chỉ số PSA từ 4 trở lên thì bác sĩ sẽ có phương án theo dõi cho bạn.

Trở lại trường hợp của bạn, với kích thước và chỉ số PSA như vậy, tôi tin là viễn cảnh bạn bị ung thư tuyến tiền liệt vẫn còn xa lắm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X