Hội chứng ruột kích thích làm nản lòng người bệnh
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh nhân bị HCRKT dễ tăng nhu động ruột so với người bình thường, các triệu chứng thường tái đi tái lại
Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là một rối loạn tiêu hóa thường gặp. Hội chứng này được gọi dưới nhiều tên khác nhau: hội chứng đại tràng kích thích, bệnh đại tràng co thắt, HCRKT… Đây là một rối loạn thường xuyên tái phát, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, do vậy, thường làm nản lòng cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc.
Chủ yếu là rối loạn tiêu hóa
Người bệnh bị đi ngoài sệt lỏng ngày 3 - 4 lần, nhất là buổi sáng khi mới thức dậy, gia tăng khi lo lắng và giảm khi nghỉ ngơi; Mỗi đợt vài ngày đến vài tuần, mỗi năm nhiều đợt. Phân lỏng nát nhưng có thể đoạn đầu cứng, đoạn sau nát. Trong ngày, phân lần đầu nát nhưng các lần sau lẫn nhầy hoặc toàn nhầy. Đặc biệt là phân không bao giờ có máu (trừ khi có trĩ).
Người bệnh cũng hay bị táo bón hoặc táo bón lỏng xen kẽ, cảm giác đại tiện chưa hết, sau khi đại tiện xong vẫn còn cảm giác muốn đại tiện hoặc cảm giác mót sau hậu môn sau khi đại tiện mà không có hội chứng lị. Phân khô cứng thành cục nhỏ, lớp nhầy bám vòng quanh hoặc như phân dê.
Hội chứng ruột kích thích làm người bệnh cảm thấy
nóng rát trong bụng (ảnh minh họa).
Khó chịu vùng bụng với cảm giác trướng hơi hoặc đau lâm râm vùng bụng. Vị trí đau rất thất thường, có thể đau ở hố chậu hoặc hạ sườn, có lúc lại đau lan toả khắp ổ bụng, nhưng thường là nằm dọc khung đại tràng. Đau giảm nhẹ khi trung, đại tiện được.
Đầy hơi thường đi đôi với sôi bụng, có khi cuộn ruột thành từng đoạn cứng và đau, xoa day một lúc hoặc để tự nhiên cũng mất đi hoặc đoạn cứng di chuyển sang chỗ khác. Một số bệnh nhân có cảm giác nóng ở ổ bụng.
Đa số các bệnh nhân có trạng thái thần kinh không ổn định, dễ nhạy cảm, hay lo nghĩ hồi hộp. Ra nhiều mồ hôi chân tay vào mùa đông. Có đau đầu theo thời tiết có dạng nhức đầu cơn Migraine, ở nữ đau bụng khi hành kinh.
Điều trị như thế nào?
Điều trị HCRKT chủ yếu tập trung vào các triệu chứng nổi trội ở từng bệnh nhân. Việc điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống.
Chế độ ăn uống và luyện tập giữ vai trò quan trọng. Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp. Hạn chế các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường, đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích, những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Luyện tập chế độ đại tiện 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện. Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên…
Điều trị triệu chứng: tùy theo triệu chứng nổi trội là gì mà bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các nhóm thuốc khác nhau như: Thuốc chống co thắt, thuốc chống táo bón, thuốc trị tiêu chảy, thuốc chống đầy hơi hay thuốc an thần kinh.
Trong những trường hợp đặc biệt và cần thiết, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc đồng vận tác dụng trên thụ thể của Serotonin.
Phụ nữ trẻ dễ bị hội chứng ruột kích thích
Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới và thường xảy ra <30 tuổi. Các triệu chứng thường gặp rất phong phú và thường không đặc hiệu. Ða số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi các thức ăn: sữa, pho mát, đồ rán, socola, bia, bắp cải, đậu, cá, cua, mỡ, trứng... Bên cạnh đó còn có vai trò của chấn thương tâm lý tình cảm (stress) căng thẳng thần kinh, mệt mỏi thể lực, mất ngủ, lo nghĩ...
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh nhân bị HCRKT dễ tăng nhu động ruột so với người bình thường, các triệu chứng thường tái đi tái lại, kéo dài nhiều năm, bệnh nhân phải đi khám bệnh nhiều nơi, tâm lý luôn ngờ vực, lo lắng sợ bệnh nặng, bệnh ác tính. Do đó cần tạo mối quan hệ tốt giữa bệnh nhân và bác sĩ.
AloBacsi.vn
Theo ThS. Nguyễn Bạch Đằng - Sức khỏe & Đời sống
Theo ThS. Nguyễn Bạch Đằng - Sức khỏe & Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình