Hotline 24/7
08983-08983

Học cách mang thai để mẹ tròn con vuông

Một hiểu lầm phổ biến ở Việt Nam là nhiễm cúm khi mang thai có thể gây ra khuyết tật thai nhi, không ít người đã phải bỏ em bé.

Thực tế, nhiễm cúm hầu như không làm tăng nguy cơ khuyết tật thai, vô cùng thấp so với rubella.

Ảnh: Fellamazing

Chuẩn bị cho việc mang thai chưa trở thành một khái niệm thường quy và phổ biến cho các phụ nữ và các cặp vợ chồng ở Việt Nam. Hiểu biết của họ phần nhiều dựa trên kinh nghiệm của bố mẹ hoặc từ những trải nghiệm của người quen, bạn bè hơn là một kế hoạch cụ thể.
 
Nhiều phụ nữ không biết rằng mình có thai cho đến nhiều tuần lễ sau chậm kinh. Lúc đó, họ đã qua đi khoảng thời gian vô cùng quan trọng bởi những tuần lễ đầu của thai kỳ là thời điểm thành lập cấu trúc cơ thể thai nhi cùng hầu hết các cơ quan nội tạng chính.
 
Vì thế, chị em cần có được sự chuẩn bị và chăm sóc đúng đắn trước khi có thai là quan trọng. Đó là sự đầu tư thông minh, đừng thụ động để đến khi mình mang thai mới bắt đầu chuẩn bị.

Dưới đây tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa, Trưởng phòng nghiên cứu đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tư vấn một số điều chị em nên chuẩn bị trước khi mang thai:

1. Kiểm tra trước khi mang thai

Bạn nên kiểm tra sức khỏe và phụ khoa trước. Ở các nước phát triển, loại hình này đã có từ rất lâu và quan trọng còn hơn những lần khám khi đã mang thai, tuy nhiên ở Việt Nam nhiều người vẫn chưa quan tâm đúng mức.
 
Bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe toàn thân và phụ khoa của bạn, chỉ định một số xét nghiệm nếu cần thiết, hỏi về tiền sử gia đình và bệnh tật, tiền sử phụ khoa hay những lần mang thai trước nếu có, các thuốc bạn sử dụng.

Đây cũng là lúc bạn có thể đặt ra những câu hỏi cho bác sĩ hay tìm kiếm lời khuyên. Bạn có thể thảo luận những gì băn khoăn, không rõ, hoặc những định kiến truyền thống lạc hậu. Cuộc kiểm tra này có thể mất thời gian khoảng nửa giờ hay một giờ, nhưng thực sự đáng giá cho cả quá trình mang thai của bạn.

- Tiền sử bệnh lý của mẹ:

Một số bệnh lý sẵn có của mẹ có thể nặng lên hay biến chứng trong thời kỳ mang thai, như: đái tháo đường, bệnh tim, viêm gan, cao huyết áp hay động kinh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những phụ nữ nay không nên có con.
 
Chị em cần được bác tư vấn để đảm bảo rằng bệnh có thể kiểm soát được khi mang thai và khi nào có thể mang thai.

Có nhiều phụ nữ khi khám thai mới biết mình có bệnh, khi đó không ít trường hợp buộc phải phá thai khi việc điều trị ở thời điểm đó là không phù hợp.

Những khuyến cáo an toàn về sử dụng văcxin cho bà bầu:

- Sởi, rubella, quai bị: nên tiêm trước khi có thai 3 tháng (nếu chưa tiêm bao giờ)

- Thủy đậu: trước khi có thai 1 tháng là đủ an toàn

- Bạch hầu-uốn ván nhắc lại (10 năm một lần), viêm gan A và B, cúm và viêm phổi có thể tiêm khi có thai

Một hiểu lầm rất phổ biến hiện ở Việt Nam là nhiễm cúm khi mang thai có thể gây ra khuyết tật thai nhi. Hiểu lầm này đã gây ra nhiều phá thai đáng tiếc kể cả khi thai lớn.
 
Trên thực tế, nhiễm cúm hầu như không làm tăng nguy cơ khuyết tật thai nhi, vô cùng thấp so với nhiễm rubella, không cao đáng kể hơn so với người không nhiễm.

Nguy hiểm nhất của nhiễm cúm là có thể gây ra biến chứng viêm phổi nặng. Nếu bạn nhiễm cúm, và không trải qua điều trị đặc biệt, thai nhi vẫn an toàn.

Đối với các chủng cúm mới như H5N1 hay H1N1, các dữ liệu hiện tại chưa hoàn toàn đầy đủ để kết luận về mức độ nguy hiểm cho thai nhi, mặc dù mức độ nguy hiểm cho bà mẹ là rất rõ ràng.

- Tiền sử thai nghén và sinh sản:

Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi một số biến chứng như sảy thai, cao huyết áp, rau tiền đạo, khuyết tật bẩm sinh hay thai chết lưu có thể xuất hiện lặp lại khi mang thai.
 
Biết tiền sử này cho phép bác sĩ đưa ra những xét nghiệm cần thiết, điều trị hỗ trợ hay đơn giản là những tư vấn cho lần mang thai này. Một khi có những chăm sóc và điều trị đúng đắn, khả năng mang thai khỏe mạnh sẽ cao hơn nhiều.
 
2. Các thuốc sử dụng khi mang thai

Nhiều loại thuốc sử dụng khi mang thai hoặc ngay trước khi có thai có thể có các tác dụng phụ nguy hại đến thai nhi.
 
Ví dụ một số loại kháng sinh có thể gây điếc hay liệt cơ của thai nhi, một số thuốc điều trị trứng cá, sốt rét hay động kinh có thể gây ra sảy thai hoặc khuyết tật bẩm sinh hay chậm phát triển trí tuệ.

Ngay cả những thuốc đông y thảo dược cũng mang nhiều nguy cơ nhất định và đừng hiểu một cách đơn giản rằng những cây cỏ tự nhiên là an toàn. Ngay cả những thuốc đa vitamin, khi chứa hàm lượng vitamin A quá cao có thể gây ra dị tật ống thần kinh.

Nếu như đang uống thuốc tránh thai, bạn cần phải dừng thuốc khoảng 3-4 tháng trước khi định thụ thai. Khoảng thời gian này giúp cho kinh nguyệt và khả năng rung trứng bình ổn trở lại. Đồng thời bạn cũng sẽ dễ dàng hơn xác định chính xác thời điểm thụ thai và sau này là tuổi thai hay dự kiến sinh.
 
Một số biện pháp như thuốc tiêm hay cấy tránh thai đòi hỏi thời gian dài hơn để kinh nguyệt và rụng trứng bình ổn trở lại.
 
3. Chế độ ăn uống, tập luyện, làm việc và môi trường

Chế độ dinh dưỡng sẽ tùy theo từng sản phụ nhưng phải bảo đảm năng lượng đầy đủ cho bà mẹ và nhu cầu phát triển của thai.
 
Ngoài ra, cần lưu ý mức tăng cân hợp lý. Tăng cân quá nhiều sẽ khiến thai phụ có nguy cơ huyết áp cao, đái tháo đường và tăng sức nặng làm việc cho tim. Ngược lại nếu tăng cân quá ít sẽ có nguy cơ thai kém phát triển trong tử cung hay nhẹ cân khi sinh, đồng thời có nguy cơ sinh khó, biến chứng khi sinh như chảy máu và nhiễm khuẩn.

Nếu như bạn gày yếu thì chế độ dinh dưỡng, ăn thêm và tập luyện hợp lý có thể làm tăng cân đến mức cần thiết. Khi bạn quá nhiều cân, lại không nên áp dụng chế độ ăn kiêng nào trong khi mang thai bởi nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển thai nhi.

Vì thế, cách tốt nhất là đạt được cân nặng khỏe mạnh hợp lý trước khi mang thai.

Nếu tập luyện thể thao từ trước khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục khi mang thai. Luyện tập thể thao như: đi bộ, bơi, đi xe đạp hay thể dục (aerobic) có thể giúp giảm một số biến chứng như cao huyết áp, đái tháo đường khi mang thai, đồng thời giảm bớt căng thẳng và nguy cơ trầm cảm sau đẻ.
 
Những luyện tập này cũng không mang nguy cơ thực sự nào đối với thai nghén, không tăng nguy cơ sảy thai hay đẻ non hay các bệnh lý khác.

Bạn có thể thảo luận với bác sĩ về cường độ luyện tập. Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ khuyên các sản phụ duy trì luyện tập ở mức 30 phút ở cường độ vừa phải trở lên mỗi ngày và ít nhất 5 ngày 1 tuần. Chỉ những sản phụ có tiền sử nặng về sản khoa trước hay các dấu hiệu bất thường như chảy máu ở lần mang thai này mới được khuyên không tập.

Tránh tiếp xúc với các hóa chất như chì, thủy ngân, các dung môi hóa học, thuốc trừ sâu, hay nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, có thể lưu ý rằng, khi bạn chỉ tiếp xúc với phóng xạ 1 lần như chụp X-quang ngực thì nồng độ phóng xạ đó không đủ nguy cơ cho thai nhi. Nhưng với phóng xạ điều trị ung thư, nồng độ đó là nguy hiểm.

Ngoài ra, bạn cần tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, hay sử dụng chất gây nghiện.

4. Nhiễm khuẩn và văcxin phòng ngừa

Mắc một số nhiễm khuẩn và virus vào thời điểm sớm của thai nghén có thể gây ra khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi. Một số nhiễm khuẩn khác làm tăng nguy cơ biến chứng của thai nghén và khi đẻ. Chính vì thế điều nên làm là bạn cần bảo đảm mình có thể miễn dịch bằng cách tiêm vắcxin.

Các văcxin quan trọng nhất bao gồm sởi, rubella, quai bị, uốn ván, bạch hầu, thủy đậu và viêm gan. Hầu hết các văcxin là an toàn khi mang thai, tuy nhiên tốt nhất vẫn nên phòng trước khi có thai.

Theo Phương Trang - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X