Hotline 24/7
08983-08983

Hở van tim bao nhiêu đáng lo?

"Hở van hai lá 2/4", "hở van ba lá 1/4"... Nhiều người khi khám sức khỏe định kỳ rất lo lắng khi thấy kết quả siêu âm tim ghi như vậy.

Xung quanh bệnh hở van tim, PGS.TS Đỗ Kim Quế - PGĐ BV Thống Nhất, TPHCM - cho biết:

Một ca phẫu thuật tim hở tại BV Thống Nhất, TPHCM - Ảnh: L.TH.H.


- Van tim của con người giống như van một chiều trong hệ thống máy bơm, giúp máu lưu thông theo một chiều, máu từ tĩnh mạch về tim và từ tim đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại. Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông hai chiều và tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể. Van tim bị hở sẽ làm quá trình lưu thông máu khó khăn hơn.

Tim người có bốn van: van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Van dễ bị tổn thương nhất là van hai lá, kế đến là van động mạch chủ, còn van ba lá và van động mạch phổi ít bị tổn thương hơn.

Thưa PGS, hở van tim bao nhiêu mới đáng lo và cần điều trị thế nào?

- Quy ước trên siêu âm tính độ hở của van tim có bốn mức: hở 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu chỉ bị hở từ 2/4 trở xuống thì không phải lo lắng nhiều vì đó là chuyện bình thường, chưa phải điều trị mà chỉ cần định kỳ tái khám, theo dõi; ngoại trừ việc hở van tim là hậu quả của những bệnh khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim...

Van tim bị hở từ 2/4 trở lên mới cần phải chú ý, kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị. Khi van tim bị hở 3/4 trở lên mới phải điều trị tích cực. Nếu bị hở từ 3,5/4 trở lên sẽ mổ để sửa chữa van tim hoặc thay van tim nhân tạo.

Về điều trị, tùy nguyên nhân gây hở van tim mà việc điều trị sẽ khác nhau. Nếu hở van tim do tim bị giãn, khi điều trị tim nhỏ lại sẽ hết hở. Nếu hở do dây chằng bị dài hoăc bị đứt thì không thể hết, nhất là khi bị đứt thì phải mổ để sửa lại, nhưng vẫn phải điều trị để bệnh không nặng thêm và không dẫn tới suy tim. Khi bị hở van tim từ 2/4 trở lên, bệnh nhân nên đến bác sĩ tim mạch khám tìm những yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy bệnh nặng thêm để điều trị...

Nguyên nhân nào khiến van tim bị hở, thưa PGS?

- Các tổn thương khiến van tim bị hở có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất do nguyên nhân bẩm sinh, tức mới sinh ra đã có dị tật bẩm sinh ở tim. Nhóm thứ hai do nguyên nhân người bệnh có những bệnh lý mắc phải.

Trong bệnh lý hở van tim do mắc phải lại chia ra làm hai dạng bệnh thường gặp: Bệnh lý van tim mắc phải do hậu thấp, tức là sau khi bị thấp khớp, thấp tim mới dẫn đến bị hở van tim; hở van tim do nguyên nhân này hiện nay chiếm tỉ lệ cao nhất ở Việt Nam và những nước đang phát triển. Bệnh lý van tim mắc phải do thoái hóa, hở van tim do thoái hóa có thể do thoái hóa của tuổi già, hoặc do bệnh lý nào đó làm tim thoái hóa nhanh hơn so với người bình thường.

Bên cạnh hở van tim do thoái hóa còn có những bệnh lý có thể gây ra tổn thương ở van tim, cụ thể như thiếu máu (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim). Khi van tim bị hư như vậy sẽ làm đứt những dây chằng, đứt phần cơ giữ van tim ở trong khiến van tim bị hở. Ngoài ra còn những bệnh lý khác hiếm gặp nhưng cũng có thể làm van tim bị hở, như bệnh cơ tim giãn nở hoặc bệnh nhân bị phình động mạch chủ, viêm nội tâm mạc...

Những triệu chứng của hở van tim thế nào?

- Thông thường hở van tim nhẹ sẽ không có triệu chứng. Chỉ khi hở van tim đã làm tim bị suy, thậm chí bị phù, gan đã lớn thì lúc đó mới xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt, đau ngực, không nằm đầu thấp được. Đối với những trường hợp hở van tim mà chưa có triệu chứng phải siêu âm mới thấy.

Có khi nào siêu âm tim bị sai không?

- Kết quả siêu âm phụ thuộc vào người thực hiện. Nếu người làm có kinh nghiệm thì kết quả sẽ chính xác hơn người không có kinh nghiệm. Trang thiết bị cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả siêu âm tim. Với máy móc tốt, độ nhạy cao, độ phân giải cao sẽ nhìn rõ hơn, chính xác hơn so với máy cũ, máy có độ phân giải thấp...

Ngoài ra, cần lưu ý van tim không phải lúc nào cũng cố định. Có lúc nó hở một chút, có lúc lại hết hở vì van tim là những cái lá rất mỏng, khi thắt lại với nhau thì kín, nhưng có khi vì một lý do nào đó bị hơi hở một chút nhưng sau đó lại trở về bình thường.

Vì thế mới có chuyện bệnh nhân thắc mắc chỗ này siêu âm bảo hở, chỗ khác lại bảo không hở. Thực tế có khi van tim hết hở thật chứ không phải do bác sĩ siêu âm sai.

Xin cảm ơn PGS.

AloBacsi.com
Theo Lê Thanh Hà - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X