Hotline 24/7
08983-08983

Ho ra máu: Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết và cách điều trị

Ho ra máu là tình trạng không hiếm gặp nhưng lại dễ nhầm lẫn hoặc bỏ sót, điều này khiến người bệnh không được điều trị đúng cách, đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Bài viết dưới đây được ThS.BS Nguyễn Đào Nhật Huy - Đơn vị can thiệp DSA - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ biên soạn giúp bạn đọc, người bệnh hiểu rõ hơn về tình trạng này.

1. Ho ra máu là gì?

Ho ra máu là máu từ đường hô hấp dưới được ho, khạc, trào, ộc ra ngoài theo đường miệng, mũi. Ho ra máu là một dấu hiệu liên quan tới nhiều bệnh, trong đó có các bệnh tại phổi như lao phổi, nấm phổi, áp xe phổi… Ngoài ra, ho ra máu có thể là biến chứng của các thủ thuật thực hiện khi nội soi phế quản.

ThS.BS Nguyễn Đào Nhật Huy - Đơn vị can thiệp DSA - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

2. Nguyên nhân gây ho ra máu

Ho ra máu có nguyên nhân từ các bệnh:

  • Ung thư phế quản phổi (bệnh nhân có tiền sử hút thuốc, tuổi trên 40, ho máu, gầy, sút cân);
  • Giãn phế quản (bệnh nhân có biểu hiện ho, khạc đờm thường xuyên, kéo dài); Lao phổi (bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với người bị lao, ho khạc đờm kéo dài, gầy sút cân, ra mồ hồi đêm);
  • Ung thư phế quản - phổi.
  • Nấm phổi (người bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, sau điều trị với thuốc ức chế miễn dịch);
  • Áp xe phổi (Ho, khạc đờm, mủ, ho máu, tức ngực, khó thở); Viêm phổi (bệnh nhân sốt cấp tính, ho khạc đờm, tức ngực, khó thở);
  • Tắc mạch phổi (bệnh nhân đau ngực, khó thở, ho máu);
  • Dị dạng mạch phổi (bệnh nhân tiền sử ho máu tái phát nhiều lần);
  • Dị vật đường hô hấp dưới (bệnh nhân có thể ho khạc đờm từng đợt).
  • Bệnh lý tim mạch: tăng huyết áp, tăng áp động mạch phổi nguyên phát hoặc thứ phát
  • Nguyên nhân ngoại khoa: Chấn thương, đụng dập lồng ngực, gãy xương sườn

3 Biểu hiện khi ho ra máu

Bệnh nhân ho ra máu lúc đầu màu đỏ tươi, có bọt lẫn đờm, sau đó chuyển dần sang sẫm màu. Khám lâm sàng thấy có các triệu chứng liên quan đến bệnh lý phổi, phế quản (sốt, khó thở, đau ngực, ran, nổ, ran ẩm…).

Nếu ho ra máu nặng và rất nặng (như sét đánh) thì ảnh hưởng đến toàn bộ huyết động của bệnh nhân dẫn đến truỵ mạch, bệnh nhân da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, hạ huyết áp, suy hô hấp cấp.

Tùy thuộc mức độ ho ra máu và tình trạng bệnh lý phổi, bệnh nhân có nhịp thở nhanh, tím môi và đầu chi. Cần phân biệt giữa ho ra máu do bệnh lý ở phổi với các bệnh ở tai mũi họng, răng hàm mặt, tiêu hóa.

4. Ho ra máu, khi nào cần điều trị tại bệnh viện?

Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, nguyên nhân gây ho ra máu mà người bệnh có thể lựa chọn điều trị tại nhà hay đến bệnh viện.

  • Ho ra máu nhẹ:

Lượng máu ho ra < 50ml/ngày. Máu ho ra chỉ thành vệt, lẫn trong đờm hoặc chỉ ho ra vài ngụm máu nhỏ.

Trong trường hợp này, việc cần thực hiện là cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng các thuốc an thần cầm máu, giảm ho, ăn lỏng (sữa, súp) hoặc nửa lỏng (cháo, mì, miến, phở...). Không cho người bệnh ăn các thức ăn khó tiêu, không uống các đồ uống có chứa cồn hoặc chất kích thích.

Nếu bệnh nhân cầm được máu và ổn định trở lại thì vẫn cần đi khám sức khỏe để xác định nguyên nhân gây ra ho ra máu để điều trị triệt để. Nếu ho ra máu nhiều hơn hoặc ra máu dai dẳng phải đến điều trị tại bệnh viện.

  • Ho ra máu trung bình:

Lượng máu ho ra từ 50 - 300 ml/ngày. Điều trị nội trú.

  • Ho ra máu nặng:

Lượng máu ho ra > 300ml/ngày hoặc > 200ml/lần. Bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi lâu dài tại bệnh viện. Nếu mất máu nhiều cần thiết phải truyền máu bổ sung. Tuy nhiên, ho ra máu rất hay biến đổi nên cần theo dõi sát.

5. Các phương pháp điều trị ho ra máu

Bệnh nhân cần được làm các thăm dò chẩn đoán và điều trị sớm ở bệnh viện. Đồng thời điều trị cầm máu và điều trị nguyên nhân (điều trị các nguyên nhân gây ho ra máu như lao phổi, giãn phế quản, ung thư phế quản, phù phổi cấp…). Các can thiệp để giúp chẩn đoán và điều trị ho ra máu bao gồm:

a. Soi phế quản ống mềm:

Giúp kiểm soát đường thở bằng cách chèn ống soi tại nơi chảy máu hoặc đặt nội khí quản riêng bên lành, đốt điện đông cao tần cầm máu, nút động mạch phế quản, nhét gạc có tẩm thuốc cầm máu và phế quản chảy máu.

Nếu tiếp tục chảy máu mà không xác định được điểm chảy máu có thể đặt nội khí quản Carlen 2 nòng để cô lập bên phổi chảy máu và thông khí phổi lành. Có thể đặt ống thông Fogarty qua ống soi phế quản tạm thời gây bít tắc phế quản nơi chảy máu.

Nếu chảy máu nhiều phải đặt nội khí quản và chụp động mạch phế quản để gây bít tắc động mạch phế quản cấp cứu. Gây tắc động mạch phế quản chỉ định khi ho ra máu lượng nhiều hoặc nhẹ đến trung bình tái phát nhiều lần, cần chụp MSCT ngực nhằm đánh giá vị trí và mức độ.

b. Thủ thuật nút động mạch phế quản

Thủ thuật nút động mạch phế quản được thực hiện nhờ màn tăng sáng của “máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền” – DSA trong phòng chụp mạch máu.

Bác sĩ sẽ luồn một ống thông từ vùng đùi lên động mạch chủ rồi luồn chọn lọc vào động mạch phế quản dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng. Sau khi bơm thuốc cản quang chụp hình động mạch phế quản, xác định nhánh động mạch phế quản thương tổn gây ho ra máu.

Bác sĩ X-quang can thiệp sẽ tiếp luồn một ống thông nhỏ hơn (microcatheter) vào lòng ống thông trên trực tiếp vào nhánh tổn thương. Sau đó chụp hình nhánh động mạch tổn thương để xác định chắc chắn vị trí cần bơm thuốc tắc mạch, bơm các hạt tắc mạch nhỏ có đường kính 0.3mm-0.5mm vào lòng động mạch để gây nghẽn mạch máu.

Khi kết thúc thủ thuật, các ống thông được rút bỏ ngay, vùng đùi sẽ được băng ép để tránh chảy máu nơi đã luồng ống vào động mạch.

Phòng can thiệp DSA tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Thời gian của thủ thuật kéo dài khoảng từ 60 phút đến 90 phút. Trong suốt thời gian thủ thuật, bệnh nhân không cần phải được gây mê, chỉ cần tiêm khỏang 5ml thuốc tê vào tại vùng bẹn.

Sau thủ thuật bệnh nhân có thể ăn uống trở lại sau thủ thuật 2 giờ. Sau thủ thuật, bệnh nhân phải nằm yên trên gường và giữ thẳng chân. Bệnh nhân có thể đi đứng và trở về sinh hoạt bình thường sau 18 giờ và được xuất viện sau 3 ngày.

Nút động mạch phế quản là thủ thuật điều trị nội mạch được cho là “xâm lấn tối thiểu”, vì phương pháp này an tòan và ít biến chứng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có cảm giác đau tức ngực sau thủ thuật, triệu chứng này tự giới hạn và biến mất sau 3 đến 5 ngày, giảm đau nhanh sau dùng thuốc giảm đau.

Một biến chứng nặng nhưng rất hiếm gặp là biến chứng nhồi máu tủy sống do một nhánh động mạch nuôi tủy sống có nhánh nối với động mạch phế quản. Bệnh nhân có biểu hiện yếu 2 chân. Triệu chứng này có thể cải thiện dần trong vòng 4 đến 6 tuần.

Ngoài các biến chứng chuyên biệt cho nút động mạch phế quản kể trên, bệnh nhân còn có thể có các biến chứng tại chỗ của phương pháp điều trị nội mạch như dị ứng thuốc cản quang, tụ máu vùng đùi, dò động - tĩnh mạch đùi.

c. Phẫu thuật cấp cứu

Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khi:

  • Chảy máu nhiều ở một bên phổi khi không có điều kiện chụp động mạch phế quản gây bít tắc.
  • Ho ra máu nặng sau khi gây bít tắc động mạch phế quản.
  • Ho máu nặng ảnh hưởng tới huyết động, gây suy hô hấp.
  • Chỉ định ngoại khoa tiến hành ở bệnh nhân có tổn thương khu trú, khi tình trạng toàn thân, chức năng hô hấp cho phép.
  • Chống chỉ định phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn không phẫu thuật được hoặc bệnh nhân có chức năng hô hấp trước khi ho ra máu quá kém không cho phép cắt phổi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X