Hotline 24/7
08983-08983

Hiểu về các cơn sốt đầu đời của con và cách cha mẹ xử lý sao cho đúng?

Hiểu về các cơn sốt đầu đời của con và nắm rõ các nguyên tắc cần nhớ khi chăm sóc con bị sốt, cách hạ sốt sao cho an toàn, đúng liều lượng sẽ giúp các bậc cha mẹ yên tâm cùng con cùng con vượt qua các cột mốc trưởng thành suôn sẻ.

Nuôi con nhỏ chưa bao giờ là dễ dàng. Nay con ốm, mai con đau luôn luôn khiến các bậc phụ huynh sầu não.

  • Vậy bố mẹ nên làm gì để các cột mốc phát triển của con diễn ra suôn sẻ?
  • Chăm sóc trẻ thế nào khi mọc răng, sau tiêm ngừa?
  • Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau sao cho đúng?

Những nỗi ưu tư này của các ông bố bà mẹ sẽ được TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt - Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố giải đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cẩm nang cho mẹ cùng con vượt qua những cơn sốt đầu đời”.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Những bệnh gì bé thường gặp trong những năm đầu đời?

Xin hỏi TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt, những vấn đề sức khỏe nào bé thường gặp trong những năm đầu đời?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Trong những năm đầu đời của con (khi mẹ mang thai được tính là năm đầu tiên và 2 năm sau đó) là giai đoạn vàng để phát triển. Nhưng đây cũng là thời điểm trẻ như “búp trên cành” rất mong manh và cần sự che chở.

Lúc này, sức đề kháng của con còn yếu nên bé dễ mắc phải một số bệnh lý như viêm nhiễm, thường gặp nhất là triệu chứng của siêu vi (hay gọi là sốt siêu vi), viêm đường hô hấp trên, viêm phổi hoặc tiêu chảy.

Vì sao trong giai đoạn này trẻ thường hay sốt, “ốm vặt” thưa BS?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Có thể nói, con người là loài động vật yếu ớt hơn so với các loài động vật khác. Trong khi một số loài động vật khác như Kangaroo hay hươu cao cổ có thể tự đi lại, kiếm mồi ngay sau sinh một vài ngày, nhưng loài người chúng ta không tự nuôi dưỡng được bản thân trong giai đoạn này mà cần có sự chăm sóc từ người lớn.

Nghĩa là, thời điểm này mọi nguồn dinh dưỡng chính đều đến từ sữa mẹ - đây là một phần kháng thể mà mẹ có thể cho con. Nếu em bé thiếu nguồn dinh dưỡng này thì cơ thể sẽ không đủ sức đề kháng.

Đặc biệt trong 2 năm đầu đời hệ miễn dịch của trẻ hầu như chưa phát triển. Vì thế con rất cần thời gian để hệ miễn dịch trưởng thành cùng với sự phát triển của cơ thể, về cân nặng, chiều cao cũng như não bộ.

Nhưng trong giai đoạn từ 6 tháng tuổi, não bộ của em bé dần phát triển nhiều hơn. Mẹ sẽ thấy con có thể cầm nắm, tự đưa thức ăn vào miệng, chập chững biết đi, bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Đây là “thời cơ” để mầm bệnh, vi sinh vật gây bệnh dễ tấn công trẻ hơn, cộng với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh thì chắc chăn con sẽ gặp rất nhiều đợt bệnh. Do đó, trong 2 năm đầu đời các bậc phụ huynh cần lưu tâm, theo dõi kỹ hơn để hỗ trợ cho trẻ trong giai đoạn này.

2. Vì sao trẻ bị sốt khi mọc răng?

Giai đoạn mọc răng khiến trẻ bị sốt, quấy khóc. Vậy xin hỏi BS, nguyên nhân do đâu khiến trẻ bị sốt sau khi mọc răng. Có phải tất cả trẻ em đều phải trải qua phản ứng này?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Mọc răng là giai đoạn đầy thử thách đối với cả mẹ và bé. Triệu chứng mọc răng tương đối đa dạng và sốt chỉ là một trong số đó. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần phân biệt sốt do mọc răng hay sốt cùng thời điểm với mọc răng.

Khi mọc răng thường bé sẽ không sốt cao, còn nếu có sốt cao xảy ra kèm với mọc răng thì cần lưu ý đó là sốt xảy ra vào thời điểm mọc răng.

Sốt xảy ra cùng thời điểm mọc răng là sự trùng hợp. Bởi khi trẻ 6 tháng tuổi bắt đầu mọc răng, học hỏi và tiếp xúc nhiều hơn với môi trường xung quanh cũng là lúc lượng kháng thể được mẹ truyền qua nhau thai và sữa mẹ giảm đi, nên rất dễ bị vi sinh vật tấn công gây sốt. Triệu chứng này khiến các bậc phụ huynh dễ nhầm lẫn với triệu chứng sốt do mọc răng.

Đây là vấn đề có thể gặp ở bất kỳ trẻ nào trong giai đoạn từ 6-12 tháng, vì vậy người lớn cần theo dõi sát sao các triệu chứng để phân biệt được sốt do mọc răng hay sốt cùng thời điểm với mọc răng.

Vậy làm sao phân biệt sốt do mọc răng hay sốt cùng thời điểm với mọc răng? Có triệu chứng nào giúp nhận diện được các vấn đề này tốt hơn ạ?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Một em bé có thể mọc đến 20 cái răng sữa nên chắc chắn bác sĩ sẽ gặp nhiều tình huống như vậy.

Sốt do mọc răng thường không bao giờ vượt quá 38 độ C. Nghĩa là khi đo nhiệt độ ở nách sẽ không vượt quá 27,5 độ C hoặc nếu đo ở hậu môn thì không vượt quá 38 độ.

Khi sốt do mọc răng hầu hết em bé sẽ tươi tỉnh, ăn uống bình thường, hiếm khi biếng ăn nhưng bên cạnh đó sẽ kèm theo các triệu chứng như chảy nước dãi, ban đêm có thể quấy khóc (không quá 2 tiếng đồng hồ), bứt rứt do đau nướu nhưng không đáng kể.

Ngược lại, nếu sốt trùng thời điểm mọc răng thì em bé sẽ sốt từ nhẹ đến cao, có khi trên 39 độ C, kèm theo bứt rứt, quấy khóc liên tục trên 2 tiếng, bỏ ăn, đặc biệt là bỏ uống nước. Đó là những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý chứ không phải mọc răng đơn thuần mà các bậc phụ huynh cần lưu ý.

3. Hạ sốt thế nào khi trẻ sốt sau khi tiêm ngừa?

Sốt sau khi tiêm ngừa thế nào là bất thường, thế nào là bình thường?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Sau khi tiêm ngừa, các bậc phụ huynh thường sẽ thấy trẻ có triệu chứng sốt trong vòng 24 tiếng và có thể kéo dài đến 48 tiếng. Nếu cơn sốt này chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ và tự hết, em bé vẫn chơi vui, ăn bình thường, uống được nước thì hầu như có thể theo dõi tại nhà.

Song điều chúng ta cần lưu tâm đó là theo dõi xem trẻ có dấu hiệu bất thường như sốt và đặc biệt sốt cao trên 39 độ C, khó hạ với thuốc hạ sốt, có thể kèm theo các triệu chứng như co giật, lừ đừ, bứt rứt quấy khóc trên 2 tiếng liên tục hay không. Em bé có thể có bệnh lý kèm theo trong thời điểm chích ngừa nhưng cũng có thể đó một phản ứng mạnh mẽ với loại vắc xin vừa tiêm, vì vậy nếu xảy ra những triệu chứng này thì cần đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân.

Trong hành trình phát triển trẻ phải trải qua hàng chục mũi tiêm ngừa, nhưng không phải lần nào trẻ cũng bị sốt. Việc không bị sốt liệu có “bất thường” thưa BS?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Thực tế sự lo lắng này là có cơ sở. Điều này cho thấy phụ huynh rất quan tâm đến kiến thức chung trong vấn đề tiêm chủng cũng như đáp ứng miễn dịch.

Quả thực có một số loại vắc xin sau khi tiêm ngừa trẻ sẽ có biểu hiện sốt thì người ta đo được nồng độ kháng thể cao hơn so với những em bé không sốt. Tuy nhiên, những trẻ không sốt sau tiêm ngừa vẫn hoàn toàn tạo ra lượng kháng thể đạt đủ ngưỡng để bảo vệ cho bé. Do đó, cho dù con không sốt thì bố mẹ hoàn toàn có thể yên tâm và khá thoải mái trong quá trình chăm sóc.

4. Theo dõi trẻ sau khi tiêm ngừa như thế nào?

Cha mẹ cần lưu ý gì khi theo dõi trẻ tại điểm tiêm và tại nhà? Những dấu hiệu nào là bất thường sau khi tiêm ngừa mà bố mẹ cần cho trẻ đi khám thưa BS?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Về mặt lý thuyết, nếu có những phản ứng phản vệ nặng như sốc phản vệ thì gần như sẽ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm chủng. Đó là lý do mà Bộ Y tế đã đưa ra quy định phải theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút để quan sát những dấu hiệu nặng. Nếu sau 30 phút, trẻ không có những dấu hiệu nặng thì gần như là yên tâm.

Dĩ nhiên là vẫn có những phản ứng nặng sau tiêm xảy ra muộn nhưng rất hiếm. Vì vậy, sau khi về nhà, các bậc phụ huynh có thể lưu ý quan sát xem em bé có những vết đỏ nổi lên da hay không, có triệu chứng nổi mề đay hay không và đặc biệt là nổi mề đay quanh vùng đầu mặt cổ. Đồng thời, chúng ta cần theo dõi nhiệt độ trong vòng 48 tiếng, nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu như co giật, lừ đừ, bỏ bú, từ chối uống nước thì cần đưa bé đi khám.

Người mẹ thường rất nhạy cảm và theo dõi con rất sát sao. Trong y khoa chúng tôi có câu nói và tôi cũng thường sử dụng để nhắc nhở các bác sĩ trẻ của mình, đó là “Người mẹ luôn luôn đúng, nếu người mẹ lo lắng thì bác sĩ nên lo lắng”. Nghĩa là giác quan của người mẹ cảm nhận rất tốt, bất kể triệu chứng nào mà người mẹ thấy bé lạ hơn bình thường thì đó là triệu chứng cần đưa bé đến khám.

5. Phải làm gì khi trẻ sốt lên cơn co giật?

Khi trẻ bị sốt, cha mẹ sợ nhất là con lên cơn co giật. Nếu chẳng may xảy ra tình huống này, người lớn cần xử trí như thế nào? Lúc này có nên cho uống thêm thuốc để hạ sốt?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Co giật là một triệu chứng nguy hiểm, đặc biệt là khi có sốt. Trẻ dưới 6 tuổi hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh, những xung động thần kinh đôi khi “bị lỗi”, do đó khi sốt có thể lên cơn co giật. Nhưng, chúng ta cần phải lưu ý để phân biệt cơn co giật này là do sốt hay hay đó là một triệu chứng co giật do sự tổn thương nặng trên hệ thần kinh ví dụ như viêm màng não, động kinh.

Khi trẻ xảy ra tình huống này, trước tiên các bậc phụ huynh cần bình tĩnh. Nếu co giật do sốt thì trung bình sẽ kéo dài khoảng 3 phút thôi, hiếm khi nào hơn 5 phút. Như vậy, nếu chúng ta thấy kéo dài trên 5 phút thì bắt buộc phải đưa ngay đến bệnh viện.

Trong thời gian đó, các bố mẹ cần đo nhiệt độ để kiểm tra xem trẻ có sốt hay không, trường hợp co giật có kèm theo sốt thì cần phải hạ sốt, nhưng lưu ý là dùng thuốc nhét hậu môn, không dùng thuốc đường uống. Đồng thời, cần nhớ rằng không đưa bất kỳ vật gì vào miệng, kể cả việc đưa ngón tay của người lớn vào miệng để đề phòng trẻ cắn lưỡi.

Trước đây, chúng ta có thể dùng cây đè lưỡi có quấn gạc đưa vào miệng đẻ trẻ không cắn lưỡi. Thực tế điều này không được khuyến cáo, tuy nhiên nếu nó làm cho phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn thì có thể áp dụng, nhưng cần lưu ý nếu răng trẻ đã cắn chặt thì không gỡ ra để đưa vào.

Ngoài ra, cần cho trẻ nằm nghiêng ở tư thế hồi phục, tương tự như khi em bé ôm gối ngủ nghiêng để những đờm dãi chảy ra ngoài theo đường miệng. Đây cũng là tư thế giúp trẻ hô hấp dễ hơn, tránh hít sặc.

Nếu phụ huynh nào biết thì có thể bắt mạch để kiểm tra xem nhịp mạch của trẻ thế nào. Còn nếu không thì chỉ cần để ý thời gian bằng cách nhìn đồng hồ để ghi nhận thời điểm xảy ra triệu chứng và báo lại cho bác sĩ khi đưa trẻ đến bệnh viện. Điều này sẽ gợi ý giúp bác sĩ nghĩ đến những chẩn đoán khác nhau trong quá trình thăm khám cho em bé.

6. Nguyên tắc nào bố mẹ cần nhớ khi chăm sóc con bị sốt?

Như vậy, những nguyên tắc nào bố mẹ cần nhớ khi chăm sóc con bị sốt, đau thưa BS? Có sự khác nhau trong cách chăm sóc, lưu ý giữa các nguyên nhân gây sốt không ạ? (VD sốt do bệnh lý, sốt do mọc răng, sốt do tiêm chủng…)

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Chúng ta sẽ lưu ý 2 nguyên tắc. Thứ nhất là nhận ra những dấu hiệu nặng và nguyên tắc thứ 2 là hạ sốt đúng cách đối với những trẻ có sốt.

Về các dấu hiệu nặng thì như tôi đã nói ở trên, cần lưu ý khi trẻ sốt cao, kèm theo bứt rứt, quấy khóc liên tục trên 2 tiếng, bỏ ăn, đặc biệt là bỏ uống nước thì cần đưa bé đi khám.

Về vấn đề hạ sốt, các bậc phụ huynh cần cho trẻ mặc đồ thoáng mát, mở cửa thoáng trong nhà để tạo luồng khí lưu thông, đây cũng là cách thoát nhiệt qua da để giảm nhiệt độ, nhưng cần tránh gió lùa quá mạnh. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc hạ sốt an toàn cho trẻ, đúng liều lượng theo cân nặng, đúng chỉ định. Đồng thời cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước.

Phần 2: Bác sĩ chỉ cách tính liều thuốc hạ sốt theo cân nặng của trẻ


Ánh Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X