Hệ quả của bệnh loãng xương
Loãng xương là bệnh lý xương khớp phổ biến ở người lớn tuổi, thậm chí xảy ra sớm ở người trẻ tuổi do lối sống sinh hoạt kém khoa học. Loãng xương không thể chữa khỏi dứt điểm, tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị bảo tồn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như tàn phế, bại liệt vĩnh viễn, tử vong.
1. Tổng quan về bệnh loãng xương
Loãng xương là một dạng rối loạn chuyển hóa làm mất cân bằng quá trình phân hủy và tái tạo các tế bào xương mới. Tình trạng này kéo dài khiến xương thiếu hụt canxi, cấu trúc xương bị bào mòn, ngày càng mỏng, xốp. Mật độ xương giảm dần, suy yếu theo thời gian, tăng nguy cơ tổn thương, dễ gãy xương dù chỉ gặp chấn thương nhẹ.
Hầu hết trường hợp loãng xương đều được phát hiện khi về già, đây cũng là giai đoạn loãng xương nghiêm trọng nhất và gần như không thể phục hồi. Nhưng hiện nay, loãng xương ngày càng có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở những người chỉ vừa 30 tuổi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và khả năng lao động.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ phổ biến gây loãng xương bao gồm:
- Tuổi tác: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra loãng xương. Đây là hệ quả của quá trình lão hóa. Ngoài ra, người già thường ít vận động, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thiếu hụt vitamin D, suy giảm chức năng gan, thận, đường ruột... khiến xương khớp dễ bị thoái hóa, gây loãng xương.
- Rối loạn nội tiết tố: Hormone nội tiết estrogen (ở nữ giới) và testosterone (ở nam giới) đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hấp thu tối đa các dưỡng chất cần thiết giúp xương khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi lượng hormone này giảm thấp quá mức sẽ gây ra tình trạng loãng xương, xốp xương.
- Ăn uống thiếu chất: Chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, phần lớn là canxi và vitamin D khiến quá trình tái tạo xương bị suy giảm, tiêu hủy xương lại nhanh. Sự mất cân bằng này khiến mật độ xương giảm, trở nên giòn, xốp và dễ gãy hơn.
- Tính chất nghề nghiệp: Những người làm việc văn phòng, ngồi nhiều trong hàng giờ liền, hoặc công nhân bốc vác vật nặng, lao động cực nhọc nhiều khiến xương suy yếu, không có thời gian để phục hồi, lâu ngày dẫn đến loãng xương, gãy xương.
- Lối sống kém lành mạnh: Thường xảy ra ở người trẻ tuổi như lười vận động, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, ăn uống qua loa, thức khuya, thể chất kém... Đây là những nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hấp thụ canxi của xương và tăng nguy cơ loãng xương.
- Yếu tố di truyền: Di truyền cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự phát sinh bệnh loãng xương.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có khả năng làm giảm mật độ và khối lượng xương như corticosteroid, glucocorticoid, thuốc chống đông máu, thuốc điều hòa hormone tuyến giáp, thuốc làm loãng máu, thuốc ức chế bơm protein (PPI), thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng acid, thuốc lợi tiểu, thuốc vitamin A (Retinoid)...
- Các tác nhân ức chế miễn dịch: Phổ biến nhất là chất ức chế aromatase hoặc cyclosporin làm giảm hormone gây ảnh hưởng đến sự cân bằng ổn định xương.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Một số bệnh lý tự miễn (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp), bệnh cường giáp, cường cận giáp, rối loạn tuyến yên, tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, bệnh Celiac... gây rối loạn hormone nội tiết và tăng nguy cơ loãng xương.
3. Triệu chứng của loãng xương
Loãng xương rất khó nhận biết trong giai đoạn đầu vừa chớm phát, do tiến triển âm thầm và không gây đau đớn. Chỉ đến khi xương yếu đi và chấn thương liên tục, qua thăm khám mới biết bản thân mắc bệnh. Bệnh trong giai đoạn nặng được biểu hiện qua các triệu chứng như:
- Đau mỏi xương, cảm giác như bị kim châm.
- Đau âm ỉ tại vị trí bị loãng xương như xương hông, chậu, cột sống, đầu gối, thắt lưng.
- Cơn đau có tính chất cơ học, tức càng vận động hoặc khi thời tiết thay đổi sẽ càng đau nhiều hơn.
- Kéo theo đau thần kinh tọa (từ cột sống xuống thắt lưng) và đau 2 bên dây thần kinh liên sườn.
- Giảm chiều cao do cột sống bị thu hẹp, biến dạng làm cong cột sống.
- Kèm theo các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp, giãn tĩnh mạch hoặc cao huyết áp, thường là ở người bệnh lớn tuổi, trung niên.
Xem thêm: Nhận diện và phòng ngừa loãng xương ở người trẻ tuổi
4. Hệ quả khó lường của bệnh loãng xương
Loãng xương là căn bệnh không thể chữa khỏi dứt điểm, nhất là ở người lớn tuổi khả năng phục hồi gần như bằng 0. Tuy nhiên, vẫn có những phương pháp giúp cải thiện bệnh tốt, bảo tồn xương và duy trì vận động. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Biến dạng xương
- Đau cột sống do biến chứng gãy lún đốt sống
- Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao
- Tỷ lệ 50% bệnh nhân bị thương tật, tàn phế vĩnh viễn
- Tỷ lệ 20% biến chứng loãng xương gây tử vong
5. Phòng ngừa loãng xương
Để duy trì xương khớp khỏe mạnh, ngăn ngừa loãng xương nói riêng và các bệnh lý xương khớp nói chung, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ thực hiện các biện pháp sau:
- Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D thông qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng theo sự tư vấn của bác sĩ.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày là cách tốt nhất để bảo vệ xương khớp, tăng cường thể trạng, nâng cao miễn dịch.
- Đảm bảo sinh hoạt lành mạnh, an toàn, giảm thấp nhất nguy cơ chấn thương, té ngã khiến xương tổn thương khó phục hồi, nhất là đối với người lớn tuổi.
- Nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ loãng xương cao, hãy thường xuyên thực hiện đo mật độ xương để tầm soát nguy cơ, sớm phát hiện bệnh (nếu có) và tiến hành điều trị kịp thời.
- Dùng bất kỳ loại thuốc trị bệnh nào cũng đều phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý lạm dụng thuốc trong thời gian dài để phòng ngừa nguy cơ loãng xương.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình