Hãi hùng giun chui lên mắt, đục thủng ruột
Dù những trường hợp nhiễm giun nặng đã ít đi, nhưng mới đây, BVĐK Xanh Pôn cho biết, vừa cấp cứu thành công một bệnh nhi bị giun đục thủng ruột thừa, nhiễm độc nặng.
Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp nếu bị nhiễm giun nặng không được chữa kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Giun đục thủng ruột thừa em bé 2 tuổi
Bệnh nhi này 2 tuổi, bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 7kg, quê ở Sơn La. Bé được đưa xuống BVĐK Xanh Pôn (Hà Nội) khám mắt. Tuy nhiên sau khi khám mắt, bất ngờ bé bị đau bụng và được phẫu thuật cấp cứu ngay tại Bệnh viện. Theo BS Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện, khi mở ổ bụng, các bác sĩ thấy ruột thừa của bé đã bị giun đũa đục thủng, làm tràn dịch ra ổ bụng gây tình trạng nhiễm độc. Các bác sĩ đã cắt bỏ ruột thừa, làm vệ sinh ổ bụng và điều trị cho bé. Đến ngày 2/10, tình trạng của bé đã ổn, mọi sinh hoạt trở về bình thường.
Theo BS Nguyễn Đình Hưng, 10 năm trở về trước, còn nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm giun nặng như trường hợp kể trên, nhưng gần đây thì tình trạng tương tự rất ít gặp. Phẫu thuật viên chính điều trị cho bé, đây là lần đầu tiên trong 15 năm làm nghề y, bác sỹ gặp trường hợp nhiễm giun đục thủng ruột thừa ở bệnh nhi.
Cách đây không lâu, tại Khoa Mắt, Bệnh viện E (Hà Nội), đã từng tiếp nhận và điều trị cho một bé gái 13 tuổi bị nhiễm giun trong mắt. Ban đầu, con giun ở trong dịch kính, võng mạc. Việc lấy giun ra khỏi mắt cháu bé hết sức khó khăn vì có khả năng ảnh hưởng nhiều đến mắt bệnh nhi. Tuy nhiên, sau đó giun đã chui ra phía ngoài, do vậy các bác sĩ đã tiến hành lấy giun ra khỏi mắt cháu bé dễ dàng hơn.
Giun chui lên mắt, đục thủng ruột… không phải là biến chứng hiếm gặp nếu bệnh nhân bị nhiễm giun nặng. Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, giun đũa là do loại ký sinh trùng có tên là Ascarris Lumbricoides gây nên. Trứng giun (tại ruột non) được thải ra ngoài theo phân. Trứng lây nhiễm vào người qua đường tiêu hóa như qua rau sống, quả tươi nước lã, nước bị nhiễm bẩn, thức ăn bị ô nhiễm... Trẻ em thường chơi đùa đất xung quanh nhà hay bị nhiễm trứng giun đũa. Trong các loại đất thì đất cát thích hợp nhất với sự phát triển của trứng giun đũa.
Nhiễm giun có thể gây tử vong
Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đa số các trường hợp nhiễm giun nhẹ thường không có triệu chứng, nhưng đôi khi nhiễm một con giun duy nhất cũng có thể gây áp xe gan hay làm tắt ống dẫn mật.
Tại nơi cư trú bình thường (ruột non), nếu bệnh nhân bị nhiễm nặng giun trưởng thành có thể gây ra viêm ruột, xoắn ruột tắc ruột hoặc lòng ruột, nếu không được xử lý và điều trị đúng sẽ tử vong. Điều này thường xảy ra ở trẻ em, có trường hợp bắt được 100 con giun ở một bệnh nhân. Khi giun đi “lang thang” có thể “lạc” đến những nơi cư trú bất thường và gây ra triệu chứng cấp tính như: Tắc ruột, thủng ruột, viêm ruột thừa cấp, làm nghẽn ruột viêm túi thừa, chấn thương dạ dày hoặc ruột, tắc ống dẫn mật dẫn đến vàng da. Giun xâm nhập vào mô gan gây áp xe gan, vào cơ quan sinh dục làm thủng thực quản.
Giai đoạn lưu hành, giun vào phổi có thể gây cơn ho, thâm nhiễm phổi. Người bệnh có thể có đau bụng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa. Trẻ ngứa mũi, lên cơn co giật, đêm ngủ hay hốt hoảng, nghiến răng, ứa nước miếng, thích nằm sấp. Khi ấu trùng giun đũa lên phổi, bệnh nhân có ho thoảng qua, khó thở, thở rít, nổi mẩn ngoài da. Khi nhiễm giun nặng, bệnh nhân có các triệu chứng kiểu loét dạ dày tá tràng hay cảm giác khó chịu ở bụng trước hoặc sau bữa ăn. Người nhiễm giun có thể khạc hay nôn ra giun qua mũi, miệng.
Đặc biệt, sự di chuyển của giun trưởng thành ở những người nhạy cảm có thể khiến hậu môn ngứa dữ dội, nôn ói ra giun và phù nề thành môn...
Tuân thủ tiêu chí ăn chín, uống sôi
Bệnh giun đũa gây nhiều mối nguy hiểm và có thể tử vong, do đó, việc phòng bệnh là rất quan trọng. Mọi người có thể phòng tránh nhiễm giun đũa bằng các biện pháp đơn giản và hiệu quả như: Không ăn rau sống, quả xanh; không uống nước lã, nước đá, vì nước đá nhiều khi được làm từ nguồn nước không sạch; không nên dùng phân tươi bón ruộng hay bón rau xanh, xử lý tốt phân, nước, rác.
Về vấn đề này, TS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia từng khuyến cáo, không ít người dân Việt Nam có thói quen dùng nguồn nước ô nhiễm, nước thải sinh hoạt để tưới rau. Đây là lý do các loại rau dễ nhiễm vi sinh vật gây bệnh đường ruột.
Do đó, dù là rau thủy sinh hay rau trên cạn đều cần rửa rau dưới vòi nước chảy để loại bỏ trứng giun sán, ký sinh trùng trên rau. Trước khi rửa dưới vòi nước, có thể ngâm 5 - 10 phút trong chậu để làm tan đất, bụi bẩn, kí sinh trùng bám trên rau, rửa sạch rồi rửa dưới vòi nước. Tuy nhiên, việc rửa rau cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các kí sinh trùng, vi sinh vật nguy hiểm bám trên rau, vì thế việc nấu chín là vô cùng quan trọng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh vật gây bệnh đường ruột nguy hiểm này.
Đồng quan điểm này, theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), một thói quen mà người nội trợ hay làm là rửa rau dưới vòi nước sạch, nhưng cũng khó làm sạch hoàn toàn các vi khuẩn gây bệnh đường ruột. “Nếu ăn phải rau sống, rồi hành - thường được nấu chưa chín vì cho vào sau khi đã tắt bếp - nguy cơ cho đường tiêu hóa là rất lớn, có thể không phải đi viện ngay, nhưng sự tích tụ của vi khuẩn gây bệnh trong đường tiêu hóa dần sẽ gây hại cho sức khỏe”, ông Phong chia sẻ.
Ngoài ăn chín, uống sôi, để con tránh nhiễm giun đũa, cha mẹ cần:
- Hướng dẫn trẻ em rửa tay trước khi ăn uống hay sau khi tiếp xúc với đồ chơi, không để trẻ chơi nơi đất cát.
- Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, tránh để móng tay dài dễ nhét đất cát và lây nhiễm trứng giun. Tắm rửa hàng ngày cho trẻ bằng nước sạch.
- Ở vùng trồng màu, người dân nên tẩy giun định kỳ 6 tháng - 1 năm/1 lần. Nhiều trường hợp bị viêm thị thần kinh sau nhãn cầu do giun, hay bị quáng gà, sau khi tẩy giun xong, thị lực lên đến 10/10.
Theo Thu Nguyên - Gia đình và Xã hội
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình