Hà Nội: Đau mắt đỏ, cả xóm trọ nhìn nhau qua kính đen
Dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, số lượng người mắc vẫn còn rất đông khiến không ít chuyện dở khóc dở cười phát sinh.
Đeo khẩu trang đi ngủ
BS Hoàng Cương, khoa Khám bệnh, BV Mắt Trung ương cho biết, tính đến thời điểm này, dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu chững lại với số bệnh nhân đến khám giảm nhẹ (giảm khoảng 30-50 người/ngày so với những ngày trước đây).
Sợ lây đau mắt đỏ, mẹ cho con đeo khẩu trang đi ngủ. (Ảnh minh họa:
VietNamNet) |
Theo bác sỹ Cương, nguyên nhân vừa do dịch đã đến đỉnh và bắt đầu thoái trào, vừa do tác động của gió mùa đông bắc khiến sự lưu hành của virus gây bệnh giảm đi.
Tuy bắt đầu "hạ nhiệt" song tới thời điểm hiện tại, bác sỹ Cương cho biết, số người mắc vẫn còn rất đông, những ca mắc trong cùng gia đình vẫn rất phổ biến. Điều này đã khiến sinh hoạt của người dân tiếp tục gặp khó khăn.
Chị Lan, nhân viên thu ngân siêu thị BigC cho biết, dịch đau mắt đỏ đã lan đến cả khu nhà trọ của chị ở huyện Từ Liêm, khiến tất cả xóm trọ đều nghỉ làm, ở nhà ngồi nhìn nhau qua cặp kính đen.
Có con nhỏ chưa bị lây, chị Lan tìm hiểu được biết bệnh này lây qua đường tiếp xúc, hô hấp nên chị cách ly con bằng cách đeo khẩu trang cả ngày, kể cả khi đi ngủ! Từ hôm bị bệnh, chị không ôm hôn con như mọi khi. Song kết cục là cháu không lây từ chị thì cũng lây từ bạn. Khi chị sắp khỏi bệnh thì cũng là lúc con mắc bệnh.
Khốn khổ nhất là những nhà có 2-3 con nhỏ cùng mắc bệnh. Các cháu chưa biết cách giữ vệ sinh, mắt đau nhức nên càng khó chịu, quấy khóc suốt ngày. Trong khi đó, mọi biện pháp "giải tỏa" như cho đi chơi, xem tivi, … hầu như không thể áp dụng do đều có hại cho mắt.
Theo BS Hoàng Cương, bệnh viện Mắt Trung ương, thì vấn đề vệ sinh, tiếp xúc rất quan trọng trong việc phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
Càng ở những nơi có mật độ dân số cao, đi lại và ô nhiễm môi trường nhiều thì nguy cơ dịch bùng phát và lây lan càng nhanh. Do đó, tới thời điểm này, dù dịch đã lan rộng song những nơi có nhiều người mắc nhất vẫn là các quận nội thành.
Cô giáo cũng bị đau mắt đỏ
Dịch chững lại nhưng không được chủ quan
Bác sỹ Cương cho biết dịch tuy có dấu hiệu chững lại nhưng người dân không được chủ quan do đây đang là thời kỳ giao mùa, thời tiết thất thường, mưa nhiều, độ ẩm cao nên virus có thể lưu hành mạnh trở lại. Ngoài ra, ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần (do virus có thể tồn tại tới 35 ngày trên bề mặt dụng cụ gia đình, dụng cụ y tế). Ngay cả với người mắc cũng có thể bị mắc lại vì tuýp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch ngắn (2 tháng). Vì thế, một người có thể mắc bệnh 2 lần trong 1 đợt dịch. Bác sỹ Cương tiếp tục khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống, làm việc sạch sẽ, … để phòng bệnh triệt để. |
Hiện nay, trung tâm y tế các quận trong địa bàn thành phố Hà Nội đều đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến các trường học. Dịch đã ở giai đoạn lây lan mạnh trong cộng đồng nên việc ứng phó hiện tập trung chủ yếu vào khâu xử trí.
Ông Ngô Văn Giá, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Long Biên cho biết, hàng ngày phòng kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm đều có cán bộ theo dõi, ghi nhận từ phòng khám của các bệnh viện, trạm y tế trong quận để nắm được tình hình.
Theo ông Giá, dịch đau mắt đỏ ở Long Biên hiện không quá nóng, không có ổ dịch lớn với ồ ạt người mắc song đến nay, các trường học đều được hướng dẫn đầy đủ về cách xử trí khi có học sinh mắc bệnh.
Trường học là một trong những nơi dễ bùng phát và lây lan dịch đau mắt đỏ nhanh nhất. Chị Nguyễn Nguyệt Minh (quận Cầu Giấy) cho biết, con chị đang học lớp 2, lớp có 50 cháu thì đã có tới 38 cháu lần lượt bị đau mắt đỏ.
Chính vì thế, vào lúc cả lớp có tới 15-20 cháu cùng mắc bệnh, những cháu được gia đình cho nghỉ học lại là các cháu … chưa mắc bệnh!
Tuy nhiên, càng ngày càng nhận thấy không thể cho con nghỉ học để phòng bệnh vì người lớn đi làm cũng bị lây, kiểu gì cũng lây sang con nên chị Minh lại cho con đi học trở lại và chấp nhận "sống chung với lũ", đồng thời tìm hiểu cách xử trí khi bị mắc bệnh để chủ động ứng phó.
Ngoài học sinh, chị Minh cho biết, ngay cả cô giáo chủ nhiệm cũng bị đau mắt đỏ. Không thể nghỉ thoải mái như học sinh nên cô giáo vẫn phải lên lớp, đeo kính đen và nhỏ thuốc mắt liên tục.
Cần cách ly ngay học sinh có biểu hiện bất thường Trước diễn biến phức tạp của dịch đau mắt đỏ trong các trường học, chiều 25/9, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống đã có văn bản yêu cầu toàn bộ các trường học trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng chống. Cụ thể: Cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên loa, bảng tin nhà trường, các buổi sinh hoạt tập thể về cách phòng chống dịch, tăng cường ý thức phòng chống dịch bệnh cho giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Các trường cần tổ chức vệ sinh môi trường, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất ở các trường học có tổ chức ăn trưa, bếp ăn tập thể. Các trường cần theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh hàng ngày tại trường học. Khi có các trường hợp có biểu hiện sốt, đau mắt phải cách ly ngay học sinh có biểu hiện bất thường. Thông tin thường xuyên với gia đình học sinh, các học sinh bị đau mắt đỏ không nên đến trường. Sở cũng lưu ý nhân viên y tế trường học không tự điều trị đau mắt đỏ cho học sinh tại trường, khi chưa có hướng dẫn của cơ quan y tế. |
Theo C.Quyên - VietNamNet
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình