Hotline 24/7
08983-08983

GS Nguyễn Chấn Hùng: Ung thư phổi gia tăng do thuốc lá và khói bụi ô nhiễm

Khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nhang khói nhiều trong tập quán của người Việt… tất cả đều có thể gây ung thư và ảnh hưởng xấu đến buồng phổi của chúng ta.

Vậy nó tác động tiêu cực đến sức khỏe con người như thế nào? Cách bảo vệ sức khỏe trước những nguy cơ gây ung thư phổi ngày một nhiều… cùng GS.BS Nguyễn Chấn Hùng đi tìm câu trả lời.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Cố vấn ban giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Ung bướu Lâm sàng châu Á (ACOS), Phó chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM, Tổng biên tập tạp chí Ung thư học Việt Nam.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Thưa Giáo sư,

- Khói thuốc lá thường được liệt kê là thủ phạm hàng đầu gây ung thư phổi. Xin Giáo sư cho biết, ngoài khói thuốc lá thì còn có những nguyên nhân nào nữa ạ?

Phải nói lưu tâm đến ung thư phổi là một điều cần thiết vì trên toàn thế giới, ung thư phổi là căn bệnh thường gặp nhất, đáng sợ nhất. Một trăm người mắc ung thư phổi thì trong đó có đến 90 người là do khói thuốc lá ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như các chất hơi phóng xạ tự nhiên cũng có thể gây ra ung thư phổi. Bên cạnh đó ô nhiễm không khí cũng góp phần làm tăng tỉ lệ ung thư phổi nhưng không đáng kể bằng những tác hại của khói thuốc lá.

- Ngoài ung thư phổi, khói thuốc lá còn gây ra những bệnh gì, thưa Giáo sư?

Không những gây ung thư phổi, khói thuốc lá còn có thể gây ra 15 loại ung thư khác nhau vì trong một hơi thuốc khi phà ra có đến 17/75 chất gây ung thư, không chỉ ung thư phổi mà còn có thể gây ra ung thư miệng, ung thư bao tử, ung thư dạ dày, ung thư thanh quản, ung thư thận, ung thư máu, ung thư bọng đái (bàng quang), ung thư tụy, ung thư vú, ung thư cổ tử cung…

Phổi bao gồm những túi nhỏ và khi hít thở thì khói thuốc lá sẽ gây tác hại trực tiếp và xảy ra hiện tượng ung thư phổi. Ở Việt Nam, ung thư phổi ở nữ bằng 25% ở nam giới, con số này rất đáng ngạc nhiên bởi phụ nữ không bao giờ hút nhiều thuốc, có nhưng rất ít, điều này là do hút thuốc thụ động.

- Thật ra, nhiều người cũng ý thức được là thuốc lá độc hại nhưng họ không từ bỏ được. Giáo sư có lời khuyên nào trong trường hợp này?

Có người thấy người khác bị ung thư phổi vẫn bình thản, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nhưng nếu điều đó xảy ra với chính bản thân mình thì hối hận đã muộn màng. Khi nằm trên giường với căn bệnh ung thư phổi, bệnh nhân nói với tôi, bây giờ họ “thèm thở” hơn là “thèm thuốc”, bởi lúc này chỉ cần được thở bình thường thôi đã là hạnh phúc rồi.

Tôi nói điều này để mọi người suy nghĩ: làm sao có thể bỏ được thuốc lá?, và cũng nên nghĩ đến trẻ nhỏ khi hút thuốc thụ động sẽ gây ra rất nhiều bệnh.

Đúng là khi bỏ thuốc sẽ bị tăng cân vì hút thuốc đốt rất nhiều năng lượng và khi ngưng hút thì năng lượng sẽ bị dư thừa, vì thế chúng ta phải cổ gắng ăn ít lại, kiên trì, tập thể dục thể thao. Chúng ta nên quyết tâm chiến đấu để từ bỏ hút thuốc vì đây chính là một thói quen hết sức nguy hiểm và đây là mạng sống của chính mình!

Ở tuổi 75, cây đại thụ trong lĩnh vực ung thư - GS.BS Nguyễn Chấn Hùngvẫn miệt mài với những chuyến đi để phổ biến kiến thức và tham gia nhiều buổi tư vấn giúp cộng đồng biết phòng tránh căn bệnh ung thư - Ảnh: Lê Bình

- Nếu so sánh khói thuốc lá, khói nướng đồ ăn cháy khét, khói nhang (thờ cúng), khói nhang muỗi, khói xe (xe máy, ô tô), khói đốt rác thải nhựa... thì khói nào độc hại nhất ạ?

Khói thuốc là độc hại nhất nhưng chúng ta cũng đừng quên mấy cái khác ở sát bên mình.

Đúng là khói nhang về sau này người ta mới đề cập tới chứ trước không ai ngờ nó gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe.

Tôi không đi chùa thường xuyên, nhưng tôi có đi và tôi thấy chùa khói đặc, khói nghẹt luôn chịu không nổi. Có nơi chùa nhắc đốt nhang ít ít thôi, nhưng đâu có được, mỗi người cầm hẳn 1 bó nhang, rồi lư nhang chỗ này, lư nhang chỗ khác thì chùa trở thành một môi trường ô nhiễm không khí vô cùng.

Bởi vì cây nhang chứa chất lưu huỳnh để giúp cháy mạnh, mạt cưa để làm ra cây nhang cũng có chất độc. Đặc biệt nhang thơm, nhang càng thơm thì càng độc.

Ngay cả nước hoa cũng vậy, càng thơm chất độc càng nhiều. Trong công nghệ làm nước hoa, người ta dùng 1 chất là benzen, cũng là chất độc hại.

Người ta cứ nói sợ ung thư, chú ý ung thư là phải tiếp xúc với tác nhân nhiều và thời gian kéo dài lâu, xong rồi mới phát tác ra. Còn trước mắt có những bệnh cấp tính cần phải đề phòng và giải quyết trước.

- Thưa giáo sư, thời điểm cận Tết là thời điểm nhiều người đi đến chùa nhiều hơn và cũng có một số quan niệm cho rằng là chỉ ở chùa khi mà đốt nhang nhiều mới có ảnh hưởng đến sức khỏe, còn ở nhà mình chỉ thắp vài nén nhang thôi sẽ không sao hết. Theo giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

Chuyện này cũng dễ hiểu, lượng độc ít thì đỡ hại hơn, nhưng dù hại nhiều hại ít, hạn chế tối thiểu là đúng nhất.

Tôi cũng đốt nhang nhưng cũng hạn chế lắm. Chúng ta thấy rõ đốt nhang dù ít nhưng trên nóc nhà cũng đen thui mà.

Giờ ở nhà đốt nhang, mua nhang thơm ít thôi nhưng mà cũng đừng ỷ y là ít mà không có hại, nhất là hại sức khỏe vì khi nó vô phổi, rồi nó vô máu, lãnh đủ nhiều thứ lắm.

GS Nguyễn Chấn Hùng phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo hằng năm Phòng chống ung thư lần thứ 22, năm 2019 -  Ảnh: Lê Bình

- Không khí ô nhiễm nghiêm trọng tại Hà Nội khiến mọi người lo lắng cho sức khỏe hệ hô hấp và nguy cơ bị bệnh ung thư phổi. Theo giáo sư có cách nào để phòng tránh ung thư trong tình huống này?

Tôi nhắc lại ung thư phổi là do khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu, ngoài ra thì có ô nhiễm, trong ô nhiễm thì có nhiều loại ví dụ như khói nhang, khói bụi xe hơi...

Ở Hà Nội và TPHCM vừa qua có lúc nó sương mù nhưng coi lại thì đó là ô nhiễm, khiến cho mọi người lo lắng về lâu về dài sẽ bị ung thư. Ô nhiễm này người ta phân tích là chứa các hạt mịn, mịn là không phải nó mịn mà nó nhỏ quá nên người ta kêu nó mịn.

Người ta phân tích trong đó nó cũng chất đại khái có các hạt bụi kim loại nặng vậy thì có thể gây ung thư thì đúng rồi nhưng mà bà con nên nhớ rằng không chỉ có án ung thư mà lo tránh nó mà nó gây ra những tình trạng cấp tính. Bởi vì bao nhiêu chất có hại nó vào phổi mình, gây ho sặc sụa, chức năng của phổi không còn tốt nữa. Đương nhiên về lâu dài sẽ gây hại cho cơ thể nhưng trước mắt sẽ có các bệnh khác như tắc nghẽn cuống phổi, hen suyễn...

Tôi muốn báo động là cần phòng tráng tránh cái này, ngay trước mắt phải lo rồi, chứ đừng chỉ nghĩ về ung thư. Nếu giải quyết tốt những bệnh này thì sẽ tránh hẳn ung thư hay bị ung thư ít hơn.

Tình hình ô nhiễm hiện báo động cho chúng ta phải có giải pháp chung, còn từng người thì phải biết tránh nhưng mà tránh đâu có hết được, chỉ có thể hạn chế .

- Sau đợt ô nhiễm này thì khoảng bao lâu và có dấu hiệu gì thì mọi người nên đi khám phổi ạ? Có cần chụp CT liều thấp không ạ?

Có thể nên chụp CT để biết ung thư phổi hay không - điều đó là đúng nhưng mà phải nói là chú ý nhất là những người có nguy cơ cao và hút thuốc nhiều, hút thuốc từ nhỏ, những người đó mới có nguy cơ cao ung thư phổi.

Trên thế giới cũng vậy mấy nơi có ung thư phổi nhiều người ta khuyên nên lưu tâm đàn ông hút thuốc nhiều, hút thuốc từ nhỏ thì tới 45 tuổi (chứ không tới 50 tuổi) trở lên nếu có điều kiện thì nên đi chụp hình phổi. Nhưng mà vừa mới đây ở Mỹ người ta có hướng mới chúng ta biết là chụp cắt lớp, là CT đó, mà CT người ta dùng liều thấp tại ung thư liều mạnh thì nó mạnh quá đi không  cần thiết.

Nhưng đó là khuyến cáo dành cho những người có nguy cơ cao bị ung thư phổi, chứ còn bây giờ ô nhiễm nhiều mà nên chụp thì đứng về mặt phòng chống ung thư chung, đứng về mặt xã hội, kinh tế thì người ta không khuyên chụp CT cho tất cả mọi người một cách đại trà.

~~~~~~~

Những chia sẻ giản dị, dễ hiểu của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã giúp bạn đọc hiểu hơn về tác hại của khói thuốc lá và các tác nhân khác góp phần gây bệnh ung thư phổi, cách phòng bệnh phổi trong môi trường không khí ô nhiễm ... Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn Giáo sư!.


Thực hiện: Minh Khuê - Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X