Hotline 24/7
08983-08983

Giúp bé ngủ trưa ngon giấc

Giấc ngủ trưa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trí lực của trẻ. Nhưng ngủ thế nào cho đủ? Bạn phải làm gì để bé chịu ngủ trưa?

Ngủ trưa giúp cơ thể điều hòa lại các hoạt động như nhịp thở, nhịp tim. Không chỉ riêng người lớn do phải làm việc mệt nhọc mới cần ngủ trưa, trẻ em sau quá trình hoạt động cũng cần nghỉ ngơi. Ở các bé dưới 1 tuổi, cữ ngủ ngày có thể là 2 hoặc 3 lần. Nhưng sau 1 tuổi, hầu hết các bé chỉ cần một giấc ngủ trưa.

Những trẻ không có thói quen ngủ trưa hoặc ngủ trưa quá nhiều sẽ xử lý những vấn đề khó chậm hơn và không chính xác bằng những trẻ có giấc ngủ trưa chất lượng. Ngủ đủ giấc giúp lấy lại sự cân bằng cho bộ não, tăng cường trí lực.


Sau một hồi “thuyết phục” hay “dọa dẫm”, bé của bạn cũng chịu lên giường nằm ngủ. Nhưng chỉ một vài giây sau đó, bé lại bắt đầu “quấy nhiễu”? Để giúp bé có một thói quen ngủ trưa tốt, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:

- Không nên cho bé ăn quá no, hay ăn những thức ăn có dầu mỡ trong bữa trưa, vì nó tạo cảm giác ngán, đầy bụng, tức bụng khiến cơn buồn ngủ của bé đến chậm hơn hoặc bé ngủ không ngon. Sau khi ăn xong khoảng 10 phút chúng ta mới nên cho bé đi ngủ.

- Tạo cho bé thói quen ngủ trưa. Điều này không có nghĩa bạn phải bắt bé ngủ trưa vào một giờ nhất định nhưng bạn nên có một thời gian biểu hợp lý để bé coi việc ngủ trưa là một hoạt động tự nhiên.

- Dạy bé học cách tự ngủ và ngủ một mình. Điều này cũng là một phần tạo cho bé tính tự lập sau này.

- Để ý thấy dấu hiệu bé buồn ngủ như dụi mắt, lờ đờ với xung quanh… bạn nên nhanh chóng dỗ bé và đặt bé nằm. Bé sẽ dễ dàng ngủ sâu hơn khi cho bé ngủ đúng lúc, nếu để quá lâu sẽ khiến bé mệt mỏi và khó ngủ.

- Nên cho bé ngủ ở cùng một nơi bé vẫn ngủ vào ban đêm, như vậy sẽ giúp bé quen với nơi đặc biệt dành cho giấc ngủ.


- Bé ngủ trưa cũng cần được yên tĩnh, tránh gió và ánh sáng. Bạn có thể kể một câu chuyện hoặc hát ru để bé dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra, bạn có thể cho bé ôm chăn, gối hay đồ chơi bé thích.

- Phải cho bé nằm trong tư thế đầu cao chân thấp, nằm nghiêng về bên phải để giảm áp lực cho tim và không ngáy. Nếu thấy bé há miệng khi ngủ, nên đẩy nhẹ cằm để khép môi bé lại, tránh tạo thành thói quen sau này của bé, ảnh hưởng tới đường hô hấp, dễ gây sâu răng, làm lệch lạc răng và hàm bé sẽ bị hô.

- Không nên cho bé ngủ quá dài hay quá ngắn. Ngủ quá lâu sẽ đi vào giấc ngủ say nên thức dậy bé sẽ mệt mỏi.

- Nên đánh thức bé một cách từ từ và thật nhẹ nhàng, tránh khiến bé giật mình. Sau khi tỉnh giấc nên để 2 -3 phút cho cơ thể bé được tỉnh táo hẳn, có thể cho bé uống một cốc nước.

Hãy kiên nhẫn giúp bé thiết lập thói quen này từ sớm, bạn sẽ thấy bé ngủ ngoan hơn trong những tháng và những năm tiếp theo.

Theo Afamily

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X