Hotline 24/7
08983-08983

Giới trẻ mê trà sữa, bánh nhân phô mai, bệnh lý nào đang chờ đợi?

Béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Trong đó, dinh dưỡng kém lành mạnh là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này. Bài viết dưới đây được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương để giúp phụ huynh xây dựng chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ hợp lý, khoa học.

Một ly trà sữa trân châu cung cấp đến 500kcal

Ngoài vấn đề hình thể mà ai cũng thấy thì trẻ tiêu thụ nhiều trà sữa, phô mai, tinh bột,... đối diện với nguy cơ gì cho sức khỏe?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trả lời: Hai món ăn hiện đang thịnh hành là bánh phô mai và trà sữa, có thể gọi là món “hot trend”, các bạn trẻ ăn rất nhiều. Hai món này cung cấp dinh dưỡng nhiều. Trà sữa nếu chỉ có trà, một ít sữa, không pha đường, không topping trân châu thì không cung cấp nhiều năng lượng, khoảng 150kcal/ly.

Nhưng một ly trà sữa hiện nay cung cấp 400 - 500kcal. Toàn bộ calo trong trà sữa đến từ đường và chất béo. Trong một ly trà sữa có khoảng 50 - 55g đường, hơn 200kcal được cung cấp từ nguồn này. Phần năng lượng còn lại là từ chất béo.

Một người bình thường cần khoảng 2.000kcal/ngày. Như vậy, một ly trà sữa đã có thể cung cấp đến 1/4 nhu cầu, toàn bộ từ đường và chất béo. Điều này rõ ràng là không tốt. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mỗi ngày chỉ cần dưới 50g chất bột đường, trong khi một ly trà sữa đã vượt ngưỡng vì chứa tới 55g đường.

Đường có lợi vì cung cấp năng lượng nhanh, đồ ngọt giúp chúng ta tỉnh táo ngay. Nhưng nếu cung cấp quá nhiều đường, chất bột đường để làm năng lượng, đặc biệt là đường tinh chất, ngoài vấn đề hình thể còn dễ bị rối loạn đường máu, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch. Đường còn làm tế bào mau lão hóa. Các chị em nghe đến lão hóa là buồn “thiên thu”, chỉ thích được trẻ.

Tiêu thụ đường giúp chúng ta có năng lượng hoạt động khỏe mạnh nhưng đồng thời cũng làm cho từng tế bào “xài” năng lượng sớm, dễ lão hóa và những bệnh lão hóa mau xuất hiện như gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, béo phì, gan nhiễm mỡ,...

Trà sữa có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vì cung cấp chất bột đường nhiều quá mức bình thường. Uống 2 ly trà sữa mỗi ngày vẫn cung cấp đủ năng lượng để hoạt động nhưng lại không cân bằng dinh dưỡng. Giống như khi đi học Văn chứ không học Toán, học Toán chứ không học Văn hay học Văn, học Toán nhưng không học ngoại ngữ... đều không được. Người xưa nói “văn võ song toàn” là như vậy. Trà sữa cung cấp năng lượng nhanh, giải tỏa cơn khát và quan trọng là ngon nhưng phải điều chỉnh tần suất uống hợp lý, nếu không sẽ có nhiều tác hại xảy ra bên cạnh hình thể quá khổ.

Uống trà sữa nhiều dễ gây sỏi mật, sỏi thận

Cụ thể, vì sao uống nhiều trà sữa có thể dẫn đên các loại sỏi trong nội tạng, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Gần đây, trên mạng và một số báo chí có thông tin uống nhiều trà sữa dễ bị sỏi thận, sỏi mật. Nhưng phải nhấn mạnh rằng trà sữa là nguyên nhân gián tiếp dễ khiến bị sỏi mật, sỏi thận chứ không phải uống trà sữa là bị sỏi mật, sỏi thận. Sữa gì cũng là sữa, trong đó có trà sữa. Nhiều người cảm thấy ngán khi uống sữa, nhưng trà sữa thì lại tiêu thụ nhiều.

Trong sữa có nhiều canxi, chất béo. Người ta thấy người tiêu thụ nhiều chất canxi hay những người béo phì dễ lắng đọng sỏi thận hơn bình thường. Khi uống nhiều sữa hay trà sữa, chúng ta uống ít nước đi, dòng chảy nước tiểu ít đi, dễ bị sỏi thận hơn.

Nói trà sữa là yếu tố nguy cơ thì đúng hơn là quy kết uống trà sữa bị sỏi thận.

Khi nói đến sữa, tôi đang nói về sữa động vật. Còn sữa hạt, nếu đúng theo thuật ngữ thì đây không phải là sữa mà là một dạng ép trích các loại hạt ra nước giống như sữa, ngôn ngữ tiếng Việt gọi đây là sữa.

Trà sữa nói riêng và các loại sữa nói chung (loại trừ sữa hạt), làm tăng nguy cơ sỏi gây biến chứng nghẹt đường mật, viêm túi mật, vàng mắt, vàng da,... đối với những người có bệnh gan mật, đặc biệt là người có bệnh sỏi đường mật.

Trên người chưa có bệnh sỏi mật trước đó, uống sữa và trà sữa nhiều có thể tăng nguy cơ béo phì, thừa cholesterol. Người ta thấy rằng 2 trong 4 yếu tố nguy cơ chính để tạo sỏi trong mật là béo phì và thừa cholesterol trong máu. Sữa và trà sữa dễ gây thừa cân béo phì, dễ làm rối loạn cholesterol máu, cung cấp thêm yếu tố nguy cơ chính dễ bị sỏi mật hơn.

Dù chỉ là nguyên nhân gián tiếp nhưng rõ ràng trà sữa làm tăng nguy cơ sỏi mật, sỏi thận. Đó là điều chúng ta cần phải lưu ý.

Trẻ ăn nhiều phô mai có thể liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì

Phô mai có trong hầu hết các món ăn vặt mang đến lợi ích và rủi ro gì cho sức khỏe của thanh thiếu niên?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Về lý thuyết, phô mai được chế biến từ sữa động vật cô đặc, độ béo cao. Nghĩa là phô mai có nhiều cholesterol, hay nói đơn giản là chất béo no. Đối với trẻ nhỏ đang phát triển, cholesterol là cần thiết.

Cholesterol có nhiều trong mỡ động vật, phô mai. Phô mai còn cung cấp canxi và vitamin D, là nguồn cung cấp canxi rất tốt. Đây là những chất tốt cho trẻ. Ngoài phô mai, còn nhiều cách để cung cấp canxi như uống sữa, ăn hải sản,... 

Cholesterol cũng là thành phần quan trọng để trẻ tổng hợp nội tiết tố nam, nội tiết tố nữ, nội tiết tố của tuyến thượng thận và nhiều nội tiết tố khác trong cơ thể. Nó là thành phần để xây dựng màng tế bào thay cũ đổi mới hằng ngày.

Tuy nhiên, không phải ăn nhiều cholesterol là tốt. Đối với người lớn, chất béo chỉ nên chiếm khoảng 20% năng lượng mỗi ngày, chất béo no khoảng 10%. Ở trẻ đang phát triển, nhu cầu này lên tầm 25%, chất béo từ cholesterol có thể chiếm tới 15%. Đó là trong trường hợp trẻ không bị thừa cân, béo phì, không có bệnh mỡ máu, huyết áp cao.

Đối với một đứa trẻ 40kg, nhu cầu năng lượng mỗi ngày vào khoảng 1.200 - 1.300kcal. Nếu trẻ hiếu động, chạy nhảy nhiều, nhu cầu này có thể tăng lên 1.400kcal. Chỉ 1/4 số calo này được cung cấp từ chất béo, tương đương 400kcal. 400kcal được lấy từ 50g chất béo là đủ, vì 1g chất béo cung cấp đến 9kcal, khác với 1g chất bột đường chỉ có 4kcal. 3 lòng đỏ trứng đã có thể cung cấp 50g chất béo.

Phô mai trích tinh từ sữa và mỡ động vật chứa 9kcal/g, nhiều chất béo no. Do đó, mỗi ngày trẻ ăn 2 thanh phô mai là đã dư thừa. Nếu trẻ ốm, không thừa cân, ăn 2 thanh phô mai mỗi ngày không có vấn đề gì. Trẻ thừa cân, béo phì nên ăn ít hơn. Không cần cấm trẻ ăn phô mai, mỗi ngày một thanh phô mai nhỏ là hợp lý, không có vấn đề gì, nhưng không nên ăn quá nhiều.

3 chén cơm trắng cung cấp 80% nhu cầu năng lượng từ chất bột đường trong ngày

Ngoài các món ăn vặt cổng trường, những thói quen sinh hoạt nào góp phần khiến giới trẻ tăng cân nhanh chóng?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Chuyện tăng cân có rất nhiều nguyên nhân. Cơ thể con người mập hay ốm, giống như cuộc đời chúng ta làm ra tiền và xài tiền. Ăn là làm ra tiền rồi cất vào tủ; vận động, sinh hoạt, làm việc, thể dục thể thao là mang tiền đi xài. Như vậy người thừa cân là làm ra tiền, cất trong tủ không xài nên tiền nhiều lên.

Một trong những nguyên nhân tăng cân là ăn nhiều hơn hoạt động. Một người bình thường 50kg, làm việc văn phòng có nhu cầu năng lượng trong khoảng 1.500 đến dưới 2.000kcal/ngày. Mỗi bữa ăn 1 chén cơm trắng là chúng ta đã nạp 80% nhu cầu năng lượng từ chất bột đường vì 1 chén cơm cho gần 360kcal. Người Việt Nam ăn tinh bột rất nhiều mà khi tinh bột vào trong cơ thể, hầu như đều “cất giữ” lại.

Lấy ví dụ, chất đạm cũng cho 4kcal nhưng hiệu suất tiêu hóa không cao, trong khi 100% chất bột đường lại “không rơi rớt đồng nào”. Chất đạm và chất béo thì có “rơi rớt” trên đường đi. 3 chén cơm mỗi ngày tương đương 1.200kcal, trong khi người lớn bình thường chỉ cần 1.500 - 1.600kcal/ngày. Đó là lý do dẫn đến tình trạng thừa cân.

Trong các món ăn vặt cũng chứa nhiều chất bột đường và chất béo.

Chúng ta bây giờ làm bạn với máy tính bảng, điện thoại, laptop nên ít vận động. Y học khuyên mỗi tuần nên dành tối thiểu 90 phút để tập thể dục, tốt hơn nữa là 150 phút/tuần. Tập thể dục đúng nghĩa là phải ra mồ hôi. Nhưng ít ai làm được việc này. Vậy nên tình trạng béo phì ngày càng nhiều.

Nghiên cứu của WHO cho thấy, những đứa trẻ vừa ăn vừa xem thiết bị điện tử có nguy cơ thừa cân béo phì cao, mặc dù không ăn nhiều hơn. Những người thức khuya, mất ngủ chẳng những không sụt cân mà còn dễ tăng cân do rối loạn hormone nội tiết, nhất là hormone Leptin.

Thức ăn nhanh chiên công nghiệp có chứa chất béo bão hòa (trans fat). Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thức ăn tốt là thức ăn không có trans fat. Chất béo bão hòa cung cấp nhiều năng lượng, gây lão hóa tế bào, thừa cân, béo phì.

Hệ lụy thừa cân béo phì ở trẻ

Béo phì ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ để lại hậu quả lâu dài nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Béo phì ở trẻ con để lại nhiều hậu quả:

- Trẻ thừa cân, béo phì dễ bị đái tháo đường, xơ vữa động mạch, cao huyết áp. Cao huyết áp vô căn ở người trẻ chính là hậu quả của béo phì sớm. Trước đây, cao huyết áp ở người dưới 30 tuổi được xem là cao huyết áp thứ phát, thường phải có bệnh thận hoặc các bệnh khác. Hiện nay, y học ghi nhận ở người trẻ vẫn có cao huyết áp vô căn. Cao huyết áp là gánh nặng toàn cầu.

Đối với đái tháo đường, trước đây, người dưới 20 tuổi thường mắc đái tháo đường type 1 - đái tháo đường do những bệnh di truyền làm hỏng tụy còn ở người trên 30 tuổi là type 2 - do nhiều cơ chế như thừa cân, béo phì ảnh hưởng. Tình hình hiện tại đã thay đổi. Do thừa cân, béo phì, tỷ lệ đái tháo đường type 2 ở người dưới 30 tuổi nhiều hơn cả type 1.

Đái tháo đường và huyết áp dẫn đến một loạt hậu quả: bệnh thận, biến chứng mạch máu lớn, biến chứng mạch máu nhỏ, tim mạch, não,...

- Trẻ thừa cân, béo phì có thể bị rối loạn nội tiết tố, dậy thì sớm hoặc trễ, rối loạn hoạt động sinh dục, buồng trứng đa nang,... Trẻ giới tính nam dễ vô sinh, rối loạn tinh trùng và tinh hoàn, chất lượng tinh trùng kém, nội tiết tố nam không đầy đủ. Trẻ em nữ dễ bị buồng trứng đa nang, rối loạn nội tiết tố.

Trẻ ăn sáng - trưa - chiều đầy đủ sẽ hạn chế được những cơn đói giữa giờ

Những món ăn vặt nào có lợi cho sức khỏe của trẻ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Trẻ con không ý thức được như người lớn, không quan tâm nhiều đến chuyện tương lai nên phụ huynh phải giáo dục trong thời gian lâu dài. Áp suy nghĩ của người lớn cho con nít cũng không phù hợp lắm.

Trong gia đình nếu có chế độ ăn uống healthy, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn đúng bữa thì sẽ tập được cho trẻ thói quen tốt là ăn đúng bữa, ăn đầy đủ. Hiện nay nhiều trẻ ăn sáng vội vội vàng vàng, buổi trưa ăn bán trú ở trường, chiều tối cũng ăn vội vàng để đi học thêm, làm bài tập khuya... khiến việc ăn uống không khoa học.

Khi trẻ mệt, đói bụng có thể uống một ly nước ép trái cây để cung cấp thêm năng lượng và vitamin. Tôi luôn khuyến cáo trẻ em nên uống nước trái cây hơn là trà sữa. Có thể thay bằng một hộp sữa tươi vì sữa có thể cung cấp năng lượng.

Trẻ phải ăn sáng - trưa - chiều đầy đủ sẽ hạn chế được những con đói giữa giờ, hạn chế ăn vặt. Theo lý thuyết, đồ ăn vặt là các thức ăn nhanh, chế biến sẵn chứ không thể đòi hỏi như thức ăn nấu ở nhà.

Bữa ăn xế nhẹ sau khi ngủ trưa dậy là tốt cho trẻ nhưng không phải trường học nào cũng có. Theo tôi, nước ép trái cây, sữa tươi là đạt yêu cầu cung cấp năng lượng giữa giờ cho trẻ, thay vì ăn thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn không bảo đảm.

Thay đổi cách uống trà sữa để tốt cho sức khỏe hơn

Có cách nào giúp trẻ đẩy lùi cơn nghiện trà sữa không, thưa BS?

Chỉ nên uống trà và sữa tươi ít đường, không thêm topping, trân châu. Ảnh minh họa

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đây là một câu hỏi khó trả lời. Trà sữa trở thành “hot trend” không phải chỉ do truyền thông mà bản thân nó cũng là một món thu hút được nhiều người vì ngon. Cách đơn giản nhất là uống trà sữa theo kiểu cổ điển, chỉ là trà và sữa tươi ít đường, không thêm topping, trân châu. 1 ly trà sữa như vậy chỉ chứa từ 120 - 150kcal. Trà lại có nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe.

Dùng biện pháp cấm đoán cũng không hiệu quả, chỉ có thể giáo dục cho trẻ biết những tác hại của trà sữa, không thể uống thường xuyên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X