Giãn dây chằng thắt lưng không cần quá lo lắng, có thể tự khỏi sau vài ngày
Giãn dây chằng lưng là tình trạng tổn thương do căng giãn quá mức, gây đau nhức vùng lưng và các vùng liên quan, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, đa phần bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên nếu cơn đau kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh có thể phải cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để điều trị phù hợp.
1. Biểu hiện của đau dây chằng thắt lưng là đau dữ dội
Thưa BS, giãn dây chằng lưng là gì? Nguyên nhân hay yếu tố nào có thể dẫn đến tình trạng này?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Xung quanh cột sống có rất nhiều dây chằng để giữ cột sống thắt lưng được thẳng và có thể vận động. Bên cạnh đó còn có những khối cơ cạnh cột sống và những khối cơ rộng hơn nữa để giúp chúng ta thực hiện các động tác cúi, ngửa, xoay cột sống.
Giãn dây chằng thắt lưng là từ thường dùng để chỉ tình trạng đau lưng cấp, có thể do tổn thương dây chằng, có thể do tổn thương cơ, hoặc cả hai. Biểu hiện thường gặp nhất là đau dữ dội và cấp tính, khiến người bệnh không dám cử động.
2. Khom lưng, ngồi nhiều khiến lưng dễ bị mỏi, đau nhức
Những ai hay những công việc nào dễ bị giãn dây chằng thắt lưng nhất, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Ai cũng có thể bị giãn dây chằng thắt lưng, nhưng thường giặp nhất ở những người thường phải khuân vác nặng, những người hay khom lưng, hay ngồi nhiều.
Động tác khom có thể dẫn đến giãn dây chằng, đặc biệt là dây chằng dọc sau. Khi cơ lưng phải giữ tư thế khom kéo dài sẽ dễ bị mỏi cơ, gây đau.
Khom lưng còn có thể gây thoát vị đĩa đệm, một số trường hợp gây rách vòng xơ và từ đó dẫn đến những cơn đau đột ngột.
Nhưng chỉ có chụp cộng hưởng từ (MRI) mới phân biệt được giãn dây chằng thắt lưng, mỏi cơ và thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên cách điều trị của các bệnh lý này lại giống nhau.
Ngồi nhiều, không vận động khiến cơ lưng có xu hướng bị yếu. Khi ngồi ở một tư thế trong thời gian dài, cơ phải liên tục giữ cho lưng thẳng, dẫn đến bị mỏi và đau.
3. Rách bao xơ đĩa đệm là biến chứng nặng nhất của giãn dây chằng thắt lưng
Điều gì sẽ xảy ra nếu không phát hiện được tình trạng giãn dây chằng thắt lưng để điều trị kịp thời?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Các trường hợp giãn dây chằng thắt lưng đa phần lành tính và có thể tự phục hồi, hiếm khi gây biến chứng.
Tuy nhiên, những trường hợp nặng hơn, kèm thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh hay bệnh xảy ra ở những người lớn tuổi, khả năng phục hồi không tốt, bệnh sẽ kéo dài và gây khó chịu.
Nhiều bệnh nhân thắc mắc liệu có thể bị dứt dây chằng thắt lưng không. Câu trả lời là dây chằng thắt lưng rất dày, rất khó đứt. Tình trạng rách bao xơ đĩa đệm là một biến chứng, có thể làm đĩa đệm trượt ra ngoài, chèn ép thần kinh gây tình trạng giống với đau thần kinh tọa.
4. Tiểu không tự chủ, bí tiểu có thể là tình trạng giãn dây chằng thắt lưng trở nặng
Giãn dây chằng thắt lưng được chia thành những cấp độ nào? Dấu hiệu cảnh báo tình trạng trở nặng là gì?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Giãn dây chằng thắt lưng thường không chia theo cấp độ và có thể tự phục hồi. Biến chứng nguy hiểm nhất là thoát vị đĩa đệm và chèn ép thần kinh.
Khi bị chèn ép thần kinh, bệnh nhân có biểu hiện đau vùng lưng, lan xuống chân, tê chân. Nặng hơn nữa, chân có thể bị yếu hoặc liệt. Kết hợp với tình trạng rối loạn cơ vòng, bệnh nhân có thể tiểu không tự chủ, bí tiểu. Đó là những dấu hiệu bệnh nặng mà bệnh nhân phải nhập viện ngay, nếu cần thiết sẽ tiến hành phẫu thuật.
5. Giãn dây chằng thắt lưng có thể phục hồi rất nhanh
Triệu chứng giãn dây chằng thắt lưng có thể bị nhầm lẫn với những bệnh lý nào khác? Làm cách nào để người bệnh có thể phân biệt được, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Giãn dây chằng thắt lưng dễ nhầm lẫn với thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, xẹp đốt sống do loãng xương, trượt đốt sống.
Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, xẹp đốt sống do loãng xương, trượt đốt sống là bệnh lý thực sự và khó có thể tự hết đau, phải can thiệp chuyên khoa.
Để phân biệt các tình trạng này, thường sẽ phải dựa vào hình ảnh học. Ngoài X-quang, một số trường hợp cần đến chụp cộng hưởng từ mới xác định chắc chắn tổn thương mà bệnh nhân gặp phải.
Đa phần các trường hợp giãn dây chằng thắt lưng phục hồi rất nhanh, dùng thuốc phù hợp sẽ giúp tốc độ phục hồi càng nhanh hơn. Với các bệnh nhân trẻ, tình trạng mới xuất hiện đột ngột sau khi ngồi lâu, bê đồ nặng, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc đơn giản để điều trị giãn dây chằng thắt lưng.
6. Nên đi khám khi cơn đau vượt quá sức chịu đựng và kéo dài
Nên làm gì khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng giãn dây chằng thắt lưng? Có thể điều trị ở nhà hay cần phải đến bệnh viện, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Điều trị ở nhà hay bệnh viện tùy vào mức độ đau của người bệnh. Nếu cơn đau nằm trong giới hạn có thể chịu đựng được, người bệnh có thể nằm nghỉ trên nệm cứng, xoa bóp, chườm nóng hoặc chườm lạnh. Có thể dùng các loại thuốc giảm đau đơn thuần như panadol, efferalgan.
Nếu cảm thấy tình trạng có thuyên giảm hoặc hết hẳn, không cần phải đi khám lại.
Trong trường hợp cơn đau quá sức chịu đựng, khiến người bệnh không thể xoay trở được hoặc cơn đau kéo dài hơn 2 tuần, bệnh nhân có biểu hiện tê chân, rất có thể đang có bệnh lý khác đi kèm. Người bệnh nên đi khám để có thể loại trừ các bệnh nguy hiểm.
7. Các phương pháp điều trị giãn dây chằng thắt lưng
Phương pháp điều trị giãn dây chằng thắt lưng là gì? Trong quá trình điều trị, những điều nên làm và cần tránh là gì, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có 2 phương pháp điều trị là dùng thuốc và không dùng thuốc. Việc điều trị không dùng thuốc có thể áp dụng tại nhà, chẳng hạn như nghỉ ngơi. Khi ngồi lâu, cơ lưng phải co để giữ lưng thẳng, nằm nghỉ sẽ giúp các cơ bớt co cứng.
Xoa bóp có 2 tác dụng: giảm đau và giãn cơ. Trong các tài liệu nhắc đến việc có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh nhưng quan điểm của tôi là nên chườm nóng. Đa số bệnh nhân gặp phải tình huống co cứng cơ, chườm lạnh sẽ khiến cơ có xu hướng co cứng nhiều hơn, trong khi đó, chườm nóng giúp thư giãn cơ. Mỗi lần chườm nóng chỉ nên thực hiện trong 15 phút.
Mang đai lưng khi ngồi hoặc đi đứng cũng giúp cơ lưng được thư giãn phần nào.
Đối với phương pháp dùng thuốc, bác sĩ thường chỉ kê thuốc giảm đau như panadol, efferalgan hoặc các loại thuốc mạnh hơn là thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc giãn cơ.
Về dự phòng, nên hạn chế khom lưng, đặc biệt là vừa khom lưng vừa bê đồ nặng. Khi ngồi cũng nên thường xuyên thay đổi tư thế để tránh bị đau lưng do giãn dây chằng thắt lưng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình