Hotline 24/7
08983-08983

Gãy xương bó bột, tập vật lý trị liệu sao cho đúng?

Bệnh nhân bị gãy xương phải bó bột nên lưu ý gì khi tập vật lý trị liệu, tháo bột bị sưng phải làm sao, chế độ ăn uống thế nào để giúp xương mau lành? Tất cả sẽ được giải đáp với phần chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

1. Khi nào gãy xương cần bó bột?

Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết gãy xương được chỉ định bó bột trong những trường hợp nào?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Trường hợp gãy xương chi (tay, chân) không di lệch hoặc ít di lệch thường được chỉ định bó bột. Đối với những trường hợp gãy xương lớn như xương đùi, xương cánh tay rất khó để bó bột, nên dù có di lệch ít đôi khi cũng phải xem xét phẫu thuật.

Đối với các xương nhỏ như xương ngón tay, cẳng tay, cẳng chân di lệch ít hoặc không di lệch thì ưu tiên điều trị bảo tồn. Đối với những bệnh nhân dưới 15 tuổi bị gãy xương thì ưu tiên điều trị bảo tồn bằng biện pháp bó bột kèm theo bất động, hạn chế vận động một thời gian để xương lành tốt. Sau 1-2 tháng bó bột, khi xương đã lành các bác sĩ sẽ cắt bột ra.

2. Sau khi bó bột có nên cử động không?

Sau khi bó bột bệnh nhân có nên cử động tay chân hay không? Chẳng hạn đang bó bột một bên chân thì có nên tập đi sớm hay không?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Đối với gãy xương cẳng chân, bệnh nhân sẽ được bó bột dù di lệch ít hoặc không di lệch. Khi đó bệnh nhân sẽ được hướng dẫn gồng cơ trong bột và tập vật lý trị liệu để các cơ vùng bó bột không bị teo.

Bệnh nhân được vận động, tuy nhiên không được chống chân bị gãy dù bệnh nhân có bó bột rồi vì có thể làm bể bột và làm xương di lệch nhiều hơn. Chân còn lại vẫn có thể đi được nên bệnh nhân có thể đi bằng tó, khung để trong thời gian bị bó bột vẫn vận động được và không bị teo những cơ không liên quan tới vùng gãy xương.

3. Khi nào bệnh nhân có thể tháo bột?

Sau khi bó bột khoảng bao lâu thì có thể tháo bột được? Trước khi tháo bột, bác sĩ cần đánh giá vấn đề gì?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Đối với các bệnh nhân đã bó bột khi xương lành sẽ tháo bột. Đối với những người bình thường, xương tốt, khoảng 1-2 tháng xương sẽ lành. Đối với trẻ em dưới 15 tuổi, khoảng dưới 1 tháng xương sẽ lành xương gãy bị di lệch ít hoặc không di lệch.

Khi đó bệnh nhân sẽ được xem xét, kiểm tra bằng phương pháp chụp X-quang, xem xét các vận động. Sau đó các bác sĩ sẽ chỉ định tháo bột.

Sau tháo bột, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn vận động, phục hồi vận động sớm nhất vì khi đó xương đã lành.

4. Tháo bột sớm gây ảnh hưởng gì cho bệnh nhân?

Nếu bệnh nhân muốn tháo bột sớm thì có ảnh hưởng gì không ạ? Trường hợp nào phải tháo bột sớm, thưa bác sĩ?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Nếu khi tháo bột sớm, xương chưa lành tốt có thể gây hiện tượng di lệch thứ phát, đôi khi phải xem xét phẫu thuật.

Ngoài ra, trong trường hợp đã bó bột mà bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu hoặc đau nhức trong vùng bó bột do chèn ép khoang, nhiễm trùng, dị ứng bột hoặc chèn ép bột thì khi đó phải tháo bột ra và xem xét vùng bó bột có bị ảnh hưởng gì không.

Sau đó, nếu cần thiết các bác sĩ sẽ chỉ định bó bột lại hoặc phẫu thuật nếu có các di lệch thứ phát.

5. Vì sao có tình trạng sưng sau bó bột, cải thiện thế nào?

Nhiều người rất lo lắng khi gặp tình trạng sưng sau bó bột, không biết là do xương chưa lành tốt hay vết thương chưa ổn định, xin bác sĩ cho biết vì sao có tình trạng này

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Hiện tượng sưng, phù nề vùng bó bột rất thường gặp. Sau khi bị chấn thương các mô mềm ở vùng tổn thương bị dập và chảy máu gây tình trạng sưng.

Do đó, sau bó bột, bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân bằng cách tái khám sau 5-7 ngày, xem xét vùng mô đó có sưng nhiều gây chèn ép bột hay không. Nếu bị chèn ép bột, bệnh nhân sẽ được chỉ định rạch dòng bột hoặc tháo bột để bó bột khác rộng hơn.

Trường hợp không bị chèn ép, bệnh nhân sẽ vẫn giữ bột đó. Ngoài ra, sau bó bột, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các thuốc chống viêm, tránh trường hợp chảy máu nhiều hơn hoặc cho thuốc tan máu bầm giúp hỗ trợ vùng sưng giúp bệnh nhân phục hồi lành xương nhanh nhất.

6. Sưng sau khi tháo bột, phải làm sao?

Bệnh nhân có thể làm gì để cải thiện tình trạng sưng sau tháo bột?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Sau khi tháo bột nếu bệnh nhân bị đau, sưng vùng bó bột thì chúng ta có thể dùng thuốc giảm đau, chống viêm để hỗ trợ giúp giảm nhanh hiện tượng đau, sưng.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể chườm đá để giúp giảm sưng. Tuy nhiên bệnh nhân cần hạn chế vận động, di chuyển khoảng vài ngày để làm giảm tình trạng sưng.

Sau đó chúng ta có thể tập vận động lại và bác sĩ sẽ cho thêm các loại thuốc tan máu bầm hỗ trợ chống sưng, phù, nề giúp chi sớm phục hồi vận động bình thường.

7. Bệnh nhân đang bó bột có tập vật lý trị liệu được không?

Nhiều bệnh nhân băn khoăn là tay chân lúc đang bó bột, còn sưng thì có nên tập vật lý trị liệu không?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Đối với các trường hợp đang bó bột mà phần bó bột bị sưng nên tập vật lý trị liệu. Nguyên nhân gây ra đau không phụ thuộc vào việc có tập vật lý trị liệu mà do mô ở phần bó bột bị phù nề. Tập vật lý trị liệu giúp máu tuần hoàn tốt hơn làm giảm hiện tượng sưng, đau, viêm.

Như vậy dù hiện tượng viêm, sưng, đau vẫn còn nhưng bệnh nhân cũng nên tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên các bài tập vật lý trị liệu lúc còn sưng đau sẽ khác với khi bệnh nhân đã hồi phục. Do đó, bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên về vật lý trị liệu hướng dẫn, không nên tự tập hoặc nhờ người khác tập.

8. Vì sao bị sưng khi vận động sau tháo bột?

Có nhiều bạn đọc phản ánh là sau khi tháo bột bị sưng nằm ngủ tới sáng dậy thì hết sưng nhưng vận động lại thì sưng trở lại, trường hợp này là thế nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Trường hợp sau khi tháo bột vận động bị sưng nhiều hơn là do dòng tuần hoàn của máu lưu thông chưa tốt. Lúc bệnh nhân bất động một thời gian dài và vận động lại, mạch máu cần thời gian làm quen với dòng tuần hoàn mới, thiết lập các dòng tuần hoàn giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm sưng.

Sau khoảng 2-3 tháng, bệnh nhân sẽ hết hiện tượng giãn tĩnh mạch sau khi bó bột. Bệnh nhân chỉ cần tập vật lý trị liệu và dùng các loại thuốc bảo vệ mạch máu, tăng sức bền hệ mạch,... giúp bệnh nhân không còn bị sưng, phù, phục hồi nhanh hơn và xương mau lành hơn.

9. Bệnh nhân cần được đánh giá lại vấn đề gì khi bị sưng, đau sau tháo bột?

Trường hợp sưng đau sau tháo bột và đã thực hiện các biện pháp nêu trên mà tình trạng vẫn không cải thiện thì cần đánh giá lại vấn đề gì nữa thưa bác sĩ?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Trường hợp sưng đau sau bó bột đã thực hiện các biện pháp chườm đá, uống thuốc, nghỉ ngơi mà không hết được buộc phải đến khám với các bác sĩ chuyên xương khớp để chụp lại X-quang, xem xét xương có bị gãy lại hay di lệch không.

Ngoài ra bệnh nhân cần siêu âm xem các mạch máu ở vùng đó có bị ảnh hưởng không. Nếu mạch máu bị ảnh hưởng làm chảy máu nhiều hơn, xương bị di lệch nhiều hơn, bác sĩ cần hướng dẫn cho bệnh nhân phương pháp điều trị mới giúp người bệnh phục hồi lại vòng tuần hoàn và xương di lệch phục hồi bằng cách bó bột lại hoặc mổ kết hợp xương lại để không còn sưng, đau.

10. Bệnh nhân nên tập vật lý trị liệu thời điểm nào?

Nhờ bác sĩ đưa ra hướng dẫn cho người bị gãy xương được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật thì thời điểm nào thích hợp để tập vật lý trị liệu? Nguyên tắc tập vật lý trị liệu là gì?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Đối với các trường hợp gãy xương hoặc di lệch ít hoặc nhiều thì các điều trị về vật lý trị liệu vẫn được ưu tiên. Đối với việc điều trị bảo tồn bó bột, vật lý trị liệu giúp bệnh nhân phục hồi sớm.

Sau khi được bó bột, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu co gồng cơ trong bột, gồng các nhóm cơ để cơ không bị teo trong thời gian bó bột. Các bài tập vật lý trị liệu sẽ kéo dài đến khi xương lành hẳn, tức là sau khi bệnh nhân tháo bột rồi vẫn phải tập các bài vật lý trị liệu.

Tùy theo giai đoạn lành xương mà bác sĩ sẽ có bài tập phù hợp. Đối với các trường hợp có chỉ định phẫu thuật thì bệnh nhân được chỉ định phải bất động hoàn toàn trong thời gian chưa mổ.

Tuy nhiên sau khi phẫu thuật bệnh nhân cần phục hồi vận động và tập vật lý trị liệu sớm. Từ 1-2 ngày sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu, tập gấp, duỗi các khớp vùng bị gãy xương, tập gồng cơ, đi lại,...

Các bài tập sẽ được các bác sĩ chuyên vật lý trị liệu hướng dẫn cụ thể. Sau đó bệnh nhân có thể tự tập tại nhà khi đã xuất viện vè kéo dài đến khi xương lành hẳn, không còn gãy, di lệch xương.

11. Những lưu ý giúp bệnh nhân mau lành xương

Bác sĩ hãy cho lời khuyên cho các bệnh nhân gãy xương làm cách nào cho mau lành

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Các bệnh nhân bị gãy xương cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa để xem xét xương có bị di lệch nhiều không, xác định phương pháp điều trị là bảo tồn hay phẫu thuật.

Sau khi xác định phương pháp điều trị thì các bệnh nhân cần có các bài tập vật lý trị liệu phù hợp với tình trạng gãy xương của mình.

Cần có chế độ dinh dưỡng tốt, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như: chất xơ, đạm,... Có nhiều bệnh nhân sợ ăn nhiều thịt sẽ bị cương là không đúng. Vì vậy khi bệnh nhân bị gãy xương cần bồi bổ đủ dinh dưỡng giúp xương lành tốt hơn, nhanh hơn.

Không nên hạn chế vận động quá và nên tập vật lý trị liệu sớm. Khi đó xương sẽ lành tốt hơn, các dòng tuần hoàn phục hồi tốt hơn và tránh được hiện tượng sưng sau khi bó bột hoặc phẫu thuật.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X