Gần 18 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch mỗi năm
Theo số liệu mới nhất, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, với khoảng 17,9 triệu người tử vong mỗi năm. TS.BS Trần Hòa - Tổng Thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khuyến cáo, hãy chủ động tầm soát bệnh lý tim mạch để sớm có phương án dự phòng, phát hiện và điều trị bệnh.
1. "Dùng trái tim cho hành động” - Bảo vệ sức khỏe tim mạch là trách nhiệm của toàn nhân loại
Thưa BS, Liên đoàn Tim mạch Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn chủ đề của Ngày Tim mạch thế giới 2024 để hành động như thế nào?
TS.BS Trần Hòa trả lời: “Dùng trái tim cho hành động - Use heart for action” chính là chủ đề của Ngày tim mạch thế giới năm nay do Liên đoàn Tim mạch thế giới và WHO lựa chọn. Chủ đề năm nay kêu gọi mỗi công dân trên toàn cầu hãy nhận thức để bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình. Đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Chủ đề năm nay kêu gọi trách nhiệm từ cộng đồng, các tổ chức liên quan đến y tế và các chính phủ. Vấn đề bảo vệ tim mạch không thuộc về riêng bất cứ ai mà toàn thế giới đều phải có trách nhiệm giảm thiểu sự xuất hiện của các bệnh tim mạch cũng như các biến cố rất nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.
Hiện nay tình trạng tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch đang tăng cao tại các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chủ đề năm nay xoáy mạnh vào việc làm thế nào để ai cũng quan tâm đến vấn đề dự phòng, phát hiện và điều trị bệnh lý tim mạch và các biến cố của nó.
2. Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu
Nhờ BS chia sẻ thêm về gánh nặng bệnh lý tim mạch trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay. Trong các nguyên nhân gây tàn phế, tử vong, bệnh tim mạch được đánh giá ở mức độ nào?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Theo số liệu mới nhất, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, với khoảng 17,9 triệu người tử vong mỗi năm. Thống kê tại Việt Nam cho thấy, trong 10 người tử vong thì có 3 - 4 người tử vong do các bệnh lý tim mạch. Con số này rất đáng báo động.
Tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch tại các khu đô thị, các thành phố lớn tăng cao hơn nhiều so với những vùng nông thôn.
3. Các hội đoàn có vai trò tích cực trong quản lý và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch
Theo BS, trong những năm qua, bệnh lý tim mạch đã thay đổi như thế nào, cả những điểm tích cực và chưa tích cực?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Một điều chúng tôi ghi nhận được qua hầu hết các hội nghị của nhiều chuyên khoa là tình trạng trẻ hóa của các bệnh lý tim mạch. Trước đây, bệnh xuất hiện nhiều ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy, trong 10 người mắc bệnh nhồi máu cơ tim hay đột quỵ thì có khoảng 2 người dưới 40 tuổi.
Về mặt tích cực, Việt Nam có khá nhiều hội chuyên ngành có thể giúp bác sĩ, nhân viên y tế quản lý các bệnh về tim mạch do chuyển hóa. Trong Hội Tim mạch Việt Nam có các phân hội như Phân hội Tăng huyết áp, Phân hội Suy tim, Phân hội Xơ vữa động mạch, Phân hội Rối loạn nhịp… Tại TPHCM cũng có các liên chi hội chuyên ngành về tim mạch và chuyển hóa.
Có thể nói chúng ta đang có nhiều hội đoàn nhằm quản lý và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch.
4. Các bệnh lý tim mạch cần được dự phòng càng sớm càng tốt
Các hướng dẫn trong và ngoài nước đã có những thay đổi gì trong việc phòng ngừa, điều trị các bệnh lý tim mạch cũng như các biến chứng của bệnh, thưa BS?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Những năm gần đây, các hướng dẫn trên thế giới cũng như Việt Nam đang chú trọng vào dự phòng bệnh một cách hiệu quả. Các bệnh lý tim mạch cần được dự phòng càng sớm càng tốt.
Các hội chuyên ngành đã đưa ra nhiều khuyến cáo rất cụ thể cho từng nhóm bệnh và gần như đã đưa ra được những tiêu chí cho người dân. Chẳng hạn, đối với bệnh huyết áp, các khuyến cáo đã có hướng dẫn chi tiết về cách kiểm soát huyết áp và đưa ra con số cụ thể. Bệnh lý xơ vữa động mạch cũng có những tiêu chí, như ở mức nguy cơ cao, bệnh nhân cần đạt nồng độ mỡ trong máu cụ thể như thế nào để phòng tránh biến cố.
5. Suy tim và đột quỵ là hậu quả của các bệnh lý chuyển hóa
Xin hỏi BS, những bệnh lý tim mạch nào thường gặp tại Việt Nam?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Trong 20 năm qua, mô hình bệnh tật về tim mạch chuyển hóa ở Việt Nam đã thay đổi. Trước đây chúng ta đối mặt với các bệnh lý viêm, nhiễm trùng khá nhiều.
Hiện nay, theo khuynh hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới, các bệnh lý về mặt chuyển hóa đã tăng cao. Những bệnh lý cần lưu ý là: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh lý chuyển hóa, đái tháo đường.
Đái tháo đường và rối loạn lipid máu là 2 bệnh lý chuyển hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chung, trong đó có tim mạch. 2 biến cố là hậu quả nặng nề của bệnh lý chuyển hóa là suy tim và tình trạng đột quỵ.
Chúng ta phải bỏ nhiều công sức để giúp người bệnh Việt Nam quản lý các vấn đề này.
6. Đừng đợi có các dấu hiệu của bệnh tim mạch mới tầm soát
Thưa BS, bệnh lý tim mạch có các triệu chứng cảnh báo sớm để người dân chủ động nhận biết?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Bệnh lý tim mạch có các triệu chứng gợi ý như đau ngực, khó thở, cảm giác mệt đột ngột, hồi hộp, đánh trống ngực, ngất… Nhưng để nói đây là những triệu chứng để phát hiện sớm bệnh thì không hoàn toàn chính xác.
Khi có các triệu chứng nêu trên, đôi khi bệnh nhân đã mắc bệnh hoặc đã xảy ra biến chứng. Đừng đợi các biểu hiện của bệnh xuất hiện mới đi tầm soát, chúng tôi kêu gọi người dân nhận biết những yếu tố nguy cơ có ở bản thân và thay đổi. Chúng ta cần có chiến lược tầm soát bệnh lý nhằm sớm phát hiện bệnh, nếu có.
Trong trường hợp phát hiện bệnh, người bệnh sẽ được hỗ trợ các kế hoạch nhằm điều trị tốt, không để xảy ra những biến chứng như ngồi máu cơ tim, đột quỵ…
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình