Em bị nhiễm giun chó, uống thuốc xổ rồi nhưng cứ tái phát hoài BS ơi?
Câu hỏi
(AloBacsi) - Em uống thuốc xổ rồi xét nghiệm thì hết nhiễm giun nhưng vẫn bị ngứa và da nổi vần.
Trả lời
Ân Như thân mến,
Em đã từng bị nhiễm giun chó nên AloBacsi sẽ giải thích về bệnh này cho em hiểu rõ hơn.
Người bị lây bệnh giun đũa chó (Toxocara canis gọi tắt là T. canis) do nuốt trứng cùng với thức ăn như rau sống, hoa quả, hay nước uống có chứa trứng T. canis. Tại ruột non, ấu trùng đi ra từ trứng, xâm nhập qua thành ruột đi vào máu, theo dòng máu đến gan, từ đó vào tim phải, qua động mạch phổi, các mao mạch và sau đó được rải rác khắp các cơ quan khác.
Ấu trùng lưu hành trong cơ thể người khi đến các cơ quan như gan, phổi, tụy, cơ vân, não, mắt và một số cơ quan khác có các mao mạch máu có khích thước nhỏ (0,02 mm) và bị đọng lại đây.
Như em thấy đấy, người chỉ là ký chủ tình cờ , ấu trùng này không thể tiếp tục phát triển thành con giun trưởng thành cũng như giun không sống ký sinh được ở người. Vì vậy, bệnh giun đũa chó được gọi là bệnh ký sinh trùng lạc chỗ.
Ấu trùng giun đũa chó khi lạc chỗ nhiễm qua người sẽ di chuyển nhiều nơi gây rối loạn ở các cơ quan nội tạng khác nhau và có những biểu hiện lâm sàng, đặc biệt ở da thì gây nổi dát đỏ, mề đay, ngứa.
Để điều trị bệnh nhân nhiễm giun đũa chó, những thuốc hiện nay được sử dụng với liều lượng và thời gian như sau:
- Thiabendazole với liều dùng 25-50 mg/kg trong vòng 5-10 ngày,
- Vermox – 100 mg x 2 lần/ngày trong vòng 2-4 tuần,
- Albendazole (zentel) – 10mg/kg trong vòng 10-20 ngày.
Em đã điều trị nhiễm giun chó, xét nghiệm thì hết nhiễm giun nhưng vẫn bị ngứa và da nổi vần... Có hai trường hợp xảy ra:
1 - Em vẫn còn bị nhiễm , kết quả xét nghiệm mầm bệnh là ký sinh trùng, trong thực tế vẫn có trường hợp ghi nhận là âm tính giả. Trong trường hợp này, em nên điều trị tiếp tục thêm 1 đợt nữa và chú ý kết hợp với việc phòng lây nhiễm như: rau và trái cây phải rửa kỹ trước khi sử dụng, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các “chú cún”, tắm và xổ giun đúng lúc, định kỳ cho các “chú”… em nhé.
2 - Một trong những triệu chứng lâm sàng của nhiễm giun đũa chó là dị ứng ngoài da gây ngứa, nhưng biểu hiện đó có thể do một chất gây dị ứng nào khác (từ thức ăn, môi trường...). Em cần xem xét tới khả năng này.
Em nên trở lại tái khám bác sĩ trước đây đã điều trị bệnh nhiễm giun đũa chó. Là người theo dõi trực tiếp, bác sĩ sẽ cho hướng điều trị thích hợp.
Hiện nay, BV Đại học Y dược TPHCM, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM... đều có chữa bệnh nhiễm giun đũa chó, em cũng có thể đến khám và điều trị ở đây nếu em muốn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình