Hotline 24/7
08983-08983

Dùng thuốc, ăn uống và tập luyện để kiểm soát đái tháo đường

Đái tháo đường bùng phát trong những gần đây, có 62% bệnh nhân đái tháo đường chưa được phát hiện và điều trị, 55% bệnh nhân đã có biến chứng. Vậy làm thế nào để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường? Câu trả lời sẽ được BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy - Hội viên Hội Nội tiết TPHCM, bác sĩ Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh giải đáp.

1. Kế hoạch điều trị cho người mới phát hiện đái tháo đường như thế nào?

Với một người mới được phát hiện bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) sẽ được lập kế hoạch theo dõi, điều trị ra sao, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Đối với một bệnh nhân mới được chẩn đoán ĐTĐ, đặc biệt ở người trẻ chưa có bệnh lý tim mạch và biến chứng ĐTĐ việc điều trị khá đơn giản, bệnh nhân phối hợp với bác sĩ lập mục tiêu điều trị.

Trong đó, mục tiêu điều trị ĐTĐ ở người trẻ chưa có biến chứng, nguy cơ hạ đường huyết thấp, HbA1c có thể < 6.5%, còn người lớn tuổi hơn mục tiêu HbA1c < 7%. Về huyết áp mục tiêu < 140/90 mmHg đối với người chưa có bệnh lý tim mạch, không có yếu tố nguy cơ tim mạch xơ vữa. Về lipid máu LDL < 100 mg/dL đối với người mới mắc ĐTĐ.

2. Các chỉ số mục tiêu trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường lâu năm

Và với người bệnh điều trị lâu năm, việc lập kế hoạch theo dõi, phát hiện và ngăn chặn các biến chứng sẽ như thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Đối với bệnh nhân ĐTĐ lâu năm, đã có biến chứng, bệnh lý tim mạch xơ vữa … việc điều trị ĐTĐ sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và kỳ vọng sống của họ.

- Nếu người bệnh khỏe mạnh, kỳ vọng sống cao, HbA1c có thể từ 7-7.5%.

- Nếu người bệnh có nhiều bệnh nền, kỳ vọng sống trung bình, HbA1c có thể duy trì 7.5-8%;

- Nếu người bệnh có kỳ vọng sống thấp, bệnh nặng nhiều, sức khỏe kém, HbA1c có thể từ 8-8.5%.

3. Phối hợp thuốc, tối giản hóa điều trị bệnh đái tháo đường

Trong điều trị tăng huyết áp, hiện nay có khái niệm “tối giản trong điều trị” giúp bệnh nhân sử dụng ít viên thuốc hơn, tăng khả năng tuân trị. Vậy còn đối với ĐTĐ thì như thế nào, liệu có “tối giản” cho bệnh nhân được không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Trong điều trị ĐTĐ từ lâu đã có liệu pháp “tối giản hóa điều trị” từ các nhóm thuốc cũ như metformin và sulfonylurea, có các phối hợp giữa metformin + glibenclamid; metformin + nhóm thuốc ức chế DPP4; các nhóm thuốc mới về sau có empagliflozin + metformin… là các nhóm thuốc phối hợp chung 2 hoạt chất trong cùng một viên thuốc nhằm giảm số lượng thuốc dùng trong ngày, tăng tuân thủ ở bệnh nhân.

Đồng thời khi bệnh nhân uống một viên thuốc có hai loại giúp bệnh nhân thấy thoải mái hơn, tăng tuân thủ hơn, do đó việc tối giản hóa điều trị trong điều trị ĐTĐ tương tự bệnh tăng huyết áp.

4. Uống thuốc đúng liều, đúng giờ, duy trì chế độ ăn ổn định khi dùng thuốc đái tháo đường

Theo BS, điều gì quan trọng nhất mà bệnh nhân cần nhớ khi sử dụng thuốc trong điều trị bệnh ĐTĐ ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Theo sách vở thường ghi sử dụng thuốc sao cho an toàn và hiệu quả, theo đó bệnh nhân phải sử dụng thuốc đúng liều, đúng giờ và duy trì được chế độ ăn ổn định.

Bởi vì đối với thuốc tiểu đường, có thuốc sử dụng trước ăn như thuốc kích thích tiết insulin, nếu uống sau ăn hoặc uống vào buổi chiều trong đêm sẽ bị hạ đường, do đó phải nhớ việc uống trước ăn.

Hay insulin phải chích trước bữa ăn, một số loại phải chích trước ăn nửa tiếng để tạo đỉnh insulin trùng với bữa ăn mới đem lại hiệu quả của thuốc.

Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân đã đạt được hiệu quả điều trị cần duy trì điều trị, không bỏ thuốc nửa chừng khi đang điều trị ổn.

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy khuyên rằng, bệnh nhân đã đạt được hiệu quả điều trị vẫn cần duy trì điều trị, không bỏ thuốc nửa chừng

5. Đái tháo đường có nên kiêng tuyệt đối thực phẩm có đường?

Người bệnh tiểu đường cần kiêng tuyệt đối thực phẩm có đường. Đúng hay sai, thưa BS? Tốt nhất, người bệnh nên ăn thực phẩm ngọt (trái cây, nước uống…) sao cho đỡ “ghiền” mà tránh ảnh hưởng đường huyết ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Trong guideline hướng dẫn điều trị ĐTĐ vấn đề nhắc đến đầu tiên là chế độ ăn.

Trong thành phần chế độ ăn phải đảm bảo được 4 chất quan trọng là tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Trong đó tinh bột chiến từ 50-60% tổng năng lượng một ngày, như vậy hoàn toàn cắt tinh bột hoặc ăn quá nhiều thực phẩm có đường sẽ không có lợi. Khuyến cáo bệnh nhân nên chọn các thực phẩm có chất xơ như gạo nguyên cám, ngũ cốc nguyên cám để làm chậm quá trình hấp thu đường … Không cắt hoàn toàn tinh bột hoặc ăn quá nhiều.

Đối với các loại thực phẩm ngọt như trái cây không ăn quá 20% năng lượng trong một ngày, nên ăn nguyên múi, nguyên miếng, không ép thành nước sẽ mất đi phần chất xơ trở thành đường hấp thu nhanh, khi ăn đường sẽ hấp thu liền vào máu.

6. Nhịn ăn, bỏ bữa gây hạ đường huyết và có thể dẫn tới hôn mê hạ đường huyết

Nhiều người có quan niệm, nhịn ăn, bỏ bữa để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Đúng hay sai, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Theo trào lưu trên mạng hiện nay là nhịn ăn, bỏ bữa để giảm cân, điều trị ĐTĐ, tuy nhiên đây là điều sai lầm vì đối với người ĐTĐ nếu nhịn ăn, bỏ bữa sẽ bị hạ đường huyết, lượng thuốc của những ngày hôm trước còn lại có thể dẫn đến hôn mê hạ đường huyết, một trường hợp rất nguy hiểm.

Ngoài ra sau khi nhịn ăn sẽ có phản xạ ăn bù do đói cồn cào, từ đó có tâm lý ăn nhiều carbohydrate, thèm ngọt, dẫn đến ăn nhiều hơn thường ngày, gây ra mặt hại về lâu dài vì sau khi nhịn ăn các men tiêu hóa, chất tiết dạ dày, dịch vị axit dạ dày thay đổi dễ bị viêm loét dạ dày … thay vào đó bệnh nhân nên giảm năng lượng mỗi bữa ăn hàng ngày sẽ hợp lý hơn.

7. Khám và tầm soát biến chứng đái tháo đường trước khi lên chương trình tập luyện

Người bệnh tiểu đường không nên chơi thể thao. Thực hư thông tin này như thế nào ạ? Bộ môn thể thao nào tốt cho sức khỏe người tiểu đường ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Đối với hướng dẫn điều trị ĐTĐ, đầu tiên là chế độ ăn, thứ hai là luyện tập thể lực, thứ ba là thuốc, do đó luyện tập thể lực là yếu tố quan trọng trọng và là 3 đỉnh của tam giác điều trị ĐTĐ.

Quan điểm người ĐTĐ không được luyện tập thể thao là sai lầm, người ĐTĐ vẫn phải luyện tập thể lực nhưng có khác biệt với người bình thường, cụ thể:

Trước khi có chương trình luyện tập thể lực cần được khám và tầm soát các biến chứng ĐTĐ, đặc biệt là các biến chứng mắt, biến chứng võng mạc, biến chứng tim mạch và biến chứng thần kinh. Bởi vì nếu bệnh nhân có các biến chứng tim mạch, biến chứng mắt, đặc biệt là bệnh lý võng mạc tăng sinh, bệnh nhân sẽ không tập các môn có kháng lực cao làm tăng huyết áp.

Ví dụ bệnh lý võng mạc tăng sinh khi tăng huyết áp có thể làm vỡ mạch máu hoặc bong võng mạc, người bệnh có thể bị mù.

Đồng thời nếu có các biến chứng thần kinh, khi tập thể thao phải có loại giày phù hợp như giày có miếng đệm, miếng xốp dành cho nốt chai ở chân, bàn chân ĐTĐ…

Như vậy khuyến khích bệnh nhân nên lựa chọn môn thể thao có thể duy trì lâu dài, duy trì được quá trình luyện tập hàng ngày.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X