Hotline 24/7
08983-08983

Đừng để béo phì âm thầm tàn phá sức khỏe bạn

Tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh trên toàn thế giới và Việt Nam. Những người bị thừa cân hay dư thừa mỡ nội tạng có nguy cơ cao thành bệnh béo phì. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận Béo phì là bệnh mạn tính nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, do đó đòi hỏi người bệnh phải đến các cơ sở y tế uy tín có đa chuyên khoa hay gặp chuyên gia y tế để điều trị lâu dài, lựa chọn phương pháp giảm cân phù hợp và được tư vấn duy trì lối sống, chế độ ăn và vận động lành mạnh.

Đây là những thông tin đáng chú ý được BS.CK2 Trần Quang Khánh - Khoa Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Chợ Rẫy giải đáp trong chương trình tư vấn với chủ đề “Giảm cân an toàn, lấy lại vóc dáng cân đối khỏe mạnh” trên AloBacsi vừa qua. Chương trình nhận được sự bảo trợ chyên môn từ Hội Bác sĩ Gia đình TP.HCM và đồng hành của công ty TNHH Novo Nordisk Việt Nam.

Chương trình giao lưu trực tuyến cùng chuyên gia với chủ đề “Béo phì” thu hút sự quan tâm của đông đảo khán thính giả

1. Tại sao ngày càng nhiều người bị thừa cân, béo phì?

BS.CK2 Trần Quang Khánh cho biết nguyên nhân tình trạng trên: “Thừa cân, béo phì là sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và tình trạng tiêu thụ năng lượng mỗi ngày. Sở dĩ có sự khác biệt giữa tỷ lệ béo phì ở thành thị và nông thôn là bởi các yếu tố liên quan đến những khác biệt lối sống, sinh hoạt. Với quá trình đô thị hóa hình thành nên thói quen ít vận động, chế độ ăn nhiều muối, lựa chọn đồ ăn nhanh, nước ngọt thay cho các thực phẩm rau xanh, hản sản. Điều này, khiến chúng ta thừa năng lượng hấp thu vào, trong khi ít tiêu thụ năng lượng ra ngoài, dẫn đến béo phì”.

Bên cạnh lối sống, bệnh béo phì còn liên quan đến yếu tố nội tại. Đầu tiên là di truyền hay tình trạng liên quan đến mô bệnh học, bệnh lý đi kèm như suy tuyến giáp, cường tuyến thượng thận, u tuyến tụy, hội chứng buồng chứng đa nang ở phụ nữ. Bên cạnh đó, một số loại thuốc như thuốc điều trị bệnh mạn tính lâu dài, bệnh lý khớp (nhóm thuốc kháng viêm steroid), hoặc một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc loạn thần, thuốc ngủ, thuốc an thần... cũng liên quan đến tình trạng béo phì.

2. Ai đang bị thừa cân, béo phì?

Theo chuyên gia, DEXA - đo hấp thụ năng lượng kép được xem là tiêu chuẩn “vàng” để chẩn đoán xác định béo phì. Tuy nhiên, thực tế có thể dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI) và vòng eo là đủ để chẩn đoán béo phì.

BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho chiều cao (mét), rồi lại chia tiếp cho chiều cao một lần nữa. Đối với người châu Á và Việt Nam thể trạng bình thường là khi BMI từ 18,5 - 22,9, thừa cân khi BMI từ 23-24,9 và được chẩn đoán béo phì khi BMI > 25.

Ngoài ra, BS.CK2 Trần Quang Khánh cho biết việc chẩn đoán béo phì còn dựa trên chỉ số vòng eo của người bệnh, được đo phía trên xương chậu (xương hông) và dưới xương sườn cuối cùng. Đối với nam vòng eo > 90cm và phụ nữ > 80cm được xem là béo phì.

3. Mỡ nội tạng tàn phá sức khỏe như thế nào?

Chuyên gia ví von theo cách gọi của dân gian: “Vòng eo càng lớn, vòng đời càng ngắn lại”, bởi vì người ta thấy rằng, những người vòng eo càng to, đồng nghĩa với tỷ lệ lượng mỡ nội tạng (loại mỡ gây hại cho cơ thể, hay còn gọi mỡ xấu) trong cơ thể càng nhiều.

BS.CK2 Trần Quang Khánh chia sẻ: Khi lượng mỡ nội tạng nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu trên toàn bộ cơ thể của người bệnh, có thể gây ra xơ vữa mạch máu. Thông thường, mạch máu xơ vữa là tiến trình tự nhiên, nhưng khi người bệnh có mỡ nội tạng quá cao sẽ thúc đẩy tình trạng này diễn tiến nhanh hơn người bình thường, gây ra những bệnh lý như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tim mạch do xơ vữa (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do nhồi máu não).

Đồng thời, người bệnh béo phì còn có khả năng gặp một số bệnh nội tiết chuyển hóa như tiền đái tháo đường, đái tháo đường, ung thư (vú, đại tràng), bệnh sa sút trí tuệ ở người già, Alzheimer, ngưng thở khi ngủ, rối loạn tâm sinh lý (trầm cảm, lo âu) cùng hàng loạt bệnh lý khác như sỏi mật, vô sinh, hen suyễn, gan nhiễm mỡ, són tiểu. Chưa kể, người bệnh béo phì còn phải chịu tải trọng quá lớn trên khung xương, vì vậy cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hệ cơ xương khớp, dẫn đến thoái hóa khớp...

4. Các biện pháp giảm cân lành mạnh cho người béo phì, bắt đầu từ đâu?

Chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn nguyên tắc điều trị béo phì dựa trên 3 yếu tố. Một là người bệnh cần thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện và thói quen sinh hoạt. Hai là kết hợp điều trị thuốc khi không đáp ứng với những thay đổi lối sống, ăn uống, tập luyện. Ba là phẫu thuật.

BS.CK2 Trần Quang Khánh - Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Chợ Rẫy

Về chế độ ăn uống, người bệnh nên tìm đến bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn điều chỉnh hành vi ăn uống và thiết kế bữa ăn khoa học như hạn chế tình trạng ăn vặt, ăn khuya, thức ăn giàu năng lượng, hạn chế thành phần chất béo bão hòa (da, nội tạng động vật), giảm ăn mặn, bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất, kiêng rượu bia cùng các chất kích thích khác.

Về chế độ tập luyện, BS.CK2 Trần Quang Khánh khuyến cáo chương trình luyện tập cần cá thể hóa do bác sĩ Vật lý trị liệu xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe, mục tiêu giảm cân cũng như các bệnh lý đi kèm của người bệnh. Đặc biệt bệnh nhân ngoài béo phì còn mắc thêm các bệnh khác như tim mạch, hô hấp thì càng cần tìm đến chuyên gia để được tư vấn chế độ vận động.

Trong điều trị béo phì, thay đổi lối sống, dinh dưỡng và tập luyện cần được thực hiện xuyên suốt, đòi hỏi kiên trì, phối hợp nhiều phương pháp khác nhau. Việc giảm cân cũng không được vội vàng, phải đáp ứng với nhu cầu bền vững lâu dài và an toàn cho người bệnh béo phì.

Về cách dùng thuốc và phẫu thuật, vì béo phì là bệnh mạn tính do đó người bệnh béo phì cần phải đến các cơ sở y tế uy tín có đa chuyên khoa  hay được chuyên gia y tế tầm soát, khám, tư vấn đầy đủ và quản lý toàn diện nguy cơ khi điều trị béo phì bằng thuốc hay phẫu thuật.

Tóm lại, dư thừa mỡ nội tạng và bệnh béo phì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, do đó người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín và được chuyên gia tư vấn điều trị.

Trong chương trình, chuyên gia còn giải đáp nhiều thắc mắc thú vị cho khán thính giả liên quan chủ đề béo phì, bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình TẠI ĐÂY.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X