Dụng cụ hỗ trợ vệ sinh răng miệng cho trẻ - Hiểu đúng để chọn đúng
Kem đánh răng, nước súc miệng, tăm nước, chỉ nha khoa... là các phương pháp vệ sinh răng miệng được khuyên dùng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng. Vậy, cha mẹ có thể tập cho trẻ sử dụng các dụng cụ vệ sinh răng miệng này không? Phần chia sẻ của BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến - Quyền điều hành Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sẽ giúp quý phụ huynh giải đáp những băn khoăn trong vấn đề bảo vệ răng miệng cho trẻ.
1. Răng có chức năng ăn nhai và thẩm mỹ
Nhờ BS chia sẻ thêm thông tin: Chăm sóc răng miệng cho trẻ quan trọng như thế nào?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Chăm sóc răng miệng cũng giống như chăm sóc cơ thể. Tất cả bộ phận được chăm sóc tốt thì cơ thể mới phát triển theo chiều hướng tốt. Chăm sóc răng miệng cũng được xem là chăm sóc thường quy mà các bậc phụ huynh cần lưu ý theo dõi và thực hiện đúng.
Răng miệng khỏe sẽ tác động tích cực đến cơ thể ra sao, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Đầu tiên phải kể đến chức năng tiêu hóa của hệ răng, là cửa ngõ đầu tiên giúp thức ăn đưa vào dạ dày được tiêu hóa tốt hơn. Răng tốt sẽ cho sức nhai tốt, việc hấp thu dinh dưỡng hoàn hảo hơn.
Thứ hai là về thẩm mỹ. Bên cạnh chức năng ăn nhai, răng còn đóng một vai trò quan trọng đối với yếu tố thẩm mỹ của gương mặt.
2. Sức khỏe răng miệng không tốt để lại nhiều hệ lụy
Chăm sóc răng miệng không tốt sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Răng miệng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe toàn thân của trẻ. Sức khỏe răng miệng cần được quan tâm hàng đầu. Hệ răng miệng không tốt có thể dẫn đến đau răng, chán ăn hay một số biểu hiện nặng nề hơn, ví dụ viêm nhiễm.
3. Việc chăm sóc răng miệng cần được thực hiện từ những ngày tháng đầu đời
Xin BS cho biết, phụ huynh cần ghi nhớ những nguyên tắc gì trong việc chăm sóc răng miệng cho con?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Phụ huynh cần có cái nhìn đúng và đủ hơn về việc chăm sóc răng miệng. Hệ răng miệng cần được chăm sóc từ khi con chưa mọc răng.
Trong những ngày tháng đầu đời, việc sử dụng băng gạc để rơ miệng cho trẻ cũng đã góp phần giữ cho môi trường trong miệng trẻ sạch sẽ. Ở giai đoạn mọc răng sữa (6-13 tháng tuổi), trẻ cần được chải răng hằng ngày bằng bàn chải mềm, gạc, rơ lưỡi...
4. Trẻ cần vệ sinh răng miệng tối thiểu 2 lần/ngày
Từ độ tuổi nào trẻ cần được hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng và trẻ cần đánh răng ở những thời điểm nào trong ngày, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Việc chăm sóc răng miệng của trẻ cần có sự lưu tâm và nhắc nhở từ phía phụ huynh. Trẻ khoảng 2 tuổi đã có thể học cách chăm sóc răng miệng. Lúc này, các động tác tay của trẻ đã thuần thục, bao gồm động tác sử dụng bàn chải và kem đánh răng để chải rang trong miệng.
Trẻ cần đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày, buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, sau các bữa ăn chính, phụ huynh có thể nhắc nhở trẻ vệ sinh răng miệng.
5. Bố mẹ đóng vai trò hỗ trợ và dẫn dắt để trẻ có ý thức vệ sinh răng miệng tốt
BS có những bí quyết nào để giúp các bé yêu thích và tự giác thực hiện việc vệ sinh răng miệng? Nuốt phải kem đánh răng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ không, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Trẻ dưới 6 tuổi chưa có ý thức về vai trò của vệ sinh răng miệng, do đó cần có sự dẫn dắt của bố mẹ. Bố mẹ có thể mở các video hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho con xem, cùng con chải răng để quan sát và giúp đỡ khi cần thiết.
Sau khi đánh răng, bố mẹ cần kiểm tra lại kết quả và cho con đánh giá tích cực hoặc lời khuyên để thực hiện tốt hơn vào lần sau.
Kem đánh răng dành riêng cho trẻ em đã được nghiên cứu để không gây ra những tác động xấu ở dạ dày trong tình huống trẻ vô tình nuốt phải. Tuy nhiên, nếu nuốt phải một lượng quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng một số chất không cần thiết ứ đọng trong cơ thể.
Do vậy, chỉ nên sử dụng kem đánh răng khi trẻ đã có động tác nuốt tốt, biết cách ngậm và nhổ bọt kem đánh răng sau khi chải răng.
6. Thành phần flour giúp răng của trẻ chắc khỏe hơn
Khi lựa chọn kem đánh răng cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý đến những thành phần gì?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Khi mua kem đánh răng cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý đến nồng độ flour. Đây là một trong những thành phần khoáng hóa giúp răng của trẻ chắc hơn và có tác dụng chống sâu răng.
Tuy nhiên, nếu trên răng của con đã có dư thành phần này như trường hợp răng nhiễm flour hoặc trẻ có chống chỉ định với flour, phụ huynh sẽ phải cẩn thận hơn trong việc lựa chọn kem đánh răng không chứa flour. Phụ huynh nên chọn kem đánh răng không chứa flour.
Các loại kem đánh răng cho trẻ em trên thị trường hiện nay đều có một lượng flour nhất định. Trẻ được phép nuốt một lượng không quá đầu bàn chải nhỏ trong một lần đánh răng. Phụ huynh vẫn cần theo dõi sát mỗi lần trẻ đánh răng để chắc chắn trẻ không nuốt phải quá nhiều.
7. Có nên cho trẻ dùng bàn chải điện?
Phụ huynh cần lưu ý những chi tiết nào khi chọn bàn chải cho trẻ? Bàn chải điện liệu có phù hợp cho trẻ nhỏ sử dụng không, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Có 2 tiêu chí để lựa chọn bàn chải cho trẻ. Đầu tiên là kích cỡ bàn chải phải phù hợp với tay của bé. Có thể chọn những hình dạng, màu sắc mà trẻ yêu thích để tạo hứng khởi mỗi khi chải răng.
Bàn chải điện chỉ có ý nghĩa khi trẻ biết cách sử dụng đúng cách. Trẻ nên sử dụng bàn chải truyền thống trước để học cách dùng bàn chải, sau đó mới chuyển sang bàn chải điện. Cá nhân tôi không khuyên dùng bàn chải điện cho những trẻ từ 2-4 tuổi, ở giai đoạn mới hình thành thói quen chải răng.
8. Nước muối sinh lý là loại dung dịch kháng khuẩn an toàn
Xin hỏi BS, trẻ em có được dùng nước súc miệng không? Trẻ quá nhỏ có thể dùng nước muối sinh lý thay thế được không?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Như đã chia sẻ, khi trẻ thành thục động tác nuốt và nhổ ra, phụ huynh có thể cho trẻ dùng thêm các dung dịch hỗ trợ. Tuy nhiên, các dung dịch hỗ trợ này phải đảm bảo an toàn cho trẻ.
Các loại nước súc miệng không chứa cồn là an toàn nhất. Bên cạnh đó, nước muối sinh là loại dung dịch vừa mang tính chất kháng khuẩn vừa an toàn, phù hợp với cả người lớn và trẻ nhỏ.
Nước súc miệng thơm miệng thực ra chỉ là một phương án hỗ trợ. Chỉ cần răng miệng đủ tốt thì lượng vi khuẩn sẽ không đủ để gây mùi ở hơi thở của con.
9. Nước súc miệng cho trẻ không được chứa cồn
Những thành phần trong nước súc miệng tốt cho sức khỏe răng miệng của trẻ là gì, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Nước súc miệng an toàn cho trẻ là loại trong thành phần không có cồn. Phụ huynh có thể đọc thông tin trên nhãn, tại bảng thành phần.
10. Trẻ chưa sử dụng chính xác được tăm nước, chỉ nha khoa
Nhiều phụ huynh thắc mắc liệu trẻ có thể dùng tăm nước hoặc chỉ nha khoa chưa. Nhờ BS tư vấn giúp.
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Tăm nước và chỉ nha khoa có thể sử dụng với điều kiện phải do phụ huynh thực hiện giúp trẻ. Bởi vì việc xác định vị trí nào cần sử dụng cực kỳ quan trọng. Trẻ nhỏ chưa xác định được vị trí nào nên đặt dụng cụ.
Vì thế, đây là những biện pháp hỗ trợ mà phụ huynh hoặc nha sĩ phải thực hiện cho bé.
11. Không được cho trẻ dùng tăm xỉa răng
Việc bắt chước người lớn dùng tăm xỉa răng ảnh hưởng đến răng miệng của trẻ như thế nào?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Tăm xỉa răng là một vật cứng, nhọn được tạo thành từ bề mặt gỗ, có tác động không tốt đến nướu răng của trẻ nhỏ. Không chỉ vậy, trẻ có nguy cơ nuốt phải vật nhọn.
Quan điểm cá nhân của tôi là hoàn toàn không được cho trẻ dùng tăm xỉa răng.
12. Thời gian chải răng được xác định dựa trên số răng của mỗi người
Các chuyên gia khuyên người lớn nên đánh răng trong 2 phút. Vậy còn trẻ nhỏ thì sao, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Thời gian đánh răng được xác định dựa vào số lượng răng thực tế có trong miệng. Trung bình 1 người lớn sẽ có 28 - 32 chiếc răng, do vậy thời gian đánh răng được khuyên là 2 - 3 phút.
Một em bé có 20 chiếc răng sữa thì thời gian đánh răng sẽ ngắn hơn, khoảng 90 - 120 giây. Phụ huynh có thể sử dụng đồng hồ cát hoặc đồng hồ bấm giờ để giúp con xác định đã chải răng đủ thời gia hay chưa.
13. Thực phẩm chỉ gây sâu răng khi tồn tại trên răng quá lâu
BS có lời khuyên nào về thực phẩm nên và không nên sử dụng để giúp phụ huynh bảo vệ hàm răng sạch, chắc, khỏe cho con trẻ?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Thực phẩm có nhiều tính xơ như ngũ cốc, hạt, trái cây có màu xanh - đỏ sẽ giúp răng ít bị nhiễm màu. Bên cạnh đó, khi sử dụng các loại thực phẩm này, thành phần trong nước bọt tiết ra có tác dụng bảo vệ răng tốt hơn.
Tuy nhiên, không có khuyến cáo về việc hạn chế hay tăng cường sử dụng bất kỳ loại thực phẩm nào. Thực phẩm chỉ gây sâu răng khi tồn tại trên răng quá lâu và không được vệ sinh kỹ càng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình