Hotline 24/7
08983-08983

Đốt sóng cao tần RFA đối với u lành tuyến giáp: Không đau và không để lại sẹo

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt - Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, điều trị bướu giáp lành tính bằng sóng cao tần RFA là một phương pháp xâm lấn tối thiểu, hiệu quả cao và an toàn, phục hồi nhanh, đã được sử dụng để điều trị thay thế cho mổ mở cắt tuyến giáp ở những bệnh nhân có nhân giáp lành tính

1. Phương pháp RFA là gì?

Xin hỏi BS, phương pháp đốt sóng cao tần là gì và thường được ứng dụng trong điều trị những bệnh lý nào?

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt trả lời: Đốt sóng cao tần (RFA) có cơ chế hoạt động là sự ma sát của các ion trong mô bị tiêu hủy dưới dòng điện xoay chiều có tần số cao, nằm trong khoảng sóng âm thanh.

Dòng điện được truyền vào khối u thông qua một điện cực dạng kim, sóng radio được truyền qua đầu kim và sinh nhiệt. Dòng năng lượng nhiệt này làm tăng ma sát trong mô khối u, làm các tế bào mất nước, dẫn đến hoại tử đông khối u.

Sóng cao tần được áp dụng trong các trường hợp cần đốt nhân giáp, u gan, u vú. Trong tương lai, có thể phương pháp này sẽ được dùng để đốt những tổn thương u phổi. Đối với bệnh lý mạch máu, RFA có thể hủy được tĩnh mạch hiển.

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt - Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) 

2. Chỉ định và chống chỉ định điều trị bướu giáp bằng RFA

Những bệnh nhân bướu giáp nào sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần? Những bệnh nhân nào bị chống chỉ định với phương pháp này?

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt trả lời: Bệnh nhân có nhân giáp được chỉ định điều trị bằng đốt sóng cao tần phải thoả mãn những tiêu chí sau:

- Nhân giáp không phải ung thư

- Nhân giáp có kích thước từ 1,5cm trở lên

- Nhân giáp có triệu chứng đau, nuốt vướng, khó chịu...

Các trường hợp nhân giáp gây tăng chức năng tuyến giáp (nhân độc giáp trạng), sau khi đã ổn định chức năng tuyến giáp thì có thể điều trị bằng RFA.

Đốt sóng cao tần chống chỉ định với ung thư. Hiện vẫn chưa có đồng thuận trong việc sử dụng phẫu thuật và đốt trong điều trị ung thư dạng nang, ung thư nguyên phát.

Những bệnh nhân có tổn thương dây thanh đối bên cũng nên hạn chế. Các thao tác trong đốt sóng cao tần có thể ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch, do đó phải hết sức cẩn trọng.

3. Những lợi điểm của RFA so với phẫu thuật truyền thống

Trong điều trị bướu giáp, phương pháp đốt sóng cao tần có những lợi điểm gì so với phẫu thuật, thưa BS?

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt trả lời: Đầu tiên, RFA là phương pháp điều trị không cần mổ, sử dụng phương pháp gây tê tại chỗ và tiền mê. Nhờ đó bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày.

Tuy nhiên, bác sĩ vẫn phải giải thích để bệnh nhân hiểu rõ về phương pháp này. Đốt khác với mổ. Phẫu thuật có thể lấy toàn bộ khối u ra ngoài, còn với RFA, khối u vẫn tồn tại trong cơ thể và teo dần theo thời gian.

RFA có 2 lợi điểm. Đầu tiên, việc đốt sóng cao tần chỉ đốt phần nhân nên vẫn giữ lại được phần mô giáp. Thứ hai, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày, không phải gây mê.

Hiện nay, chi phí thực hiện RFA khá cao và bảo hiểm y tế vẫn chưa chi trả.

4. Kích thước khối u nhỏ lại khoảng 30-50% sau 1 tháng thực hiện RFA

Nhờ BS chia sẻ thêm về tỷ lệ thành công cũng như tính an toàn của phương pháp điều trị bướu giáp bằng sóng cao tần.

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt trả lời: RFA vẫn xuất hiện một số biến chứng. Tỷ lệ thành công và tính an toàn sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật của phẫu thuật viên.

Theo dõi bệnh nhân trong 1 tháng - 6 tháng - 1 năm để xác định tỷ lệ thành công trong điều trị. Sau 1 tháng, kích thước khối u nhỏ lại khoảng 30-50%. Sau 6 tháng sẽ teo đi 85%.

Những nhân giáp dưới 3cm có thể chỉ cần đốt 1 lần nhưng những nhân giáp to hơn cần phải đốt từ 2 lần trở lên.

5. Quy trình điều trị bướu giáp bằng RFA tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Quy trình điều trị bướu giáp bằng sóng cao tần tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định như thế nào?

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt trả lời: Đầu tiên, bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Bác sĩ sẽ giải thích, tư vấn và bệnh nhân là người đưa ra quyết định.

Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm tiền phẫu: Xét nghiệm chức năng tuyến giáp và khám các yếu tố nguy cơ (tim mạch, hô hấp...).

Việc điều trị bướu giáp bằng sóng cao tần RFA sử dụng phương pháp gây tê tại chỗ, được thực hiện ở phòng thủ thuật có đủ trang thiết bị.

6. Kiểm tra kỹ bệnh lý tim mạch, chức năng đông máu... trước khi thực hiện thủ thuật

Khi lựa chọn điều trị bướu giáp bằng sóng cao tần, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề gì, thưa BS?

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt trả lời: Bệnh nhân cần lưu ý đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân dược gây tê tại chỗ, do đó bệnh lý tim mạch, chức năng đông máu phải được kiểm tra kỹ.

Bệnh nhân cần hợp tác và làm đúng theo hướng dẫn về những tư thế khi thực hiện thủ thuật.

7. Ăn uống bình thường sau khi thực hiện thủ thuật

Sau khi đã điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần, bệnh nhân cần được chăm sóc như thế nào? Chế độ dinh dưỡng hậu phẫu cần chú ý những gì, thưa BS?

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt trả lời: Việc đốt tổn thương nhân giáp không ảnh hưởng đến chế độ ăn của bệnh nhân. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ăn uống bình thường nếu không có những chống chỉ định đặc biệt.

Bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao bởi chính kỹ thuật viên đã thực hiện thủ thuật. Người bệnh sẽ được siêu âm để đánh giá lại những biến đổi từ việc đốt nhân giáp.

8. Quay lại bệnh viện khi bị đau nhiều, khó thở

Bệnh nhân nên theo dõi sức khỏe sau khi điều trị bướu giáp bằng sóng cao tần như thế nào? Những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh cần phải quay lại bệnh viện để kiểm tra?

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt trả lời: Điều trị bướu giáp bằng sóng cao tần vẫn có những biến chứng như chảy máu, tụ dịch, tổn thương thần kinh, khàn tiếng tạm thời, tổn thương khí quản, tổn thương thực quản.

Bệnh nhân sẽ được nghỉ ngơi và theo dõi từ 30-60 phút sau phẫu thuật. Nếu tình trạng đã ổn định, bệnh nhân có thể xuất viện. Bác sĩ luôn dặn dò rằng, nếu có các dấu hiệu bất thường như vùng cổ to lên nhanh, đau nhiều, khó thở, người bệnh cần quay lại bệnh viện ngay.

Nếu không có gì bất thường, bệnh nhân chỉ cần tái khám theo lịch hẹn.

9. Sau khi đốt RFA, nhân giáp từ từ nhỏ lại theo thời gian

Nguy cơ tái phát sau khi đốt sóng cao tần như thế nào? Có cách nào để ngăn chặn bệnh tái phát, thưa BS?

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt trả lời: Tổn thương đã được kiểm soát vẫn nên theo dõi quá trình nhỏ lại của nhân giáp theo thời gian. Trong khoảng 6 tháng - 1 năm, kích thước nhân giáp thu nhỏ đáng kể.

Cộng đồng cần phải hiểu rằng, mặc dù đã đốt nhưng nhân giáp vẫn còn trong tuyến giáp, từ từ teo lại thành mô xơ. Điều này khác với mổ nên không cần phải lo lắng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X