Đo huyết áp: Khi nào cần, bao lâu thực hiện một lần và thế nào được xem là tăng huyết áp?
Tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người hàng loạt”. Tuy nhiên, điều đáng lo là căn bệnh này không được quan tâm đúng mức khi nhiều người không nhận diện được bệnh, hoặc biết bệnh nhưng không điều trị dẫn đến các biến cố đáng tiếc như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Vậy làm sao để nhận diện tăng huyết áp? TS.BS Trần Hòa đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
1. Những biến chứng của tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp được ví là “kẻ giết người” thầm lặng. Vì đâu căn bệnh này lại được ví von bằng sự nguy hiểm như vậy ạ? Những biến chứng mà người bệnh sẽ phải đối diện nếu bị tăng huyết áp là gì?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Có thể nói tăng huyết áp là một bệnh lý rất phổ biến hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ở người trưởng thành cứ 4 người sẽ có người một người bị tăng huyết áp chiếm tỷ lệ khoảng 25%. Những phụ nữ trưởng thành cứ 5 người sẽ có một người bị tăng huyết áp, tỷ lệ là 25%. Cứ 4 hoặc 5 người sẽ có một người bị tăng huyết áp. Qua đó cho thấy, tăng huyết áp là một bệnh lý rất phổ biến. Ngày nay, tăng huyết áp được xem như là một vấn đề về mặt sức khỏe cộng đồng rất quan trọng.
Gọi tăng huyết áp là “kẻ giết người” thầm lặng vì chúng ta đều biết căn bệnh này có những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây chết người. Vào năm 2002, cách đây hơn 20 năm, trong một cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo có những cái chết hàng loạt gây ra do bệnh lý tăng huyết áp. Và người ta ví tăng huyết áp gần như là một “kẻ sát nhân”, “kẻ giết người hàng loạt”. Bệnh lý tăng huyết áp gần như là một bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh và đặt tên là “kẻ giết người” thầm lặng.
Tăng huyết áp gây ra biến chứng cấp tính. Tức là, khi huyết áp tăng cao sẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là ảnh hưởng tính mạng của người bệnh một cách tức thời:
- Làm cho bệnh nhân đột tử do tăng huyết áp.
- Rơi vào trạng thái đột quỵ, xuất huyết não hay nhồi máu não và có thể tử vong.
- Dẫn đến những biến chứng trên tim mạch như nhồi máu cơ tim, có thể khiến bệnh nhân tử vong hoặc là tàn phế.
- Gây ra những biến chứng trên mạch máu như làm bóc tách những động mạch lớn trong trong ngực (gọi là bóc tách động mạch chủ ngực) và có thể dẫn đến tử vong rất nhanh chóng trong một cơn tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp gây ra những biến chứng mãn tính về lâu dài, có thể làm bệnh nhân giảm khả năng lao động, thậm chí tàn phế. Điển hình như:
- Tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não, trong trường hợp may mắn không tử vong thì vẫn có khả năng làm cho bệnh nhân bị yếu liệt, mất khả năng lao động, vận động.
- Tăng huyết áp có thể gây ra tình trạng suy thận, thậm chí suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận.
- Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng trực tiếp lên trái tim và gây ra suy tim. Đây là một trong những bệnh lý rất nặng nề, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
TS.BS Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
2. Những ai có nguy cơ bị tăng huyết áp?
Ai có nguy cơ bị tăng huyết áp, thưa BS? Tại Việt Nam, độ tuổi nào thường mắc phải căn bệnh này nhất ạ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Từ “kẻ giết người thầm lặng” sẽ chia thành hai vế.
- Thứ nhất là “kẻ giết người”: Gọi tăng huyết áp là kẻ giết người vì nó có thể gây chết người.
- Thứ hai là “thầm lặng”: Đây là một vấn đề rất quan trọng đối với những bệnh lý tăng huyết áp. Hơn 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp không có triệu chứng. Thậm chí có những trường hợp huyết áp rất cao, gây ra những biến cố như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ nhưng trước đó bệnh nhân gần như không có triệu chứng gợi ý.
Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp tỷ lệ rất cao, chiếm đến 20 - 25%. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị biến chứng, đột tử hay tử vong. Song, có 3 nhóm bị tăng huyết áp có thể dễ bị những biến chứng, thậm chí đột tử.
- Thứ nhất là những người bị tăng huyết áp nhưng không biết mình bị tăng huyết áp. Cho đến khi xảy ra những biến chứng, thậm chí vào viện vì đột quỵ hoặc tử vong mới biết những hậu quả đó xảy ra do tăng huyết áp. Vì vậy, chúng ta phải kiểm tra để biết con số huyết áp của mình - đây là một vấn đề quan trọng.
- Thứ hai là biết bị tăng huyết áp nhưng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Khi bị tăng huyết áp bệnh nhân phải được điều trị một cách triệt để bằng nhiều phương pháp, điều này giúp huyết áp duy trì một cách lâu dài.
- Thứ ba điều trị tăng huyết áp nhưng không đạt được mức huyết áp mục tiêu.
Mỗi bệnh nhân có thể có các chỉ số huyết áp mục tiêu khác nhau. Do đó, chúng ta nên hỏi các bác sĩ điều trị huyết áp mục tiêu của bản thân là bao nhiêu. Đồng thời, cần phải nắm được rằng, việc uống thuốc và những liệu pháp điều trị khác có khống chế được mức huyết áp mục tiêu không?...
Tăng huyết áp có thể dễ xảy ra hơn ở một số người như:
- Yếu tố về mặt gia đình: Nếu trong gia đình có người thân trực hệ (tức là ba mẹ, anh chị em ruột) bị tăng huyết áp có thể chúng ta sẽ có nguy cơ giống vậy.
- Một số người có cơ địa thừa cân, béo phì sẽ dễ kèm theo bệnh lý tăng huyết áp.
- Người ít vận động thể lực.
- Chế độ ăn mặn.
- Đời sống không thoải mái, stress nhiều.
Còn nhiều yếu tố nguy cơ khác như:
- Về mặt môi trường: Môi trường sống hay tiếng ồn.
- Chất lượng cuộc sống hay về kinh tế cũng ảnh hưởng đến bệnh lý này.
- Một số người có những bệnh lý đồng mắc khác như rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường sẽ dễ kèm theo bệnh lý tăng huyết áp.
Đặc biệt các bệnh lý tim mạch chuyển hóa ngày nay là bệnh lý của những người lớn tuổi, càng lớn tuổi nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch trong đó có tăng huyết áp càng cao. 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới càng cao hơn nữa. Và thực tế trên lâm sàng nhận thấy những người trẻ ở lứa tuổi 30, 40 đã bắt đầu có những trường hợp bị tăng huyết áp.
Bệnh lý tăng huyết áp song hành với xã hội ngày nay cũng đã trẻ hóa. Những người trẻ hay những người nghĩ mình khỏe mạnh nên đi kiểm tra sức khỏe, đặc biệt trong đó có kiểm tra về huyết áp. Khi có cơ hội hãy đo huyết áp của mình.
3. Nguyên nhân nào khiến bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa?
Ngày nay, không chỉ là người lớn tuổi, trung niên, mà ngay cả người trẻ cũng bị tăng huyết áp. Nguyên nhân nào dẫn đến tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, thưa BS?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Tăng huyết áp là một bệnh lý rất đặc biệt. Cơ chế gây ra bệnh lý tăng huyết áp là đa yếu tố. Trong đó có những yếu tố nội tại của cơ thể và có sự tác động bên ngoài. Tỷ lệ tăng huyết áp ngày nay ở người trẻ tăng lên liên quan rất là nhiều đến vấn đề như:
- Về mặt lối sống: Có thể chúng ta trong một đời sống hiện đại có rất nhiều việc để lo lắng và phấn đấu.
- Đặc biệt là người trẻ ở thành thị, việc ăn uống, tập luyện cũng như xử lý, quản lý stress đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó có tăng huyết áp.
4. Tăng huyết áp có triệu chứng cảnh báo không?
Tăng huyết áp có triệu chứng cảnh báo không thưa BS? Nhiều người bị đau đầu thường quy kết cho tăng huyết áp, đây thực sự có phải là triệu chứng báo hiệu của căn bệnh này?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Tăng huyết áp là một bệnh lý rất đơn giản trong vấn đề chẩn đoán đoán. Đơn giản đến mức không cần là một bác sĩ tim mạch cũng có thể chẩn đoán được, chỉ với một máy đo huyết áp và đo huyết áp đúng cách. Điều này có thể thực hiện tại nhà nếu được huấn luyện qua một vài lần về đo huyết áp.
Tuy nhiên không giống những bệnh lý khác, tăng huyết áp không có dấu hiệu gợi ý. Ví dụ như bà con thường hay nói nhức đầu có thể là bị tăng huyết áp. Nhưng chỉ khoảng 5 - 10% bệnh nhân may mắn có những dấu hiệu gợi ý, khoảng hơn 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp không có dấu hiệu gợi ý.
5. Làm thế nào để kiểm tra chính xác tình trạng tăng huyết áp?
Cần làm gì để kiểm tra chính xác chúng ta có bị tăng huyết áp không thưa BS? Huyết áp bao nhiêu được xem là tăng huyết áp ạ? Những chỉ số này liệu có chênh lệch giữa các độ tuổi?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Chỉ số huyết áp phụ thuộc rất nhiều vào những tác động bên ngoài cũng như bên trong cơ thể. Nếu chúng ta đang giận hay mới uống cà phê, vừa chạy ngoài đường vào nhà khi đo huyết áp chắc chắn sẽ cao. Không thể lấy chỉ số trong những tình huống như vậy để xác định huyết áp chính xác hay không.
Dù ở nhà hay ở bệnh viện khi đo huyết áp để chẩn đoán, đo được con số chính xác cần lưu ý:
- Trong một trạng thái thoải mái thật sự, đặc biệt là 30 phút trước khi đo.
- Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia hay hút thuốc lá, uống cà phê, thậm chí trà đậm trước khi đo 30 phút.
- Nếu ăn thì nên ăn trước đó 30 phút và nghỉ ngơi để đo huyết áp.
- Về mặt tinh thần: Khi không thoải mái, đang giận, lo lắng thì đo sẽ không chính xác. Chúng ta phải dẹp bỏ tất cả mọi thứ, hoàn toàn thoải mái, nghỉ ngơi để chuẩn bị đo huyết áp.
- Tư thế ngồi: Tay phải để trên bàn một cách thoải mái, buông lỏng, không nắm chặt lại. Tựa lưng vào ghế để cơ thể thả lỏng hoàn toàn. Hai chân không được bắt chéo, phải thả lỏng hai chân và chạm xuống đất.
- Ở nhà một trong những nơi lý tưởng để đo huyết áp vì không có nhiều sự tác động từ bên ngoài vào.
- Đối với bệnh viện, muốn đo huyết áp một cách chính xác tại phòng khám tim mạch phải có một phòng yên tĩnh để bệnh nhân được nghỉ ngơi và không có quá nhiều tiếng ồn. Hầu như những phòng khám không có khu vực đo huyết áp riêng nếu kết quả đo cao có thể là giả.
6. Nếu kết quả đo huyết áp tại nhà là tăng huyết áp, chúng ta cần làm gì tiếp theo?
Khi đo huyết áp tại nhà ghi nhận tăng huyết áp, chúng ta cần làm gì ở bước tiếp theo ạ? Khi đi khám, người bệnh sẽ được thăm khám và làm thêm các kiểm tra nào ạ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Con số huyết áp chúng ta có thể biết là 140/90 mmHg. 140 là huyết áp ở trên (huyết áp tâm thu), 90 là huyết áp ở dưới (huyết áp tâm trương). Khi cả hai số đều cao hoặc một trong hai số cao có thể gợi ý huyết áp đã tăng. Một khi thấy huyết áp cao nên đo lại chỉ số huyết áp một lần nữa trong vòng 3 - 5 phút sau.
Nếu con số huyết áp quá cao, ví dụ chúng ta đo là 200/100 mmHg, sau khi nghỉ ngơi và đo lại huyết áp một lần nữa để khẳng định. Lúc này nên sắp xếp để tiếp cận với đội ngũ có thể chăm sóc cho chúng ta gần nhất như phòng khám, phòng mạch hay bệnh viện, qua đó sẽ được hỗ trợ vấn đề chẩn đoán, xử lý và cho biết chúng ta có bị tăng huyết áp hay không. Đôi khi các bác sĩ phải giúp bệnh nhân trả lời thêm nhiều câu hỏi khác về bệnh lý tăng huyết áp.
7. Khi nào cần đo huyết áp và bao lâu nên đo huyết áp một lần?
Theo BS, mỗi người chúng ta nên tập thói quen đo huyết áp từ khi nào, từ độ tuổi nào ạ? Với người chưa mắc căn bệnh này, bao lâu nên đo huyết áp để kiểm tra một lần?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Cho đến nay, 20 - 25% dân số của nước ta bị tăng huyết áp. Đo huyết áp là một trong những động tác đầu tiên khi tiếp cận với nhân viên y tế, vì vậy cứ là người trưởng thành trên 18 tuổi thì ít nhất phải đo huyết áp một lần. Nếu huyết áp bình thường, theo khuyến cáo mỗi năm chỉ cần đo huyết áp một lần và thực hiện đúng cách.
8. Làm gì để phòng ngừa tăng huyết áp?
Tăng huyết áp có phòng ngừa được không, thưa BS? Những điều chúng ta có thể áp dụng để phòng ngừa căn bệnh này là gì?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Có 3 cấp bậc để phòng ngừa.
- Những người khỏe mạnh chưa có bệnh tăng huyết áp hãy đo huyết áp để dự phòng hoặc nếu có tăng huyết áp sẽ làm chậm thời gian xảy ra.
- Với những phương pháp dự phòng có thể giúp không xảy ra tăng huyết áp, nếu có cũng sẽ trễ hơn.
- Khi chúng ta dự phòng và đo huyết áp thường xuyên để kiểm tra mỗi năm, chúng ta sẽ biết được thời điểm nào bị tăng huyết áp.
Các phương pháp phòng ngừa:
- Phải có lối sống khỏe mạnh cho tim mạch.
- Ăn nhiều rau, giảm lượng mỡ bão hòa, ăn nhạt, ít muối.
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Nên có chế độ tập luyện thường xuyên để tăng cường sức khỏe tim mạch nói chung cũng như những sức khỏe khác trong cơ thể.
- Kiểm soát stress.
- Nếu thừa cân hay béo phì phải giảm cân.
Đây là những phương pháp đơn giản đi vào cuộc sống của chúng ta. Để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch nói chung, trong đó sẽ phòng ngừa cả bệnh lý tăng huyết áp, là cấp bậc đầu tiên khi chúng ta chưa có bệnh.
Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp phải lưu ý:
- Có kế hoạch điều trị, xử lý, kiểm soát “kẻ giết người” vì có thể một lúc nào đó nó sẽ “giết” chúng ta.
- Phải tuân thủ điều trị vì gần như vấn đề điều trị tăng huyết áp là suốt đời. Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính, vì vậy bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc. Trong một thời gian nào đó, nếu huyết áp ổn định, bác sĩ có thể giảm liều thuốc, thậm chí ngưng thuốc nếu chế độ điều trị không dùng thuốc quá tốt. Tuy nhiên, cần theo dõi là tăng liều thuốc bất cứ lúc nào bác sĩ cảm thấy huyết áp không ổn định.
- Tăng huyết áp ngày nay vẫn rất nguy hiểm, bởi vì đa số bệnh nhân chỉ tuân thủ trong một thời gian. Sau đó thấy khỏe và ngưng thuốc, lúc này huyết áp sẽ tăng lại.
- Điều trị nhưng chúng ta phải khống chế được huyết áp ở mức mục tiêu là dưới 140/90 mmHg.
- Nếu bị tăng huyết áp và có các biến chứng càng phải điều trị chặt chẽ, chu đáo hơn để không xảy ra những biến cố hay biến chứng tái phát về sau.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình