Hotline 24/7
08983-08983

“Đổ gục” vì hạ canxi máu: Cấp cứu, điều trị sao cho đúng?

Tê tay chân, bàn tay co quắp, thở dồn dập rồi bất ngờ ngất xỉu… tưởng là chuyện đơn giản, nhưng đó có thể là cơn hạ canxi máu cấp cần cấp cứu khẩn. BS.CK1 Trương Phước Tân - Khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Béo phì, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh sẽ giúp bạn nhận diện đúng, xử trí kịp thời và điều trị tận gốc để tránh biến chứng nguy hiểm.

1. Dấu hiệu của Hạ canxi có thể là biểu hiện của bệnh nào khác?

Thường thì khi nói tới hạ canxi (tụt canxi) thì mọi người thường hình dung một người bị khó thở, tim đập nhanh, tay chân co quắp, thậm chí ngất xỉu. Xin BS cho biết những triệu chứng này có đúng là hạ canxi, hay còn có thể là tình trạng khác cũng có biểu hiện tương tự?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Khó thở, tim đập nhanh, tay chân co quắp, thậm chí ngất xỉu là một số triệu chứng điển hình của tình trạng hạ canxi máu. Tuy nhiên, nhiều bệnh lý khác cũng có biểu hiện tương tự. Chẳng hạn, tê tay hoặc ngất xỉu có thể là dấu hiệu của hạ đường huyết, rối loạn điện giải, hoặc giảm kali, magie trong máu.

Riêng tình trạng mệt mỏi kèm theo ngất xỉu còn có thể gợi ý một bệnh lý tim mạch tiềm ẩn mà người bệnh chưa được phát hiện.

2. Nguyên nhân gây hạ canxi máu

Hạ canxi xảy ra do những nguyên nhân gì, thưa BS?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Trước hết, cần biết rằng canxi chiếm khoảng 0,5–1% trọng lượng cơ thể. Ở một người trưởng thành khỏe mạnh, tổng lượng canxi trong cơ thể dao động từ 1 đến 1,2kg, chủ yếu tích tụ ở xương và răng.

Để xác định nguyên nhân gây hạ canxi máu, trước tiên cần hiểu rõ các hormone nội tiết có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu. Có ba hormone chính tham gia vào quá trình này: PTH (hormone cận giáp) do tuyến cận giáp, nằm ở mặt sau tuyến giáp tiết ra; Vitamin D; Calcitonin được tiết ra bởi các tế bào tủy của tuyến giáp.

Vì vậy, khi tìm nguyên nhân hạ canxi máu, cần tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của ba hormone này. Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có hướng điều trị và xử trí phù hợp.

3. Chẩn đoán hạ canxi máu bằng xét nghiệm gì?

Để chẩn đoán hạ canxi, bệnh nhân cần làm những xét nghiệm gì ạ?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Để chẩn đoán tình trạng hạ canxi máu, trước tiên cần xác định chính xác các triệu chứng có thực sự do hạ canxi máu gây ra hay là hậu quả của các bệnh lý khác kèm theo. Tiếp theo là phải làm rõ nguyên nhân gây hạ canxi máu để có hướng điều trị phù hợp.

Các xét nghiệm cần thiết bao gồm: Xét nghiệm định lượng nồng độ canxi trong máu. Đánh giá các yếu tố có biểu hiện tương tự hạ canxi máu, như xét nghiệm đường huyết, chức năng thận, và kiểm tra chức năng tim nhằm loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây triệu chứng giống nhau.

Để tìm nguyên nhân cụ thể gây hạ canxi, cần xét nghiệm các hormone tham gia điều hòa nồng độ canxi trong máu, gồm: PTH (hormone cận giáp); Calcitonin; Vitamin D

Việc định lượng nồng độ của các hormone này trong máu sẽ giúp xác định nguyên nhân chính gây ra tình trạng hạ canxi, từ đó có biện pháp điều trị chính xác.

4. Các triệu chứng của hạ canxi máu cấp tính

Đối với hạ canxi máu cấp tính, bệnh nhân có những triệu chứng gì?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Thông thường, các triệu chứng của hạ canxi máu cấp tính thường khởi phát đột ngột và diễn tiến rầm rộ. Người bệnh có thể cảm thấy tê tay, tê chân, chuột rút ở bắp chân, tê quanh môi... Sau đó, có thể xuất hiện dấu hiệu bàn tay đỡ đẻ (bàn tay co quắp), kèm theo cảm giác lo lắng, hoảng sợ.

Nếu tình trạng hạ canxi nặng hơn, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như ho, khó thở, co thắt thanh quản.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn nữa, các biểu hiện liên quan đến tim mạch có thể xuất hiện, như tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim. Đây là những triệu chứng cấp tính nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

5. Sơ cứu người hạ canxi máu

Người xung quanh nên phản ứng ra sao khi gặp bệnh nhân bị hạ canxi?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Trong các trường hợp hạ canxi máu cấp tính, người hỗ trợ ban đầu thường là người dân, không nhất thiết phải là nhân viên y tế. Khi thấy người thân có dấu hiệu nghi ngờ hạ canxi máu, việc đầu tiên cần làm là đưa bệnh nhân đến nơi thoáng mát, đồng thời gọi người hỗ trợ và liên hệ cấp cứu.

Một yếu tố rất quan trọng là phải trấn an bệnh nhân, giúp họ giữ bình tĩnh, tránh lo lắng hay hoảng loạn. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc ngăn ngừa tình trạng trở nặng. Khi bị hạ canxi máu, bệnh nhân thường có xu hướng lo lắng và thở nhanh, sâu. Tuy nhiên, nếu tình trạng thở nhanh kéo dài, sẽ dẫn đến tăng thông khí, gây kiềm hóa máu. Kiềm hóa máu làm canxi ion hóa bị giảm do tăng gắn kết với protein và albumin, khiến tình trạng hạ canxi máu trở nên nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, cần tránh tạo nên vòng luẩn quẩn: lo lắng dẫn đến thở nhanh, sâu sẽ gây ra hạ canxi nặng hơn. Điều đơn giản nhưng hiệu quả nhất mà người xung quanh có thể làm là đưa bệnh nhân ra nơi thông thoáng, giữ cho họ bình tĩnh, hướng dẫn thở chậm, đều và chờ nhân viên y tế đến để xử trí kịp thời.

6. Bệnh nhân hạ canxi được xử trí thế nào tại bệnh viện?

Tại bệnh viện bệnh nhân sẽ được cấp cứu như thế nào ạ?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Khi đến bệnh viện, tùy theo mức độ hạ canxi máu, bác sĩ sẽ có hướng xử trí phù hợp. Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác thông tin từ bệnh nhân, người nhà hoặc người chứng kiến để đánh giá sơ bộ tình trạng. Nếu nghi ngờ hạ canxi máu nhẹ, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng canxi đường uống kết hợp làm các xét nghiệm để xác định chẩn đoán cũng như tìm nguyên nhân gây hạ canxi.

Trường hợp xác định là hạ canxi máu, tùy theo mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Với trường hợp nhẹ, thường sử dụng canxi uống; còn nếu nặng, bệnh nhân sẽ được truyền tĩnh mạch.

Tại bệnh viện, thuốc thường được dùng trong điều trị hạ canxi cấp là Canxi gluconat, giúp xử trí nhanh các cơn hạ canxi máu cấp tính.

7. Triệu chứng của hạ canxi máu mạn tính

Còn đối với hạ canxi máu mạn tính, bệnh nhân sẽ có triệu chứng gì?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Hạ canxi máu mạn tính có thể biểu hiện qua một số triệu chứng như: tê tay, tê chân hoặc tê quanh môi. Người bệnh dễ bị loãng xương, sâu răng. Ngoài ra, còn có thể gặp các vấn đề liên quan đến da, tóc, móng như rụng tóc, móng giòn và dễ gãy.

Có hai dấu hiệu kinh điển giúp phát hiện hạ canxi máu mạn tính, mà ngay cả người dân cũng có thể tự kiểm tra:

Dấu hiệu Chvostek: Dùng ngón tay gõ nhẹ vào vùng dây thần kinh mặt. Nếu người bệnh bị hạ canxi, bên môi tương ứng với bên gõ sẽ giật nhẹ, đó là phản xạ đặc trưng của tình trạng này.

Dấu hiệu Trousseau: Dùng máy đo huyết áp bơm hơi lên tay. Nếu bệnh nhân có hạ canxi máu mạn tính, khi áp lực tăng lên, bàn tay sẽ dần co lại thành hình dạng gọi là “bàn tay sản khoa” (bàn tay đỡ đẻ), đây là dấu hiệu rõ ràng của hạ canxi mạn.

8. Điều trị hạ canxi máu bằng phương pháp gì?

Điều trị hạ canxi máu gồm có những phương pháp gì, và có thể chữa khỏi không ạ?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Để điều trị hạ canxi máu, trước tiên cần xác định rõ người bệnh có thực sự bị hạ canxi máu hay không, hay là do một nguyên nhân khác gây ra triệu chứng tương tự. Bước tiếp theo là xác định chính xác nguyên nhân gây hạ canxi, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng nguyên nhân cụ thể.

9. Bồi dưỡng canxi hàng ngày mà không tìm nguyên nhân hạ canxi máu sẽ không hiệu quả

Câu hỏi khán giả: Xin chào bác sĩ, năm nay em 25 tuổi (nữ). 5 năm trước em thường xuyên bị xỉu với các triệu chứng bị lạnh, tê bì và co cứng các ngón tay và chân. 3 tháng trở lại đây trời tối hay thời tiết lạnh tay, chân bị lạnh lại xuất hiện và người rất mệt mỏi. Em có đi khám và đi đo điện cơ thì ra kết quả là hạ canxi máu và xuất hiện cơn tê tay. Có uống thuốc nhưng vẫn không cải thiện được nhiều. Bác sĩ cho em hỏi em bị những như vậy thì có điều trị hết hoàn toàn bằng thuốc không ạ?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Tiêu chuẩn chẩn đoán hạ canxi máu không dựa vào đo điện cơ, mà phải dựa vào xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ canxi. Cụ thể, hạ canxi máu được xác định khi canxi toàn phần trong máu < 2,2 mmol/L; hoặc canxi ion hóa (canxi tự do) < 1,1 mmol/L.

Trong trường hợp nghi ngờ hạ canxi máu, cần thực hiện xét nghiệm lại để khẳng định chẩn đoán và làm rõ nguyên nhân. Ví dụ, nguyên nhân có thể là suy tuyến cận giáp hoặc thiếu vitamin D. Khi đã xác định được nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp để xử lý tận gốc tình trạng hạ canxi máu.

Nếu chỉ đơn thuần bổ sung canxi mỗi ngày mà không điều trị nguyên nhân nền, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài.

10. Bổ sung canxi thế nòa cho hiệu quả?

Nghe tên bệnh thì chắc hẳn mọi người cũng nghĩ ngay là trong chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân sẽ cần bổ sung canxi. BS có thể cho biết họ nên bổ sung thế nào cho hiệu quả, và có những lưu ý gì cần nhớ?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhu cầu bổ sung canxi hàng ngày là từ 1000-1200 mg, chủ yếu qua đường uống. Tuy nhiên, bên cạnh việc sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng, người dân có thể bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống. Những thực phẩm giàu canxi bao gồm: sữa, trứng, phô mai... Bên cạnh đó, nên tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D như cá hồi, cá trích, cá thu... để hỗ trợ hấp thu canxi hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần hạn chế các thực phẩm làm giảm khả năng hấp thu canxi, chẳng hạn như khoai lang, rau dền, rượu, bia...

Tập luyện thể dục nhẹ nhàng và tiếp xúc ánh nắng mặt trời hợp lý cũng là cách giúp cơ thể tổng hợp vitamin D tự nhiên, từ đó tăng khả năng hấp thu canxi qua đường ruột.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X