Hotline 24/7
08983-08983

Dinh dưỡng sau phẫu thuật: tăng cường thực phẩm nào, tránh món gì và nấu ra sao?

Sau phẫu thuật người bệnh cần tăng cường tất cả các nhóm chất, đặc biệt là nhóm đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa. Và giảm nhóm chất xơ không hòa tan có nhiều trong các loại rau. Đây là một trong những lưu ý về dinh dưỡng mà BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Bình Dân đề cập trong bài viết dưới đây.

1. Vì sao phải tăng cường dinh dưỡng sau phẫu thuật?

Dinh dưỡng được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sau phẫu thuật, như vậy bác sĩ có thể cho biết vì sao sau phẫu thuật thì cần tăng cường dinh dưỡng không ạ?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Với các bệnh ngoại khoa, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng vì người bệnh phải trải qua một cuộc phẫu thuật bị mất máu. Dinh dưỡng sau phẫu thuật nhằm hỗ trợ cân bằng nước điện giải, thúc đẩy quá trình lành vết thương, chức năng miễn dịch, phòng và điều trị thiếu các chất dinh dưỡng, duy trì khối cơ, giảm tình trạng sụt cân sau phẫu thuật.

Trong giai đoạn này nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh tăng cao. Đặc biệt người bệnh phải được tính toán đủ nhu cầu năng lượng, đủ các nhóm chất như: tinh bột, đạm, béo, vitamin, chất khoáng cần thiết.

2. Các nguyên tắc ăn uống sau phẫu thuật

Khoảng bao nhiêu lâu sau phẫu thuật thì người bệnh được ăn uống trở lại? Và nhìn chung chúng ta cần chú ý tăng cường những nhóm chất nào, giảm những nhóm chất nào?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Tùy theo tình trạng bệnh lý và quá trình phẫu thuật, bác sĩ điều trị sẽ quyết định thời điểm ăn được trở lại của người bệnh.

- Với các bệnh phẫu thuật đường tiêu hóa như dạ dày, thời điểm ăn được của người bệnh sau phẫu thuật thường là hậu phẫu ngày 1 hoặc ngày 2.

- Các bệnh phẫu thuật ngoài đường tiêu hóa như chấn thương sọ não, chấn thương chỉnh hình, lồng ngực thì thời gian ăn được trở lại trong vòng 24 giờ.

Sau phẫu thuật người bệnh cần tăng cường tất cả các nhóm chất, đặc biệt là nhóm đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa. Và giảm nhóm chất xơ không hòa tan có nhiều trong các loại rau. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và giai đoạn hồi phục mà các nhóm tăng cường hoặc giảm có thể thay đổi.

3. Sau phẫu thuật có cần kiêng hải sản, thịt bò, rau muốn để tránh bị sẹo?

Nhiều người bệnh nghĩ rằng sau phẫu thuật cơ thể yếu nên kiêng khem rất nhiều món ăn, có người lại sợ sẹo xấu, ảnh hưởng thẩm mỹ nên lại càng kiêng nhiều thực phẩm. Thưa bác sĩ, điều này có đúng không? Và nếu chúng ta kiêng khem quá mức sau phẫu thuật thì có thể gây ra những hậu quả gì?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Sau phẫu thuật người bệnh kiêng khem rất nhiều món ăn, nhiều chất dinh dưỡng điều này là một quan điểm sai. Vì sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh càng yếu càng cần bồi dưỡng.

Nếu bệnh nhân kiêng ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vi chất, thiếu các chất dinh dưỡng đặc biệt là đạm, vitamin và chất khoáng. Người bệnh sẽ chậm lành vết thương, nguy cơ nhiễm trùng cao, yếu cơ và có nguy cơ bung thành bụng. Vì vậy sau phẫu thuật người bệnh cần phải bồi dưỡng để mau chóng hồi phục.

Về vấn đề sẹo xấu, theo dân gian ăn thịt bò, tôm, cua, thịt gà, rau muống có thể gây ra sẹo xấu, tuy nhiên cho đến hiện nay chưa có khoa học nào chứng minh điều này. Các vấn đề sẹo xấu như sẹo lòi là do cơ địa của mỗi người trong quá trình lành vết thương.

4. 5 ngày sau phẫu thuật nên ăn uống thế nào?

Khi bắt đầu ăn trở lại sau phẫu thuật thì người bệnh nên có chế độ ăn như thế nào?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Người bệnh phẫu thuật đường tiêu hóa như dạ dày, thực quản thì sau phẫu thuật có kế hoạch can thiệp dinh dưỡng, ăn uống như sau:

- Hậu phẫu ngày 1: Có thể nhấp ít nước lọc hoặc nước đường bằng muỗng cafe.

- Hậu phẫu ngày 2: Có thể sử dụng 50 ml nước đường, từ 4 - 6 ly.

- Hậu phẫu ngày 3: Sử dụng 100 ml cháo loãng hoặc cháo đường từ 3 - 4 bữa và 100 ml sữa từ 1 - 2 ly.

- Hậu phẫu ngày 4: 150 ml cháo thịt xay 3 - 4 bữa và 100 ml sữa từ 2 - 3 ly.

- Hậu phẫu ngày 5: 200 ml cháo thịt 3 - 4 bữa và 200 ml sữa từ 2 ly.

- Sau cùng là các thức ăn đặc trong ngày như cơm, bún, phở. Nếu tình trạng hấp thu của người bệnh thì tăng dần thức ăn đặc cho đến đủ nhu cầu của người bệnh.

5. Chế biến thực phẩm sau phẫu thuật ra sao?

Việc chế biến thực phẩm có vai trò thế nào đối với việc hấp thu dinh dưỡng của người bệnh sau phẫu thuật?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Chế biến thức ăn của người bệnh đóng vai trò rất quan trọng, quyết định vấn đề hấp thu của bệnh nhân cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chọn thực phẩm, xơ chế và chế biến. Khi chế biến cần lưu ý:

- Sau phẫu thuật thức ăn cần phải mềm và dễ tiêu hóa. Nên chọn các thức trong quá trình chế biến có thể xé, nghiền nhỏ, hầm mềm.

- Hạn chế các thức ăn xơ, thô, cứng và nhiều mỡ.

- Ưu tiên các thức ăn hấp, luộc hơn những món chiên, xào, nướng.

6. Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh sau phẫu thuật là gì?

Như vậy, một chế độ dinh dưỡng như thế nào được xem là phù hợp cho người bệnh sau phẫu thuật?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Chế độ ăn phù hợp với người bệnh sau phẫu thuật là chế độ ăn phải cung cấp đủ năng lượng, đủ các nhóm như tinh bột, đạm, béo, vitamin và chất khoáng.

7. Cung cấp nhiều dưỡng chất, năng lượng có gây bất lợi sau phẫu thuật?

Ở chiều ngược lại thì lại có nhiều người quan niệm là sau phẫu thuật phải ăn nhiều đồ bổ, bồi bổ thật tích cực, ăn một ngày 5-6 bữa. Việc cung cấp quá nhiều dưỡng chất, năng lượng như vậy liệu có gây bất lợi gì cho người bệnh sau phẫu thuật không, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Sau phẫu thuật người bệnh cần bồi bổ 5 - 6 bữa cũng là một quan điểm không sai. Vì sau phẫu thuật cơ thể người bệnh yếu nên cần được bồi dưỡng để mau phục hồi.

Các chuyên gia khuyên người bệnh sau phẫu thuật thường ăn 5 - 6 bữa/ngày. Các món ăn nên chọn đa dạng đủ các thành phần, đủ năng lượng, đủ các nhóm thực phẩm.

8. Sau phẫu thuật có nên ăn tổ yến, sữa dinh dưỡng?

Người bệnh thường được biếu một số loại thực phẩm bổ dưỡng như tổ yến, sữa dinh dưỡng, sữa chua, thực phẩm chức năng, nước tăng lực… Các loại sản phẩm này có tác động thế nào đến sức khỏe người bệnh và người bệnh cần lưu ý gì khi sử dụng thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Nhóm thực phẩm như tổ yến, sữa chua chưa đủ năng lượng, chưa đủ các nhóm chất như tinh bột, đạm, béo, vitamin và chất khoáng.

Người bệnh có thể sử dụng tổ yến, sữa chua trong các bữa ăn phụ. Theo khuyến cáo, ngoài 3 bữa chính bệnh nhân có thể sử dụng thêm 1, 2 bữa phụ.

- Tổ yến sử dụng 1 - 2 lần/tuần.

- Sữa chua có thể sử dụng trong các bữa phụ hoặc sau bữa ăn chính.

- Sữa dinh dưỡng đủ năng lượng, đủ các thành phần như nhóm tinh bột, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. Sữa dinh dưỡng thường có năng lượng là 1 Kcal/ml, đạt tối thiểu 4g/100ml. Vì vậy bệnh nhân nên sử dụng 1 - 2 ly mỗi ngày.

9. Người bệnh nền sau phẫu thuật cần lưu ý gì?

Đối với một số người bệnh vốn có các bệnh lý nền như đái tháo đường, cao huyết áp thì chế độ ăn sau phẫu thuật cần chú ý thêm điều gì?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Đối với một số bệnh thì sau phẫu thuật cần tuân theo chế độ ăn của bệnh viện hoặc hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên đối vơi đái tháo đường người bệnh cần:

- Tính đủ lượng tinh bột đối với người bệnh.

- Có thể giảm lượng cơm, bún, phở.

- Hạn chế các thức ăn ngọt như: kẹo ngọt, bánh ngọt, đường đơn giản,…

- Chọn những thực phẩm có đường huyết thấp và ăn vừa những thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình.

Đối với bệnh tăng huyết áp người bệnh nên:

- Giảm lượng tiêu thụ muối xuống 5g/ngày. Trong chế độ ăn hằng ngày, từ thực phẩm có thể chiếm 2g muối do đó người bệnh nên sử dụng thêm 3g/ngày.

- Hạn chế nêm gia vị trong quá trình chế biến.

- Khi ăn hạn chế chấm nước mắm, chấm muối, nước tương thêm.

- Hạn chế thức ăn chế biến sẵn như giò lục, xúc xích, giăm bông, các loại khô, các loại mắm.

10. Người bệnh phẫu thuật ở thực quản, dạ dày, đại tràng có cần một thực đơn đặc biệt?

Nếu người bệnh có phẫu thuật ở cơ quan tiêu hóa như thực quản, dạ dày, đại tràng… thì khi được ăn trở lại, người bệnh sẽ có kế hoạch ăn uống như thế nào? Và có cần một thực đơn đặc biệt, với các lưu ý cụ thể không thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Đối với bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa như dạ dày, thực quản,… cần có kế hoạch ăn uống như sau:

- Hậu phẫu ngày 1: Có thể nhấp ít nước lọc hoặc nước đường bằng muỗng cafe.

- Hậu phẫu ngày 2: Có thể sử dụng 50 ml nước đường, từ 4 - 5 ly.

- Hậu phẫu ngày 3: Sử dụng 100 ml cháo loãng hoặc cháo đường và 100 ml sữa từ 1 - 2 ly.

- Hậu phẫu ngày 4: 150 ml cháo thịt xay và 100 ml sữa từ 3 - 4 ly.

- Hậu phẫu ngày 5: 200 - 250 ml cháo thịt và 200 ml sữa từ 2 ly.

- Sau đó cho bệnh nhân ăn ít thức ăn đạm trong ngày. Nếu quá trình hấp thu của bệnh nhân tốt có thể tăng thức ăn đặc cho đến đủ nhu cầu dinh dưỡng.

Sau quá trình phẫu thuật bệnh nhân hay nằm, ít vận động. Nên khi ăn uống người bệnh nên ngồi lên hoặc nằm cao 45 độ, ăn và uống thật chậm để tránh tình trạng hít sặc vào phổi, có thể dẫn đến tử vong. Sau khi ăn xong người bệnh nên ngồi hoặc nằm cao 45 độ, từ 30 - 60 phút.

Sau khi phẫu thuật giai đoạn đầu người bệnh nên ăn theo chế độ ăn của bệnh viện hoặc hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Sau xuất viện người bệnh nên nắm các nguyên tắc và chế độ ăn uống hơn là một thực đơn mẫu cố định. Lưu ý một số chế độ ăn cho người bệnh sau xuất viện:

- Phải cung cấp đủ các nhóm đặc biệt là nhóm tinh bột, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. Đặc biệt là tăng cường nhóm đạm như: thịt, cá, trứng, sữa.

- Nên ăn 3 bữa chính và thêm 1 - 2 bữa phụ.

- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu đi chợ, chọn thực phẩm, sơ chế và chế biến. Nên ưu tiên làm mềm thực phẩm và hấp, luộc.

11. Tốc độ phục hồi sau phẫu thuật của người bệnh suy dinh dưỡng ra sao?

Xin BS chia sẻ thêm về tốc độ phục hồi sau phẫu thuật của người bệnh suy dinh dưỡng?

BS.CK2 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Người bệnh suy dinh dưỡng khả năng phục hồi sẽ chậm hơn so với những bệnh nhân tình trạng dinh dưỡng bình thường hoặc người bệnh bị suy dinh dưỡng nhưng đã được can thiệp tốt trước đó. Vì vậy bệnh nhân suy dinh dưỡng khi vào nhập viện cần có kế hoạch can thiệp dinh dưỡng trước phẫu thuật là tốt nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X