Hotline 24/7
08983-08983

Dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị ung thư vú cần lưu ý gì?

Để việc điều trị ung thư vú hiệu quả tốt nhất, ngoài thực hiện theo đúng phác đồ điều trị người bệnh cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Theo đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú. Đã có 50 - 80% người bệnh ung thư bị sụt cân và 20% người bệnh ung thư chết do suy dinh dưỡng nặng. 

1. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân ung thư

Dinh dưỡng rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. Là yếu tố tác động lớn tới hiệu quả điều trị, khả năng phục hồi vết mổ cũng như thời gian sống của người bệnh. 

Các phương pháp điều trị ung thư và bệnh ung thư có thể ảnh hưởng đến vị giác, khứu giác, sự thèm ăn và khả năng ăn đủ chất hoặc hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Điều này có thể khiến bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, thậm chí suy kiệt do thiếu các chất thiết yếu cho cơ thể.

Suy dinh dưỡng có thể khiến người bệnh suy nhược, mệt mỏi, không còn khả năng chống lại nhiễm trùng hoặc theo đuổi quá trình điều trị. Suy dinh dưỡng có thể làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Tình trạng suy dinh dưỡng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu ung thư phát triển hoặc lan rộng.

2. Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị ung thư vú

Do phải thực hiện nhiều biện pháp điều trị ung thư khác nhau nên bệnh nhân cần được cung cấp dinh dưỡng, năng lượng nhiều hơn. Vì vậy, không có cách nào khác, người bệnh cần phải ăn uống nhiều hơn và ăn đa dạng các thực phẩm. 

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, vì tâm lý lo lắng, buồn rầu và tác dụng phụ của thuốc nên người bệnh thường ăn uống kém, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể nên trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt hơn. Ví dụ như: dùng những sản phẩm năng lượng cao, bổ sung thêm dinh dưỡng đường miệng hoặc đường tĩnh mạch. 

Các thực phẩm giàu calo, protein, vitamin và khoáng chất rất cần thiết trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Các bữa ăn nên được lập kế hoạch để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân và khẩu vị trong thực phẩm.

3. Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị ung thư vú

Vì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và đảm bảo sức khỏe cho người bệnh sau quá trình điều trị ung thư vú nên cần tuân theo các nguyên tắc dinh dưỡng được khuyến cáo như sau:

- Năng lượng: 25 - 30 Kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày

- Protein: 12 - 20% tổng năng lượng, protein động vật chiếm 30 - 50% tổng số

- Lipid: 18 - 25% tổng năng lượng, lựa chọn thực phẩm giàu chất béo Omega 3

- Glucid: 60 - 70% tổng năng lượng

- Bổ sung đầy đủ Canxi, vitamin D3

- Cung cấp đầy đủ vitamin và chất xơ

Xem thêm: Tầm soát ung thư vú: Độ tuổi nào là thích hợp nhất để thực hiện tầm soát?

4. Các thực phẩm mà bệnh nhân ung thư vú nên dùng

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cần tuân theo các nguyên tắc, tuy nhiên để thay đổi khẩu vị, giúp người bệnh cảm thấy ngon miệng hơn mà không ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra một số lời khuyên về lựa chọn thực phẩm:

Người bệnh hóa trị liệu điều trị ung thư vú nên dùng các thực phẩm sau:

- Protein: Các loại thịt nạc, cá, trứng, sữa, tôm...

- Glucid: Gạo, miến, bún, bánh phở, các loại khoai củ...

- Lipid: Các loại dầu thực vật (Dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng...)

- Người bệnh nên nhiều rau xanh, quả chín, rau quả nhiều chất xơ. Mỗi ngày nên ăn 400 - 500g rau; 200 - 400g quả chín. Nên lựa chọn nhiều rau họ cải: bông cải xanh, cải bắp, súp lơ...

- Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega-3 như cá hồi, dầu Oliu...

- Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, Selen có khả năng chống oxy hóa như: cà rốt, cà chua, rau ngót, rau muống...

5. Nhóm thực phẩm có thể thay thế tương đương

Người bệnh có thể thay đổi khẩu vị, thực đơn dinh dưỡng với các nhóm thực phẩm sau:

- Nhóm đạm: 100g thịt lợn nạc tương đương với 100g thịt bò/thịt gà; 120g tôm/cá nạc; 2 quả trứng vịt; 3 quả trứng gà; 200g đậu phụ.

- Nhóm chất bột đường: 100g gạo tương đương với 100g miến; 100g bột mì; 100g bánh quy; 100g phở khô; 100g bún khô; 170g bánh mì; 250g phở tươi; 300g bún tươi; 400g khoai củ các loại.

- Nhóm chất béo: 1 thìa dầu ăn 5ml tương đương với 8g lạc hạt; 8g vừng.

Dựa vào các thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vú kể trên, người bệnh cũng như người nhà chăm sóc có thể thay đổi các loại thực phẩm cũng như cách chế biến để đảm bảo người bệnh cảm thấy ngon miệng hơn.

Điều trị bệnh ung thư là một quá trình lâu dài đòi hỏi người bệnh có một sức khỏe tốt, do đó một chế độ ăn uống phù hợp, đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng là rất quan trọng giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho cũng như tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư vú. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cần được khám và tư vấn bởi các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X