Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị bệnh thận mạn chỉ có hiệu quả tốt khi thực hiện ở những giai đoạn đầu

Bệnh thận mạn là một bệnh lý nghiêm trọng, triệu chứng giai đoạn đầu có thể mơ hồ, khó phát hiện, gây chậm trễ trong việc nhận biết và chữa trị đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ tử vong. Những chia sẻ từ ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến - Chuyên khoa Nội thận, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh sẽ giúp cộng đồng nhận biết triệu chứng, các xét nghiệm cần thiết để chủ động trong việc kiểm soát và phòng ngừa biến chứng bệnh.

1. Không có triệu chứng là nguyên nhân khiến bệnh thận mạn ở bệnh nhân trẻ bị phát hiện muộn hơn

Xin hỏi BS, vì sao bệnh lý thận thường được phát hiện ở những giai đoạn trễ, đặc biệt là những năm gần đây còn xuất hiện trên những người trẻ?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Bệnh thận mạn là vấn đề sức khỏe được quan tâm trong thời gian gần đây. Có đến khoảng 10% dân số mắc bệnh thận mạn.

Việc phát hiện bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời mang lại nhiều lợi ích cho cả sức khỏe bệnh nhân lẫn cộng động. Tuy nhiên, có nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan khiến người bệnh, đặc biệt là người trẻ, phát hiện bệnh thận mạn ở giai đoạn khá trễ.

Bệnh thận mạn thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng chủ yếu chỉ xuất hiện khi thận đã suy nhiều, khi đó gần như không còn cơ hội để điều trị. Nhiều bạn trẻ không có thói quen khám sức khỏe, tầm soát sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân có khám sức khỏe định kỳ nhưng bác sĩ lại không có đủ khả năng để nhận diện bất thường trong kết quả xét nghiệm.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ đã phát hiện và có cảnh báo, tuy nhiên, vì bệnh không có triệu chứng nên bệnh nhân lơ là, chủ quan, không chú ý để theo dõi và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không có kiến thức để biết mình thuộc nhóm nguy cơ cao, có khả năng mắc bệnh thận mạn cần được tầm soát để phát hiện từ giai đoạn sớm. Đây cũng chính là nguyên nhân bệnh thận mạn ở người trẻ thường bị chẩn đoán trễ hơn những người lớn tuổi.

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến cho biết, không có triệu chứng là nguyên nhân khiến bệnh thận mạn ở bệnh nhân trẻ bị phát hiện muộn hơn

2. Điều trị bệnh thận mạn chỉ hiệu quả ở giai đoạn 1, 2 và 3

Theo BS, điều gì là quan trọng nhất để người dân có thể phát hiện bệnh sớm hơn?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Chuyên khoa của chúng tôi chỉ có thể điều trị bệnh thận mạn một cách hiệu quả khi người bệnh tìm đến từ những giai đoạn đầu tiên (giai đoạn 1, 2 và 3).

Khi đã suy thận giai đoạn 4, 5, việc điều trị triệt để không còn hiệu quả mà chủ yếu chỉ để kiểm soát biến chứng, chuẩn bị cho người bệnh chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) hoặc ghép thận.

Do đó, việc chẩn đoán sớm bệnh thận mạn từ những giai đoạn đầu tiên cực kỳ quan trọng để giúp việc điều trị đạt hiệu quả. Tầm soát sớm bệnh thận mạn cần có những xét nghiệm cận lâm sàng như tổng phân tích nước tiểu để tìm protein niệu, xét nghiệm creatinin huyết thanh để ước đoán độ lọc cầu thận... sẽ tốt hơn người bệnh chờ có triệu chứng mới đi xét nghiệm.

3. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn cần chủ động thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng

Bệnh thận có những dấu hiệu điển hình nào có thể gợi ý cho bệnh nhân, thưa BS? Nước tiểu có bọt lâu tan liệu có phải là dấu chứng của những bệnh lý về thận?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Bệnh thận được chia thành 2 nhóm: có triệu chứng và không triệu chứng.

Đối với các bệnh lý đường tiết niệu như sỏi niệu gây tắc nghiẽn, nhiễm trùng tiểu hay bệnh lý cầu thận sẽ thường có những triệu chứng lâm sàng. Đau hông lưng, đau hạ vị, tiểu đau, tiểu gắt, tiểu bọt, phù, tăng huyết áp...  là biểu hiện để bệnh nhân lưu ý và đi khám để được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp bị bệnh thận mạn lại không có triệu chứng lâm sàng. Do vậy, những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao cần chủ động thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng hơn là chờ đợi triệu chứng lâm sàng xuất hiện.

Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận không hề đắt. Người dân có thể đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh để thực hiện những xét nghiệm này.

4. Xét nghiệm đánh giá sức khỏe thận không hề đắt

Xin hỏi BS, xét nghiệm cơ bản nào có thể phát hiện sớm bệnh lý thận? Chi phí cho các xét nghiệm này liệu có đắt không?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Khi đi khám bệnh, đa phần người dân đề lo ngại khi phải xét nghiệm. Một là thời gian chờ đợi lâu, hai là sợ xét nghiệm sẽ “lòi” ra bệnh, ba là sợ chi phí cao.

Tầm soát bệnh thận mạn gồm 3 xét nghiệm cơ bản, gồm tổng phân tích nước tiểu, đo creatinin huyết thanh, siêu âm bụng. Trong đó đo creatinin huyết thanh để ước đoán độ lọc cầu thận và tổng phân tích nước tiểu để tìm protein niệu là 2 xét nghiệm quan trọng nhất.

Chi phí của 2 xét nghiệm này chỉ bằng 1 ly cà phê mà chúng ta uống hằng ngày. Chỉ cần dành 2 ngày không uống cà phê là đã có thể thực hiện xét nghiệm đánh giá sức khỏe thận.

5. Ca lâm sàng tổn thương thận điều trị tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

Trong quá trình công tác của BS, có trường hợp nào bệnh nhân tầm soát sớm nên phát hiện được tổn thương thận, có hướng điều trị kịp thời để trở lại cuộc sống bình thường?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Ở Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, việc thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thận khá dễ dàng. Bệnh nhân cũng được tư vấn tầm soát nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh thận. Nhờ đó việc điều trị sớm đem lại hiệu quả tốt.

Có một bệnh nhân đến ở giai đoạn không được gọi là sớm nhưng vẫn kịp thời. Nam bệnh nhân 36 tuổi, sau khi sử dụng thực phẩm chức năng mua trên mạng khoảng 1 tháng thì có biểu hiện đau hông lưng. Xét nghiệm creatinin huyết thanh tại địa phương cho kết quả lên đến 10mg/dL và được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, đề nghị chạy thận nhân tạo.

Khi đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, qua tìm hiểu bệnh sử và xét nghiệm lại creatinin huyết thanh, thực hiện nhiều xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và siêu âm bụng, công thức máu, photpho PTH, chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương thận cấp do thuốc nhiều hơn khả năng bệnh thận mạn.

Sau quá trình điều trị, chức năng thận của bệnh nhân hồi phục dần. Sau 3 tháng, chức năng thận đã trở về bình thường. Đến nay đã qua hơn 1 năm, chức năng thận của bệnh nhân vẫn bình thường.

6. Lối sống lành mạnh giúp củng cố sức khỏe tốt hơn việc dùng thuốc

Xin hỏi BS, việc sử dụng thực phẩm chức năng vô tội vạ, không cần chỉ định của bác sĩ sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận như thế nào?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Chưa có nghiên cứu chính thống chỉ ra loại thực phẩm chức năng nào, hàm lượng thế nào sẽ gây tổn thương thận.

Một vài nghiên cứu ở Trung Quốc và Ấn Độ ghi nhận, thảo dược và một số phương thuốc điều trị dân gian có thể gây tổn thương thận cấp, chiếm 10 - 15% số lượng bệnh nhận tổn thương thận cấp đến khám tại Bệnh viện.

Do đó, chưa thể đưa ra lời khuyên cụ thể về việc nên hay không nên sử dụng loại thực phẩm chức năng nào. Cơ thể mỗi người có phản ứng khác nhau đối với thuốc, hoạt chất.

Bác sĩ chỉ có thể hướng dẫn rằng, việc giữ gìn sức khỏe có thể thực hiện thông qua lối sống lành mạnh: ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi điều độ, tập luyện thể dục thể thao và tránh những căn bệnh mạn tính có nguy cơ gây bệnh thận mạn. Điều này sẽ tốt hơn so với dùng thực phẩm chức năng hay thuốc để tăng cường sức khỏe.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X