Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Mắc chứng sợ hãi khi giao tiếp, mong BS Hương cho em lời khuyên?
Câu hỏi
Chào BS, Xin BS vui lòng cho em hỏi về trường hợp của em. Nay em 28 tuổi, đang làm công ty nhưng em rất sợ hãi khi phải giao tiếp với mọi người. Khi đối mặt với người khác em không dám nhìn thẳng vào mắt họ vì nó làm em cảm thấy sợ. Cũng có khi em cố gắng nhìn vào mắt họ nhưng không thoải mái và sắc mặt rất căng thẳng. Trong lúc đó thì em không còn tập trung được vào câu chuyện với họ nữa mà bị sự sợ hãi làm cho phân tán tư tưởng nên lúc nói chuyện có khi em vẫn nghe nhưng chẳng nhớ họ nói gì và tâm trạng rất căng thẳng, tay chân run rẩy, giọng nói chùng xuống, cảm giác như không nhận thức được những gì xung quanh mình nữa. Những lúc như vậy em không còn giữ được bình tĩnh nữa mà phát ra những câu nói rất ngớ ngẩn và có những hành động kì quặc. Sau đó em bị mất tinh thần nghiêm trọng, cảm thấy mình ngu ngốc và tệ hại, mất tự tin và sợ hãi tột cùng. Em thật sự rất mệt mỏi, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Còn các mối quan hệ với người thân họ hàng cũng rất khó khăn với em, em thật sự rất muốn vui vẻ hoà đồng với mọi người nhưng khi giao tiếp em không làm được sự sợ hãi làm cho em xa cách mọi người, nét mặt căng thẳng, những hành động và lời nói lúc bị mất kiểm soát bản thân khiến em bị mọi người hiểu lầm và xa lánh. Em quá mệt mỏi và bị ức chế khủng khiếp. Có những lúc quá đau khổ em đã nghĩ đến chuyện giải thoát cho bản thân nhưng em còn trách nhiệm với gia đình và vợ con nên em không thể gục ngã được. Em viết thư này mong BS cho em lời khuyên và chỉ dẫn để em thoát khỏi tình trạng khổ sở này. Em chân thành cảm ơn.
Trả lời
Tôi mừng vì em đã tìm đến với chúng tôi và chịu mở lòng chia sẻ những vấn đề “kỳ lạ, khó hiểu” của bản thân mình để tìm cách thoát ra, mà động lực của em chính là tính trách nhiệm với gia đình. Điều này thật sự là đáng quý, tôi nghĩ nếu em không phải là người có trách nhiệm thì em đã buông xuôi lâu rồi. Động lực này đã “cứu” em và chắc chắn sẽ cùng em vượt qua hết chặng đường khó khăn này.
Trở lại vấn đề chính của em, em đang bị tình trạng sợ hãi khi giao tiếp đến nỗi mất kiểm soát bản thân, lý trí của em không thể làm chủ cho cảm xúc đó mặc dù em không lý giải vì sao em “phải sợ”. Đó chính là dấu hiệu của bệnh lý tâm thần.
Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, loại bệnh nào, mức độ ra sao thì BS chuyên khoa Tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác và tầm soát các bệnh lý tổn thương thực thể (như bệnh về nội tiết, thần kinh…) mới định bệnh được và điều trị thích hợp.
Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu). Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là BV Nguyễn Tri Phương, ĐH Y dược... em có thể tham khảo thêm.
Thân mến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình