Đeo khẩu trang, vệ sinh mũi thường xuyên giúp cải thiện triệu chứng viêm mũi dị ứng
Ô nhiễm môi trường, dị nguyên là các tác nhân gây kích thích viêm mũi dị ứng. TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra đường, vệ sinh mũi thường xuyên và sử dụng thuốc nếu triệu chứng khó kiểm soát để cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng cho bệnh nhân.
1. Ô nhiễm môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp ở trẻ em
Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc các em học sinh đã đi học trở lại, khói bụi nhiều sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến người viêm mũi dị ứng?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: TPHCM có mật độ xe rất đông, mật độ khói bụi lớn, tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe là một chủ đề vô tận. Do đó trong chủ đề này bác sĩ chỉ giới hạn trong vấn đề liên quan đến bệnh lý dị ứng và hô hấp.
Trong thành phần của khói bụi từ xe gắn máy, nhà máy, khói từ việc đốt rác… trong khói đó có chứa rất nhiều thành phần như sunfua đioxit, NO, cacbon… các loại khí này có thể tác động gây nên tình trạng viêm mạn tính của đường hô hấp. Thực tế khảo sát ở các bệnh nhân sống tại thành thị khi tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm nhiều hơn, triệu chứng viêm mũi dị ứng ở bệnh nhân sẽ nặng hơn.
Không chỉ đối với bệnh nhân viêm mũi dị ứng, một số bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi xoang mạn tính… tình trạng ô nhiễm không khí cũng khiến bệnh lý khó kiểm soát hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy ở thành thị có hàm lượng ô nhiễm không khí cao, từ trong đàm ở những trẻ khỏe mạnh bình thường có tồn tại các hạt cacbon từ nguồn không khí trẻ tiếp xúc bên ngoài. Một phần trong nhóm trẻ đó sẽ có sự phát triển bệnh lý liên quan đến đường hô hấp về sau.
Như vậy, ô nhiễm không khí có thể là nguy cơ gây nên tình trạng bệnh lý đường hô hấp mạn tính ở trẻ em. Đồng thời ở những người có tình trạng bệnh lý dị ứng có thể làm nặng thêm bệnh viêm mũi dị ứng nói chung.
2. Sử dụng khẩu trang giúp cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng
Chiếc khẩu trang giúp cho một người bị viêm mũi dị ứng bảo vệ cơ thể thế nào, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay, một số loại khẩu trang thường dùng như trong môi trường y tế phổ biến với khẩu trang N95. Các loại khẩu trang y tế thông thường hơn làm từ 3-4 lớp vải, hoặc một số người sử dụng khẩu trang làm hoàn toàn từ vải bình thường.
Việc sử dụng khẩu trang nói chung giúp cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng. Còn đến nay vẫn chưa có câu trả lời thống nhất cho việc sử dụng loại khẩu trang nào tốt hơn cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
3. Hiệu quả lọc bụi mịn ở từng loại khẩu trang như thế nào?
Thưa BS, khẩu trang y tế hay khẩu trang vải giúp ngăn ngừa bụi mịn tốt hơn ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Theo một khảo sát đã được thực hiện tại Thái Lan, so sánh giữa khẩu trang N95 với khẩu trang y tế và khẩu trang vải. Trong đó, khẩu trang N95 có khả năng lọc lên tới 95%, có thể lọc được các hạt có kích thước nhỏ như 0.04 micromete; khẩu trang y tế sẽ lọc được hạt có kích thước lớn hơn là 3 micromete; còn khả năng lọc của khẩu trang vải khá hạn chế.
Khảo sát trên nhận thấy khẩu trang N95 là loại lọc hiệu quả nhất, ngăn ngừa các loại bụi mịn nói chung. Đối với khẩu trang y tế, nhận thấy nếu sử dụng 2 lớp khẩu trang y tế thì hiệu quả ngăn ngừa bụi mịn tương đương với 1 chiếc khẩu trang N95.
Khẩu trang vải chỉ có hiệu quả ngăn ngừa bụi mịn khoảng 80%. Vì vậy với các loại khẩu trang vải khi ở trong môi trường khói bụi ô nhiễm cao thì nên cân nhắc sử dụng một lớp khẩu trang vải bên trong và đeo thêm khẩu trang y tế bên ngoài để tăng cường hiệu quả phòng ngừa bụi mịn, ngăn ngừa tiếp xúc khói ô nhiễm.
4. Đeo khẩu trang theo 5K thời điểm COVID-19 góp phần cải thiện triệu chứng bệnh hô hấp
Thưa BS, vậy việc thực hiện tốt 5K như thời điểm dịch COVID-19 trước đó, đặc biệt trong đó có đeo khẩu trang y tế sẽ giúp một người bình thường có thể ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp như thế nào?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Trong đại dịch COVID-19, giới hô hấp đã phát hiện bệnh nhân bị dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen suyễn… có thể tự kiểm soát triệu chứng tốt hơn. Có thể do thời gian giãn cách xã hội, bệnh nhân ở nhà nhiều hơn, ít tiếp xúc với khói xe, khói bụi và thời điểm đó nồng độ ô nhiễm môi trường giảm đi đáng kể.
Bệnh nhân viêm mũi dị ứng, bệnh nhân hen suyễn vô tình có các triệu chứng của bệnh nhẹ đi, kiểm soát dễ hơn. Do đó việc thực hiện 5K ở thời điểm giãn cách xã hội có thể góp phần trong việc cải thiện triệu chứng đáng kể cho bệnh nhân hô hấp.
Tuy nhiên, hiện tại đã quay lại nhịp sống bình thường, vì vậy cần cân nhắc lại việc hỗ trợ bệnh nhân có viêm mũi dị ứng và hen suyễn đang điều trị để kiểm soát triệu chứng của họ.
5. Những phương pháp giúp bảo vệ đường hô hấp trên
Như vậy, ngoài khẩu trang còn những cách nào khác để bảo vệ đường hô hấp trên một cách tốt nhất ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Bên cạnh việc sử dụng khẩu trang, đây là điều tối cần thiết cho tất cả mọi người. Việc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường giúp làm hạn chế tiếp xúc khói bụi, giảm nguy cơ phát triển bệnh lý hô hấp về sau.
Bên cạnh đeo khẩu trang, mọi người có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp như rửa mũi. Đối với bệnh nhân viêm mũi dị ứng, việc rửa mũi giúp cải thiện triệu chứng đáng kể. Quý khán thính giả có thể tìm những thông tin về hướng dẫn rửa mũi và lựa chọn dung dịch rửa mũi hợp lý rất hữu ích trên Fanpage AloBacsi.
Ngoài ra có thể súc họng bằng nước ấm sau khi ngủ dậy, trước khi ra khỏi nhà, và sau khi từ ngoài đường trở về nhà. Khi kết hợp nhiều phương pháp sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh nhân.
Tùy thuộc vào triệu chứng của từng người bệnh để sử dụng loại thuốc xịt hợp lý. Bởi vì những biện pháp như đeo khẩu trang, súc họng, rửa mũi, đó là phương pháp hỗ trợ để ngăn cản chúng ta tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm. Tuy nhiên còn nền bệnh lý dị ứng, hô hấp của bệnh nhân vẫn cần trao đổi với bác sĩ để có một phác đồ hợp lý.
6. Những lưu ý khi sử dụng các loại khẩu trang
Thưa BS, với một bệnh nhân viêm mũi dị ứng, nên thay khẩu trang y tế mấy lần một ngày? Nhiều người đeo khẩu trang vải chia sẻ rằng khi giặt khẩu trang vải, chính họ lại bị dị ứng với loại hóa chất, dung dịch giặt đó, vậy cần cân nhắc vấn đề này như thế nào ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với khẩu trang y tế, theo thiết kế ban đầu là dùng một lần/ngày, nghĩa là sau khi dùng xong sẽ bỏ đi và không tái sử dụng lại, tương đương với cả khẩu trang N95. Còn khẩu trang vải được thiết kế để tái sử dụng lại.
Khẩu trang vải nên giặt một lần một ngày theo khuyến cáo của HCDC hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc gia Hoa Kỳ, nghĩa là giặt ngay sau khi sử dụng trong ngày. Vì vậy, nếu là người sử dụng khẩu trang vải, khuyến cáo bạn nên có nhiều cái khẩu trang để thay thế, mỗi ngày sau khi đi từ ngoài đường về nên giặt khẩu trang ngay. Lưu ý có thể giặt chung với các loại quần áo thông thường đều không có vấn đề.
Ngày hôm sau nên sử dụng một cái khẩu trang mới, việc này giúp kiểm soát được tính chất sạch sẽ của khẩu trang. Tuy nhiên cần nhớ khẩu trang vải nếu giặt lại nhiều lần sẽ giảm dần khả năng lọc bụi và khả năng lọc các chất ô nhiễm, do đó sau một thời gian sử dụng, có thể cân nhắc thay khẩu trang mới.
Còn riêng khẩu trang y tế không nên giặt lại, vì sau khi giặt khả năng lọc bụi sẽ giảm rất nhiều.
Về vấn đề phản ứng dị ứng tại chỗ sau khi giặt khẩu trang, trường hợp này có thể bệnh nhân bị phản ứng với hóa chất trong bột giặt, đây là những phản ứng tại chỗ, có thể khiến da mặt bệnh nhân sưng đỏ hoặc bị mụn.
Đặc tính khi bệnh nhân bị phản ứng dị ứng này sẽ chỉ giới hạn trong vùng tiếp xúc da mặt với khẩu trang, khi đó nên cân nhắc xem xét do khẩu trang hay bột giặt. Nếu do bột giặt, bạn có thể cân nhắc thay một loại bột giặt mới phù hợp hơn cho người bị dị ứng để kiểm soát triệu chứng.
Ngoài ra có thể cân nhắc sử dụng khẩu trang loại mới vì có thể tính chất loại vải đó gây dị ứng cho bạn, tuy nhiên trường hợp này khá hiếm gặp.
7. TOP 3 điều cần thực hiện để kiểm soát triệu chứng viêm mũi dị ứng tốt nhất
Cuối cùng, nhờ BS gửi những lời khuyên đến bệnh nhân viêm mũi dị ứng, làm sao để có thể bảo vệ sức khỏe ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Để cải thiện triệu chứng một cách tốt nhất cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng khi phải tiếp xúc nhiều với khói bụi, cần nhớ những điều sau:
Thứ nhất, cần đeo khẩu trang khi ra ngoài, giúp ngăn ngừa bụi mịn, hạn chế tiếp xúc dị nguyên như bụi nhà, phấn hoa… đây là các dị nguyên gây kích thích bệnh nhân viêm mũi dị ứng và đều có kích thước khá lớn, nên việc đeo khẩu trang có thể ngăn ngừa.
Thứ hai, sử dụng các biện pháp tại chỗ như rửa mũi, xúc họng, bệnh nhân có thể tham khảo thêm.
Thứ ba, vấn đề không bao giờ được quên là việc cân nhắc sử dụng thuốc nếu triệu chứng khó kiểm soát.
Khi kết hợp ba yếu tố trên có thể kiểm soát triệu chứng viêm mũi dị ứng của bệnh nhân một cách tốt nhất.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình