Hotline 24/7
08983-08983

Đề xuất tiêu hủy 9,7 triệu viên Tamiflu quá hạn dùng

Đó là số thuốc dùng để phòng chống dịch cúm A/H5N1, trị giá lên đến hơn 280 tỷ đồng. Việc tái chế sẽ không an toàn và khả thi.

Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra việc mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng dịch cúm A/H5N1, Bộ Y tế thừa nhận đã có những sai sót, khuyết điểm về trình tự, thủ tục như: Không chờ các thông báo chính thức của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo mà chỉ căn cứ vào kết luận trong các cuộc họp để triển khai thực hiện.  

Thuốc Tamiflu được dự trữ tại các bệnh viện để phòng chống cúm A/H5N1 - Ảnh: Ngọc Dung

Tái chế sẽ không an toàn

Theo Bộ Y tế, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có khuyến cáo đối với viên nang Oseltamivir hết hạn sử dụng. Theo đó, nên cân nhắc giữ lại các thuốc đã hết hạn sử dụng, được kéo dài hạn dùng cho những mục đích khẩn cấp trong một vài năm tới.

Công ty TNHH Stada Việt Nam cũng đã làm việc với nhà sản xuất nguyên liệu Oseltamivir phosphate về khả năng thu hồi hoạt chất từ số thuốc đã hết hạn sử dụng. 
 

Thu hồi tiền thử tương đương sinh học

Bộ Y tế cho biết theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế đã thu hồi hơn 165,5 triệu đồng đã được cấp cho 4 doanh nghiệp thực hiện việc thử tương đương sinh học của số thuốc đã sản xuất đợt 1. Hiện 4 doanh nghiệp liên quan đã chuyển số tiền trên về tài khoản của Ban Quản lý Thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A - Bộ Y tế.
Theo thông báo của Công ty TNHH Stada Việt Nam, hiệu suất thu hồi số thuốc này là 30% và độ tinh khiết của nguyên liệu tái chế sẽ không bảo đảm an toàn khi sử dụng cho người.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho rằng việc nghiên cứu, thu hồi hoạt chất Oseltamivir phosphate từ thuốc thành phẩm đã hết hạn sử dụng là không khả thi và không có hiệu quả về kinh tế và khoa học.

Về vấn đề này, sau khi họp, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cũng đã quyết định không tái chế số thành phẩm đã hết hạn sử dụng này. Đối với trên 9,7 triệu viên nang Oseltamivir 75 mg sản xuất đợt 1, có hạn dùng đến tháng 2/2009 và tháng 3/2009, đã được bảo quản thêm 2 năm kể từ ngày hết hạn dùng theo khuyến cáo của Cơ quan Dược phẩm châu Âu, Bộ Y tế đề xuất hủy toàn bộ số thuốc này

Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng kế hoạch hủy số thuốc theo đúng quy định và sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Trước diễn biến của dịch cúm A/H5N1, vào cuối năm 2005, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương và kịp thời dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate để chủ động phòng chống dịch.

4 doanh nghiệp là Công ty CP Dược phẩm Cửu Long, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, Công ty Dược Vật tư Y tế Phú Yên (nay là Công ty Pymerpharco) và Công ty TNHH Stada Việt Nam được Bộ Y tế lựa chọn để sản xuất thuốc Tamiflu. Sau đó, 4 doanh nghiệp này đã sản xuất và cung cấp thuốc theo hợp đồng với Bộ Y tế.
 
Theo đó, đợt 1, sản xuất được 9.732.590 viên thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate, có hạn dùng 2 năm; dự trữ dưới dạng nguyên liệu tương ứng với 9.670.000 viên có hạn dùng 3 năm. Đợt 2, 4 doanh nghiệp trên cũng đã hoàn thành việc sản xuất 9.876.400 viên nang, có hạn dùng đến tháng 10/2012.

Trong vụ việc này, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ xác định “khoản tiền 2.846.000 USD do Công ty TNHH Stada Import/Export Hồng Kông chuyển cho Công ty TNHH Stada Việt Nam, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm và Công ty Pymerpharco là do được giảm giá nguyên liệu hay được hỗ trợ bù lỗ” và làm rõ bản chất kinh tế của “khoản tiền 3.848.000 USD còn giữ lại không phản ánh trong báo cáo tài chính của Công ty CP Dược phẩm Cửu Long”.
 
Bộ Y tế cho biết ngày 29/4/2009, đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch dự trữ thuốc Oseltamivir/Tamiflu để phòng chống cúm. Báo cáo này chỉ rõ: “Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, Công ty Dược Vật tư Y tế Phú Yên, Công ty TNHH Stada Việt Nam đã thanh toán tiền mua nguyên liệu cho công ty cung ứng; riêng Công ty CP Dược Cửu Long mới thanh toán cho nhà cung cấp nguyên liệu 5.252.000/9.100.000 USD, số còn lại là  3.848.000 USD hiện công ty đang còn nợ của nhà cung cấp. Theo báo cáo của công ty, việc thanh toán mua nguyên liệu cho nhà cung cấp dịch vụ được hoàn tất trước ngày 31/3/2009”.

Theo tính toán, số thuốc mà Bộ Y tế đề xuất tiêu hủy trị giá lên tới hơn 280 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ cho biết đã nghiêm túc kiểm điểm các đơn vị, cá nhân liên quan và nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này để triển khai tốt hơn trong kế hoạch phòng các dịch bệnh sắp tới.

Theo Người lao động

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X