Hotline 24/7
08983-08983

Để xác định bệnh suy tuyến thượng thận cần làm các xét nghiệm gì và chi phí bao nhiêu?

Tuyến thượng thận là một tuyến nội tiết của cơ thể, mà một khi rối loạn sẽ phát sinh nhiều bệnh lý: cường tuyến thượng thận, suy tuyến thượng thận, u tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, bệnh Addison… gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Xét nghiệm máu tuyến thượng thận thông qua 2 chỉ số hormone cortisol và ACTH giúp tầm soát các nguy cơ bệnh lý tuyến thượng thận chính xác, hiệu quả, từ đó thực hiện điều trị kịp thời.

I. Khi nào cần xét nghiệm suy tuyến thượng thận?

Một số trường hợp khuyến cáo nên làm xét nghiệm gồm:

- Mệt mỏi, chóng mặt.

- Da sẫm màu, vùng núm vú, miệng, trực tràng, bìu, âm đạo bị xanh đen.

- Sụt cân, chán ăn không rõ nguyên nhân.

- Thường xuyên bị buồn nôn, nôn mửa, bụng cồn cào khó chịu, tiêu chảy.

- Đau cơ, huyết áp thấp, hạ đường huyết.

- Vô kinh, kinh nguyệt không đều.

Ngay khi thấy các dấu hiệu trên, người dân nên đi khám bác sĩ, thông báo rõ triệu chứng và tình trạng để bác sĩ có những chỉ định điều trị phù hợp.

II. Xét nghiệm suy tuyến thượng thận như thế nào?

Chẩn đoán bệnh suy tuyến thượng thận là một quá trình gồm 4 bước:

- Đo mức cortisol trong máu.

- Các xét nghiệm khác cần để xác định lại chẩn đoán suy thượng thận.

- Xét nghiệm để phân biệt xem đây là suy thượng thận nguyên phát hay thứ phát.

- Khi đã biết được là suy thượng thận nguyên phát hay thứ phát sẽ có những xét nghiệm khác để đánh giá thêm.

1. Xét nghiệm định lượng ACTH máu

Dựa vào sự bài tiết ACTH, nên mẫu máu làm xét nghiệm thường được lấy vào buổi sáng và định lượng cùng Cortisol cùng một thời điểm để các bác sĩ lâm sàng đánh giá một cách chính xác nhất.

Sau khi lấy máu vào ống xét nghiệm chống đông EDTA (do ACTH có thể gắn với thành ống thuỷ tinh và không bền trong máu toàn phần), mẫu bệnh phẩm được bảo quản lạnh, vận chuyển ngay đến phòng xét nghiệm. Tại khoa Hoá sinh, nhân viên sẽ thực hiện xử lý và phân tích mẫu bằng phương pháp miễn dịch điện hoá phát quang trên hệ thống máy miễn dịch tự động Cobas e602.

Theo khuyến cáo, để hạn chế các yếu tố gây nhiễu, người bệnh làm xét nghiệm định lượng ACTH nên:

- Có một chế độ ăn hạn chế carbohydrat trong vòng 48 giờ trước lấy mẫu.

- Hạn chế hoạt động thể lực từ 10 - 12 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm.

- Không nên sử dụng các sản phẩm chứa biotin hoặc thực phẩm chức năng có thành phần biotin ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang stress, mất ngủ hoặc sử dụng thuốc làm giảm nồng độ ACTH như: amphetamin, corticosteroid, ethanol, estrogen,….

Chi phí thực hiện xét nghiệm: Khoảng 350.000đ

Xem thêm: Tuyến thượng thận là gì? Các bệnh liên quan đến tuyến thượng thận

2. Xét nghiệm cortisol máu

Mặc dù cortisol có hiện diện trong hầu hết các loại dịch cơ thể như máu, nước tiểu, nước bọt, tuy nhiên việc định lượng nồng độ hormone này thường được thực hiện ở dạng xét nghiệm máu.

Theo đó, bệnh phẩm cũng được lấy như các loại xét nghiệm máu khác. Điều dưỡng hay kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ lấy một mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay hoặc cẳng tay của người bệnh, sau đó cho vào ống nghiệm với chất bảo quản phù hợp. Khi số lượng bệnh phẩm thu thập đủ cho một lần vận hành máy, nhân viên phòng xét nghiệm sẽ tiến hành xếp các ống nghiệm vào máy. Toàn bộ quy trình tiếp theo sẽ được thực hiện tự động cho đến khi in ra kết quả gửi cho người bệnh.

Vì nồng độ cortisol trong cơ thể thay đổi tại mỗi thời điểm trong suốt cả ngày, thời điểm lấy máu để thử nghiệm đo lường hormone này rất quan trọng, thậm chí có ảnh hưởng đến các kết luận về sau. Trong thực hành lâm sàng, xét nghiệm máu cortisol thường được thực hiện 2 lần/ngày, vào buổi sáng khi thức dậy với nồng độ cortisol ở mức cao nhất trong ngày và một lần nữa vào khoảng 4 giờ chiều, khi mức độ cortisol ở đỉnh cao thứ hai nhưng lại thấp hơn nhiều so với lần đầu.

Ngoài ra, những căng thẳng, lo lắng quá mức cũng có thể làm tăng mức cortisol “giả tạo”. Vì vậy, người bệnh cần được giải thích kỹ lưỡng về quy trình lấy máu để có sự hợp tác tốt và nhất là cần được nghỉ ngơi trước khi thực hiện. Đồng thời, để tránh các yếu tố gây nhiễu kết quả, máu được lấy khi người bệnh không trong tình trạng bệnh lý quá nặng nề như nhiễm trùng, chấn thương; cũng như không quá đói hay quá no; không dùng chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá,... trước khi lấy máu.

Chi phí thực hiện xét nghiệm: Khoảng 170.000đ

3. Xét nghiệm tìm nguyên nhân cơ bản

- Chụp cộng hưởng từ não (MRI): Chi phí dao động từ 1.500.000 - 3.000.000đ

- Chụp CT Scanner bụng: Chi phí dao động từ 900.000 - 5.000.000đ

- Chụp X-quang ngực: Chi phí dao động từ 150.000 - 300.000đ

III. Các cách điều trị suy tuyến thượng thận

Căn cứ vào tình trạng và tùy thể bệnh nguyên phát hay thứ phát, bác sĩ sẽ có phát đồ điều trị khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung người bệnh suy tuyến thượng thận đều được điều trị bằng các loại thuốc hormone (glucocorticoid và mineralocorticoid) để thay thế các hormone mà tuyến thượng thận không tạo ra được.

Trong các tình huống đặc thù, bác sĩ sẽ có những chỉ định phối hợp nhằm kiểm soát tốt sức khỏe. Đa số người bệnh suy tuyến thượng thận phải bù hormone suốt đời, nhưng có một số trường hợp phục hồi có thể ngưng bù hormone.

1. Thay thế hormone

Người bệnh suy tuyến thượng thận được dùng hormone để thay thế, trong đó chủ yếu là nhóm cortisol. Nếu bị Addison, người bệnh có thể cần dùng thêm aldosterone. Quá trình thay thế hormone thường bắt đầu bằng truyền dịch (tiêm tĩnh mạch) và uống thuốc corticosteroid. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng của từng loại thuốc để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Trong quá trình điều trị, nếu người bệnh bị stress, thường không dung nạp với corticoid đường uống, do đó phải sử dụng thuốc đường tiêm bắp.

Xem thêm: Địa chỉ bệnh viện điều trị bệnh suy thượng thận tại Hà Nội

2. Điều trị khác

Tùy vào trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có phác đồ khác nhau cho từng người bệnh. Tuy nhiên người bệnh cần chú ý:

- Uống thuốc đều đặn, nếu ngưng thuốc sẽ dễ rơi vào suy thượng thận cấp, đe dọa tính mạng.

- Bệnh nhân phải biết chỉnh liều trong các tình huống, ví dụ cơ thể rơi vào stress như khi bị bệnh, tiêu chảy, nhiễm trùng… Đồng thời, tăng liều theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Tái khám định kỳ để bác sĩ chỉnh liều và tầm soát các biến chứng liên quan tác dụng phụ của việc sử dụng corticoid lâu dài (có thể gây loãng xương, tiểu đường)…

3. Thương tật hoặc tình trạng nghiêm trọng khác

Nếu bị chấn thương nặng (bất tỉnh, hôn mê), người bệnh suy tuyến thượng thận cần liều corticosteroid cao hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ tiêm corticosteroid vào tĩnh mạch. Khi người bệnh hồi phục, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều của bạn trở lại mức bình thường, trước khi chấn thương.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X