Đề phòng đuối nước: Nên trang bị cho trẻ áo phao và còi
Hằng năm, khi mùa hè đến cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau cho gia đình và cộng đồng. Lời khuyên của BS.CK2 Lý Kiều Diễm - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố là phụ huynh phải hết sức bình tĩnh, sơ cứu nhanh chóng và đúng cách để giành lại sự sống cho con em mình.
Cho trẻ học bơi để phòng ngừa đuối nước
Để phòng ngừa đuối nước và dự phòng từ xa, chúng ta cần chuẩn bị những gì? Khi đưa trẻ đến chơi ở những khu vực có sông, suối, hồ,... phụ huynh cần lưu ý những gì?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Mùa hè là mùa để vui chơi và chúng ta nên thật sự tận hưởng mùa hè, không vì những tai nạn mà hạn chế cuộc vui chơi của trẻ. Tuy nhiên, chuyến đi chơi trọn ý nghĩa, chúng ta cũng cần trang bị cho bản thân mình và cho trẻ những kiến thức cần thiết.
Kỹ năng sống rất quan trọng với các con. Bơi lội là một kỹ năng sống còn quyết định mà trẻ cần phải biết. Trong bệnh viện, tôi đã từng gặp nhiều trường hợp đuối nước thương tâm, có trường hợp phụ huynh cho trẻ đến hồ bơi nhưng vô tình không chú ý trong phút chốc, khi phát hiện thì trẻ đã bị ngạt nước, tổn thương não.
Vì vậy, khi trẻ có đủ khả năng thì nên cho đi học bơi ngay để phòng ngừa được việc đuối nước.
Đuối nước có thể xảy ra bất kỳ lúc nào
Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, phụ huynh và trẻ cần được trang bị những kiến thức gì để phòng tránh tai nạn đuối nước?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Đầu tiên, cần trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội. Với những trẻ chưa biết bơi, người nhà cần đặc biệt cẩn thận khi trẻ chơi ở sông, suối, ao, hồ... Trẻ biết bơi hay không đều cần phải được trang bị áo phao, nhất là khi chơi ở khu vực biển, sông lớn, hồ bơi lớn.
Đồng thời, cần dặn dò trẻ phải chú ý không được bơi ra xa, không vượt qua khỏi giới hạn cảnh báo, không xuống nước khi không có người lớn đi cùng. Đó là các kiến thức cơ bản cần trang bị cho trẻ. Cần phải hướng dẫn trẻ nhận biết được rằng nơi nào có thể đến và nơi nào không được phép đến.
Cha mẹ dẫn con đi chơi phải luôn để ý tới trẻ, không được chủ quan dù trẻ đã biết bơi. Đã có những trường hợp trẻ bơi lội giỏi, có chứng chỉ về bơi lội nhưng vẫn xảy ra tai nạn đuối nước. Nhiều trường hợp trẻ rủ nhau đi chơi ở các sông, hồ sâu, sau đó có bạn bị đuối nước, trẻ bơi ra cứu nhưng vô tình khiến bản thân cũng rơi vào nguy hiểm.
Quý phụ huynh thật sự phải lưu ý rằng, đuối nước có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, ở cả trẻ không biết bơi lẫn trẻ bơi lội giỏi.
Trang bị áo phao, tuân thủ quy định để có thể vui chơi an toàn
Khi đi du lịch, phụ huynh cần chuẩn bị những vật dụng, đồ dùng gì để có thể sơ cứu cho trẻ nếu chẳng may trẻ gặp tình huống bị đuối nước?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Áo phao và phao bơi luôn luôn cần thiết. Đồng thời, phải luôn tuân thủ các quy định an toàn ở nơi mà chúng ta đến, ví dụ hồ bơi trong các resort thường có ranh giới cho khu vực nước sâu, trẻ không được phép vượt qua lằn ranh đó, hoặc tuân thủ đúng giờ bơi lội cho phép.
Trong túi du lịch, mọi người nên mang thêm 1 chiếc còi để có thể gây chú ý, giúp nhân viên cứu hộ kịp thời đến nếu xảy ra sự cố.
Nếu chẳng may tai nạn đuối nước đã xảy ra, việc sơ cứu cực kỳ quan trọng, cần có sự phối hợp giữa phụ huynh và nhân viên cứu hộ đã được đào tạo để có thể sơ cứu cho trẻ.
Sơ cứu sai cách có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn, làm thế nào để nhận biết được trẻ đang bị đuối nước, thưa BS?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Khi bị đuối nước, trẻ sẽ có những biểu hiện mệt mỏi không bơi nổi, trẻ lịm dần và chìm sâu xuống so với mặt nước. Nếu phát hiện kịp thời để đưa trẻ lên bờ và sơ cứu đúng, trẻ sẽ hoàn toàn bình phục. Sơ cứu sai cách sẽ khiến trẻ bị nguy hiểm đến tính mạng và để lại những di chứng về sau.
Khởi động kỹ để tránh bị chuột rút khi đang bơi
Xin BS cho biết, những vấn đề nào có thể dẫn đến việc trẻ bị đuối nước?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Chuột rút là một trong những nguyên nhân dẫn đến đuối nước thường gặp nhất. Khi đi học bơi, giáo viên thường cho trẻ khởi động để làm ấm cơ thể trước khi xuống nước để hạn chế việc bị chuột rút.
Tuy nhiên, khi đi chơi ở sông, suối, ao, hồ, trẻ thường bỏ qua bước khởi động. Nước biển hoặc nước hồ lạnh, gặp trời mưa hoặc trẻ vui quá mà tắm lâu hơn sẽ khiến các cơ trong cơ thể bị mệt, dẫn đến chuột rút, co cơ. Lúc này, các cơ hô hấp không còn hoạt động tốt, trẻ dễ dàng bị hít sặc khi các cơn sóng biển ập đến, vô tình làm trẻ bị suy hô hấp ngay dưới nước.
Chết ngạt khô là tình huống sóng ập đến, dây thanh quản và đường hô hấp đóng chặt lại, nước không vào được nhưng đồng thời không khí cũng không vào được phổi. Khi đó, dù tai nạn xảy ra dưới nước nhưng trong phổi nạn nhân vẫn khô.
Trường hợp thứ hai là trẻ chìm xuống và hít sặc nước. Nước tràn vào và lấn chiếm trong phổi, không để không khí đi vào. Đây là trường hợp chết ngạt có nhiều nước trong phổi.
Chính vì vậy, khi đưa trẻ đi chơi ở những nơi có sông, hồ, ao, biển,... phụ huynh phải vô cùng cẩn thận và chú ý.
Trẻ có bệnh lý tim mạch không nên tham gia bơi lội
Theo BS, trẻ có những bệnh lý nào thì được khuyến cáo rằng không nên đi bơi?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Về bệnh lý, có một số trường hợp các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ bơi lội quá sức. Những trẻ bị tim bẩm sinh, ung thư trong giai đoạn hoặc trẻ bị suy giảm miễn dịch, viêm phổi,... thường không được khuyến khích đi bơi.
Bơi lội là một hoạt động gắng sức, những trẻ đã phát hiện bệnh lý tim mạch không nên tham gia.
Đi bơi vẫn phải cung cấp đủ nước và điện giải
Xin hỏi BS, nên cho trẻ chơi đùa dưới nước trong khoảng thời gian bao lâu?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Ở các hồ bơi lớn, uy tín, một suất bơi sẽ được giới hạn trong 60 phút. Đó là thời gian để cơ thể có thể thích nghi với nước và cơ thể bắt đầu thấy mệt. Phụ huynh lưu ý không nên cho trẻ tắm biển, ao, hồ quá lâu hoặc đi bơi 2 - 3 tiếng liền.
Dù không xảy ra tai nạn đuối nước nhưng bơi lội quá lâu vẫn có thể dẫn đến một số bệnh lý hô hấp hoặc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khi trẻ bơi lội, phụ huynh lưu ý vẫn cần cung cấp nước và điện giải cho trẻ. Dù dưới hồ bơi có nước nhưng trẻ vẫn bị mất nước qua da, chính vì vậy phải cung cấp nước liên tục cho trẻ. Khoảng 10 - 15 phút thì cho trẻ uống một ngụm nước, tốt nhất là nước có chứa điện giải để bù lại điện giải và năng lượng bị mất trong lúc bơi.
Khởi động kỹ và làm ướt người, ăn nhẹ bằng quả chuối trước khi xuống nước
Trẻ cần làm gì để không bị chuột rút trong khi bơi? Nếu chẳng may bị chuột rút khi đang ở trong hồ bơi, chúng ta nên xử trí như thế nào?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Với những trẻ lớn, chúng ta có thể hướng dẫn trẻ khởi động làm nóng người, sau đó xả nước ướt người trước để cơ thể quen dần từ trên bờ, các cơ giãn ra, không bị co rút đột ngột khi xuống nước.
Ngoài ra, trước hoặc sau khi vận động dưới nước, có thể cho trẻ ăn nhẹ bằng một quả chuối. Chuối là nguồn cung cấp kali dồi dào, có thể giúp cơ thể không bị chuột rút.
Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ biết giơ tay lên làm các tín hiệu khẩn cấp khi bị chuột rút. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị chuột rút, cha mẹ phải hô to để nhân viên cứu hộ giúp đỡ trong tình huống nguy hiểm. Trẻ phải di chuyển đến nơi gần bờ nhất và lên bờ ngay lập tức. Gắng sức bơi thêm sẽ làm tình trạng chuột rút nhiều thêm và gây nguy hiểm cho trẻ.
Sơ cứu sai cách có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
Điều quan trọng nhất khi sơ cấp cứu cho người bị đuối nước là gì? Những nguyên tắc cần nhớ khi sơ cấp cứu cho người bị đuối nước là gì, thưa BS?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Sơ cứu đuối nước là yếu tố sống còn. Nếu được sơ cứu đúng, trẻ sẽ được cứu sống và hoàn toàn khỏe mạnh. Ngược lại, sơ cứu sai cách sẽ để lại những di chứng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Một số trường hợp sơ cứu sai cách là: xốc nạn nhân lên và chạy, cạy miệng nạn nhân ra và đổ thêm nước vào, cạo gió hoặc cắt lể cho nạn nhân,...
Hô hấp nhân tạo cho trẻ bị đuối nước phải tùy theo lứa tuổi, việc này nên do các nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp thực hiện. Trong trường hợp không có nhân viên cứu hộ, có thể thực hiện một số bước cơ bản như thổi hơi để phổi trẻ căng phồng ra; ấn vùng tim để máu tiếp tục tuần hoàn, tránh cho tim ngưng đập quá lâu.
Cẩn thận hơn, phụ huynh có thể tham gia các khóa học sơ cứu ở các trung tâm huấn luyện nhằm trang bị kiến thức cho mình.
Bình tĩnh sơ cứu tại chỗ để trẻ có cơ hội hồi phục
BS có thể chia sẻ cụ thể hơn rằng sơ cứu sai cách sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tính mạng của trẻ?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Khi trẻ đuối nước quá 5 phút, cơ thể đã bị thiếu oxy, đặc biệt là ở các cơ quan như não, tim, thận, gan. Những cơ quan này bị tổn thương quá lâu sẽ ảnh hưởng đến trí não của trẻ, thậm chí để lại di chứng bại não, suy thận cấp,...
Những trẻ được sơ cứu tốt tại hiện trường sẽ hồi phục rất nhanh. Không nên quá nóng vội xốc, bế đưa trẻ đến bệnh viện mà phải thật bình tĩnh sơ cứu tại chỗ: hô hấp nhân tạo, kiểm tra mạch đập cẩn thận, sau đó di chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, có cả trường hợp đuối nước nhẹ đến nặng. Những trường hợp nặng có thể vượt qua nguy hiểm bằng cách thở máy, đặt nội khí quản để cung cấp oxy, tránh phù não. Những trường hợp nhẹ, có thể cho trẻ thở CPAP để cung cấp oxy kịp thời và làm phổi của trẻ nở ra.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp đáng tiếc là trẻ đã bị di chứng trước đó nên trẻ dễ bị ảnh hưởng đến não, làm trẻ co gồng và không trở về cuộc sống bình thường được nữa.
Đảm bảo an toàn để tận hưởng mùa hè
BS có lời khuyên nào về việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi vui chơi trong mùa du lịch?
BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Mùa hè là mùa vui chơi, không phải vấn đề là dưới nước hay trên cạn mà bất cứ nơi vui chơi nào cũng tiềm ẩn nguy cơ riêng. Nói về trên cạn, mùa hè thường xảy ra những trường hợp bị ong đốt, ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, nhắc đến những câu chuyện này không phải để phụ huynh lo sợ mà là để tìm biện pháp phòng ngừa và nhắc nhở không được chủ quan. Chơi đùa dưới nước là niềm yêu thích của trẻ con nên bố mẹ hãy để con thoải mái vui chơi, chỉ cần để ý kỹ khi trẻ chơi gần ao, hồ.
Đồng thời, phụ huynh nên trang bị cho con áo phao và còi. Khi đưa trẻ đi chơi, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ và chọn những điểm đến an toàn, luôn có nhân viên cứu hộ theo dõi sát để an tâm tận hưởng mùa hè cùng con.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình