Hotline 24/7
08983-08983

Đầy hơi chướng bụng không chỉ là bệnh lý tiêu hóa

Đầy hơi, chướng bụng sau khi ăn là tình trạng thường gặp, có thể xuất phát từ thói quen ăn uống không khoa học hoặc là hệ quả của một số bệnh lý. Theo ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cần xác định được nguyên nhân gây đầy hơi, chướng bụng là gì, để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Đầy hơi chướng bụng chia thành cấp tính và mãn tính

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đầy hơi chướng bụng được chia thành 2 loại: Đầy hơi chướng bụng cấp tính và đầy hơi chướng bụng mãn tính. Đầy hơi chướng bụng cấp tính là tình huống xảy ra bất chợt trong vòng vài ngày, không kéo dài quá 2 tuần.

Đầy hơi chướng bụng mãn tính là tình trạng đầy hơi chướng bụng tái đi tái lại thường xuyên hoặc mỗi đợt kéo dài trên 2 tuần.

Nguyên nhân gây đầy hơi chướng bụng

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đầy hơi chướng bụng kéo dài hay ngắn hạn có những nguyên nhân khác nhau. Đầy hơi chướng bụng cấp tính thường do những nguyên nhân sau:

- Các vấn đề tiêu hóa cấp tính: Thường gặp nhất là viêm dạ dày cấp tính do ăn uống không đầy đủ hoặc do thuốc.

- Viêm gan cấp tính giai đoạn đầu gây đầy hơi chướng bụng.

- Các bệnh cấp tính không liên quan đến đường tiêu hóa như sốt, cảm nhiễm siêu vi,... Dùng thuốc cảm nhiễm siêu vi, cảm cúm,... cũng gây tình trạng căng tức bụng.

- Stress, căng thẳng, các vấn đề tâm lý.

Khi có tình trạng đầy hơi chướng bụng tái đi tái lại nhiều lần hoặc kéo dài, cần lưu ý các vấn đề sau:

- Báo hiệu bệnh dạ dày trầm trọng hơn, có thể bị nhiễm vi trùng HP, loét bao tử, ung thư bao tử, viêm dạ dày mãn tính, viêm teo dạ dày,...

- Bệnh lý sỏi mật hoặc viêm tụy mãn tính, ung thư tụy.

- Giai đoạn đầu của suy gan, xơ gan, viêm gan B, viêm gan C.

- Rối loạn lo âu, trầm cảm mãn tính.

Từ đó, có thể thấy nguyên nhân gây đầy hơi chướng bụng có phổ rất rộng, không chỉ do viêm loét bao tử.

Cách cải thiện đầy hơi chướng bụng

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đối với đầy hơi chướng bụng cấp tính, chúng ta cần phải tìm được nguyên nhân cấp tính. Nếu bệnh do ăn uống thì phải điều chỉnh ăn uống điều độ, chia nhỏ bữa ăn. Trường hợp bản thân phải uống thuốc cảm, thuốc kháng sinh, bị viêm xoang, nhiễm trùng tiểu,... nên trao đổi với bác sĩ, điều chỉnh lại liều thuốc.

Người bị đầy hơi chướng bụng nên chọn các thức ăn mềm, hạn chế cách chế biến chiên xào. Nên uống trà xanh sau khi ăn. Có thể cho thêm vài lát gừng tươi vào nước uống để hỗ trợ tiêu hóa, không nên cho quá nhiều gừng để tránh bị đau bao tử. Ăn dưa giá, kiệu trong bữa ăn cũng có thể hỗ trợ giảm đầy hơi chướng bụng.

Một số thuốc chứa hoạt chất simethicone có tác dụng giảm đầy hơi chướng bụng. Các thuốc chứa chất trung hòa axit dạng gói có thể giảm các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa.

Không nên làm việc ngay sau khi ăn, nên có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất 30 phút. Sau khi ăn, cần tập trung năng lượng để máu dồn về hệ tiêu hóa để xử lý thức ăn. Làm việc ngay sau khi ăn dễ gây nhiều bệnh về sau.

Những sai lầm trong việc giảm triệu chứng đầy hơi chướng bụng

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Nhiều phụ huynh thường vỗ lưng trẻ nhỏ sau khi ăn để bé ợ hơi, đây là việc làm sai. Việc vỗ lưng từ dưới lên chỉ có một mục đích duy nhất là vật lý trị liệu hệ hô hấp để làm loãng đàm, dễ ho khạc.

Trong cơ thể con người, van của hệ tiêu hóa giống như van cửa. Khi đủ áp lực, trẻ có thể tự ợ. Động tác vỗ khiến trẻ dễ bị ho sặc vào phổi. Về lý thuyết, đối với trẻ em và người già, van đóng mở yếu hoặc chưa hoàn chình, khi ăn xong nên ngồi để theo trọng lực, thức ăn ít bị trào ngược, dễ tiêu hóa hơn.

Không có nghiên cứu nào chứng minh việc chườm nóng có thể giảm tình trạng đầy hơi chướng bụng. Nhiều người thường nghĩ “lạnh bụng” gây trạng đầy hơi chướng bụng. Thế nhưng trong y học hiện đại không có khái niệm lạnh bụng. Nhiệt độ trung bình của cơ thể con người là 37 độ C, dù ăn thức ăn lạnh, cơ thể cũng sẽ làm việc để các cơ quan nội tạng trở về nhiệt độ trung bình.

Do đó, chườm nóng để giảm lạnh bụng, giảm đầy hơn chướng bụng là không đúng với lý luận y học hiện đại. Chườm nóng chỉ có thể làm giảm các triệu chứng của cơn đau mãn tính, không có tác dụng với cơn đau cấp tính. Đối với cơn đau cấp tính, cần phải chườm lạnh để co mạch, giảm sưng, giảm viêm.

Khi nào đầy hơi chướng bụng báo hiệu bệnh lý nguy hiểm?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Nhiều người thường chủ quan trước các biểu hiện đầy hơi, chướng bụng. Tuy nhiên, lời khuyên của tôi là, đối với tình trạng đầy hơi chướng bụng tái diễn thường xuyên hoặc kéo dài trên 2 tuần, đặc biệt ở những người trên 50 tuổi hoặc tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư, loét đường tiêu hóa, cần có sự chú ý theo dõi.

Đầy hơi chướng bụng đi kèm với sụt cân, người xanh xao, vàng vọt hoặc bụng to lên trông thấy là những trường hợp cần đi khám để được theo dõi.

Thận suy, tim suy có thể làm ứ nước trong bụng, gây đầy hơi chướng bụng. Vi khuẩn lao xâm nhập vào bụng, dẫn đến lao màng bụng cũng gây đầy hơi chướng bụng, thậm chí ung thư màng bụng.

Dù gần 70 - 80% nguyên nhân đầy hơi chướng bụng đến từ hệ tiêu hóa, tuy nhiên, đầy hơi chướng bụng không chỉ là bệnh lý đau bao tử, khó tiêu thông thường mà còn cảnh báo rất nhiều bệnh lý khác (táo bón, viêm gan mãn tính, xơ gan, ung thư gan, viêm tụy, biến chứng tiểu đường,...).  Khi có biểu hiện đầy hơi chướng bụng với các dấu hiệu báo động nêu trên, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, không nên tự điều trị, kéo dài thời gian bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X