Hotline 24/7
08983-08983

Đau lưng ở người trẻ: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Đau lưng là tình trạng phổ biến ở rất nhiều người, liên quan đến mọi ngành đề, đặc biệt là dân văn phòng, những người vác nặng, ngồi khom... Đau lưng hiện nay không còn phân biệt độ tuổi. Vậy nguyên nhân gây tình trạng đau lưng do đâu? Làm sao để giảm thiểu và phòng tránh vấn đề này. ThS.BS CK2 Mai Duy Linh - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM sẽ giải đáp thắc mắc trên trong bài viết dưới đây.

1. Người trẻ bị đau lưng do đâu?

Trước đây, nhiều người cho rằng, đau lưng chỉ xảy ra ở người trung niên và người già. Nhiều nhân viên văn phòng trẻ bị đau lưng. Nguyên nhân lớn nhất là do đâu, thưa BS?

ThS.BS CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đau lưng ở người trẻ không phải là tình trạng hiếm gặp. Gần đây, bệnh có xu hướng tăng, nguyên nhân do ít tập thể dục. Ngày xưa, nhiều người thường hay vận động, đi lại có thể làm việc nhà, nhiều việc khác.

Người trẻ có xu hướng ngồi một chỗ nhiều hơn từ lúc đi học đến đi làm khiến cơ lưng yếu hơn so với người thế hệ trước. Như vậy, lưng sẽ dễ bị đau và mỏi hơn. Giới văn phòng và người tập gym dễ bị đau lưng. Trong một số trường hợp khi mới bắt đầu chơi thể thao, người chơi cũng có thể bị đau lưng nếu không quen.

Đa số trường hợp đau lưng ở người trẻ là lành tính. Trong một số ít trường hợp, người bệnh cần đi khám để bác sĩ làm thêm một số xét nghiệm đặc biệt.     

2. Đau lưng chia làm mấy nhóm? Cần lưu ý gì ở mỗi nhóm bệnh?

Thưa BS, đối với trường hợp đau lưng không lành tính ít gặp, các triệu chứng có thể cảnh báo bệnh lý nguy hiểm nào và ngoài các vấn đề BS vừa đề cập, chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì?  

ThS.BS CK2 Mai Duy Linh trả lời: Các nguyên nhân gây đau lưng chia thành 2 nhóm chính:

Nhóm thứ nhất, đau lưng cơ học, là đau lưng liên quan đến vận động.

Ví dụ, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, đau lưng do căng cơ (do ngồi lâu quá hoặc ngồi sai tư thế). Người trẻ ít bị thoái hóa cột sống, nhưng ngày nay, nhiều bệnh nhân có độ tuổi 30 đã mắc vấn đề này. Đó là dạng đau lưng kiểu cơ học do vận động hoặc ngồi sai tư thế.

Nhóm thứ hai là đau lưng không phải do cơ học, gọi là đau lưng có biểu hiện viêm.

Ví dụ, bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp, lao cột sống, các bệnh lý về ung thư, áp xe nhiễm trùng cột sống.

Đau lưng không phải do cơ học hoặc đau lưng kiểu viêm là nhóm bệnh rất nguy hiểm. Vì vậy, cần chẩn đoán và điều trị sớm. Biểu hiện để chúng ta nghĩ đến các bệnh lý cần phải đi khám ngoài đau lưng như: bệnh nhân đau lưng lan xuống chân (tê chân). Trong trường hợp nặng, có thể bị yếu chân, bệnh nhân bị mất cảm giác ở chân hoặc bí tiểu. Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện khác như: sốt; các biểu hiện ở da như vảy nến, viêm các khớp, tiêu chảy, đi cầu có máu…

Nếu bệnh nhân thường bị đau lưng vào ban đêm, tức là người bệnh bị đau khi nằm xuống đến mức không ngủ được hoặc họ đang ngủ bỗng dưng phải thức dậy. Đó là những dấu hiệu báo động không phải đau lưng kiểu cơ học mà do đau lưng không phải cơ học (viêm). Bệnh nhân cần phải đi khám bác sĩ.

3. Người bị đau lưng nên khám chuyên khoa nào? Quy trình khám ra sao?

Thưa BS, khi người bệnh bị đau lưng, bệnh nhân cần đến khám những chuyên khoa nào? Quy trình thăm khám ở những bệnh nhân trẻ này sẽ diễn ra như thế nào và cách chỉ định cận lâm sàng được làm như thế nào trong quá trình này?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng đau lưng sẽ gặp ở 3 chuyên khoa, bao gồm: cơ xương khớp; thần kinh: nội thần kinh hoặc ngoại thần kinh; chấn thương chỉnh hình. Người bệnh có thể khám tại một trong ba chuyên khoa nêu trên.

Sau khi thăm khám và hỏi bệnh, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp X-quang cột sống. Tùy theo biểu hiện và kết quả X-quang cột sống, bác sĩ có thể cho làm thêm những xét nghiệm khác.

Ví dụ, đau lưng lan xuống chân, bác sĩ có thể cho đo thêm điện cơ hoặc nếu nghi ngờ có các tình trạng viêm, bác sĩ có thể cho làm thêm xét nghiệm máu. Trong một số trường hợp đặc biệt khi chụp X-quang, bác sĩ nghi ngờ hay X-quang không rõ thì họ cho chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng. Đó là những xét nghiệm bác sĩ có thể cho bệnh nhân làm thêm trong trường hợp bị đau lưng.

4. Thói quen sinh hoạt nào dẫn đến đau lưng?

Những thói quen sinh hoạt nào trong cuộc sống có thể dễ khiến một người trẻ bị đau lưng, thưa BS Linh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có 2 nhóm thói quen chính:

Thứ nhất, những người ngồi sai tư thế. Ngồi sai tư thế thường xảy ra ở giới văn phòng, hay ngồi làm việc trước vi tính. Họ thường  ngồi một chỗ trong thời gian dài và có xu hướng khom lưng. Ngồi một chỗ kéo dài khiến cơ giữ một vị trí. Như khi cầm một cây bút, dù rất nhẹ nhưng giữ một vị trí trong thời gian dài, cũng gây mỏi tay. Ngồi với tư thế trong nhiều tiếng đồng hồ, khiến chúng ta bị đau lưng.

Một trường hợp khác ở nhóm này là khom lưng, chúng ta ngồi nhưng quên bản thân mình đang khom lưng khi ngồi học, đọc hay làm vi tính. Một số công việc bắt buộc phải khom lưng như ngồi dệt may dưới đất, chế biến thức ăn khi ngồi dưới đất. Những tư thế đó khiến đĩa đệm có xu hướng bị đẩy ra phía sau, dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm. Đó là nhóm thứ nhất cho tư thế sai.

Thứ hai, do vận động một cách đột ngột và nặng. Ví dụ, bê thùng nước 20 lít, kê giường hay sofa sẽ làm cho chúng ta bị đau lưng vì cơ không quen, không tập nên không khỏe mà phải vận động mạnh một cách bất ngờ sẽ gây ra tình trạng trên. Những trường hợp vừa khom lưng và vận động mạnh như vậy có thể gây ra thoát vị đĩa đệm đột ngột.

Đó là những nhóm tư thế khiến chúng ta bị đau lưng.

5. Khi người trẻ bị đau lưng, cần áp dụng phương pháp nào?

Khi người trẻ bị đau lưng do thói quen sinh hoạt, họ cần làm gì? Họ có thể áp dụng phương pháp không dùng thuốc tại cơ quan của họ và ngay tại nhà kkhoong, thưa BS?                      

ThS.BS CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong trường hợp bị đau lưng đơn thuần, không có biểu hiện khác thì đa số trường hợp đó là đau lưng kiểu cơ học lành tính.

Khi gặp vấn đề này, bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, người bệnh có thể dùng phương pháp xoa bóp, chườm ấm để cơ vùng lưng thư giãn. Chúng ta có thể dùng một số loại thuốc giảm đau đơn thuần như Paracetamol. Thuốc có thể làm giảm tình trạng đau. Thông thường, có thể 2 đến 3 ngày là bệnh nhân sẽ bớt đau.

6. Bệnh nhân cần làm gì nếu tình trạng đau lưng không cải thiện?

Khi bệnh nhân đã thực hiện đúng việc thay đổi thói quen mà bác sĩ đã chia sẻ nhưng không cải thiện. Họ có thể dùng thuốc không kê đơn nào hoặc những bí quyết nào, xin BS chia sẻ? 

ThS.BS CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có nhiều nguyên nhân khiến cơn đau lưng kéo dài. Những nguyên nhân thông thường nhất là do thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, trượt cột sống.

Ngoài việc dùng thuốc giảm đau đơn thuần như Paracetamol, chúng ta có thể tập những bài thể dục giúp tăng cường sức cơ và chỉnh lại vị trí đĩa đệm. Cách làm này sẽ giúp bệnh nhân bớt đau lưng. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân đeo đai lưng trong thời gian ngắn khi đứng lâu hoặc ngồi lâu để chỉnh cột sống thẳng, chịu lực bớt cho cột sống.

Các biện pháp khác như massage, châm cứu, chườm nóng có tác dụng giảm đau. Đó là những biện pháp có tác dụng giảm đau trong những trường hợp giảm đau kéo dài do thoái hóa cột sống hoặc thoát vị đĩa đệm.

7. Cần tránh tư thế nào để không bị đau lưng?

Bệnh nhân đã từng bị đau lưng cần tránh tư thế gì? Người làm công việc đặc thù như ngồi may, nhân viên văn phòng cần làm gì để hạn chế đau lưng, thưa BS?        

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Điều này bắt buộc chúng ta phải điều chỉnh, không thể bắt người bệnh nghỉ việc.

Ví dụ, dân văn phòng phải ngồi trước vi tính nhiều, cần phải kê màn hình ngang với tầm mắt của mình để hạn chế tình trạng cúi. Người làm công việc phải ngồi dưới đất phải kê để vị trí cao hơn, kê lên như vậy thì họ không phải cúi người nữa.

Trong trường hợp nặng, người bệnh cần đeo đai lưng. Bệnh nhân đeo đai lưng không thể cúi được hoặc khi cúi người, lưng của họ vẫn thẳng. Người khiêng tạ phải đeo đai lưng vì nguyên tắc khi tập tạ, lưng họ phải thẳng nhưng đôi lúc người tập quên.

Khi đeo đai lưng, dù có bê đồ nặng đi chăng nữa thì chúng ta không thể cúi được. Lúc đó, chúng ta buộc phải ngồi xuống để bê đồ. Trong trường hợp khó khăn hoặc hay quên, hãy đeo đai lưng trong giai đoạn ngắn để chúng ta quen với tư thế đó, giúp lưng được thẳng và hạn chế tình trạng đau lưng.

8. Cần tuân thủ những quy tắc nào để giảm đau lưng?

Để phòng ngừa tình trạng đau lưng, chúng ta cần nhớ những quy tắc gì, thưa BS?      

ThS.BS CK2 Mai Duy Linh trả lời: Để phòng ngừa đau lưng ở người trẻ cũng như người lớn tuổi, công việc đầu tiên là phải điều chỉnh tư thế, để lưng thường xuyên được thẳng.

Hạn chế ngồi ở một chỗ quá lâu. Khi ngồi làm việc khoảng 1 đến 2 giờ, cần phải đi lại và có những bài tập tại chỗ để cơ lưng được thư giãn. Hạn chế khom lưng khi khuân vác đồ nặng.

Nên tập toàn thân, đặc biệt là tập các bài về lưng. Khi thâm gia các môn thể thao, chúng ta thương bỏ quên những bài tập về bộ phận này. Trong khi đó, Gym và Yoga có khá nhiều bài tập liên quan đến lưng. Vì vậy, hãy lựa chọn các bài tập phù hợp để giảm tình trạng đau lưng.    

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X