Làm gì để giảm đau nhức xương khớp trong thời điểm giao mùa
Nhiều người ví xương khớp như “cỗ máy” dự báo thời tiết, vì khi thời tiết giao mùa, chuyển mưa, chuyển nóng, chuyển lạnh… tình trạng đau nhức sẽ xuất hiện. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM sẽ có những chia sẻ hữu ích về tình trạng này.
1. Lý giải tại sao bệnh đau xương khớp thường chuyển xấu vào mùa lạnh
Thời tiết và xương khớp có mối liên quan như thế nào? Vì sao khi giao mùa, thời tiết chuyển mưa như hiện nay, xương khớp lại đau nhức liên miên?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Từ xưa, vấn đề thời tiết và đau nhức xương khớp đã được ghi nhận có mối liên quan với nhau. Về sau, đã có những nghiên cứu được thực hiện trên cỡ mẫu lớn, mặc dù chưa xác định được cơ chế, tuy nhiên đã ghi nhận khi thời tiết trở lạnh hoặc độ ẩm tăng cao vào mùa mưa tình trạng đau khớp xuất hiện nhiều hơn.
Một số bệnh nhân có bệnh lý ở khớp, ví dụ thoái hoá khớp hay viêm khớp, biểu hiện đau khớp hoặc sưng khớp sẽ trở nặng hơn khi thời tiết chuyển lạnh và độ ẩm tăng.
2. Vào mùa mưa có ảnh hưởng đến khả năng tái phát đau nhức xương khớp?
Đặc biệt với những người có sẵn các bệnh lý xương khớp, mùa mưa như hiện nay sẽ ảnh hưởng thế nào đến khả năng tái phát? Cơn đau nhức sẽ thay đổi ra sao trong mùa này ạ?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng đau nhức xương khớp tăng chủ yếu là do cảm giác đau của bệnh nhân ngày một tăng lên, nguyên nhân không hẳn do tình trạng khớp bị sưng hoặc viêm.
Tuy nhiên, tình trạng đau nhức tăng cao thường xuất hiện ở những khớp nhỏ ngoại biên, ví dụ ở khớp bàn tay hoặc bàn chân.Thường gặp nhất là những tình trạng mắc các bệnh như thoái hoá khớp hoặc bị gút. Một số trường hợp, được ghi nhận xuất hiện ở bệnh lý viêm khớp dạng thấp.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ, người bệnh sẽ có những ngưỡng đau khác nhau. Dựa vào độ ẩm cao hoặc thấp, tình trạng đau nhức xương khớp sẽ diễn ra nhiều hoặc ít.
3. Kiểm soát đau nhức xương khớp như thế nào trong thời tiết giao mùa?
Làm sao để kiểm soát cơn đau khớp hiệu quả trong mùa mưa, giao mùa như hiện nay, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Vào mùa mưa ở miền Nam cũng như vào mùa lạnh ở miền Bắc, độ ẩm trong không khí tăng, phương pháp dễ nhất là sử dụng máy lạnh. Đặc điểm của máy lạnh sẽ giúp làm giảm độ ẩm, tuy nhiên điều này cũng có mặt không tốt. Trường hợp người bệnh ngủ qua đêm, độ ẩm giảm xuống thấp dễ mắc phải các bệnh lý về tai mũi họng. Mặc khác, khi nhiệt độ hạ xuống quá thấp sẽ xuất hiện tình trạng đau khớp.
Do đó, chúng ta có thể sử dụng máy hút ẩm để giảm độ ẩm trong phòng kín, giảm tình trạng đau nhức xương khớp. Ở miền Bắc, vào mùa lạnh có thể sử dụng máy sưởi hoặc khi ra ngoài có thể mang găng tay và vớ, điều này sẽ làm giảm tình trạng đau nhức do thời tiết chuyển mùa.
4. Việc giữ ấm cho cơ thể có tác dụng như thế nào?
Giữ ấm cho cơ thể có tác dụng ra sao trong việc ngăn chặn các cơn đau nhức tái phát? Và giữ ấm sao cho đúng, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Việc giữ ấm liên quan đến bệnh lý đau nhức xương khớp khác với việc chườm nóng cho cơ thể. Một số bệnh lý viêm khớp hoặc những trường hợp chấn thương, khớp đang trong tình trạng viêm hoặc sưng, khi người bệnh chườm nóng sẽ làm cho tình trạng sưng, viêm chuyển nặng hơn.
Vào thời điểm chuyển lạnh, khớp bị đau và không có tình trạng sưng, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp giữ ấm, tốt nhất là mang găng tay và vớ.
Một số bệnh lý không chỉ gây đau khớp, đôi khi tình trạng lạnh còn làm co mạch máu ở tay và chân, điều này đôi khi còn dẫn đến triệu chứng khởi phát bệnh gút cấp hoặc dẫn đến tình trạng co cứng kéo dài các mạch máu, gây đau khớp và đau ở bàn tay, bàn chân.
Khi được giữ ấm, các mạch máu sẽ được giãn nở, làm hạn chế tình trạng co mạch máu và giảm cơn đau. Như vậy, cách tốt nhất là mang găng tay và vớ, không nên giảm đau bằng phương pháp chườm nóng.
5. Thuốc giảm đau, miếng dán giảm đau… có tác dụng trong việc giảm đau không?
Thuốc giảm đau, miếng dán giảm đau… nên sử dụng sao cho đúng cách để kiểm soát cơn đau và an toàn, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Phương pháp giảm đau thường nhất là bằng các loại thuốc uống hoặc dùng miếng dán. Việc giảm đau bằng thuốc uống cần phải thận trọng, an toàn nhất là Paracetamol. Mặc dù một số trường hợp dùng thuốc sẽ không giảm đau tốt, nhưng có thể sử dụng trong hầu hết các trường hợp, độ an toàn ở mức tương đối.
Ngoài ra, còn có các loại kháng viêm, thường được sử dụng nhiều nhất là Ibuprofen, mặc dù loại này hiệu quả giảm đau tốt hơn so với Paracetamol, nhưng nhiều tác dụng phụ. Ibuprofen làm gia tăng về bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, thậm chí gây ra xuất huyết tiêu hoá. Trường hợp người lớn tuổi, thận yếu, sử dụng Ibuprofen cũng làm gia tăng nguy cơ suy thận cấp. Do đó, khi sử dụng thuốc uống để giảm đau cho người bệnh luôn cần phải cẩn trọng.
Bên cạnh các loại thuốc dán, gần đây còn xuất hiện thêm các loại thuốc dạng bôi và xịt. Đặc biệt ở những khớp nhỏ dùng thuốc dạng bôi hoặc xịt sẽ tiện hơn so với thuốc dán. Những loại thuốc này tương đối lành tính và có tác dụng nhẹ. Một số loại kháng viêm rất mạnh tương tự như thuốc uống, về cơ bản sau khi bôi hoặc dán có tác dụng tại chỗ là chủ yếu.
Tuy nhiên, khi sử dụng một lượng quá nhiều (ví dụ bôi, dán ở những vị trí như vai, lưng với một liều lượng cao trong ngày) đôi khi sẽ thấm vào máu và gây ra tác dụng phụ. Ví dụ gây ra xuất huyết tiêu hoá, tổn thương thận, tổn thương tim hoặc thậm chí gây ra đột quỵ. Giảm đau qua việc dùng thuốc uống hay dùng thuốc dán, bôi và xịt luôn cần phải cẩn thận, nhưng về cơ bản dùng thuốc dán sẽ an toàn hơn so với đường uống.
6. Chế độ dinh dưỡng như thế nào là phù hợp với người bệnh đau nhức xương khớp
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng thế nào đến xương khớp ạ? Khi bị đau xương khớp, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa, nên tăng cường ăn gì và cần hạn chế món nào?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Dinh dưỡng trong đau nhức xương khớp là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ngoại trừ bệnh gút có chế độ dinh dưỡng rõ ràng, hiện nay các loại bệnh khác vẫn chưa có chế độ dinh dưỡng phù hợp dành riêng cho từng loại bệnh.
Bệnh nhân gút cần phải giảm thiểu việc hấp thu các loại thức ăn như nội tạng, gan, thận, tim,… Hạn chế các loại hải sản, muối, các loại thức ăn ngọt và thực vật đang phát triển, ví dụ măng, các loại rau mầm hoặc giá.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, một số thực phẩm có tác dụng tốt cho tình trạng đau khớp. Đầu tiên là Omega-3, một số nghiên cứu cho thấy sử dụng Omega-3 liều lượng cao (1000-4000mg) có thể làm giảm các triệu chứng về viêm khớp. Viên nén Omega-3 được bán trên thị trường hiện nay có liều lượng khoảng 500mg hoặc nhiều nhất là 1000mg, nghĩa là một ngày người bệnh cần phải sử dụng từ 2-10 viên.
Loại thứ hai là viên uống vitamin D, một số trường hợp thiếu vitamin D nặng sẽ gây ra đau nhức xương khớp. Việc bổ sung vitamin D sẽ làm giảm tình trạng đau xương khớp. Ngoài ra vitamin D còn làm cải thiện các vấn đề miễn dịch, điều này làm hạn chế được các bệnh lý về viêm khớp. Việc ăn uống hợp lý theo chế độ giúp giữ được cân nặng ổn định, hạn chế được tình trạng đau khớp do những bệnh lý như thoái hoá khớp.
Người bệnh nên hạn chế và tránh việc ăn quá mặn hoặc ăn những loại thức ăn chứa nhiều đường như bánh ngọt, nước ngọt,… Nên hạn chế uống rượu bia, nếu muốn mỗi ngày chỉ nên uống 1-2 lon. Điều này, giúp làm hạn chế tình trạng khởi phát những bệnh lý về viêm khớp, thường gặp nhất là gút.
7. Những lưu ý trong việc xoa bóp đau nhức xương khớp bằng phương pháp thoa dầu nóng
Xoa bóp dầu nóng là phương pháp nhiều người áp dụng khi bị đau nhức xương khớp. Theo BS, việc xoa bóp dầu nóng này có nên thực hiện thường xuyên không? Nếu sử dụng thì nên lưu ý như thế nào trong việc xoa bóp, tần suất và loại dầu?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Việc sử dụng phương pháp xoa dầu trong điều trị giảm đau xương khớp hiện nay rất phổ biến. Trong những trường hợp trời chuyển lạnh, có thể sẽ gây đau xương khớp, việc thoa dầu sẽ làm ấm những vùng đau nhức và hạn chế được tình trạng đau do thời tiết trở lạnh.
Tuy nhiên, việc bôi dầu hoặc chườm nóng chỉ áp dụng trong các trường hợp bệnh lý về xương khớp không viêm. Trường hợp khớp bị viêm, khi bôi dầu, chườm nóng, tình trạng viêm sẽ trở nặng. Tình trạng viêm khớp rất dễ nhận biết, khớp sẽ không sưng và sờ vào không nóng thường là tình trạng đau khớp không do viêm, trường hợp này có thể bôi dầu.
8. Có nên sử dụng các loại cao dán thường xuyên?
Các loại cao dán cũng rất thịnh hành với những người hay bị đau nhức xương khớp. Xin hỏi BS, chúng ta có nên sử dụng các loại cao dán thường xuyên?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Có nhiều loại cao dán khác nhau, một số loại có tác dụng nhiệt là chính, ví dụ làm ấm cơ thể. Một số loại khác, có chứa hoạt chất tác dụng kháng viêm hoặc giảm đau.
Đối với những loại cao, có tác dụng làm nóng, cần lưu ý chỉ sử dụng cho khớp không viêm, gặp trong trường hợp thoái hoá khớp và khớp không sưng, không nóng có thể sử dụng. Đối với những loại cao có dược chất, có tác dụng kháng viêm có thể sử dụng trong trường hợp khớp bị viêm. Trường hợp này, cần phải có sự chỉ định, bác sĩ sẽ nắm được các thành phần trong cao như thế nào để có thể đưa ra hướng dẫn sử dụng một cách phù hợp nhất.
Hồng Phúc (ghi)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình