Đau khớp gối cảnh báo bệnh gì?
Đau vùng khớp gối không còn là vấn đề của riêng người lớn tuổi, những người trẻ ngày nay cũng có nhiều nguyên nhân gây nên cơn đau này. BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn, Phó khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện 115 khuyến cáo mọi người không nên chủ quan khi gặp các triệu chứng.
1. Nguyên nhân đau vùng khớp gối ở người trẻ và người lớn tuổi
- Ngày nay, không chỉ người lớn tuổi, người trung niên bị đau khớp gối mà tình trạng này xuất hiện ở cả người trẻ tuổi. Vậy thì xin hỏi bác sĩ, những nguyên nhân nào gây ra các tình trạng đau khớp gối và nguyên nhân đau vùng khớp gối ở người trẻ có khác gì với những người ở độ trung niên và người lớn tuổi hay không?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Có nhiều nguyên nhân đau vùng khớp gối.
Đầu tiên là đau cơ, khi cơ teo và khớp gối không vững.
Đau khớp gối ở người trẻ thường do chơi thể thao bị chấn thương như đứt dây chằng (chéo trước, chéo sau, cánh trong, cánh ngoài), tổn thương bao khớp, rách sụn chêm, chấn thương xung quanh.
Nguyên nhân ở người già là thoái hóa, mất sụn khiến khớp gối chịu lực nhiều.
Ngoài ra, một số người bị đau liên tục, dai dẳng do viêm, nhiễm trùng, do các bệnh lý như gút, bệnh ung thư,...
2. Tính chất cơn đau khớp nói lên điều gì?
- Tính chất cơn đau và thời điểm đau nói lên điều gì thưa BS? Vì có người chia sẻ đau khi đi, đau khi ngồi, đau vào buổi sáng hoặc chiều. Xin nhờ BS chia sẻ thêm?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Tình trạng đau giúp chúng ta chẩn đoán được khá nhiều về bệnh lý vùng khớp gối.
Ví dụ, đau lúc đi (đặc biệt ở người lớn tuổi) thì đa phần là trường hợp thoái hóa khớp gối.
Đau khi đứng lên ngồi xuống, đi cầu thang là do thoái hóa khớp chè đùi.
Đau liên tục thường là do viêm.
Đau sau một chấn thương, bị sưng nề là trong lúc chấn thương bị bầm dập các cơ.
Đau khi đang chạy có thể là tổn thương dây chằng, bị kẹt hoặc rách sụn chêm.
Đi không vững và bị đau có thể bị teo các cơ, đặc biệt là cơ đầu đùi.
Sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật, bệnh nhân không tập vật lý trị liệu có thể dẫn tới tình trạng teo cơ, không duỗi cơ được ảnh hưởng đến hệ thống vận động của cơ thể.
Các bác sĩ lâm sàng dựa theo những tính chất, cách thức cơn đau để đưa ra định hướng nguyên nhân. Tuy nhiên, cần khám kỹ và thực hiện cận lâm sàng để cho kết quả chính xác.
3. Hãy đi khám khi cơn đau kéo dài
- Khi bị đau khớp gối thì dấu hiệu nào cho thấy người bệnh cần đi khám thưa BS? Nếu cơn đau thuyên giảm tại nhà thì có cần đi bệnh viện hay không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Nếu đau do vô tình đụng trúng/va phải vật dụng thì sẽ dần hết đau. Trường hợp này nếu không bị gãy xương, không chấn thương phần mềm thì đa phần bệnh nhân có thể ở nhà nghỉ ngơi. Ngoài ra, trong một số bệnh lý, uống thuốc có thể giảm đau cũng chưa cần đến bệnh viện.
Khi cơn đau lặp đi lặp lại, dùng thuốc và nghỉ ngơi vẫn không bớt thì nên đi khám ở các chuyên gia chấn thương chỉnh hình - cơ xương khớp. Bệnh nhân không nên tự điều trị, tự bó thuốc ở nhà.
Cấu trúc khớp gối rất phức tạp, ngoài dây thần kinh, mạch máu còn có hệ thống xương, sụn. Một số bệnh lý ung thư xương, thoái hóa khớp, tổn thương dây chằng, sụn khớp rất nguy hiểm.
4. Chườm nóng, chườm lạnh đúng cách để kiểm soát cơn đau
- Người bệnh có thể sử dụng các phương pháp nào để kiểm soát cơn đau ạ? Một số biện pháp mọi người hay làm như chườm nóng, chườm lạnh, massage, tập luyện. Theo bác sĩ thì thực hiện như thế nào cho đúng ạ?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Chườm nóng, chườm lạnh, dùng thuốc cũng như tập vật lý trị liệu đều nằm trong phương pháp điều trị đau khớp gối. Sử dụng sao cho đúng là một điều quan trọng và cần thiết.
Dân gian hay lấy dầu, muối nóng, rượu, lá thuốc... để xoa lên chỗ bị chấn thương, điều này chưa hẳn là đúng.
Khi bị chấn thương, trước tiên cần chườm lạnh để co mạch không chảy máu, kê cao chân, nghỉ ngơi, băng ép tránh phù nề. Việc bó thuốc không đúng khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
Trong một số bệnh lý về co thắt cơ hoặc bệnh lý viêm, chườm ấm giúp kích thích lượng máu nuôi tới vùng chấn thương, tập vật lý trị liệu giảm tình trạng giãn cơ, massage giúp nhóm cơ từ từ hoạt động nhiều hơn.
Khi tập vật lý trị liệu bị sưng nề, dùng chườm lạnh khắc phục.
Cần hiểu đúng về nguyên tắc chườm nóng, chườm lạnh và bó thuốc mới đem lại hiệu quả cho người bệnh theo từng trường hợp.
Ngoài ra, còn có thêm các phương pháp như siêu âm, laser cũng áp dụng tập cho vùng gối mới mục đích kích thích nguồn máu nuôi, tăng cường độ vận động tối đa của khớp.
5. Không lạm dụng thuốc giảm đau
- Nhiều người khi bị chấn thương thì không đi khám ngay mà lại mua thuốc giảm đau. Hậu quả nào sẽ đến nếu bệnh nhân quá lạm dụng thuốc giảm đau thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Điều này hết sức nguy hiểm khi chưa biết bản chất của chấn thương. Chúng ta cần đi khám để được chẩn đoán tình trạng gãy xương, bong gân dựa trên hình chụp và các chứng cứ y khoa mới đáng tin cậy.
Khi tự uống thuốc giảm đau, không biết cách cố định chấn thương, bệnh sẽ trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến các bệnh lý đang có.
Dùng thuốc kháng viêm dài ngày gây hại cho dạ dày, kháng viêm có chứa corticoid sẽ tác động xấu đến hệ cơ xương khớp, làm suy tuyến thượng thận và chức năng miễn dịch của cơ thể.
Dùng thuốc không đúng là tự hại chính mình, cản trở điều trị sau này.
6. Ăn gì tốt cho xương khớp?
- Một số người cho rằng việc ăn những thực phẩm như cà pháo, măng sẽ gia tăng cơn đau khớp. Còn những thực phẩm có chất nhựa như đậu bắp, nha đam sẽ tốt cho khớp. Theo BS thì điều này có đúng không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Mỗi thực phẩm có chất dinh dưỡng riêng. Những thực phẩm chứa canxi, glucosamine trong protein,... sẽ tốt cho khớp.
7. Khớp gối phát ra âm thanh nhưng không đau, có nghiêm trọng?
- Nhiều bạn đọc hỏi rằng khớp gối khi đi phát ra âm thanh rõ nhưng không có triệu chứng sưng và đau. Theo BS tình trạng này có đáng lo không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Khi khớp gối không đau mà cử động phát ra tiếng có thể là hiện tượng dày lên của một số dây chằng, đây cũng là trường hợp bình thường.
Cơ thể có tổn thương sẽ phát tín hiệu bằng những cơn đau.
- Trong sinh hoạt, người bệnh nên thay đổi thói quen nào để giảm áp lực lên khớp gối và có những cách nào phòng ngừa tình trạng này thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Vấn đề giảm áp lực lên khớp gối tùy vào độ tuổi và thói quen sinh hoạt của người bệnh.
Ví dụ: người trẻ có thể chơi thể thao ở cường độ cao; người trung niên cần giảm tải áp lực lên khớp; người già đã thoái hóa khớp sẽ vận động nhẹ nhàng.
Chủ yếu là tập khối cơ tứ đầu đùi, cơ nhị đầu đùi, các nhóm cơ bám gân, bám màng sau với mục đích các cơ giữ khớp gối trong tình trạng tốt nhất.
Những người thừa cân, béo phì nên tập luyện giảm cân để giảm sự tác động lên khớp gối, tránh hiện tượng thoái hóa.
Nếu khớp gối thoái hóa nhưng bệnh nhân không lưu ý đến thì mức độ thoái hóa tăng cao hơn vì ảnh hưởng trực tiếp tới sụn, lớp dưới sụn và xương.
Tùy vào độ tuổi, tình trạng đau mà người bệnh tìm môn thể thao phù hợp, tập luyện đặc biệt khối cơ trước.
Về sau, sự thoái hóa gây đau, không tập luyện thì cơ yếu, cơ yếu tiếp tục gây đau, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình