Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu và nguyên nhân của viêm cân gan bàn chân

Viêm cân gan bàn chân là một bệnh lý xương khớp phổ biến, thường gặp ở người trung niên, người thường xuyên vận động mạnh hay người trẻ phải đi bộ và đứng nhiều. Cơn đau gót chân kéo dài khiến bạn cảm thấy khó chịu cũng như hạn chế khả năng di chuyển bình thường.

1. Viêm cân gan bàn chân là bệnh gì?

Viêm cân gan bàn chân là tình trạng cân gan bàn chân bị tổn thương, dẫn đến các cơn đau ở lòng bàn chân. Cân gan chân có cấu tạo từ các sợi collagen trải dài từ xương gót chân đến chỏm của các xương bàn chân gần gót chân. Dải gân này chịu lực tác động khá lớn từ trọng lực của cả cơ thể. Do đó cũng rất dễ bị chấn thương khi vận động, đứng lâu hoặc tuổi già. 

Đây cũng là những nguyên nhân chính gây viêm cân gan bàn chân. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: mang giày dép không đúng cách, các bệnh về xương khớp, người thừa cân - béo phì, người có cấu tạo bàn chân bẹt.

2. Nguyên nhân gây viêm cân gan bàn chân

Những nguyên do gây ra viêm cân gan bàn chân bao gồm:

- Tuổi tác: Người lớn tuổi, nằm trong khoảng 40 - 60 tuổi, đặc biệt là nam giới rất dễ gặp phải viêm cân gan chân.

- Tập thể dục sai cách: Chạy bộ với cường độ cao, mang giày quá cứng hoặc miếng lót giày không phù hợp đều có thể làm căng và tổn thương cơ bàn chân, dẫn đến tổn thương ở cân gan chân. 

- Dị tật bàn chân bẩm sinh (bàn chân bẹt): Bàn chân bẹt là bàn chân không có hõm cong tự nhiên, gây mất cân bằng cơ thể, đi lại thiếu linh hoạt, khiến mô kết nối ở chân bị kéo dãn và lâu dần gây nên viêm cân gan bàn chân.

- Béo phì: Lượng mỡ thừa tích tụ trên cơ thể làm tăng áp lực lên các cơ gan bàn chân, khiến cho vùng cân gan bị sưng viêm.

- Tính chất công việc: Những người thường xuyên đứng một chỗ quá lâu, đi lại nhiều trên nền cứng, đi chân đất hoặc đi giày cao gót đều có nguy cơ làm tổn thương cân gan bàn chân.

3. Triệu chứng của viêm cân gan bàn chân 

Người mắc chứng viêm cân gan bàn chân có thể gặp phải một số triệu chứng điển hình sau đây:

- Đau nhói, đau buốt, đau âm ỉ ở vùng gót chân và bên dưới bàn chân.

- Cơn đau thường xảy ra ở một bên bàn chân, cũng có trường hợp xảy ra ở cả hai bên.

- Cơn đau thường xuất hiện khi ngủ dậy hay có thời gian nghỉ lâu và đột ngột bước đi.

- Đau nhức khi di chuyển, đứng quá lâu.

- Sưng bầm tím ở gan bàn chân.

Ngoài ra, một số triệu chứng ít xuất hiện như bàn chân bị ngứa râm ran, tê rần, sưng tấy, đau lan rộng. Nếu bệnh nhân bị đứt hay rách cơ cân gan chân sẽ gặp hiện tượng đau cấp tính, sưng cục bộ,...

4. Tác hại và biến chứng của viêm cân gan bàn chân

Bệnh viêm cân gan bàn chân khiến cho người bệnh đau đớn khi di chuyển. Bệnh sẽ cản trở các hoạt động vui chơi, lao động và sinh hoạt thường ngày.

Nếu để lâu không điều trị, bệnh viêm cân gan bàn chân sẽ gây ra những chấn thương ở phần gót. Sau một thời gian, viêm gan bàn chân còn có thể biến chứng thành gai xương gót. Bệnh gai xương gót không gây ra cảm giác đau. Đó là một mẩu xương nhọn mọc ra từ phía dưới xương gót.

Xem thêm: Phòng ngừa viêm cân gan bàn chân

5. Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm cân gan bàn chân

Để ngăn ngừa viêm cân gan chân, người bệnh nên lưu ý một vài điều sau:

- Tập thể thao thường xuyên với cường độ vừa phải, dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp, tránh hoạt động quá mức gây căng cơ.

- Đảm bảo duy trì đúng tư thế khi sinh hoạt và làm việc.

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học.

- Không nên đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, bạn nên đi lại một chút để chân được thư giãn.

- Sử dụng giày, dép phù hợp khi tập luyện, làm việc và sinh hoạt. Tránh dùng giày dép quá cứng, không vừa với chân. Nếu bị viêm cân gan bàn chân, không nên đi chân trần. Đồng thời không nên đi giày cao quá 3 phân để cho gân và cơ bắp chân được thư giãn. Đặc biệt, để giảm đau vào buổi sáng, hãy bước chân ra khỏi giường với một đôi dép êm ái đi trong nhà. Nên sử dụng thêm miếng lót cao su hoặc silicon ở lòng bàn chân khi mang giày.

- Kiểm soát cân nặng ở mức vừa phải để hạn chế gây áp lực lên chân. Đa số những người thừa cân, béo phì có trọng lượng cơ thể lớn có thể làm tổn thương cân gan chân. Vì vậy để giảm tình trạng đau đồng thời phải giảm cân để giảm những áp lực lên bàn chân. Ngoài ra, hãy chọn cho mình môn thể thao ít gây áp lực lên bàn chân của bạn như: bơi lội, đạp xe thay vì đi bộ hoặc chạy bộ.

- Massage chân nhẹ nhàng sau khi thức dậy mỗi sáng. Khi bị viêm cân gan chân, người bệnh nên massage lòng bàn chân, xoa gót chân trước khi đi ngủ. Đặc biệt là mỗi sáng trước khi bước đi ra khỏi giường để giảm đau. Đồng thời, bạn có thể chườm đá vào vùng đau từ 15 - 20 phút, ba đến bốn lần một ngày để giảm đau, chống viêm.

- Khi ngủ mọi người nên mang nẹp chân chống gấp gan bàn chân khi ngủ, giúp giảm đau sau ngủ dậy. Bởi phần lớn khi ngủ bàn chân của bạn sẽ gấp về gan chân và làm chùng cân gan chân. Dẫn đến mỗi buổi sáng ngủ dậy sẽ cảm thấy đau khi bước chân xuống đất

- Tầm soát cột sống, bàn chân bẹt định kỳ để phát hiện sớm các bất thường và có cách điều trị kịp thời.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X