Hotline 24/7
08983-08983

Đau hàm: Chứng đau của hàng triệu người

Viêm khớp và các bệnh về răng có thể gây đau hàm nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là rối loạn khớp thái dương hàm

Đau hàm và đau mặt là chứng đau phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Do có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây đau nên điều quan trọng là người bệnh và thầy thuốc phải tìm ra nguyên nhân chính xác để điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nhiều nguyên nhân dẫn đến đau hàm liên quan đến thương tổn vật lý, thần kinh, mạch máu hoặc bệnh tật khác. Nguyên nhân thường gặp nhất là rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) - tình trạng cơ, dây chằng, đĩa khớp và xương không hoạt động đều. Tỉ lệ người mắc TMJ chiếm khoảng 12% từ nặng đến nhẹ nhưng khoảng gần 5% phải điều trị y khoa vì bệnh nặng. Một số nguyên nhân khác thường gặp như hay cắn chặt răng, nhất là cắn quá chặt khi có cảm xúc mạnh hoặc bị stress; nghiến răng, kể cả nghiến răng lúc ngủ, khiến răng bị tổn hại. Bệnh viêm tủy xương và hoại tử xương ảnh hưởng đến xương và mô liên quan với hàm hoặc bệnh viêm khớp và viêm dây chằng cũng có thể dẫn tới đau hàm. Bệnh về răng, lợi, sâu răng, răng bị tổn hại, răng bị lệch, mất răng, áp- xe... cũng có thể là nguyên nhân gây đau hàm. Nhức căng đầu, đau nửa đầu, đau do tổn hại dây thần kinh hoặc mạch máu, đau cơ, mệt mỏi, mất ngủ và đau do bệnh tâm thần cũng có thể khiến hàm và mặt bị đau.

Triệu chứng đau hàm cũng thay đổi tùy theo nguyên nhân gây đau. Bệnh nhân có thể nhận thấy một số triệu chứng như nhức đầu, đau tai, ù tai, đau răng, chóng mặt, sốt, mặt sưng, cảm giác nóng, căng hàm và mặt, áp lực phía sau mắt, khớp và cơ hàm mặt căng, khó há miệng và càng đau nhiều hơn khi hàm cử động. Vài triệu chứng khác có thể kèm theo tùy thuộc vào nguyên nhân gốc của chứng đau hàm nhưng ít phổ biến hơn. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được trợ giúp của bác sĩ hoặc nha sĩ để kịp thời xác định nguyên nhân và chữa trị sớm, không để bệnh quá nặng và tránh biến chứng về nha khoa, nhiễm trùng, đau mạn tính hoặc bệnh khác và có khi phải cần đến phẫu thuật.

Cần xác định đúng nguyên nhân gây đau hàm mới có thể điều trị hiệu quả Ảnh: FOX NEWS
Cần xác định đúng nguyên nhân gây đau hàm mới có thể điều trị hiệu quả Ảnh: FOX NEWS

Chẩn đoán và trị liệu

Để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân nhằm điều trị đau hàm hiệu quả, bệnh nhân cần được thầy thuốc khám và điều trị thông qua đánh giá về thần kinh, xương cổ, hàm, miệng, cơ, tiền sử bệnh, tình trạng tâm thần. Vài xét nghiệm có thể cần được thực hiện như xét nghiệm tốc động lắng máu để phát hiện tình trạng viêm, xét nghiệm hình ảnh X-quang hoặc cộng hưởng từ.

Điều trị đau hàm nhất thiết phải tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau. Trường hợp đau do nhiễm trùng, thầy thuốc chỉ định kháng sinh. Đau do viêm và sưng, bệnh nhân có thể được tiêm steroid hoặc dùng thuốc giảm đau. Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm để giảm đau. Dùng thuốc xịt làm mát để giảm cơ bị đau hoặc chất cay capsaicin tại chỗ trong trường hợp đau do dây thần kinh hoặc thầy thuốc cho gây tê cục bộ nếu bệnh nhân đau nhiều. Chữa răng hoặc nhổ răng nếu đau và sưng hàm do răng. Ngoài ra còn có vài biện pháp trị liệu khác, tùy theo nguyên nhân gây sưng hàm ít phổ biến hơn. Bệnh nhân nên tham khảo với thầy thuốc để có thể được chữa trị bằng biện pháp thích hợp nhất. Vài cách chữa trị được ghi nhận ít nhiều có tác dụng giảm đau như vật lý trị liệu, liệu pháp thư giãn, châm cứu, mát-xa, chườm nóng hoặc lạnh.

Trong những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà nhưng cần phải gặp bác sĩ khi tình trạng đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày; cử động ở hàm không đều hoặc khi cử động khớp có tiếng kêu; kèm theo đau cổ hoặc vùng lưng trên, đau mắt, nhức đầu, ù tai hoặc có vấn đề về răng. Bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ để tìm được chính xác nguyên nhân đau tiềm ẩn. 

Phòng ngừa

Khi bệnh nhân biết được những tác nhân có thể gây đau hàm, họ có thể tự ngăn ngừa và không để cơn đau tái phát. Một số biện pháp phòng ngừa hữu ích bao gồm:

- Tránh thức ăn quá cứng, kẹo cao su, cắn móng tay.

- Dùng thức ăn mềm khi thấy chớm đau.

- Xoa bóp vùng cằm và cổ.

- Tránh thức uống chứa caffeine.

- Tránh cắn chặt răng, nghiến răng.

- Tránh há miệng quá rộng khi ngáp.

- Bổ sung canxi và magiê nếu thích hợp.

- Giữ đúng tư thế tự nhiên của cơ thể để không làm căng hàm, cổ, lưng.

- Khám răng thường xuyên.


Theo Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X