Đau, chảy máu và hôi miệng - đề phòng viêm nướu
Ngoài các vấn đề tại miệng như vôi răng, viêm nha chu, áp xe… thì những nguyên nhân ngoài miệng cũng gây ra vấn đề viêm nướu như bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị bằng hóa chất, có thể làm sưng nướu, tiêu xương. Những chia sẻ của BS.CK1 Phan Bá Ngọc - Giám đốc Nha khoa hạnh Phúc sẽ giúp bạn hiểu thêm về tình trạng này.
1. Đỏ nướu có thể do bệnh lý hoặc chỉ là di truyền
Nhiều bạn đọc soi gương thấy lợi của mình bị đỏ lên ở chỗ chân răng, mặc dù không thấy khó chịu nhưng cũng hơi lo lắng. BS có thể cho biết lợi đỏ là biểu hiện của bệnh gì?
BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Lợi đỏ có 2 vấn đề: mắc bệnh răng miệng hoặc không mắc bệnh răng miệng. Một số người có sắc tố nướu, mang tính chất di truyền, ngoài vấn đề đỏ nướu, nếu không có biểu hiện triệu chứng khác, đó không phải viêm nướu.
Thứ hai là vấn đề bệnh lý, ví dụ như lợi đỏ, lợi sưng, kết hợp tình trạng hôi miệng, có vôi răng, chảy máu, đó là bệnh lý về răng miệng. Một số bệnh răng miệng thường gặp như: viêm nướu, viêm nha chu, các trường hợp viêm loét miệng, áp xe nha chu cũng gây ra tình trạng đỏ nướu.
2. Dấu hiệu của viêm nướu
Còn đối với viêm nướu sẽ có những biểu hiện gì, trường hợp nào là viêm nặng?
BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Viêm nướu thường đi kèm các triệu chứng đau nhức, không đau nhức, có dấu hiệu hôi miệng hoặc chảy máu nướu. Trong đó, chảy máu nướu có 2 dạng là chảy máu tự nhiên hoặc có tác động ăn uống làm chảy máu nướu, gây đỏ. Bên cạnh đó, nếu bị viêm nướu, khi đánh răng nhẹ hoặc mạnh đều gây chảy máu nướu; chảy mủ phần nướu.
Một số dấu hiệu viêm nướu nặng sẽ gặp các tình trạng: thường bị chảy máu nhiều, có thể chảy máu tự nhiên hay đánh răng nhẹ gây chảy máu; sưng nướu; răng lung lay, nướu sưng kết hợp ổ mủ chân răng… Khi có các dấu hiệu này, người bệnh cần đi khám ngay để bác sĩ kiểm tra tình trạng, xử trí sớm, tránh tình trạng trở nặng về sau.
3. Xử trí các nguyên nhân để điều trị khỏi viêm nướu
Viêm nướu được điều trị như thế nào, thưa BS?
BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Đầu tiên, cần tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm nướu, ví dụ như có vôi răng, cần phải cạo sạch; viêm nha chu sẽ điều trị bằng túi nha chu, nạo nha chu, làm sạch; áp xe nướu cần chích sạch và điều trị vùng có áp xe.
Một số trường hợp khác như viêm tủy răng, sau khi mắc vấn đề này sẽ dẫn đến viêm phần nướu bên ngoài, lúc này cần xử lý nguyên nhân để điều trị khỏi viêm nướu.
Các nguyên nhân toàn thân, không tại nướu, cần điều trị bệnh toàn thân để chữa khỏi viêm nướu.
4. Không tự ý mua kháng sinh điều trị viêm nướu
Nhiều người tham khảo trên mạng thấy mình bị viêm nướu và tự mua kháng sinh uống, cách chữa này có ổn không ạ?
BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Vấn đề chính là giải quyết nguyên nhân, uống kháng sinh chỉ là biện pháp tạm thời, không giải quyết viêm nha chu, vôi răng, sâu răng sẽ không khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, việc tự ý mua kháng sinh dẫn đến tình trạng sử dụng liều lượng không đúng. Đối với kháng sinh, phải dùng ít nhất 5-7 ngày, hoặc 10-14 ngày. Nhiều trường hợp sử dụng kháng sinh 1-2 ngày, giảm viêm nướu sẽ không tiếp tục sử dụng, gây kháng thuốc. Vì vậy, không nên tự ý mua kháng sinh để sử dụng điều trị viêm nướu.
5. Suy giảm miễn dịch, giảm tiểu cầu, ung thư, phụ nữ mang thai có thể bị viêm nướu
Liệu viêm nướu có thể do những nguyên nhân khác ngoài khoang miệng hay không?
BS có thể đưa ra những việc cần làm để phòng ngừa viêm nướu?
BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Ngoài khoang miệng, một số nguyên nhân toàn thân gây viêm nướu như: suy giảm miễn dịch; bệnh lý về máu (giảm tiểu cầu gây sưng nướu, chảy máu nướu); ung thư. Trong đó, nhiều trường hợp được phát hiện mắc ung thư từ các dấu hiệu như sưng nướu, chảy máu nướu. Một số trường hợp đang điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị bằng hóa chất, có thể làm sưng nướu, tiêu xương; phụ nữ trong giai đoạn sinh nở, thay đổi nội tiết có thể dẫn đến sưng nướu…
6. Tuân thủ vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa viêm nướu
Làm gì để phòng ngừa viêm nướu, thưa BS?
BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Để phòng ngừa viêm nướu và các bệnh răng miệng khác, đầu tiên, đối với nguyên nhân tại miệng phải vệ sinh đúng cách răng miệng, tuân thủ nguyên tắc đánh răng ít nhất 2 lần/ngày (sáng và tối); chải răng xoay tròn hoặc theo dọc thân răng; không đánh răng ngang và đủ các mặt của răng. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm chỉ nha khoa, tăm nước để làm sạch kẽ răng; chải lưỡi, dùng nước súc miệng để làm sạch toàn bộ khoang miệng.
Ngoài ra, phải cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/lần. Đây là vấn đề quan trọng vì giúp làm sạch miệng, phòng ngừa bệnh lý răng miệng. Đồng thời, khi thăm khám cạo vôi răng, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề về nướu, nha chu, sâu răng, từ đó, cho lời khuyên giải quyết triệt để. Những vấn đề trên sẽ giúp phòng ngừa bệnh về nướu và răng miệng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình