Hotline 24/7
08983-08983

Đau bụng dưới thường gặp ở bệnh gì, xử lý ra sao khi gặp tình trạng này?

Đau bụng dưới là biểu hiện của rất nhiều bệnh ở đại tràng, manh tràng, ruột thừa, ruột non, tụy, thận, bàng quang, niệu quản, tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt… Cần nắm rõ các triệu chứng đi kèm khi đau bụng dưới để biết cần làm gì khi gặp tình huống này.

Những bệnh nào có thể gây đau bụng dưới?

 


Bụng được phân chia một cách tương đối, dựa vào rốn làm mốc, thành bốn vị trí, đó là trên rốn (thượng vị), dưới rốn (hạ vị, bụng dưới), bên trái rốn là hố chậu trái, bên phải rốn là hố chậu phải. Như vậy, hạ vị hay dưới rốn hay bụng dưới chỉ là một vùng của bụng.

Tình trạng đau ở vùng bụng có thể xuất phát từ bất cứ bộ phận nào ở khu vực này, bao gồm:

- Các bộ phận liên quan đến tiêu hóa: Đoạn cuối của thực quản, bao tử, ruột non và ruột già, gan, túi mật, và tuyến tụy.

- Động mạch chủ: Là một mạch máu lớn chạy xuống vào bên trong ruột.

- Ruột thừa (ruột dư): Là một bộ phận ở phần bụng dưới bên phải.

- Thận: Là bộ phận có hình dạng 2 hạt đậu, nằm sâu bên trong khoang bụng.

- Lá lách: Là một bộ phận có tác dụng bảo dưỡng máu và kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.

- Buồng trứng: Bộ phận trong cơ thể người phụ nữ, đảm nhiệm chức năng sinh sản.

Cần lưu ý là một số trường hợp cùng một lúc có hơn một bộ phận trong bụng dưới bị đau, chúng tác động qua lại và gây nên đau bụng dưới (ví dụ, bệnh phụ khoa ở nữ giới tác động, chèn ép bàng quang gây viêm và cả hai bệnh đều gây đau bụng dưới).

Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên trái

 
Các tình trạng khác của hệ tiêu hóa gây đau bụng dưới bên trái đột ngột bao gồm: Táo bón nặng, viêm ruột, nhiễm trùng đường ruột, thoát bị nghẹt… Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Bụng dưới bên trái là khu vực từ rốn đến xương chậu của bạn. Góc phần tư bụng dưới bên trái của bạn bao gồm các mô khác nhau, bao gồm cả cơ bắp, mỡ và mô liên kết. Phần cuối của ruột già, bao gồm cả đại tràng sigma và trực tràng cũng nằm trong góc phần tư này. Vùng bụng dưới bên trái cũng chứa cả buồng trứng.

Nguyên nhân gây đau bụng dưới phía bên trái có thể do nhiều vấn đề khác nhau như hệ tiêu hóa, các bệnh liên quan đến cơ quan sinh sản, hệ bài tiết, hệ tuần hoàn hoặc thậm chí là những vấn đề về cơ. Trong một số trường hợp, những cơn đau bụng này không chỉ tập trung ở vùng bụng dưới mà còn có thể lan ra sau lưng.

Rối loạn tiêu hóa, mành ruột già bị sưng đau thì thường không có triệu chứng biểu hiện đặc biệt. Những cơn đau bụng dưới thường đau quặn gần với đau đẻ, người nóng sốt, đầy bụng, tiêu chảy hay đi vệ sinh ra máu.

Bệnh viêm túi thừa cấp tính thường được chẩn đoán phổ biến nhất ở người lớn khi họ bị đau bụng dưới, bên trái. Tình trạng này liên quan đến viêm sưng các đồi nhỏ của thành ruột kết được gọi là huyệt đạo. Khi túi mật bị viêm sẽ gây ra các triệu chứng đau bụng dưới. Những cơn đau thường xảy ra ở bụng dưới bên trái, vì đây là nơi mà dây thần kinh thường phát triển nhất. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đầy bụng, sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.

Các tình trạng khác của hệ tiêu hóa cũng có thể gây đau bụng dưới bên trái đột ngột bao gồm: Táo bón nặng, viêm ruột, nhiễm trùng đường ruột, thoát bị nghẹt…

Bệnh lý của hệ sinh sản: Bệnh này xảy ra đối với những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, những cơn đau nhói ở vùng bụng dưới bên trái là những dấu hiệu về những bệnh lý liên quan đến hệ sinh sản như: mang thai ngoài tử cung, lạc nội mạc tử cung, sảy thai, u nang buồn trứng hay bị bệnh xơ tử cung,... Đối với nam giới cũng có thể gặp một số vấn đề liên quan đến sinh sản gây nên những cơn đau bụng dưới bên trái như: nhiễm trùng/ viêm túi tinh, nhiễm trùng/ viêm tuyến tiền liệt, xoắn tinh hoàn,...

Sỏi tiết niệu: Sỏi được hình thành một cách âm thầm và thường chỉ được phát hiện lần đầu bởi cơn đau quặn. Bệnh nhân lên cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng thắt lưng, lan xuống vùng hạ vị, đến vùng bẹn và cơ quan sinh dục, có thể kèm theo tiểu buốt rắt.

Bên cạnh đó, các vết bầm hay khối máu tụ ở các cơ trong thành bụng có thể gây ra cơn đau bụng dưới bên trái. Những vấn đề có liên quan đến hệ tuần hoàn như phình động mạch chủ bụng (tình trạng động mạch chủ ở bụng phình ra như một trái bóng và có thể bị vỡ ra) cũng là một nguyên nhân của các cơn đau này. Ngoài ra, cục máu đông hoặc viêm các mạch máu ở vùng bụng dưới bên trái cũng có thể dẫn đến những cơn đau đột ngột tại vùng này.

Đau bụng dưới bên phải

 
Coi chừng bị viêm ruột thừa nếu có triệu chứng đau bụng dưới bên phải. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Viêm ruột thừa: Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau bụng dưới bên phải được xác định là do viêm ruột thừa. Hầu hết biểu hiện đầu tiên của viêm ruột thừa là đau bụng ở khu vực xung quanh rốn. Qua vài giờ, cơn đau sẽ tiếp tục xuất hiện và dần dần trở nên dữ dội hơn, lan dần xuống vùng bụng dưới bên phải và cơ bụng ở nơi xuất hiện cơn đau dần dần trở nên căng cứng. Bạn còn có thể bị sốt nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón đi kèm với đau bụng.

Táo bón: Khi bạn không thể đi đại tiện thường xuyên do táo bón, bạn cũng thường gặp những cơn đau bụng dưới bên phải rất khó chịu.

Nhiễm trùng thận phải: Khi bạn cảm thấy đau bụng dưới bên phải cùng với đau lưng, đau bẹn phải và sốt, rất có thể bạn đã bị nhiễm trùng thận phải. Khi một thận đã bị nhiễm trùng, bạn có thể cảm thấy buồn tiểu liên tục nhưng khi đi tiểu thì lại cảm thấy đau rát khó chịu, nước tiểu có thể lẫn máu hoặc mủ.

Sỏi thận: Hầu hết người bị bệnh sỏi thận chỉ nhận biết qua các dấu hiệu như đau quặn dữ dội ở vùng bụng dưới hoặc qua chụp Xquang, siêu âm. Khi cử động hay thay đổi tư thế sẽ xuất hiện cơn đau thắt ở vùng eo, thân nhiệt tăng, khó chịu, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh và sình bụng. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ thấy nước tiểu đậm màu, có mùi nồng nặc, ớn lạnh và buồn tiểu nhiều.

Bệnh Crohn: là chứng viêm mãn tính, thường có liên quan đến tình trạng loét và rò đường ruột. Triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng dưới bên phải nhưng có kèm theo buồn nôn, sốt, tiêu chảy, phân có máu, da phát ban và có vết loét trong miệng.

Khối u carcinoid: Là thể ung thư bất thường và hiếm gặp ở đường tiêu hóa người lớn tuổi, khối u carcinoid sẽ có triệu chứng điển hình là đau bụng dưới bên phải khi phát triển ở trên ruột hoặc ruột thừa. Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và những cơn nóng bừng mặt cũng là triệu chứng hay đi kèm với các cơn đau bụng.

Đau bụng dưới rốn ở nữ giới

 
Triệu chứng đau bụng dưới ở nữ giới có thể cảnh báo nhiều bệnh như viêm vùng chậy, u xơ tử cung, mang thai ngoài tử cung... Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Cơn đau bụng dưới rốn ở nữ nếu xuất hiện ở giai đoạn giữa 2 kỳ kinh thì có thể cơ thể bạn đang trong giai đoạn rụng trứng.

Trong thời điểm này, buồng trứng sẽ giải phóng 1 quả trứng trưởng thành và một số chất dịch cùng với máu. Vì vậy, có thể gây kích ứng niêm mạc của bụng, tạo thành cơn đau. Đau bụng dưới rốn ở nữ trong giai đoạn này không có hại và có thể biến mất chỉ trong vài giờ.

Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau bụng dưới rốn kéo dài âm ỉ, buồn nôn, chóng mặt, sút cân chị em cần đi khám vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản như:

Viêm vùng chậu: Đau bụng dưới kèm theo triệu chứng như sốt, dịch tiết âm đạo bất thường, đau khi quan hệ tình dục hoặc mót tiểu, cảnh báo chứng viêm vùng chậu. Đây là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây biến chứng vô sinh ở nữ, bệnh có thể gây tổn thương ở tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng.

Mang thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung là trường hợp khẩn cấp, có tính nguy hiểm cao. Các triệu chứng mang thai ngoài tử cung bao gồm đau vùng chậu dữ dội, cảm giác chuột rút ở 1 bên thành bụng, chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt.

Viêm vòi trứng: Nếu bạn thấy khó chịu, đau âm ỉ ở vùng bụng dưới kèm theo đau lưng, mệt mỏi toàn thân, sốt nhẹ, kinh nguyệt thường không đều và đau, sau khi có kinh, các triệu chứng lại dội lên thì có thể bạn bị viêm vòi chứng.

U xơ tử cung: Bệnh này thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40 và thường không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, ở một số trường hợp người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau bụng dưới, đau lưng, kinh nguyệt hay quan hệ tình dục bị đau, hoặc khó khăn trong việc mang thai...

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu là vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu tấn công bất cứ nơi nào từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản. Nó gây ra các triệu chứng như đau bụng, đi tiểu đau, buốt và lúc nào cũng mót tiểu.

U nang buồng trứng: Nếu bạn bị đau bụng dưới trong nhiều ngày với những cơn đau âm ỉ hãy nghĩ đến căn bệnh này.

Viêm vùng tiểu khung: Bệnh nhân đau hoặc viêm vùng chậu mãn tính có dấu hiệu đau bụng dưới kéo dài đặc biệt vào những ngày bị hành kinh.

Đau bụng dưới khi mang thai có nguy hiểm không?

 
Đau bụng dưới khi mang thai tăng dần, từng cơn, dồn dập kèm ra máu tươi có thể là triệu chứng nguy hiểm... Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Đau bụng dưới khi mang thai là biểu hiện phổ biến mà rất nhiều chị em gặp phải. Hiện tượng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và mức độ nguy hiểm của nó cũng khác nhau ở tùy người, phụ thuộc vào tính chất đau và các dấu hiệu đi kèm.

Bình thường, vào tháng đầu mang thai, thai đang làm tổ nên có thể tạo ra cảm giác đau lâm râm, âm ỉ trong khoảng 2-3 ngày. Nếu thấy cảm giác đau này không tăng lên mà có xu hướng giảm đi và hết thì bạn có thể không cần lo lắng quá.

Còn trong trường hợp cơn đau bụng tăng dần, kèm theo những triệu chứng khác như: ra máu đen lợn cợn như bã cà phê, đi ngoài, buồn nôn, ói mửa, choáng váng, mệt mỏi, suy kiệt sức lực... thì bạn cần đi khám ngay lập tức. Tất cả các dấu hiệu trên có thể do tình trạng mang thai ngoài dạ con.

Còn nếu bạn bị đau từng cơn, tăng dần, dồn dập, kèm theo ra máu tươi cục thì có thể là biểu hiện của hiện tượng dọa sẩy thai. Nếu gặp trường hợp này bạn cũng cần đi khám ngay để được bác sĩ can thiệp kịp thời. Nếu để hết đau bụng thì rất có thể thai đã hoàn toàn bị đẩy ra khỏi buồng tử cung.

Cần làm gì khi đau bụng dưới?


Cha đẻ của ngành y học Tây phương Hippocrates đã từng khẳng định: “Bản năng của người bệnh chính là thầy thuốc của họ. Thầy thuốc chính là sự giúp đỡ của bản năng”.

Không có thầy thuốc nào giỏi hơn chính bạn. Chính vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, bạn cần phải theo dõi, để ý đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể, dù là nhỏ nhất. Và khi phát hiện ra thì đừng chần chừ, bỏ lỡ thời gian mà đi khám với bác sĩ ngay. Nó có thể là một căn bệnh lành tính nhưng biết đâu lại có phần trăm ác tính, nhờ đi khám sớm sẽ kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách mang lại hiệu quả cao.

Triệu chứng đau bụng dưới cũng ngoại lệ. Bởi bụng dưới chứa đựng rất nhiều các cơ quan khác nhau. Vì vậy khi một trong các cơ quan đó bị bệnh đều gây đau, thậm chí làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác (chèn ép, lây lan mầm bệnh gây viêm nhiễm …) cũng gây đau, nếu không am hiểu kỹ về chuyên môn, tự chẩn đoán, tự điều trị sẽ rất nguy hiểm cho bản thân hoặc người nhà bị đau bụng dưới.

Lúc này, hãy đến ngay cơ sở y tế chyên khoa để tiến hành xét nghiệm siêu âm, chụp chiếu, nội soi trực tràng, chụp khung đại tràng… Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán, nếu như bị đau bụng bên phải do viêm ruột thừa, u nang buồng trứng, hay chửa ngoài tử cung… thì cần phải tiến hành phẫu thuật gấp.

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X