Hotline 24/7
08983-08983

Đái tháo nhạt: Chẩn đoán và điều trị ra sao?

Đái tháo nhạt là một rối loạn đặc trưng bởi tình trạng khát và sự bài tiết của lượng lớn nước tiểu. Đái tháo nhạt có thể do nhiều nguyên nhân, vì vậy cần thăm khám để xác định bệnh và có hướng điều trị kịp thời.

I. Chẩn đoán bệnh đái tháo nhạt

1. Chẩn đoán xác định

Với bệnh lý đái tháo nhạt người bệnh sẽ có cảm giác khát, uống nhiều, tiểu nhiều, lượng nước tiểu trong ngày trên 3 lít, tỷ trọng nước tiểu thấp (1,001 - 1,005), mất khả năng cô đặc nước tiểu, không có thay đổi bệnh lý trong thành phần nước tiểu.

2. Chẩn đoán phân biệt

a. Nghiệm pháp nhịn nước

Chuẩn bị: Bệnh nhân được nhập viện từ tối hôm trước.

Chỉ nên tiến hành cho người bệnh có tiểu nhiều nhược trương, nồng độ natri và độ thẩm thấu huyết tương bình thường. Cách tiến hành như sau:

- Ngừng các thuốc có ảnh hưởng đến tác dụng và tiết ADH như caffein, rượu, thuốc lá ít nhất 24 giờ. Các yếu tố kích thích khác đối với tiết ADH như nôn, hạ huyết áp cần được theo dõi để giúp đỡ cho phân tích kết quả.

- Nghiệm pháp được tiến hành vào buổi sáng. Theo dõi từng giờ một cân nặng, độ thẩm thấu huyết tương, nồng độ natri huyết tương, độ thẩm thấu và thể tích nước tiểu.

- Người bệnh sẽ được yêu cầu nhịn uống nước tới khi cân nặng cơ thể giảm 5%, nồng độ natri và độ thẩm thấu huyết tương đạt tới giới hạn cao của bình thường (Na > 145 và độ thẩm thấu > 295 mOsm/kg, hoặc độ thẩm thấu niệu đo hàng giờ ổn định (biến thiên < 5% trong vòng 3 giờ).

Đánh giá kết quả:

- Nếu độ thẩm thấu nước tiểu không đạt được 300mOsm/kg trước khi những thông số này đạt được, loại bỏ khả năng uống nhiều tiên phát.

- Đái tháo nhạt không hoàn toàn: độ thẩm thấu nước tiểu sẽ lớn hơn độ thẩm thấu huyết tương, nhưng nước tiểu vẫn còn cô đặc dưới mức tối đa.

- Đái tháo nhạt hoàn toàn: độ thẩm thấu nước tiểu sẽ duy trì thấp hơn độ thẩm thấu huyết tương.

b. Nghiệm pháp truyền dung dịch natri ưu trương

Trong trường hợp đái tháo nhạt không hoàn toàn (trung ương hoặc thận) có thể có khả năng cô đặc một phần nước tiểu tương xứng với khiếm khuyết về tiết và tác dụng của ADH. Truyền dung dịch natri ưu trương và đo nồng độ ADH sẽ giúp phân biệt giữa uống nhiều tiên phát, đái tháo nhạt trung ương không hoàn toàn, đái tháo nhạt không hoàn toàn do thận.

Cách tiến hành:

- Truyền dung dịch natri ưu trương (3%) với tốc độ 0,05 - 0,1 mL/kg/phút. Trong 1 - 2 giờ, cứ 30 phút đo natri và độ thẩm thấu huyết tương một lần.

- Định lượng ADH khi natri và độ thẩm thấu huyết tương đạt đến mức giới hạn trên của bình thường (Na >145 mEq/L và osmolality > 295 mOsm/kg).

- Lập đường biểu diễn để sau đó phân biệt giữa uống nhiều tiên phát, đái tháo nhạt trung ương hay do thận không hoàn toàn.

Nghiệm pháp này chống chỉ định đối với người có nguy cơ gây tăng gánh thể tích (như người bệnh đang có bệnh tim hoặc suy tim ứ huyết).

Xem thêm: Các phương pháp điều trị bệnh đái tháo nhạt

II. Điều trị bệnh đái tháo nhạt

1. Điều trị chung

Điều trị đái tháo nhạt đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước. Lượng nước uống vào gần tương đương với lượng nước tiểu. Vì thế với những trường hợp đái tháo nhạt nhẹ thì có thể bác sĩ chỉ khuyên uống 2 - 3 lít nước/ngày mà không cần dùng thuốc gì. 

Những trường hợp đái tháo nhạt đi tiểu nhiều lần khiến bạn mất thời gian và phiền toái nên cần phải được điều trị. Dù đi đâu, làm gì thì bạn cũng phải mang theo hoặc chuẩn bị có đủ nước uống, nhất là trong những ngày hè.

2. Điều trị đặc hiệu

Phương thức điều trị phụ thuộc loại đái tháo nhạt:

a. Đái tháo nhạt trung ương

Điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh: Nếu nguyên nhân gây đái tháo nhạt là xuất hiện khối u tại vùng hạ đồi hay tuyến yên, bệnh nhân sẽ được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp:

- Kiểm soát lượng nước uống: Bệnh nhân mắc đái tháo nhạt nhẹ có thể uống đủ lượng nước để giải tỏa cơn khát và giữ nồng độ điện giải trong máu ổn định, kết hợp với theo dõi nồng độ điện giải trong máu.

- Sử dụng Desmopressin: Có tác dụng tương tự như ADH, dùng qua đường nhỏ mũi, xịt mũi hoặc đường uống, dùng 1 - 3 lần/ngày theo liều lượng mà bác sĩ quyết định.

Các trường hợp đái tháo nhạt do chấn thương đầu hay phẫu thuật não chỉ cần điều trị trong vài tuần. Với những nguyên nhân khác, việc điều trị đái tháo nhạt có thể kéo dài đến suốt đời.

Điều trị đái tháo nhạt trung ương:

- Chế độ ăn giảm muối kết hợp với lợi tiểu thiazid có tác dụng điều trị đái tháo nhạt trung ương do giảm thể tích nhẹ, tăng tái hấp thu natri và nước ở ống lượn gần, thuốc có tác dụng tốt hơn khi điều trị đái tháo nhạt do thận.

- Một số trường hợp người bệnh đái tháo nhạt có triệu chứng nôn, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, gây rối loạn nước và điện giải, cần bồi phụ nước điện giải đủ và kịp thời.

- Điều trị các bệnh phối hợp nếu có.

- Nâng cao thể trạng, bổ sung các vitamin thiết yếu.

b. Đái tháo nhạt do thận

Đổi thuốc theo lời khuyên của bác sĩ nếu nguyên nhân đái tháo nhạt do thận là do tác dụng phụ của một vài loại thuốc như lithium.

Bệnh nhân đái tháo nhạt do thận mức độ nhẹ có thể uống thật nhiều nước để tránh tình trạng mất nước. Đồng thời, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn để giảm lượng nước tiểu như ăn ít muối, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đạm (thịt, cá, trứng,...);

Bệnh nhân đái tháo nhạt do thận mức độ nặng có thể điều trị bằng thuốc hydroclorothiazid để giảm lượng nước tiểu do thận thải ra.

c. Điều trị đái tháo nhạt ở phụ nữ có thai

Phần lớn các trường hợp này có đáp ứng tốt với thuốc demopressin. Bệnh sẽ tự hết ngay sau đẻ.

Đái tháo nhạt là bệnh lý ít gặp, có thể điều trị được nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh, đôi khi cũng có thể gây biến chứng mất nước nặng. Vì thế những người có tiểu nhiều và khát nước nhiều cần đi khám bệnh sớm. Những người đã được chẩn đoán chắc chắn bị đái tháo nhạt cần nhớ dùng thuốc đều và uống đủ nước.

Xem thêm: Biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt

III. Lưu ý liên quan đến đái tháo nhạt

Bệnh nhân bị đái tháo nhạt kèm tiêu chảy, nôn ói cần uống nhiều nước để tránh mất nước.

Chú ý để không bị thừa nước khi uống nhiều nước hơn lượng nước thải ra ngoài vì thừa nước có thể làm rối loạn nồng độ điện giải trong cơ thể, đặc biệt là hạ Natri. Những dấu hiệu khi cơ thể bị thừa nước, hạ Natri máu gồm đau đầu, tăng cân, chóng mặt, mệt mỏi, lơ mơ hay thậm chí là co giật, mất nhận thức.

Bệnh đái tháo nhạt có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh như tiểu nhiều, khát nước nhiều, mất nước, mệt mỏi,... tốt nhất bệnh nhân nên sớm đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị tích cực, hiệu quả.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X