Hotline 24/7
08983-08983

Tìm hiểu về bệnh đái tháo nhạt

Bệnh đái tháo nhạt là rối loạn cân bằng nước do đào thải qua thận nước không thẩm thấu. Đái tháo nhạt là bệnh ít gặp, trong 25.000 người, có 1 người mắc bệnh. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng chủ yếu xảy ra ở người lớn. Hiện tượng đái tháo nhạt cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn phụ nữ mang thai.

1. Sơ lược về khả năng cân bằng nước của cơ thể

Nước chiếm tới 70% trọng lượng cơ thể, giúp kiểm soát nồng độ các chất điện giải, đặc biệt là Natri và Kali. Vì vậy, việc giữ cân bằng giữa lượng nước đưa vào và lượng nước thải ra khỏi cơ thể là vô cùng quan trọng.

Cơ thể kiểm soát sự cân bằng nước qua 2 cách chính:

- Làm bạn cảm thấy khát, thúc đẩy uống nước nhiều hơn.

- Kiểm soát cân bằng nước thông qua hormone kháng lợi niệu ADH để kiểm soát lượng nước thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

ADH (còn có tên gọi là vasopressin) là hormone được tạo ra bởi vùng dưới đồi trong não. Sau đó, ADH được chuyển tới tuyến yên và được phóng thích vào máu. Sau khi vào máu, ADH tác động lên thận, khiến thận thải ít nước qua nước tiểu hơn (nước tiểu cô đặc hơn).

Nếu cơ thể mất nước, cảm giác khát sẽ thúc đẩy việc uống nước và ADH được tiết nhiều hơn để giảm lượng nước thải ra ngoài qua nước tiểu. Khi cơ thể đã có quá nhiều nước, cảm giác khát sẽ biến mất, ADH sẽ được tiết ra ít hơn để làm tăng lượng nước thải ra ngoài qua nước tiểu (nước tiểu trở lên loãng hơn).

2. Đái tháo nhạt là bệnh gì?

Đái tháo nhạt là tình trạng rối loạn khả năng cân bằng nước trong cơ thể. Thận của bệnh nhân không còn khả năng giữ nước, gây ra triệu chứng tiểu nhiều. Vì vậy, bệnh nhân sẽ trở nên khát nước, muốn uống nhiều nước hơn, nước tiểu loãng hơn. Nếu bị đái tháo nhạt, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng mất nước. Khi đó, nồng độ Natri và Kali trong máu trở nên mất cân bằng, tăng cao.

Đái tháo nhạt là bệnh ít gặp, tỷ lệ mắc bệnh là 1:25000 người. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng chủ yếu xảy ra ở người lớn. Hiện tượng đái tháo nhạt cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn phụ nữ mang thai.

3. Đái tháo nhạt gồm mấy dạng?

a. Đái tháo nhạt trung ương

Đái tháo nhạt trung ương còn được gọi là đái tháo nhạt do thần kinh, xảy ra khi vùng dưới đồi và tuyến yên bị tổn thương, làm giảm sản xuất và bài tiết ADH, giảm lượng ADH lưu hành trong máu. Vì ADH giúp thận cô đặc nước tiểu nên nếu lượng ADH tiết ra ít hơn thì nước tiểu thải ra khỏi cơ thể sẽ nhiều và loãng hơn.

Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân như:

- Chấn thương đầu;

- U lành tính hoặc u ác tính trong não hoặc tuyến yên;

- Phẫu thuật não xung quanh tuyến yên hay vùng dưới đồi;

- Mắc bệnh thiếu oxy não hoặc thiếu máu não nặng;

- Đái tháo nhạt vô căn (các tế bào vùng dưới đồi bị tổn thương và dừng sản xuất ADH) do bệnh tự miễn gây ra;

- Các bệnh nhiễm trùng: Viêm não và viêm màng não;

- Gan nhiễm mỡ cấp ở người có thai;

- Di truyền (hiếm gặp).

Nếu đái tháo nhạt trung ương do chấn thương đầu hoặc phẫu thuật não, tình trạng này thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, khoảng vài tuần.

b. Đái tháo nhạt do thận

Trong các trường hợp đái tháo nhạt do thận, ADH vẫn được não bài tiết bình thường nhưng thận kháng lại tác dụng của ADH. ADH không thể làm cho thận cô đặc nước tiểu, dẫn đến hiện tượng cơ thể thải ra lượng lớn nước tiểu bị pha loãng (đa niệu), bệnh nhân khát nước và uống nhiều nước (chứng uống nhiều).

Đái tháo nhạt do thận rất hiếm gặp. Những nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:

- Nguyên nhân gây khiếm khuyết có thể do di truyền hoặc mắc phải sau khi bị bệnh thận mạn tính (như viêm thận bể thận mạn, bệnh thận đa nang...).

- Ngoài ra, một số thuốc như lithium (điều trị bệnh tâm thần), tetracycline (kháng sinh), methoxyflurane (thuốc gây mê), colchicin (thuốc điều trị bệnh gout)... cũng có thể gây đái tháo nhạt do thận.

- Một số trẻ sơ sinh bị đái tháo nhạt ngay sau khi đẻ thường do nguyên nhân di truyền gây biến đổi vĩnh viễn khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Gen gây bệnh có liên quan đến nhiễm sắc thể Y nên bệnh thường chỉ xảy ra ở trẻ trai.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường là gì, triệu chứng ra sao?

c. Bệnh đái tháo nhạt thai kỳ

Là một tình trạng hiếm gặp, gây ra bởi sự tăng nồng độ cao và hoạt động của cystine aminopeptidase nhau thai (oxytocinase hoặc vasopressinase) trong thai kỳ.

Sự phá hủy nhanh chóng vasopressin dẫn đến đái tháo nhạt với đa niệu và kích thích khát thứ phát dẫn đến uống nhiều. Do vasopressinase trong tuần hoàn, vì vậy nồng độ vasopressin huyết tương thường không thể đo được.

4. Triệu chứng đái tháo nhạt là gì?

- Tiểu nhiều, 3 - 20 lít/ngày, có thể lên tới 40 lít/ngày;

- Tiểu thường xuyên, thường cách nửa tiếng một lần trong cả ngày;

- Thức dậy thường xuyên vào ban đêm để đi tiểu;

- Cảm thấy khát dù uống nhiều nước, đặc biệt là nước lạnh;

- Mất nước, nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân không uống đủ nước để bù vào lượng nước bị mất qua nước tiểu. Triệu chứng của mất nước gồm đau đầu, khô miệng lưỡi, khô da, chóng mặt, choáng, chuột rút, lơ mơ, bất tỉnh;

- Mệt mỏi và giảm tập trung do thiếu ngủ vì phải thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm;

- Trẻ mắc đái tháo nhạt thường quấy khóc, khó dỗ, tiểu dầm vào ban đêm, tiểu không tự chủ vào ban ngày, chậm phát triển, chán ăn, thiếu cân và mệt mỏi.

5. Chẩn đoán đái tháo nhạt bằng cách nào?

- Khám lâm sàng: Dựa trên triệu chứng lâm sàng hoặc sau khi bệnh nhân vừa bị chấn thương đầu, trải qua một ca phẫu thuật não;

- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Nồng độ Kali và Natri trong máu có thể tăng cao khi bị đái tháo nhạt; lượng đường (glucose) trong máu và nước tiểu cần được kiểm tra để loại trừ đái tháo đường;

- Nghiệm pháp nhịn nước: Bệnh nhân không được uống nước hay truyền dịch trong khoảng 6 - 8 giờ để đo lượng nước tiểu. Nếu cơ thể hoạt động bình thường, lượng nước tiểu sẽ giảm xuống khi không uống nước trong một khoảng thời gian dài. Với người mắc bệnh đái tháo nhạt, lượng nước tiểu hầu như không thay đổi;

- Nghiệm pháp sử dụng hormone kháng lợi niệu: Sau khi áp dụng nghiệm pháp nhịn nước, bệnh nhân được tiêm hoặc uống thuốc tương tự ADH. Với người mắc đái tháo nhạt trung ương, lượng nước tiểu sẽ giảm xuống sau khi dùng thuốc vì thuốc đã thay thế lượng ADH đang thiếu trong cơ thể. Với trường hợp bị đái tháo nhạt do thận, lượng nước tiểu không thay đổi hoặc chỉ giảm một lượng rất ít;

- Xét nghiệm khác: Được áp dụng để tìm nguyên nhân đái tháo nhạt. Chụp MRI não có thể được thực hiện để tìm tổn thương não và tuyến yên.

6. Điều trị bệnh đái tháo nhạt ra sao?

a. Điều trị đái tháo nhạt trung ương

Điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh: Nếu nguyên nhân gây đái tháo nhạt là xuất hiện khối u tại vùng hạ đồi hay tuyến yên, bệnh nhân sẽ được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp;

- Kiểm soát lượng nước uống: Bệnh nhân mắc đái tháo nhạt nhẹ có thể uống đủ lượng nước để giải tỏa cơn khát và giữ nồng độ điện giải trong máu ổn định, kết hợp với theo dõi nồng độ điện giải trong máu;

- Sử dụng Desmopressin: Có tác dụng tương tự như ADH, dùng qua đường nhỏ mũi, xịt mũi hoặc đường uống, dùng 1 - 3 lần/ngày theo liều lượng mà bác sĩ quyết định.

Các trường hợp đái tháo nhạt do chấn thương đầu hay phẫu thuật não chỉ cần điều trị trong vài tuần. Với những nguyên nhân khác, việc điều trị đái tháo nhạt có thể kéo dài đến suốt đời.

Xem thêm: Làm sao để tiền đái tháo đường không tiến triển thành đái tháo đường?

b. Điều trị đái tháo nhạt do thận

- Đổi thuốc theo lời khuyên của bác sĩ nếu nguyên nhân đái tháo nhạt do thận là do tác dụng phụ của một vài loại thuốc như lithium.

- Bệnh nhân đái tháo nhạt do thận mức độ nhẹ có thể uống thật nhiều nước để tránh tình trạng mất nước. Đồng thời, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn để giảm lượng nước tiểu như ăn ít muối, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đạm (thịt, cá, trứng,...).

- Bệnh nhân đái tháo nhạt do thận mức độ nặng có thể điều trị bằng thuốc hydroclorothiazid để giảm lượng nước tiểu do thận thải ra.

7. Phân biệt đái tháo nhạt với bệnh khác

Các xét nghiệm và biểu hiện lâm sàng sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán phân biệt đái tháo nhạt với các bệnh:

- Đái tháo đường: Vì bệnh nhân cũng có triệu chứng đái nhiều, khát, uống nhiều. Chỉ cần xét nghiệm đường máu là có thể chẩn đoán phân biệt dễ dàng. Trong bệnh đái tháo đường thì tỉ trọng nước tiểu và áp lực thẩm thấu niệu bình thường.

- Chứng cuồng uống (uống nhiều do tâm thần: Potomanie): Do bệnh nhân có thói quen uống nhiều nước gây tiểu nhiều. Các xét nghiệm cũng có tỉ trọng nước tiểu thấp, ALTT niệu thấp. Chẩn đoán phân biệt dựa vào nghiệm pháp hạn chế nước có đáp ứng tốt.

- Dùng thuốc lợi tiểu thẩm thấu như Manitol: Bệnh nhân đã và đang dùng lợi tiểu.

8. Lưu ý liên quan đến đái tháo nhạt

- Bệnh nhân bị đái tháo nhạt kèm tiêu chảy, nôn ói cần uống nhiều nước để tránh mất nước.

- Chú ý để không bị thừa nước khi uống nhiều nước hơn lượng nước thải ra ngoài vì thừa nước có thể làm rối loạn nồng độ điện giải trong cơ thể, đặc biệt là hạ Natri. Những dấu hiệu khi cơ thể bị thừa nước, hạ Natri máu gồm đau đầu, tăng cân, chóng mặt, mệt mỏi, lơ mơ hay thậm chí là co giật, mất nhận thức.

Bệnh đái tháo nhạt có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh như tiểu nhiều, khát nước nhiều, mất nước, mệt mỏi,... tốt nhất bệnh nhân nên sớm đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị tích cực, hiệu quả.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X