Biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt
Đái tháo nhạt là bệnh lý gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của bệnh nhân, tuy nhiên không quá nguy hiểm. Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy là người bệnh uống quá nhiều nước và đi tiểu nhiều lần. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp người bệnh lại phát hiện muộn và phải mất nhiều thời gian để điều trị.
1. Đái tháo nhạt là gì?
Đái tháo nhạt là tình trạng rối loạn khả năng cân bằng nước trong cơ thể. Thận của bệnh nhân không còn khả năng giữ nước, gây ra triệu chứng tiểu nhiều. Vì vậy, bệnh nhân sẽ trở nên khát nước, muốn uống nhiều nước hơn, nước tiểu loãng hơn. Nếu bị đái tháo nhạt, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng mất nước. Khi đó, nồng độ Natri và Kali trong máu trở nên mất cân bằng, tăng cao.
Bệnh đái tháo nhạt thường bắt nguồn từ những nguyên nhân bên ngoài bao gồm đái tháo nhạt thể trung ương do các chấn thương sọ não ảnh hưởng đến tuyến yên, do phẫu thuật hoặc có thể do tác động của căn bệnh ung thư, u não, nhiễm khuẩn mạn tính. Hoặc cũng có thể do nguyên nhân từ thổn thương từ thận gây nên
2. Biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt
a. Đi tiểu nhiều lần
Đi tiểu nhiều lần là triệu chứng quan trọng và dễ nhận biết nhất khi bị đái tháo nhạt. Theo tiêu chuẩn về số lần đi tiểu của một cơ thể khỏe mạnh, thường từ 6 - 8 lần/ngày, mỗi lần khoảng 300ml nước và tổng thể tích nước tiểu thải ra trong ngày không quá 3 lít/ngày.
Khi bị bệnh đái tháo nhạt bạn có thể đi tiểu lên tới 30 - 50 lần mỗi ngày và đi hết 5 - 25 lít/ngày, ở trẻ em là 1 - 2 lít/ngày. Kèm theo đó là nước tiểu có màu trong, nhạt, không đường, không protein trong suốt như nước lã, có tỷ trọng thấp dưới 1.005 (ở cơ thể bình thường là 1.010-1.020) và áp lực thẩm thấu của nước tiểu bị giảm đi dưới 300 mosm/kg
b. Uống nước quá nhiều
Việc đi tiểu quá nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước trầm trọng, tăng áp lực thẩm thấu máu và kích thích trung tâm khát ở vùng dưới đồi đạo, do vậy bạn cũng sẽ bị khát liên tục. Bệnh nhân luôn ở trong tình trạng khát nước liên tục, phải uống nước cả ngày lẫn đêm mà vẫn không giảm cơn khát.
Bình thường bạn chỉ cần uống 2 - 3 lít nước mỗi ngày, nhưng khi bị đái tháo nhạt mỗi ngày bạn có thể uống 6 - 8 lít nước mà vẫn thấy khát. Kèm theo đó là miệng lưỡi lúc nào cũng khô và đặc biệt thích uống nước lạnh. Cơn khát sẽ kéo dài hành hạ bạn từ ngày này sang ngày khác, nếu không bổ sung kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ uống bất kì loại nước gì để chống chọi lại với ơn khát đang hoành hành.
c. Biểu hiện khi mới phát bệnh
Ở thời kỳ mới phát, bệnh nhân sẽ không có triệu chứng rõ rệt ngoài khát nước và tiểu nhiều. Riêng trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ mắc bệnh đái tháo nhạt sẽ có biểu hiện khi thay tã thấy rất nặng và ướt liên tục trong ngày, trẻ bị đái dầm, khó ngủ, thường xuyên quấy khóc. Ngoài ra, nếu trẻ có tốc độ tăng trưởng quá chậm hay giảm cân không rõ lý do thì cần tầm soát bệnh đái tháo nhạt.
d. Biện hiện bệnh ở thể nặng
Khi ở thể nặng, người lớn bị bệnh sẽ bị khô da, da xanh sao và ít mồ hôi. Đối với trẻ nhỏ sẽ có các dấu hiệu khác như trẻ không tăng cân, chán ăn, suy dinh dưỡng, sốt cao không rõ nguyên nhân hoặc rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt cũng thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng uống nhiều, tiểu nhiều của bệnh đái tháo đường, bệnh suy thận mạn, uống nhiều do loạn thần kinh chức năng… Vì vậy, bạn cũng nên tham khảo các bệnh này và đến bệnh viện thăm khám để không bị nhầm lẫn.
Xem thêm: Tìm hiểu về bệnh đái tháo nhạt
3. Chẩn đoán đái tháo nhạt
- Khám lâm sàng: Dựa trên triệu chứng lâm sàng hoặc sau khi bệnh nhân vừa bị chấn thương đầu, trải qua một ca phẫu thuật não.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Nồng độ Kali và Natri trong máu có thể tăng cao khi bị đái tháo nhạt; lượng đường (glucose) trong máu và nước tiểu cần được kiểm tra để loại trừ đái tháo đường.
- Nghiệm pháp nhịn nước: Bệnh nhân không được uống nước hay truyền dịch trong khoảng 6 - 8 giờ để đo lượng nước tiểu. Nếu cơ thể hoạt động bình thường, lượng nước tiểu sẽ giảm xuống khi không uống nước trong một khoảng thời gian dài. Với người mắc bệnh đái tháo nhạt, lượng nước tiểu hầu như không thay đổi.
- Nghiệm pháp sử dụng hormone kháng lợi niệu: Sau khi áp dụng nghiệm pháp nhịn nước, bệnh nhân được tiêm hoặc uống thuốc tương tự ADH. Với người mắc đái tháo nhạt trung ương, lượng nước tiểu sẽ giảm xuống sau khi dùng thuốc vì thuốc đã thay thế lượng ADH đang thiếu trong cơ thể. Với trường hợp bị đái tháo nhạt do thận, lượng nước tiểu không thay đổi hoặc chỉ giảm một lượng rất ít.
- Xét nghiệm khác: Được áp dụng để tìm nguyên nhân đái tháo nhạt. Chụp MRI não có thể được thực hiện để tìm tổn thương não và tuyến yên.
4. Đái tháo nhạt có nguy hiểm không?
Bệnh đái tháo nhạt tuy không quá nguy hiểm nhưng một số trường hợp không thể khỏi hẳn, bệnh nhân phải dùng thuốc suốt đời để chữa bệnh. Mỗi người vẫn cần cảnh giác trước nguy cơ mắc bệnh, và biến chứng của bệnh do mất nước và rối loạn điện giải.
Khi cơ thể thải ra một lượng nước tiểu quá nhiều mà không được cung cấp nước trở lại đầy đủ, bệnh nhân có thể mất nước và trụy tim mạch rất nguy hiểm.
Nếu có dấu hiệu tiểu nhiều, khát nước nhiều, bệnh nhân nên đến các khoa nội tiết của bệnh viện, trung tâm y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh và có phương án điều trị kịp thời.
Những bệnh nhân đang điều trị đái tháo nhạt cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ theo chỉ định để đảm bảo hiệu quả chữa trị bệnh tốt nhất.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình