Cúm mùa - căn bệnh “lì lợm” đeo bám con người hàng thế kỷ
Trong khi đại dịch COVID-19 “hoành hành” gây hoang mang cho toàn thế giới, có một “người lạ từng quen” khác đang âm thầm quay trở lại, đó là dịch cúm mùa. Căn bệnh này nguy hiểm như thế nào, nhất là với người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em? Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn từ PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa và BS Trương Hữu Khanh trong bài viết dưới đây.
1. Nguy cơ “đại dịch kép” khi mùa đông cận kề
Các chuyên gia trên thế giới đang lo ngại rằng trong mùa đông sắp tới, cúm mùa và COVID-19 sẽ có khả năng cùng hoành hành. Xin hỏi BS, trong 2 năm đại dịch diễn ra, tỉ lệ mắc bệnh cúm trên thế giới và Việt Nam như thế nào, nó thay đổi ra sao với thời điểm chưa xuất hiện COVID-19?
Ảnh hưởng của cúm mùa lên hệ thống y tế và kinh tế như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19? Và đặc biệt nếu một người mắc cùng lúc cúm mùa và COVID-19 thì gánh nặng sẽ như thế nào ạ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Trong suốt 2 năm nay, đa số người dân đều dành nhiều sự quan tâm đến dịch bệnh COVID-19. Chẳng hạn như cập nhật tin tức về số ca mắc bệnh, tử vong vì COVID-19 mỗi ngày, hoặc trông chờ vào vắc xin phòng ngừa…
Tuy nhiên, một bệnh lý đã diễn ra hàng thế kỷ vẫn hoành hành mỗi năm dường như đã bị bỏ quên, đó là cúm mùa. Mỗi năm, cúm đã cướp đi hơn 500.000 sinh mạng người trên thế giới, khoảng 5 triệu người phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng.
Theo thống kê tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân mắc bệnh cúm nặng phải nhập viện là hơn 270 trong 100.000 người mắc, trong khi đó số ca nhập viện tại Mỹ chỉ khoảng 55 người. Điều này cho thấy, sự đe dọa của cúm mùa với Việt Nam là không hề nhỏ.
Trong khu vực Đông Nam Á, hiện Việt Nam đang đứng đầu về tỷ lệ mắc bệnh cúm. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến cộng đồng, bao gồm kinh tế lẫn xã hội.
Cúm mùa là bệnh lý hằng năm, song nay lại có thêm đại dịch COVID-19, nguy cơ “đại dịch kép” hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh nền. Đây là điều lo ngại của giới chuyên gia trên thế giới trong mùa đông năm nay.
Người bị cúm mùa cũng có những triệu chứng, yếu tố nguy cơ tương tự như COVID-19. Tốc độ lây lan và tỷ lệ tử vong của cúm tương đối thấp hơn so với COVID-19 nhưng điều này còn tùy thuộc vào dân số bị nhiễm.
Nếu chẳng may người lớn tuổi hoặc người bệnh nền mắc cúm mùa trước thì khi mắc COVID-19, hệ quả về sức khỏe sẽ trầm trọng hơn rất nhiều. Bởi khi mắc cúm, sức đề kháng suy giảm và dễ dàng bị tấn công bởi các virus, vi khuẩn, trong đó đáng quan ngại nhất là virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Làm sao để hạn chế thiệt hại về người, xã hội và kinh tế về mức thấp nhất chính là vấn đề mà y bác sĩ ở Việt Nam, cũng như trên thế giới đang phải đối phó.
3 chuyên gia đầu ngành về Nhiễm, Hô hấp, Y học dự phòng tham dự chương trình tư vấn về vấn đề nóng hổi: Cúm mùa và COVID-19 cùng mối nguy "đại dịch kép" trong mùa đông năm nay trên AloBacsi
2. Cúm mùa - căn bệnh “lì lợm” đeo bám con người hàng thế kỷ
Tương tự như COVID-19, cúm được xem là đối thủ “lì lợm” của con người, khi liên tục biến đổi. Nhiều người kỳ vọng, sau nhiều lần biến đổi, virus gây bệnh cúm sẽ ngày càng “lành” hơn. Quan điểm của BS về điều này như thế nào? Hiện nay có bao nhiêu chủng virus cúm?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu so sánh về độ “lì lợm” thì cúm mùa hơn hẳn COVID-19. Bởi COVID-19 chỉ mới xuất hiện trong vòng 2 năm nay, còn cúm thì đã tấn công con người trong hàng thế kỷ qua. Vì vậy, cúm “ghê gớm” hơn COVID-19 rất nhiều.
Virus Corona có khoảng vài dòng và chỉ xuất hiện trên súc vật. Trong khi đó, virus cúm gặp ở tất cả các loài từ động vật trên cạn đến động vật dưới nước, thậm chí là cả động vật sống dưới lòng đất.
Cúm xuất hiện từ rất lâu, các nhà khoa học biết đến cúm từ thời ông Tổ ngành Y - Hippocrates nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thể “đánh bại” virus cúm.
Virus cúm có 4 dòng lây bệnh trên con người, bao gồm: H1N1, H3N2, Cúm B/Victoria và Cúm B/Yamagata. Song, 4 dòng cúm này luôn thay đổi liên tục. Chỉ cần thay đổi nhỏ về mặt cấu trúc của virus thì dù người đã từng mắc cúm trước đó vẫn có thể mắc chủng cúm mới. Hằng năm, cúm mùa gây nên gánh nặng rất lớn đối với các nước ôn đới.
Nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển một loại vắc xin có thể ngừa tất cả các dòng virus cúm nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Bởi cấu trúc của virus cúm liên tục thay đổi nhưng chúng thường quay lại những dòng đã xuất hiện từ nhiều năm trước và hiếm khi xuất hiện dòng mới.
Theo dự đoán, khoảng 10 - 20 năm sau sẽ có một dòng cúm mới tiếp tục tạo nên một trận đại dịch. Chúng ta không còn cách nào khác để đối phó với nguy cơ này ngoài việc tiêm vắc xin ngừa phòng cúm.
Thưa BS, vậy các chủng này xâm nhập vào cơ thể của chúng ta bằng cách nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cúm mùa tấn công rất nhiều đối tượng, trong đó trẻ em và những người lớn tuổi, người có bệnh nền sẽ có nguy cơ rất cao.
Cúm tấn công vào cơ thể tương tự như những loại virus đường hô hấp khác bằng cách lây từ người này sang người khác qua dịch tiết của người mắc bệnh. Tuy nhiên, cúm nguy hiểm hơn COVID-19 bởi thời gian ủ bệnh rất nhanh. Theo đó, khi tấn công vào cơ thể, cúm sẽ tấn công và khiến cho người bệnh tử vong bằng 2 cách sau:
- Virus khiến cho người bệnh bị viêm phổi cấp tính với diễn tiến rất nhanh.
- Người có sẵn các bệnh lý nền (đái tháo đường, cao huyết áp, người có bệnh lý phổi mãn tính) thường có tình trạng miễn dịch kém nên khi mắc cúm sẽ dễ bị bội nhiễm những loại virus hoặc vi khuẩn khác, dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
3. Ai dễ mắc cúm mùa?
Độ tuổi nào và ai là người dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh cúm mùa nhất thưa BS? Và vì sao lại như vậy?
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa trả lời: Virus cúm cũng là một virus đường hô hấp, tương tự như COVID-19, cúm cũng có thể tấn công bất kỳ ai và ở mọi lứa tuổi. Trong đó, trẻ em (< 36 tháng) và người lớn tuổi (> 65 tuổi) là đối tượng có nguy cơ cao hơn, bởi:
- Hệ miễn dịch của trẻ em chưa hoàn thiện.
- Hệ miễn dịch của người già cũng bị “mài mòn” theo thời gian do nhiều tác nhân, thậm chí có thể bao gồm cả COVID-19. Do vậy, hệ thống miễn dịch của họ sẽ dễ bị tấn công bởi virus cúm.
4. Cúm mùa nguy hiểm thế nào với người bệnh nền?
Bệnh nền là nhóm được nhắc đến nhiều nhất trong đại dịch lần này. Được biết BS đã điều trị rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) vậy thì cúm mùa sẽ tác động ra sao đối với đối tượng này.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Theo những nghiên cứu về dịch tễ học, trong đợt cấp COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), khoảng 50% nguyên nhân gây bệnh là do vi sinh vật, trong đó virus cúm chiếm ½.
COPD là một bệnh mãn tính, tiến triển ngày càng nặng khiến cho sức đề kháng của hệ hô hấp bị tổn thương. Đồng thời, việc hút thuốc lá trong thời gian dài cũng làm cho đường thở của bệnh nhân COPD bị viêm, tắc nghẽn và dần bị phá huỷ. Theo đó, người bị COPD sẽ vừa bị suy giảm miễn dịch đường hô hấp, vừa suy giảm miễn dịch toàn cơ thể do những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng làm bệnh nhân teo cơ, suy dinh dưỡng, loãng xương,… Chính vì vậy, người bị COPD rất nhạy cảm với nhiễm trùng, trong đó có virus cúm. Bởi khi virus cúm tấn công người bị COPD làm tình trạng bệnh nhân nặng hơn, tăng tỷ lệ người nhập viện.
Theo số liệu từ Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ tử vong bệnh nhân bị COPD nhập viện có tình trạng suy hô hấp > 50% (tức cứ 2 bệnh nhân nhập viện sẽ có 1 người tử vong). Tỷ lệ này ở bệnh nhân không đặt nội khí quản, không thở máy vào khoảng 15%. Có thể thấy, tỷ lệ tử vong do cúm mùa gây ra cho bệnh nhân COPD “rất khủng khiếp”.
Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại TPHCM trong thời gian qua là khoảng 2,5%, trong khi đó tỷ lệ này ở bệnh nhân COPD đã lên đến 50%. Điều này cho thấy, gánh nặng của nhiễm virus cúm đối với những bệnh nhân bị COPD là cực kỳ trầm trọng.
Không chỉ vậy, cúm mùa tạo điều kiện cho những vi khuẩn thường trú trong người COPD phát triển. Như vậy, các bác sĩ phải điều trị bằng kháng sinh liên tục dẫn đến hiện tượng xuất hiện virus kháng thuốc. Theo thống kê, có khoảng 70 - 80% bệnh bị COPD nặng tái phát nhiều lần trong năm do virus kháng thuốc, thậm chí tử vong.
Thưa BS, vậy còn những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, cúm gây ra những tác động thế nào đối với họ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Người bệng tiểu đường cũng có hệ miễn dịch kém. Theo thời gian, bênh lý tiểu đường sẽ hủy hoại nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ miễn dịch. Do đó, người bệnh nền tiểu đường là một trong những đối tượng có nguy cơ cao diễn tiến nặng nếu mắc bệnh cúm hay COVID-19.
Với những người có sức đề kháng cao, các tác nhân xâm nhập vào đường hô hấp chủ yếu khu trú ở đường hô hấp trên. Ngược lại, đối với người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền (trong đó có tiểu đường), việc ngặn chặn virus ở đường hô hấp trên không còn “vững” nữa. Do đó, virus có thể tấn công xuống đường hô hấp dưới, xâm nhập vào máu và gây ra nhiễm trùng toàn thân, thậm chí là tử vong.
Khi một người khi nhiễm virus cúm, số lượng bạch cầu trong hệ thống miễn dịch giảm đi, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân cũng rất kém, tạo cơ hội cho các tác nhân bùng phát và gây ra nhiễm trùng.
5. Trẻ quay trở lại trường học, nguy cơ mắc cúm mùa ra sao?
Hiện nay trong bối cảnh COVID-19, những người mắc bệnh nền được quan tâm khá nhiều, vậy còn đối tượng trẻ em như thế nào thưa BS, đặc biệt trong bối cảnh trẻ em đang trong quá trình quay trở lại trường.
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong thời gian qua, việc giãn cách xã hội do dịch COVID-10 cũng góp phần không nhỏ trong việc hạn chế sự lây lan của nhiều bệnh đường hô hấp ở trẻ. Bên cạnh đó, nhiều bệnh ở trẻ như RSV, tay chân miệng, thuỷ đậu… cũng giảm đáng kể.
Khi chúng ta bắt đầu hoà nhập lại cuộc sống “bình thường mới”, trẻ em cũng phải trở lại trường học. Khi đó, khả năng trẻ mắc cúm trong trường là rất cao bởi đây là môi trường rất dễ lây lan. Lúc này, cúm mùa có lẽ sẽ là gánh nặng khi trẻ hòa nhập trở lại. Bởi với trẻ em dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi) khi mắc bệnh cúm rất dễ diễn tiến nặng.
Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em bị suyễn hiện nay khá cao, có thể lên đến 10% tùy vào mỗi vùng. Nếu chẳng may trẻ mắc hen suyễn bị virus cúm tấn công sẽ khiến bệnh kéo dài hơn, đồng thời tăng khả năng bội nhiễm. Do vậy, trẻ em là nhóm đối tượng cần được đặc biệt chú ý trong phòng ngừa cúm.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TPHCM, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học Lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM và BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM đã nhận lời tham gia chương trình tư vấn.
Cảm ơn Abbott Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!
Phần 2: Tiêm ngừa cúm trong đại dịch COVID-19: Ngăn chặn nguy cơ “đại dịch kép” khi mùa đông cận kề
Phần 3: Người đã mắc cúm mùa, F0 khỏi bệnh, có nên tiêm vắc xin cúm?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình