Hotline 24/7
08983-08983

Có thể tử vong vì thuốc dán ngoài da

Tuy chỉ là miếng dán ngoài da nhưng nhiều loại thuốc đi thẳng vào mạch máu, nếu dùng sai có thể gây tai biến kích ứng da, ngộ độc và tử vong.

Bà Nguyễn Thị N. (63 tuổi  ở Hà Nội) được đưa đi khám với triệu chứng mắt mờ đột ngột, tim đập nhanh, bí tiểu, khó ngủ... sau khi dùng cao dán chống say xe (dạng miếng dán sau tai). Khi bác sĩ giải thích bà mới biết, loại cao dán này có thành phần là scopolamine 1,5mg/miếng, có tác dụng giảm nhu động ruột, chống nôn. Thuốc có tác dụng phụ là liệt cơ mi mắt, gây dãn đồng tử, do đó làm mờ mắt, không nhìn gần được, tăng nhịp tim, đỏ da, khô miệng, bí tiểu, táo bón, buồn ngủ, ảo giác...

Nhiều người lầm tưởng thuốc dán ngoài da an toàn nên tùy tiện mua sử dụng,
 không ngờ phải nhập viện vì những tai biến nghiêm trọng
 
GS.TS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết, thuốc dán, thuốc bôi ít gây tác dụng phụ nhưng thuốc dán ngấm qua da, vào máu, ảnh hưởng tới toàn thân. Ông đã gặp nhiều bệnh nhân sử dụng các dạng thuốc này trị đau xương khớp không chỉ bị dị ứng tại chỗ mà còn bị nhiễm độc.
PGS.TS Vũ Văn Long, phó  trưởng bộ môn Bào chế, Đại học Dược, Hà  Nội cho biết, dạng thuốc dán thấm qua da cho tác dụng tại chỗ hoặc toàn thân còn được gọi là  hệ điều trị xuyên da có tên viết tắt là  TTS, vì thế sau tên thuốc của dạng thuốc này có chữ TTS. Do cách dùng thuốc đơn giản, chỉ cần dán lên da nên mọi người ít chú ý nghe hướng dẫn của bác sĩ hay đọc hướng dẫn sử dụng thuốc, dễ xảy ra tai biến nguy hiểm. Thuốc tuy dán ngoài da, nhưng lại có tác dụng toàn thân nên vẫn gây tác dụng phụ như dùng thuốc dạng uống hay tiêm.
 
PGS.TS Vũ Văn Long cảnh báo, băng dán ít gây độc cấp tính nhưng một số  loại có thể gây độc nặng nếu dùng quá  liều. Ví dụ, băng dán giảm đau trong ung thư  chứa fentanyl có thể gây khó thở, suy hô  hấp; Salonpas chứa metylsalicylat, mentol, camphor, glycocsali cylat, thymol, trong đó metylsalicylat nếu thấm vào máu sẽ gây độc.
 
Đặc biệt, miếng dán ngừa thai chứa hàm lượng estrogen cao nên có thể gây tác dụng phụ nhiều hơn các loại thuốc khác. Do đó, miếng dán ngừa thai chống chỉ định cho những người bị bệnh máu đông, chứng đau nửa đầu, cao huyết áp, suy gan. Miếng dán giảm đau điều trị các chứng đau mạn tính có tác dụng mạnh có thể dẫn đến tình trạng buồn nôn, đầy bụng, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, trầm uất...

Theo Thúy Nga - Khoa học & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X