Có thể ngăn ngừa mất khối cơ theo tuổi tác hay không, bằng cách nào?
Mất khối cơ theo tuổi tác là một tiến trình tự nhiên, tuy nhiên mất cơ nhanh và nhiều lại là bệnh lý. ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan đưa ra, những nguyên nhân gây mất khối cơ là gì và cách ngăn ngừa mất khối cơ.
1. Mất khối cơ có phải là điều hiển nhiên trong quá trình lão hóa?
Chúng ta thường thấy nhiều người cao tuổi gầy xọp đi, có nhiều cụ ông, cụ bà gần như chỉ có da bọc xương. Đây có phải là một tình trạng hiển nhiên của quá trình lão hóa không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Hai bộ phận quan trọng thiết yếu cho hệ vận động là cơ và xương. Trong đó, xương sẽ phát triển lên đến mật độ xương đỉnh rồi mất dần theo tuổi tác, đặc biệt sau độ tuổi 40.
Khối cơ cũng vậy, có tình trạng tăng dần lúc trẻ, đến khi trưởng thành cơ của chúng ta đạt đỉnh khối cơ và duy trì một thời gian. Cùng với tuổi tác, khối cơ cũng có hiện tượng giảm dần.
Tuy nhiên, hiện tượng mất nhiều cơ đến mức gầy xọp chỉ xảy ra ở một số đối tượng đặc biệt. Trường hợp này là bệnh lý được gọi là “sarcopenia” (thiếu cơ, thiểu cơ, teo cơ).
Nếu vấn đề mất cơ là điều hiển nhiên ở người già thì 100% người lớn tuổi trên 70, 80 tuổi có tình trạng gầy xọp, còn da bọc xương. Tuy nhiên, sự thật chúng ta thấy không phải như thế. Tổ chức Dịch tễ trên Thế giới cho thấy tần suất của bệnh mất cơ chỉ xảy ra từ 5 - 13% đối với người hơn 65 tuổi.
2. Những yếu tố thúc đẩy quá trình mất cơ diễn ra nhanh hơn?
Xin BS cho biết những yếu tố nào khiến quá trình mất khối cơ diễn ra nhanh hơn?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Trước hết, chúng ta biết rằng khối cơ mất dần theo tuổi tác. Nhưng yếu tố bệnh lý có vai trò quan trọng hơn, đó là sự bất thường về nội tiết tố trong cơ thể chúng ta. Một yếu tố nữa hay gặp ở người kém vận động và một số bệnh lý mạn tính có tình trạng viêm sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo cơ, gây ra mất cơ
Nguy cơ cuối cùng của tình trạng mất cơ chính là suy dinh dưỡng. Khi chúng ta thiếu chất protein cũng khiến mất cơ nhanh.
3. Mất khối cơ kéo theo những hệ lụy gì?
Mất khối cơ kéo theo những hệ lụy gì cho sức khỏe, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Cơ giữ cho cơ thể thăng bằng và vận động tốt. Nhưng nếu mất cơ nhiều, nó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu cơ và ta sẽ không giữ thăng bằng tốt, dễ bị té ngã. Khi té ngã, nó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như gãy xương, chấn thương các cơ quan. Và tình trạng yếu cơ này cũng gắn liền với một số bệnh lý như nội tiết, tim mạch. Vì vậy, nó góp phần làm tăng nguy cơ tử vong đối với một người.
4. Có phải những người cao tuổi có thân hình mập mạp thì không bị mất khối cơ?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Ta thấy có một tình trạng tương phản, cơ và xương mất dần theo tuổi, trong khi đó, mỡ sẽ tăng theo độ tuổi.
Ở người lớn tuổi ta có thể đoán được, khối lượng mỡ sẽ nhiều hơn so với người trẻ. Tuy nhiên, ở một số cá nhân đặc biệt, lượng mỡ lại tăng rất nhiều. Nó thâm nhập vào khối cơ và làm giảm tình trạng tạo cơ nhiều hơn nữa.
Đối với bệnh nhân bị béo phì, rối loạn chuyển hóa nội tiết, tình trạng teo cơ xảy ra nhiều hơn. Do đó, ta có tình trạng thiếu cơ xảy ra ở người béo phì. Chúng ta thấy các tổn thương theo sau còn nhiều hơn so với người thiếu cơ không bị béo phì.
5. Việc giảm cân bằng cách nhịn ăn có ảnh hưởng thế nào đến các khối cơ của cơ thể?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Nhiều nhà nghiên cứu thấy khi nhịn ăn để giảm cân, số cân nặng có giảm nhưng tổng lượng cơ giảm đi rất nhiều so với người không nhịn ăn. Do đó, nguy cơ thiếu cơ ở người nhịn ăn rất cao. Nguy cơ tử vong có thể cao hơn ở nhiều nguyên nhân có thể có ở người đó nếu so với người không nhịn ăn.
Chúng ta biết yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh lý thiếu cơ hay mất cơ chính là kém vận động. Đối với bệnh nhân béo phì, cách giảm cân chính là tăng cường vận động để tiêu hao năng lượng và họ cần kết hợp chế độ ăn hợp lý.
Chúng ta cần giảm chất béo, chất ngọt, tăng cường chất rau và protein lên. Nó sẽ giúp quá trình giảm cân đạt kết quả tốt không gây ảnh hưởng đến cơ.
6. Người ăn chay không tiêu thụ đạm động vật thì có phải nguy cơ mất khối cơ sẽ cao hơn không?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Thiếu dinh dưỡng có thể gây ra mất cơ nhưng đó chỉ là một phần. Quan trọng hơn, đó là chế độ vận động. Nếu người ăn chay có chế độ vận động thích hợp và chế độ dinh dưỡng hợp lý thì họ sẽ không mất cơ.
Bản thân người ăn chay phải có chế độ vận động thích hợp ví dụ như đi bộ, tập thái cực quyền ít nhất là 30 phút trong một ngày.
Trong chế độ dinh dưỡng dành cho người ăn chay, chúng ta có một lượng đạm thực vật rất phong phú từ các loại thực phẩm như hạt, đậu hũ, nấm, rong biển, tảo và sữa cùng các chế phẩm của sữa được chấp nhận cho chế độ ăn chay.
7. Nếu một người đã bị mất khối cơ, có cách nào để khôi phục khối cơ trở lại không?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Ở người cao tuổi, có tình trạng mất cơ nhanh. Trước hết, ta cần tìm yếu tố nguy cơ: bệnh nhân này có viêm mãn tính hay không? Thứ hai, bệnh nhân này có chế độ dinh dưỡng hợp lý chưa?
Nếu như người đó có chế độ dinh dưỡng kiêng khem dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thì ta cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và chế độ ăn uống có đầy đủ đạm cho bệnh nhân.
Quan trọng hơn hết, sẽ có những chương trình tập luyện cho bệnh nhân nhằm phát triển khối cơ và đây là điểm mấu chốt để có thể phục hồi được cơ đã mất ở bệnh nhân.
8. Cần làm gì để hạn chế tình trạng mất khối cơ theo tuổi tác?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Để có thể phòng ngừa được vấn đề này, chúng ta cần bảo vệ cơ từ lúc trẻ bằng chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý. Mỗi người không để cho bản thân bị suy dinh dưỡng hay bị béo phì thì đã là kìm hãm tốc độ mất cơ xảy ra theo tuổi tác.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình